Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Trong vắt với trẻ thơ, thẫn thờ cùng người lớn

Thứ Sáu, 03/07/2020, 08:15
Nguyễn Thị Kim Hòa bước vào đường văn bằng những sáng tác dành cho tuổi mới lớn. Là độ tuổi của Hòa khi đó, trên tập san văn chương Áo Trắng.


1.Thời đó đã qua hơn mười năm. Chúng tôi gần như là lứa cuối cùng rộn ràng làm quen với chữ nghĩa qua mặt báo giấy. Những người trẻ thuộc nửa sau 8X hồn nhiên hăm hở điểm tên bạn bè qua các báo như Mực Tím, Áo Trắng, Hoa Học Trò…, qua các cuộc thi sáng tác dành cho lứa tuổi mình. Các bạn 9X về sau không còn không khí này. Phần vì báo giấy thoái trào, nhiều diễn đàn, mạng xã hội lên ngôi. Phần vì chữ không còn giữ được vị thế “linh thiêng và hào hoa” với người trẻ trước sự càn lướt của các loại hình nghe – nhìn thị trường do công nghệ áp tải luôn ở ngang tầm mắt.

Có một thực tế, văn chương tuổi mới lớn nở rộ với thế hệ 7X và 8X, những người nhập cuộc chữ sôi nổi mộng mơ, tưởng có thể ăn nằm với chữ, sống đời ở kiếp với chữ. Nhưng không phải văn chương đón chào tất cả. Đa số chỉ chào chứ không đón. Bởi nhiều người trẻ giậm chân tại chỗ kiểu mãi mãi tuổi hai mươi, cương quyết không chịu lớn. Thời gian trôi, mình già đi mà trang viết vẫn xí muội ô mai si rô đá bào và trong suốt như neo lại ngày cũ. Không bật lên được, đành bỏ đi làm việc khác ích nước lợi nhà hơn.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.

Thế mới biết, với văn chương, xuất phát sớm chưa hẳn đã là ưu thế. Nhiều cây bút viết văn khi đã đẫm đầy chất sống, đã ăn - đủ - dâu - đời nên thả chữ là như nhả - tơ - văn, như vắt cuộc đời, vốn sống mà cô lại nên chững chạc, tạo dấu ấn ngay. Còn viết sớm, quen tay quen mắt dễ ngựa quen đường cũ, đôi khi lại thành bất lợi. Rất nhiều “em là búp măng non” mãi chỉ là búp măng, rồi mất hút, không thể “em lớn lên trong mùa cách – mạng – chữ”.

Thật may, những trang văn của Nguyễn Thị Kim Hòa đã biết lớn lên cùng thân chủ.

2. Băng tác giả trẻ tham dự trại viết Văn nghệ Quân đội năm 2014 tại Đồng Nai hẳn vẫn còn nhớ Nguyễn Thị Kim Hòa. Bởi nửa tháng ở xứ Trấn Biên đó, Hòa ngủ dưới sàn phòng khách sạn và bò ra sàn để viết văn trên giấy bằng tay trái. Cột sống yếu khiến Hòa không thể nằm nệm cũng như ngồi quá lâu gò mình bên bàn. Vậy là, trong khi bạn bè nằm nệm và gõ laptop rào rào thì Hòa dùng cả đầu và sức để vật nhau với chữ. Vậy nên văn chương với Hòa, nặng nhọc theo mọi nghĩa, lao động trí óc và cả lao động chân tay.

Tại đây, truyện ngắn “Nắng quái Tây Nam thành” của Hòa đã thành hình, cùng với 4 truyện khác làm thành chùm 5 truyện ngắn dự thi cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013 – 2014. Có lẽ Nguyễn Thị Kim Hòa là một trong số ít tác giả có số lượng truyện dự thi qua vòng sơ khảo nhiều nhất trong các cuộc thi của tạp chí này từ trước đến nay. Cuộc thi như cuộc chạy marathon và Hòa đã có những bước chạy nước rút, bứt tốc ở đoạn cuối để về Nhất với “Hương thôn dã”, “Đỉnh khói”, “Thôi mùa cỏ cháy” hợp thành thế kiềng ba chân vững chắc, thuyết phục được các bạn văn.

Sự thuyết phục còn được bảo chứng bởi nhận định của nhà văn đàn anh vốn kiệm lời là Nguyễn Bình Phương: “Ở chùm truyện ngắn đoạt giải Nhất của Nguyễn Thị Kim Hòa thì mỗi truyện có một lối khai thác và cách đề cập tới thân phận con người riêng, sâu sắc mà cũng rất dữ dội. Đó là tác giả có kĩ thuật viết rất tốt, nhuần nhuyễn, không khiên cưỡng. Với những điều ấy, tôi nghĩ Ban chung khảo có căn cứ để hi vọng đây là một tác giả có nội lực đi bền bỉ để tiến tới một sự nghiệp chứ không chỉ là một cây bút trẻ của thời của đoạn”.

3. Giờ thì độc giả đã quá quen Nguyễn Thị Kim Hòa. Thậm chí Hòa được biết thuộc số ít người trẻ dấn chữ vào mảng khó là lịch sử, qua hai tập truyện “Đỉnh khói”, “Con chim phụng cuối cùng” và tiểu thuyết “Cửa sổ phía Đông” (Giải Tư cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần VI), với giọng văn mượt mà sắc sảo, giàu liên tưởng, kĩ thuật nhưng vẫn giữ được cảm xúc.

Nhưng chẳng hiểu sao, nhắc đến Nguyễn Thị Kim Hòa, hiện lên trong tôi trước hết lại là các trang viết cho thiếu nhi. Với sáng tác cho người lớn tôi cứ cảm giác Hòa phải vật vã và gắng gượng, thậm chí phải mím môi, lên gân lên cốt trong quá trình tạo sinh con chữ. Còn viết cho thiếu nhi thì không thế, ẩn hiện sau câu chữ một Hòa tự nhiên, thoải mái, như đang nô đùa cùng con trẻ.

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.

Và thật ngẫu nhiên, dù viết cho tuổi mới lớn trước nhưng cuốn sách đầu tay của Nguyễn Thị Kim Hòa lại là truyện vừa thiếu nhi, “Tay chị tay em”. Cuốn sách chưa đến 100 trang in nhưng đủ phác lên một thế giới tuổi thơ trong vắt. Những mẩu chuyện được kể lại, không có dấu vết của người lớn thò mũi vào, như thể Hòa bày chữ cho các em chơi, ở đó các em tự dẫn dắt, tự sắp xếp với nhau,gấp sách lại vẫn thấy thông điệp được Hòa truyền trao rất rõ, rằng: mọi khiếm khuyết cơ thể đều không đáng sợ, chỉ khiếm khuyết tâm hồn mới đáng chê trách.

Lâu nay, mỗi dịp nhắc đến văn học thiếu nhi, người ta vẫn kêu theo quán tính, là mảng này thiếu và yếu. Thiếu và yếu triền miền, từ Rằm Trung thu này đến Rằm Trung thu khác, từ ngày Quốc tế thiếu nhi này qua những ngày Quốc tế thiếu nhi sau. Không cần biết, văn học người lớn cũng đâu khá hơn. Những người kêu nhiều nhất, kêu lớn nhất, lại là người không đọc gì, hoặc có đọc nhưng chẳng xem trẻ con/văn học trẻ con là đối tượng cần quan tâm.

Với tôi, hằng năm vẫn có thể nhặt ra một vài cuốn văn học thiếu nhi ở diện luôn xứng đáng hiện diện trên kệ sách. Đó là những cuốn sách bán hết 2.000 – 3.000 bản nên được tái bản, thậm chí được đầu tư mĩ thuật công phu để hút độc giả tốt hơn, chứ không phải xuất hiện kiểu một đi không trở lại. Có lẽ, trong khi chờ người đọc xếp hạng thì chính đơn vị xuất bản nên mạnh dạn xếp hạng và có trách nhiệm với sự thẩm định, xếp hạng của mình, tránh để các tác phẩm rơi vào cùng một ao, cá mè một lứa.

Và nếu được chọn tác phẩm văn học thiếu nhi vài năm gần đây vượt lên hẳn một lứa cá mè chung, tôi sẽ mỉm cười với “Tay chị, tay em” và “Cút cà cút kít”của Nguyễn Thị Kim Hòa. Bên cạnh đó, Hòa còn có các tác phẩm khác, dễ thương, vui nhộn, tinh tế và đầy trẻ thơ, như “Leng keng Noel”, “Công chúa chăn cừu”, “Chuyện kể ở lớp Cây me”.

Cái duyên của Hòa với văn học thiếu nhi còn ở giải Nhất cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức qua truyện ngắn “Hoàng tử Rơm” năm 2015.

4. Nhìn giải thưởng và những cuốn sách của Nguyễn Thị Kim Hòa nối tiếp lên kệ, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đường văn của Hòa hanh thông lắm. Hóa ra không. Đường đến với văn chương của Hòa cũng vòng vèo, nhiều thử thách.

Trước thềm kì thi đại học, trận ốm đã chặn đường Nguyễn Thị Kim Hòa đến với Khoa Báo chí của trường Khoa học Xã hội & Nhân văn. Hòa đành phải vào Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại theo suất tuyển thẳng dành cho học sinh đoạt giải Khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn. Sau ba năm học và một năm ngược xuôi thử việc, Sài Gòn không giữ được chân Hòa, bởi sức khỏe không cho phép.

Một mình trên chuyến “Tàu về quê hương”, tâm trạng Hòa không háo hức được như bản nhạc của nhạc sĩ Hồng Vân – Trần Quý. Vấn đề sức khỏe vẫn là trở lực, ngăn cản Hòa hòa mình vào với xã hội quê nhà Phan Rang, Ninh Thuận. Nhưng gõ mãi rồi cửa cũng mở. Chính xác hơn là Hòa tự mở cửa cho mình, khi mọi hướng gần như bít lại. Cánh cửa đó là lớp dạy Tiếng Anh cho các bạn nhỏ tại nhà.

Bao lứa học trò lớn lên. Rời ngôi nhà trong hẻm quanh co đường Cao Thắng gần sông Dinh. Chỉ những câu chuyện và ánh mắt các em là ở lại. Nguyễn Thị Kim Hòa thì vẫn ở đấy, với những lớp dạy ban ngày và trang văn ban đêm, với những câu chuyện thiếu nhi lấy cảm hứng từ chính các học trò.

5. Chín năm mười lăm cuốn sách, người khỏe mạnh không phải ai cũng làm được, nhưng đó là thành quả của Nguyễn Thị Kim Hòa với sức khỏe bằng 1/2 bạn bè trang lứa. Quan trọng hơn, mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn riêng, không phải lấy số lượng át chất lượng.

Tôi từng ấn tượng với cách dịch giả Nguyễn Bích Lan lấy chữ đè thắng khó khăn, số phận. Và sau Nguyễn Bích Lan là Nguyễn Thị Kim Hòa. Cả hai đều đầy tự trọng, sòng phẳng trước chữ, trước trang giấy, không lấy khó khăn bản thân làm bệ đỡ mở đường cho chữ tiến bước.

Giờ đây, ở nơi “Gió như Phang, nắng như Rang”, chỉ có cừu, cát và nho, Nguyễn Thị Kim Hòa vẫn chiến đấu như một chiến binh, giữa bộn bề cuộc sống vẫn giữ được mạch chảy cho những trang văn, thứ văn trong vắt với trẻ thơ và thẫn thờ cùng người lớn.

Văn Thành Lê
.
.