Nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp: Lặng lẽ khóc cười cùng nông dân Tây Nam Bộ
Nuôi giữ ước nguyện cầm bút
Nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp tên khai sinh Phạm Ngọc Diệp, sinh năm 1947 ở Thanh Hoá, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970. Năm 1971, ông được tuyển chọn vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam bộ. Hoài bão tuổi thanh xuân của ông đã thành hiện thực. Điểm xuất phát của hoài bão ấy, theo tâm sự của ông, là những câu ca trong một bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Hoàng Nguyễn rất phổ biến thập niên 60 - 70 ở miền Bắc ca ngợi tài nguyên thiên nhiên và vẻ đẹp vùng đất phương Nam: "Miền Nam em dừa nhiều/ Miền Nam em dứa nhiều/ Miền Nam em xoài thơm/ Miền Nam em khoai bùi...".
Trước khi vào Nam, Khuynh Diệp còn theo học khoá 4 Trường Sáng tác của Hội nhà văn ở Quảng Bá, Hà Nội với mong ước theo nghiệp cầm bút. Thế nhưng, ông không được tổ chức phân công về cơ quan văn nghệ hay báo chí mà công tác tại Văn phòng Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, trực tiếp làm thư ký riêng cho Phó Bí thư Thường trực Khu uỷ Nguyễn Thành Thơ, tức ông Mười Thơ. Nghĩa là ước mơ cầm bút của Khuynh Diệp chưa thể thực hiện. Bù lại, nhờ đặc thù công việc, ông lại có điều kiện thường xuyên được tiếp xúc với các vị lãnh đạo cao nhất của khu uỷ cũng như Trung ương Cục miền Nam, tiếp cận nhiều tư liệu và tham dự những sự kiện quan trọng.
Nuôi mãi nguyện vọng cầm bút, cuối cùng Khuynh Diệp cũng thoả ước mơ. Đến gần thời điểm giải phóng miền Nam, ông được các nhà thơ Giang Nam, Hoài Vũ, Viễn Phương xin về công tác tại Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Gia Định. Tuy vậy, việc viết văn của Khuynh Diệp mới ở giai đoạn "thử lửa", vẫn chưa thực sự định hình. Đến năm 1976, hai nhà thơ Giang Nam và Hoài Vũ quyết định chuyển Khuynh Diệp sang báo Văn Nghệ Giải Phóng, sau đó là báo Văn Nghệ, từ đó ông mới chính thức sáng tác thơ, truyện ngắn và lăn lộn viết bút ký.
Đọc sáng tác của Khuynh Diệp từ trong chiến tranh, tôi ấn tượng về một số bài thơ của ông như "Mùa chim gáy", "Vòm trời", "Ô cửa nhà lao", "Về vùng ven", "Kỷ niệm ngoại ô",… Thơ của một cây bút có nền tảng văn hoá, biết lắng nghe hơi thở thiên nhiên, day dứt tình đất tình người và thể hiện niềm lạc quan yêu đời ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Như trong bài "Mùa chim gáy" ông viết năm 1972:
"Ta đã qua nhiều sông nhiều núi
Ở đâu cũng nghe chim gáy rợp trời
Đôi cánh nhỏ bay giữa lòng đất nước
Ta nhớ bạn bè sống ở trăm nơi
Có phải không chim, mùa này lúa chín
Tiếng gáy thân như tiếng gọi trên đồng
Đôi chân nhỏ xem chừng bịn rịn
Ôi mùi rơm phảng phất bờ sông"
Hoặc khi sống, chiến đấu nơi miền đất lạ, đêm đêm từ chiến hào địa đạo nhìn lên bầu trời và lắng nghe tiếng đồng đội, Khuynh Diệp có tứ thơ "Vòm trời" chân thực và gợi cảm, trong ấy có đoạn:
"Đất đen in dấu muôn vì sao
Ngày tuôn nắng chói bờ chiến hào
Tai nghe từng tiếng từ lòng đất
Tim như ngừng đập, lòng nôn nao.
Bỗng trời căng rộng theo tầm pháo
Súng gầm mặt trận, đất chuyển rung
Em yêu, em có vào chiến dịch
Sao tiếng cười lan không trung"
Gắn bó máu thịt với người nông dân miền Tây Nam Bộ
Từ năm 1983, có lẽ vì mối thâm tình với thủ trưởng cũ là ông Mười Thơ, bấy giờ là Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam khoá I, nên Khuynh Diệp đã chuyển công tác sang Hội này và tham gia sáng lập tờ Nông Dân Việt Nam, tiền thân của báo Nông Thôn Ngày Nay. Vốn gắn bó với người nông dân Nam Bộ từ trong chiến tranh, bây giờ Khuynh Diệp lại có điều kiện tiếp cận sâu rộng với nông thôn thời bình, nên ông dành công sức và tâm huyết của mình cho những trang viết về đất và người Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông thường xuyên lặn lội khắp vùng châu thổ, viết nhiều, chủ yếu đăng báo, nhưng ít xuất bản thành sách. Sau 4 tác phẩm "Vòm trời đất lạ" (thơ 1987), "Nỗi đau của đất" (bút ký 2008), "Ngôi nhà thừa kế" (tập truyện ngắn 2010), "Trả nghĩa" (thơ 2011), mới đây ông đã cho ra mắt tác phẩm "Một số vấn đề nông dân và ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long sau năm 1975", do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành.
Đây là công trình biên khảo, nghiên cứu công phu, tập hợp nhiều tư liệu quý giá và thể hiện góc nhìn riêng, khách quan của ông về một vấn đề quan trọng luôn được dư luận quan tâm ở vùng đất trù phú nhưng cũng đầy biến động là miền Tây Nam Bộ. Ở đó không chỉ là lịch sử khẩn hoang mà còn là số phận những người nông dân gắn bó máu thịt với đất đai, có khi mất đất, đánh đổi cả sinh mệnh để chống lại cường quyền hoặc tư duy ấu trĩ để giành lại đất.
Ở đó, bên cạnh tệ nạn cán bộ quan liêu cửa quyền, tham nhũng đất, ăn đất của dân thì có những nhà lãnh đạo dũng cảm tiên phong đi "cởi trói" cho nông dân như ông Chín Cần, Mười Thơ mà hình ảnh đã trở thành huyền thoại!
Tháng 6-2016 có lẽ là thời điểm khó quên đối với nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp. Ngày 15-6, với ký sự "Tâm điểm Đồng Tháp Mười" ông được nhận giải nhì (không có giải nhất) Cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016 có tên "Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam" do báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh tổ chức. Hai ngày sau - 17/6, ông lại có buổi ra mắt tác phẩm mới "Một số vấn đề nông dân và ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long sau năm 1975", cũng là dịp kỷ niệm 40 năm ông chính thức bước vào nghề cầm bút.
Vợ chồng nhà văn Khuynh Diệp xúc động trong ngày vui. |
Trong cuộc hội ngộ đặc biệt này, những nhà văn cùng Khuynh Diệp bước ra từ chiến tranh đã ôn lại nhiều kỷ niệm xúc động. Giáo sư dân tộc học Phan An, người mà sau ngày đất nước thống nhất vẫn còn lưu lạc giữ kho giữa rừng chiến khu, không hề hay biết đã hoà bình, được chính Khuynh Diệp đi "giải vây", kể rằng trước đây có những người nghĩ rằng Khuynh Diệp khó cầm bút được, vì tính tình hồn nhiên, hiếu động, ít sâu lắng, vậy mà càng về sau viết càng hăng càng hay, làm tư liệu rất tốt về đề tài nông thôn Nam Bộ.
Nhà thơ Lê Điệp là người luôn gần gũi và thường xuyên đọc bản thảo của nhà văn Khuynh Diệp, cho biết ông rất quý sự nhiệt tình đối với bạn bè và sự lao động nghề nghiệp nghiêm túc của bạn mình, nhất là những trang ký sự chân thực, xúc động về đời sống cơ cực của nông dân.
Còn nhà báo Cao Xuân Phách và nhà văn Thạch Cương vốn là những đàn anh đi trước, bày tỏ vui mừng trước sự vươn lên không ngừng của Khuynh Diệp trong hoàn cảnh khó khăn bệnh tật và thuỷ chung với nghiệp cầm bút. Nhà văn lão thành Thạch Cương còn cho rằng, công trình "Một số vấn đề nông dân và ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long sau năm 1975" còn có giá trị hơn nhiều luận án tiến sĩ, và đây là tác phẩm mà những người quan tâm đến miền Tây Nam Bộ sẽ phải tìm đọc lâu dài về sau.
Tâm sự về nghề nghiệp và tình cảm đối với người nông dân Nam Bộ, nhà văn- nhà báo Khuynh Diệp thổ lộ: "Dù sáng tác văn học hay viết báo, điều để lại bài học với tôi là cái tâm và cái hậu của người cầm bút. Ngợi ca cái đẹp hay phê phán cái xấu, người cầm bút phải có tâm và có hậu ngay trong bài viết của mình. Đấy chính là đạo đức của nghề.
Tôi nhớ những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ XX, sau khi Nghị quyết 10 của Bộ chính trị "Về đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp" ban hành như sự "cởi trói" đối với nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân hân hoan, nôn nóng "cởi trói" thật lẹ để làm chủ miếng đất của mình sau nhiều năm bị "tập thể hoá".
Sự nôn nóng của nông dân đã dẫn đến những khiếu kiện, thậm chí "biểu tình" tập thể, vì ở nhiều nơi ban quản lý tập đoàn - hợp tác xã cùng chính quyền ở cơ sở cửa quyền, tham nhũng đất đai, ức hiếp nông dân. Là nhà báo của nông dân, tôi không thể đứng ngoài cuộc, phải cất tiếng nói bảo vệ công bằng và lẽ phải.
Thế nhưng, có địa phương gán cho tôi "tội chống lại chính sách kinh tế" (có cáo trạng đàng hoàng) của họ. Tôi đã bị nhà chức trách địa phương "thẩm vấn" nhiều lần. Do mình có chính kiến rõ ràng, quyết bảo vệ nông dân và khẳng định việc làm của mình là đúng, lại được cơ quan chủ quản và chi bộ nơi tôi sinh hoạt là Hội Nông dân Việt Nam bảo vệ nên tôi thoát "vòng lao lý" trong gang tấc. Mình làm việc nghĩa và trung thực, không vụ lợi vì cá nhân thì chẳng có gì phải sợ".
Bước vào tuổi thất thập, bản thân là bệnh binh vì nhiễm chất độc da cam, lại phải cùng vợ chăm sóc một đứa con trai khuyết tật cũng do bị nhiễm dioxin, nhưng bước chân nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp vẫn ngược xuôi đồng ruộng sông nước miền Tây. Đất phương Nam với ông là tình yêu mà cũng là định mệnh, như duyên tình của ông với bà Kim Loan - người phụ nữ Long An suốt đời tận tụy vì chồng vì con!