Nhà văn, nhà báo Phan Quang: Thương nhớ vẫn còn

Thứ Ba, 16/11/2010, 10:00
Nhà văn Phan Quang tiếp tôi trong gian phòng đầy sách, những cuốn sách quý hiếm được ông sưu tập trong suốt cả một đời làm nghề. Trong số đó có nhiều cuốn còn lưu lại bút tích của những người bạn văn một thời vang bóng như Trần Văn Giàu, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Văn Bổng...Dường như, ở tuổi "xưa nay hiếm", những kỷ vật này đối với ông lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Tôi đồ rằng, những nét chữ, những cuốn sách kỷ niệm của bạn bè một thuở là những ký ức đẹp kéo ông trở về với quá khứ, cái thời ông mới bước chân vào nghề báo, nghề văn, đến lúc làm "quan to" và nay, khi ông nghỉ hưu đã bảy, tám năm có lẻ. Bởi vậy, dù đã ở tuổi 83 nhưng chưa một ngày nào ông ngừng viết, ngừng suy nghĩ. Dịch giả của bộ sách nổi tiếng "Nghìn lẻ một đêm" đang ráo riết đọc, sửa chữa từng trang bản thảo của cuốn sách "Thương nhớ vẫn còn" (tái bản) dày gần 600 trang viết về những người ông quý mến, về bè bạn, về những kỷ niệm của một quãng đời ông đã sống, đã cống hiến.

Nhà văn, nhà báo Phan Quang sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị. Ông bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1945, rồi chuyển qua làm báo Cứu Quốc, báo Nhân Dân, là Tổng biên tập của tạp chí Người làm báo, chủ nhiệm tuần báo Nhà báo và Công luận. Rồi ông lần lượt nắm giữ các chức vụ quan trọng  như: Thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội các khóa 8, 9 và 10, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong một tự bạch, nhà báo Phan Quang tâm sự rằng, ước mơ của ông là được theo con đường văn chương, nhưng Cách mạng lại giao cho ông công việc làm báo. Rồi dần dà, ông nhận ra rằng, công việc ông làm hàng ngày, dù nhỏ bé cũng có ích cho đất nước, cho dân tộc. Khi trưởng thành trong nghề báo và có "cốt cách" của một người quản lý, nhà báo Phan Quang được người trong giới gọi là "ông quan" làm báo. Ở vai trò là một trong những người cầm cân nảy mực cho ngành báo chí, ngòi bút Phan Quang lại sắc sảo hơn bao giờ hết. Ông "không cưỡi ngựa xem hoa mà xuống ngựa, không phải chỉ để xem "lục béo, hồng gầy", ong mai bướm tối thế nào mà còn để tìm hiểu, ghi chép về gốc gác các loài hoa. Ông chịu đi và chịu đọc, chính vì vậy, sách của ông như một tập sử biên niên" - như lời nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên. Nghề báo đối với ông, cũng là một cơ hội may mắn với cuộc đời, vì ngoài việc được đi khắp mọi miền đất nước cũng như nhiều nước trên thế giới, ông còn được gặp gỡ những vị lãnh đạo cao cấp trong nước và quốc tế, được kết bạn với những nhà văn, nhà văn hóa, nhà khoa học nổi tiếng, những người mà theo nhà văn, nhà báo Phan Quang, nhân cách của họ là tấm gương mà không phải bất cứ ai cũng được chứng kiến để học hỏi.

Nhà văn, nhà báo Phan Quang tâm sự rằng, ông được giao du nhiều với các tầng lớp người, nhưng những người bạn thân thiết của ông không phải là ai khác mà chính là các nhà văn, nhà thơ cùng thời. Mỗi người bạn đều là một kho tàng tri thức đáng ngưỡng mộ. Ông kể lại: "Hồi ở tòa báo Cứu quốc Liên khu IV, người hay đến chơi với tôi là nhà thơ Thanh Tịnh. Mỗi lần anh đến, tôi đều mời anh món bánh đúc Nghệ An. Bà chủ nhà ở sát nhà tôi là một chuyên gia làm bánh đúc nổi tiếng vùng quanh thị trấn Đô Lương. Lần đầu mời anh, tôi cũng hơi ngần ngại bởi con người xứ Huế rất sành ẩm thực. Không ngờ anh thích và còn khen ngon. Từ đấy, mỗi lần anh đến chơi là tôi có "lệ" mời anh ăn bánh đúc và uống hai bát nước chè tươi. Sau này, về Hà Nội, có lần tôi chủ trì một cuộc họp báo lớn mời các nhà văn đến, trong đó có Thanh Tịnh và Hoàng Trung Thông. Anh Thông uống xong còn cầm chai lúa mới rót dở, lắc lắc thấy vẫn còn kha khá, anh đút vào túi chiếc đại cán lúc nào cũng có vẻ rộng thùng thình. Thấy vậy, tôi tìm một chai khác còn đầy, nhét luôn vào túi kia cho Thông. Tôi cũng nhờ cô phục vụ lấy cho vài cái túi nhỏ rồi chọn vài miếng giò, vài chiếc nem, một ít thịt quay cho vào cái túi kín đáo đưa riêng cho anh Thanh Tịnh. Nhưng anh không chịu cất đi mà cứ đưa lên tầm mắt ngắm nghía: "Thế là mai mình khỏi phải ra chợ". Tôi hỏi: "Để thức ăn chín qua đêm sợ bị hỏng?". Anh cười, bảo: "Mình có kinh nghiệm, treo ở cửa sổ, ở đó gió thoáng lắm!".

Nhà báo Phan Quang cũng kể lại lần đầu tiên gặp Xuân Diệu: "Tết năm Kỷ Sửu 1949, trời đang rét đậm bỗng dưng hửng nắng và ấm dần. Cánh nhà báo, nhà văn làm việc ở báo Cứu Quốc được ngày rỗi rãi rủ nhau đi chợ Sim chơi để ngồi quán nước nhấm nháp thỏi bánh chè lam, uống chén chè tươi bốc khói. Mọi người đã lục tục kéo đến sân ngôi nhà lớn nhất xóm, nơi đặt tòa soạn. Chờ mãi, vẫn thiếu một người: Nhà thơ Xuân Diệu. Tôi là đứa trẻ nhất trong bọn. Lần đầu được du xuân với các bậc đàn anh mình hằng ngưỡng mộ, tôi sốt ruột hơn cả. Chị vợ nhà thơ Chế Lan Viên cười tủm tỉm: "Đi đâu có anh Xuân Diệu, thế nào chẳng phải chờ. Anh ấy còn trang điểm chán". Khá lâu sau, Xuân Diệu mới xuất hiện, rất bảnh bao. Mái tóc bồng bềnh uốn lượn rủ một cách cố tình xuống vầng trán mà Thế Lữ từng ngợi ca trong Lời giới thiệu tập "Thơ thơ" xuất bản lần đầu, mái tóc đen dày sáng nay còn hơn mọi sáng được chải rất cẩn thận và bôi lượt sáp mỏng.

Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ trong giờ phút thực nhất của anh: Xuân Diệu đẹp về ngoại hình, trau chuốt trong trang phục, dù khi nói chuyện thỉnh thoảng vẫn có phút ngập ngừng: Anh đang vượt qua chút tật nói lắp bẩm sinh. Lần khác, nhiều năm sau, khi tôi có việc đến tòa soạn sớm (ở phố Hàng Trống), chợt nhìn thấy nhà thơ đội chiếc mũ lá màu cỏ úa, kiểu mũ thuộc địa rộng vành, áo sơ mi, quần xắn ống thấp ống cao, đi chân đất tất tưởi bước vào cổng. Chị thường trực ngơ ngác chẳng biết ai, tôi vội chạy ra mời nhà thơ nổi tiếng vào phòng khách. Ông đến lấy nhuận bút. Lúc đó còn sớm, sợ chị em văn phòng chưa đến, tôi định khất anh lần sau sẽ cho người mang đến nhưng anh bảo sẽ đợi. Thấy trán anh nhễ nhại mồ hôi, tôi mời nước anh và hỏi vui: "Trông anh giống lão nông tri điền vất vả quá". Lúc đó, Xuân Diệu mới trỏ vào ngực tôi, bảo: "Phan Quang còn trẻ, chưa biết đấy thôi. Sau tuổi năm mươi chúng ta sẽ phải giành giật lấy cuộc sống từng ngày. Còn quá nhiều việc phải làm mà quỹ thời gian thật eo hẹp. Ngày nào cũng vậy, sáng tinh mơ mình từ nhà chạy về đây, vòng một lượt quanh bờ hồ rồi trở lại, đến Câu lạc bộ Ba Đình tập tiếp, sau đó mới về ăn sáng và ngồi vào bàn. Đến trạc tuổi mình, Phan Quang sẽ thấy". Một thời gian sau, nhà thơ Xuân Diệu từ trần.

Kể về những người bạn đã trở về với cõi vĩnh hằng, giọng nhà văn Phan Quang như chùng lại. Rồi ông đọc hai câu thơ của Charles Beaudelaire được làm đề từ cho tập sách viết về bè bạn "Tôi có quá nhiều kỷ niệm/ Như thể đã sống cả ngàn năm". Ông bảo rằng, sống chết là quy luật của số phận, nhưng chỉ khi các nhà văn đã ra đi, lịch sử mới nhìn nhận họ một cách đúng nhất. Các nhà văn, các nhà văn hóa có thể họ có tật, nhưng tài năng, nhân cách của họ đã choán lấy cả một chặng đường lịch sử. Bản thân ông, khi đã 83 tuổi, cái tuổi có quyền nhìn nhận và đánh giá một chặng đường mình đã sống, ông khẳng định rằng, suốt một đời say mê với nghề, nhưng ông không coi báo chí là nấc thang để tiến lên đài danh vọng. Dù đã mấy chục năm viết báo, nhưng cho đến nay, khi cầm bút để viết một bài báo dù ngắn, dù dài, ông vẫn phải phấn đấu với danh hiệu mà mọi người vẫn gọi "nhà báo lão thành". Bởi trên thực tế, con đường ông đã đi qua ấy, không phải điều gì cũng phẳng lặng, tròn trĩnh. Chỉ có điều, những sự vấp váp ấy không phải thuộc về nhân cách người viết. Vấp váp về nhân cách thì khó có thể gỡ được, dù rằng cuộc đời có thể làm lại từ đầu.

Tôi hỏi ông: "Nếu tách bạch hai thứ: Một nhà báo, một nhà văn trong con người Phan Quang, ông sẽ chọn nửa nào?". Ông cười: "Ngày tôi chưa vào nghề báo, tôi cũng thích được trở thành nhà văn. Tôi từng nghĩ, sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, tôi sẽ có dịp thực hiện đam mê của mình là văn học. Nhưng không ngờ, duyên nợ với nghề báo lại khiến tôi yêu đến thế. Trong quá trình làm báo, tôi vẫn viết văn như một bản năng, nhưng không hề quan niệm nghề báo là nghề tay phải và nghề văn là nghề tay trái vì đã làm nghề gì thì phải nhất nhất toàn tâm toàn ý, phải làm cả hai tay. Cũng nhiều người hỏi, sau khi thôi làm báo, tôi có trở lại với văn chương không, nhưng tôi trả lời muộn rồi, muộn mất rồi!".

Với hai bộ sách dịch nổi tiếng dày tới 3.000 trang "Nghìn lẻ một đêm", "Nghìn lẻ một ngày", dù nhà văn, dịch giả Phan Quang khiêm tốn tự nhận mình chỉ là một dịch giả nghiệp dư, vì niềm say mê từ thuở ấu thơ mà cầm bút, nhưng như thông điệp mà cuốn sách đã mang lại cũng như tâm niệm ông đã ấp ủ, gửi gắm qua những trang văn, những bài báo đủ cho thấy rằng, tài năng, nhân cách và sự lao động nghiêm túc với nghề của nhà báo Phan Quang là một điều đáng để các thế hệ sau học hỏi

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.