Nhà thơ Lê Đình Cánh: Văn chương chính là đời sống không phải là ngôn từ

Thứ Năm, 09/06/2016, 15:01
Khi nhà thơ Lê Đình Cánh tốt nghiệp Khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm thì cũng là lúc chiến tranh lan ra cả miền Bắc. Hưởng ứng phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, từ năm 1965 đến 1969, ông được Bộ Giáo dục cử sang Trung ương Đoàn. Rồi từ Trung ương Đoàn, ông đương nhiên trở thành thanh niên xung phong thời chiến do Bộ tư lệnh tiền phương quản với nhiệm vụ chính: Dạy văn hóa phổ thông ở Tây Trường Sơn (địa bàn hoạt động chính ở Quảng Bình, Quảng Trị). 


Công việc của những nhà giáo – chiến sĩ thật vất vả, gian nan và đầy những trắc trở không lường hết được. Họ phải hoạt động đều theo địa bàn chiến trường và theo dấu chân người lính. Tuy mang tiếng là lực lượng dân - chính - đảng, không trực tiếp chiến đấu, nhưng họ vẫn được trang bị súng CKC và những quả lựu đạn.

Từng là lính đi B, lính chiến một thời gian trước 1975 nên tôi luôn có sự cảm thông, chia sẻ với Lê Đình Cánh. Tôi càng cảm thông và chia sẻ hơn khi nghe Lê Đình Cánh tâm sự: “Hồi ấy, chúng tôi luôn “đi không dấu, nấu không khói”, tất cả cứ là phải bí mật tuyệt đối. Và trong những cuộc chuyển quân âm thầm như thế, trong đầu chúng tôi luôn tâm niệm: Một là “xanh cỏ”, hai là “đỏ ngực”. “Xanh cỏ” chính là biểu hiện của sự hy sinh đến tận cùng. Còn “đỏ ngực” chính là biểu hiện của sự cống hiến (giành huy chương, huân chương chiến công), cũng đến tận cùng”.

Tất nhiên, đây không chỉ là tâm niệm của riêng Lê Đình Cánh và những đồng đội của ông, mà còn của cả một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, là tâm thế của thanh niên thời đại lúc bấy giờ.

Nhà thơ Lê Đình Cánh và bìa một tập thơ của ông.

Vốn là người có chí, nên mặc dù trong những năm tháng hiểm nghèo như thế, hễ  lúc rảnh rỗi là Lê Đình Cánh vẫn âm thầm tự bồi bổ kiến thức, tự nâng cao kiến thức cho mình bằng cách tự học thêm chương trình trên đại học qua những cuốn giáo trình mà ông có ý thức mang theo khi tạm xa rời quê hương. Ông bảo: “Đấy là một cách tiết kiệm thời gian và đấy cũng là cách tự rèn luyện mình một cách nỗ lực nhất”.

 Cũng khoảng thời gian này, bản năng thơ, tâm hồn thơ đã trỗi dậy trong con người thơ Lê Đình Cánh. Ông đã say mê viết vài chục bài thơ đầu đời trong sổ tay của mình theo kiểu tự phát. Nhưng rồi có một ngày, cuốn sổ tay này cũng không thoát khỏi sự hủy hoại của “hòn tên mũi đạn”. Nó bị bom na pan thiêu rụi. Hậu quả này đã khiến Lê Đình Cánh tiếc ngẩn tiếc ngơ vài tháng liền. Ông bảo: “Chúng có thể là thơ hoặc chưa hoàn toàn là thơ. Chúng có thể chưa đạt được như mong muốn của tôi. Nhưng chúng là những kỷ niệm máu thịt một đi không trở lại của tôi”.

Nhưng trong cái rủi vẫn có cái may. Có một bài thơ trong cuốn sổ tay ấy đã được một người lính chép lại tự bao giờ và anh đã chuyền tay cho một số người lính khác cùng đọc. Rồi bản thảo bài thơ “Giọng hò Thanh Hóa” của Lê Đình Cánh đã đến được tay nhà thơ Mai Ngọc Thanh và lần đầu tiên, nó được đăng trên Tạp chí Xứ Thanh vào giữa năm 1968.

Vì là người có khả năng sáng tác nên sau khi rời thanh niên xung phong, Lê Đình Cánh trở thành biên tập viên văn học Nhà xuất bản Thanh niên (1969 – 1973), biên tập viên chương trình Tiếng thơ của Phòng Văn học - Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam (từ 1973 cho đến khi nghỉ hưu).

Tôi gặp Lê Đình Cánh lần đầu vào năm 1984, khi ông đang phụ trách Phòng Văn học thiếu nhi. Tôi nhận ra ông là người chân tình, cởi mở, dễ gần. Nhớ có lần tôi đọc cho ông nghe một đứa con tinh thần của mình mới viết mang tên “Đồ chơi – đồ thật”: “Con lợn kêu bính boong/ Con mèo kêu chút chít/ Lợn đâu phải là chuông?/ Mèo đâu phải là chuột?/ Nhưng đấy là đồ chơi/ Có phải đâu đồ thật/ Sao trong cuộc sống này/ Giữa bao nhiêu tất bật/ Mèo không kêu giọng chuột/ Lợn không ngân giọng chuông?”, vào chính lúc bài thơ đang bí ở câu kết, ông bất ngờ thêm cho tôi hai câu kết đủ để thâu tóm một tứ thơ: “Đồ chơi khác đồ thật!/ Đồ thật khác đồ chơi”.

Tôi gật gù và tâm phục, khẩu phục ông ngay. Còn con trai tôi là Đặng Chân Nhân, lúc 9 tuổi đã viết bài thơ “Cùng chơi”: “Cùng chơi cùng chơi/ Các bạn cùng chơi/ Chúng tôi cùng chơi/ Nếu bỏ một bạn/ Bạn ấy khóc nhè/ Phải làm thế nào/ Cho bạn ấy tươi?/ Tớ đã có cách/ Muốn bạn hết khóc/ Phải làm trò vui/ Cho bạn ấy cười/ Cuối cùng bạn ấy/ Cũng phải cười thôi/ Và bạn ấy cười/ Phải đến một phút”.

Đọc xong, ông nhận xét: “Thằng bé này khá! Với bất kỳ một cuộc vui nào, cũng không được phép để một người buồn. Một người buồn sẽ làm hỏng cuộc vui. Đây là một tứ thơ đáng chú ý”. Điều này cho thấy: Lê Đình Cánh tinh thông, chuyên nghiệp trong khâu biên tập, cảm nhận qua từng tác phẩm cụ thể và hay quan tâm đến bạn viết.

Cho dù gặp Lê Đình Cánh hơi muộn, nhưng trước đó, cũng giống như nhiều người yêu thơ, làm thơ… tôi đã biết bài thơ “Mẹ ra Hà Nội” trong chùm thơ đoạt giải nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1976 của ông. Tôi nhớ nhất hai câu nói rất “trúng” cách hành xử của một bà lão lần đầu tiên từ nông thôn ra thành phố trong bài thơ này: “Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”.

Tôi nhớ cả những câu thơ rất ấn tượng về tình yêu của Chí Phèo – Thị Nở trong “Trăng nở nụ cười” (giải ba cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1990): “Ả ngớ ngẩn. Gã khùng điên/ Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người/ Vườn suông trăng nở nụ cười/ Phút giây tan chảy vàng mười trong nhau”. Cũng ở đề tài tình yêu, trong “Chợ tình”, ông viết: “Chợ tình xa mấy cũng đi/ Rơm khô tự cháy trước khi lửa kề/ Tình yêu như thể chơi đề/ Đợi con độc đắc lại về trắng tay”.

Ông bảo: “Người làm thơ phải là người hết sức bình tĩnh. Khi viết thì cứ viết hết mình, đừng nên nghĩ ngay đến việc bài thơ sẽ đăng ở báo nào và viết như thế này, liệu có báo nào chấp nhận không? Người viết cũng không nên viết những gì ở ngoài mình, hãy cứ đúng mình mà viết. Tôi từng có hai bài thơ “Quán Sứ bên này” và “Phố Hỏa Lò” rất khó đăng.

Phải sau nhiều năm, Báo Độc lập (tờ báo của Đảng Dân chủ, tồn tại một thời gian dài trước thời Đổi mới) do nhà thơ Ngô Quân Miện làm Tổng biên tập mới mạnh dạn ô kê”. Bài thơ có 4 câu mở: “Chùa Quán Sứ. Bệnh viện K/ Nằm kề hai phía nhà pha Hỏa Lò/ Nơi vô lo. Chốn đang lo/ Các nơi thiện ác giằng co con người” và một câu kết rất đáng nhớ đến day dứt dưới hình thức một câu hỏi: “Còn tôi, Quán Sứ bên này/ Nhìn sao thấu bức tường dày bên kia?”.

Trong bài “Phố Hỏa Lò”, ông viết: “Thủ đô có phố Hỏa Lò/ Ai xui kiếp vạc thân cò đến đây/ Bịt bùng bốn phía tường vây/ Âm âm vị đất, ngây ngây vị trời”.

Có thể nói, Lê Đình Cánh là người vừa sở đắc vừa sở trường thể thơ lục - bát truyền thống. Nhưng thơ lục - bát của Lê Đình Cánh thường chọn góc khuất và những vấn đề gai góc của cuộc sống và triển khai theo cách viết của mình. Không giống một số nhà thơ khác, ông không làm mất cá tính của mình ở thể thơ khó viết và khó tính này.

Ông bảo: “Nói chung, thể thơ này đã được giải quyết rất triệt để trong ca dao và trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Viết theo hướng “Thác là thể phách, còn là tinh anh” và viết như thế có ma hiện về mà không cần phải miêu tả gì nhiều, thì có ai thần tình hơn cụ Nguyễn Du nhà ta: “Một lời nói chẳng kịp thưa/ Phút đâu ngọn gió cuốn cờ đến ngay/ Ào ào đổ lộc rung cây/ Ở trong dường có hương bay ít nhiều/ Đè chừng ngọn cỏ lần theo/ Dấu giày từng bước in rêu rành rành”…

Sau những câu lục - bát trên, ông còn nhớ cả những câu thơ lục - bát của Nguyễn Bính, Ngô Quân Miện, Nguyễn Duy, Vương Trọng… Rồi ông đọc hai câu của Ngô Quân Miện như thể nằm lòng nơi ông tự bao giờ: “Chiều rơi lác đác tâm tư/ Rét như đang rét, buồn như đang buồn”.

Ông nói: “Tôi tên khai sinh đầy đủ là Lê Đình Cát Cánh. Vì là lương y có bằng hành nghề toàn khu vực Trung bộ, nên bố tôi mới đặt tên tôi như vậy. Cát Cánh là tên một loại cây thuốc quý, lá như lá hài vệ nữ, hoa có màu tím như hoa cà có hương thơm, củ như củ cải. Đây là một vị thuốc để chữa trị ung nhọt dạng nội u (u bên trong cơ thể).

Ấy vậy mà oái oăn thay, đã 4 năm nay, tôi phải đối mặt và sống chung với căn bệnh quái ác ung thư gan!- Ông nói thêm - Tôi sinh ra không phải để làm thi sĩ. Cuộc sống là như vậy và tôi chỉ làm mỗi cái việc gom nhặt thơ từ đời sống. Ngay từ hồi còn ở chiến trường Quảng Trị, khi đất nước còn bị chia cắt, từ việc quan sát thực tế thôi mà tôi đã viết: “Quê tôi trăng vụn cổ thành/ Đất nung quá nửa vá lành nghĩa trang/ Bàn thờ hai ngả khăn tang/ Nửa đèn hương dạ, nửa nhang khói mờ”.

Đến giờ, tôi cũng mừng vì con trai và con gái tôi đều yêu văn học, đã dịch cả chục tác phẩm văn học từ tiếng Anh và tiếng Pháp sang tiếng Việt. Như vậy, nghề viết của tôi có cơ may không bị thất truyền”.

Nghe ông tâm sự, tôi chợt liên hệ đến câu nói nổi tiếng và sâu sắc lúc sinh thời của Krishnamurti – nhà diễn thuyết thông thái về các vấn đề triết học và tinh thần người Ấn Độ: “Văn chương chính là đời sống, không phải ngôn từ”.

Ngọc Trân
.
.