Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương: Chuyện làm sách cũng như chuyện đời…

Thứ Tư, 08/10/2008, 09:30
Công trình "Chân dung & Bút tích nhà văn Việt Nam" in khổ lớn, trình bày đẹp, dày tới 516 trang do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành đã ra mắt bạn đọc vào những ngày đầu thu này. Lý ra công trình nên do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành thì... phải đạo hơn. Nhưng các em học sinh phổ thông, các sinh viên khoa học xã hội nhân văn quả cũng rất cần đến một tập biên khảo như thế .

Mỗi nhà văn, nhà thơ được dành 2 trang khổ 20,5 x29cm bao gồm một bức chân dung, một trang bút tích, vài nét tiểu sử văn học, những tác phẩm chính mà nhà văn, nhà thơ ấy đã xuất bản, một đoạn văn xuôi hoặc thơ tâm đắc, và cuối cùng là một vài lời nhận xét của đồng nghiệp. Nhiều hay ít? Đủ hay chưa? Thiết tưởng câu trả lời phụ thuộc "tạng" tiếp nhận, trước hết của chính mỗi nhà văn, nhà thơ.

Vì mới là tập 1, nên hơn một ngàn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mới có 250 nhà văn, nhà thơ góp ảnh, góp bút tích. Ấy thế mà đội ngũ cũng đã đông vui, tấp nập, đủ mặt các thế hệ: Lớp "tiền chiến" có Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Trọng Phụng...

Lớp chống Pháp có Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Bàn Tài Đoàn, Hữu Mai, Hồ Phương… Lớp chống Mỹ có Nguyễn Quang Sáng, Đinh Quang Nhã, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khắc Phục, Trần Nhật Thu, Cảnh Trà, Vương Trọng, Thạch Quỳ… Nhà văn, nhà thơ đã trở thành liệt sĩ có Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý..

Tác giả của công trình biên khảo thú vị này là nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương và vợ ông - nhà giáo Phan Thu Hương. Đã hơn hai chục năm nay, cặp vợ chồng này mải miết, kiên trì làm một công việc hết sức âm thầm: thâu gom, cắt dán để lưu giữ hàng vạn những bài báo theo các chủ đề. Để giữ lấy như thứ tài sản quý báu trong gia đình.

Và để in thành những tập sách chuyên khảo. Tên tuổi Trần Thanh Phương đã 2 lần được đưa vào sách Guiness Việt Nam: Vào năm 2005, ông được ghi tên là người có số lượng bài báo sưu tầm nhiều nhất Việt Nam và mới năm 2007 đây thôi, ông lại bước vào Guiness với quyển sách sưu tầm những bài báo có khổ 0,8x1,2m, nặng 87 kg, gồm hơn ngàn trang với 12.000 bài báo mang một tựa chung "Đất nước tôi".

Trò chuyện với ông Trần Thanh Phương và bà Phan Thu Hương quanh việc gom góp, sưu tầm, biên soạn công trình "Chân dung & Bút tích Nhà văn Việt Nam" thật lý thú. Cũng đủ hỷ nộ ái ố như chuyện đời chứ đâu phải chỉ là chuyện giấy má bút mực vì nhà văn, nhà thơ đều là những người cá tính mạnh…

- Khi được mời góp chân dung và bút tích vào tập sách này, liệu có ai từ chối không, thưa ông?

+ Có chứ! Có người phẩy tay khước từ vì coi công việc của vợ chồng tôi như một trò chơi của con trẻ. Có người nhận lời, nhưng khi nhìn vào danh sách lại dè bửu chê nhà văn này, nhà thơ kia mà cũng đưa vào sách à và… từ chối. Số nhiều vì ngại! Đưa một tấm ảnh, viết một dòng bút tích có lâu la gì đâu anh! Mà những nhà thơ, nhà văn nhiệt tình, trân trọng công việc của chúng tôi cũng đông.

- Ông bà  nảy sinh ý định làm công trình này từ bao giờ ?

+ Lâu lắm rồi! Vì vợ chồng tôi vẫn còn nhớ rõ dòng bút tích đầu tiên chúng tôi xin được là của Giáo sư, nhà thơ Phạm Huy Thông, trong chuyến ông vào TP Hồ Chí Minh năm 1976. Ngay từ đầu những năm 1980, khi nhà báo Thép Mới, nhà thơ Chế Lan Viên biết vợ chồng tôi có ý định gom bút tích nhà văn, hai ông đã hết lòng cổ súy, động viên và gửi ngay cho tôi bút tích của mình.

Ban đầu vợ chồng tôi chỉ nảy sinh ý định xin bút tích thôi, đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước mới quyết định làm sách. Vào năm 1989, khi được biết Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào Nam công tác, tôi đến ngay T78 gặp thư ký riêng của Thủ tướng xin được tiếp kiến ông để nhận một dòng bút tích như của một danh nhân văn hóa.

Ngay sáng hôm sau, Thủ tướng dành thời gian tiếp tôi và ghi cho tôi mấy dòng lưu bút. Khi tôi gọi điện ra Hà Nội xin nhà thơ Chính Hữu bút tích, ông mới bị tai biến mạch máu não. Ông viết đúng bốn chữ "Đầu súng trăng treo", ký tên, đề ngày tháng bằng bàn tay run rẩy và theo người nhà cho biết phải mất cả tiếng đồng hồ ông mới viết được ngần ấy chữ…

Nhưng cũng có ông nhà văn làm quan lâu rồi, chắc quen sai thư ký đi bỏ thư, khi bưu điện trao phong bì lưu bút ông gửi cho tôi, phong bì không dán lại và không dán tem nữa; tôi phải trả tiền cước 12 ngàn đồng.

- Công trình này đứng tên cả bà Phan Thu Hương?

+ Thực ra thì công việc nào, cuốn sách nào của tôi, vợ tôi cũng góp công một nửa. Riêng cuốn sách này tôi muốn đặc biệt ghi công vợ tôi vì tình yêu và lòng trân trọng các nhà văn, vì thông cảm và muốn chia sẻ nhọc nhằn với tôi nên đã hết sức kiên trì, nhẫn nại và nhiệt tình trong việc tìm ra địa chỉ các nhà văn; thư từ đi lại nhiều lần để có được một bức ảnh, một dòng lưu bút.

Có nhà văn, nhà thơ vợ tôi viết cả đến chục lá thư tay. Trường hợp xin ảnh và lưu bút của nhà thơ Bàn Tài Đoàn cũng thật đáng nhớ. Chúng tôi chỉ biết cụ  quê ở Nguyên Lộc, Cao Bằng.

Hỏi thăm một nhà văn người Tày thì anh ta bảo cụ mất rồi. Lần mò, tìm kiếm qua nhiều địa chỉ mới hay nhà thơ đã ngoài 80 tuổi, đã vào Đắk Lắk sống với người con trai thứ hai. Theo người con kể lại, khi nhận được thư và ý định của vợ chồng tôi, nhà thơ Bàn Tài Đoàn xúc động lắm.

Trường hợp đối với nhà thơ mệnh yểu Đồng Đức Bốn cũng vậy. Khi ra Bưu điện thành phố nhận tập thơ "Chim mỏ vàng và Hoa cỏ độc" dày cả gang tay, nặng hàng ký do con trai anh gửi vào, vợ chồng tôi muốn trào nước mắt trước tấm tình của bạn hữu đã in cho anh cuốn sách thật đẹp, thật công phu trước khi anh nhắm mắt...

- Ông bà đã bỏ tiền túi ra làm tập sách này sao?

+ Chúng tôi  làm theo kế hoạch A của NXB Giáo dục. Các anh bên ấy hứa trả 25 triệu nhuận bút. Họ mới trao cho 100 cuốn. Vợ tôi mang sách đến từng nhà văn nhà thơ, mong sao bán được phần nào trừ vào khoản tiền chi phí làm sách.

- Ông có thể nói rõ hơn về sự tốn kém để có được một cuốn sách như thế này?

+ Anh biết đấy, vợ chồng tôi sống rất đạm bạc bằng đồng lương hưu. Khi ra Hà Nội để đọc bản thảo, chúng tôi phải thuê khách sạn. 300 ngàn đồng/ngày cũng đáng gọi là thử thách. Đèn trong khách sạn không đủ sáng để vợ chồng tôi đọc bản thảo, phải mua thêm đèn ngoài  và đợi khuya mới dám cắm điện.

Nhưng cả hai vợ chồng vẫn bảo nhau, phải dò từng chữ, từng câu bao giờ thấy yên tâm mới trở vào Nam. Sách viết về các nhà văn và sự nghiệp văn chương của họ mà để sai chữ nghĩa thì người làm sách thật có tội lớn.

Thú thật với anh, lắm lúc cũng muốn tung hê hết vì có quá nhiều khó khăn, thử thách. Mừng nhất là bây giờ sách đã ra rồi…

- Và tập 2, tập 3, tập 4 sẽ được tiếp tục chứ?

+ NXB Giáo dục hứa sẽ ra tập 2 vào cuối năm nay, nhưng bây giờ đã cuối tháng 8 rồi mà chưa thấy bên ấy động tĩnh gì! Vợ chồng tôi yêu mến, trân trọng văn học và công việc lao động sáng tạo của các nhà văn. Rất tha thiết mong các anh các chị cộng tác với chúng tôi trong công việc này!

- Xin cám ơn anh Phương, chị Hương vì cuộc trò chuyện hôm nay

Tô Hoàng(thực hiện)
.
.