Ngân Giang: Một nhà thơ từng bị lãng quên

Thứ Bảy, 21/05/2016, 08:09
Nhà thơ Ngân Giang (1916 - 2002) tham gia cách mạng từ rất sớm (1935) và làm thơ cũng đã lâu, trước Cách mạng Tháng Tám.


Đọc thơ Ngân Giang, thấy bà ảnh hưởng rất mạnh từ thơ Đường và cũng thuần thục về thơ lục bát - hai thể loại có hầu hết trong thơ Ngân Giang.

Ở nhà thơ này, trước hết là một nỗi buồn vô tận trải dài dường như suốt từ ngày mới làm thơ đến tận lúc qua đời. Tuy nhiên, cùng với ấn tượng ấy, còn là một ấn tượng khác: lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, cũng có ngay từ thuở mới làm thơ. Người ta thường nhắc đến những bài như Bạch Đằng Giang viết về anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Trưng Nữ Vương viết về anh hùng dân tộc Trưng Trắc, mà ở đó có những lời rất mạnh:

Bạch Đằng Giang! Bạch Đằng Giang!
Máu đỏ quân thù bao giờ tan?
Kể chi ngựa đá hai lần nhọc
Đây sóng reo vang khúc khải hoàn...
Thuyền giặc ngổn ngang
Chiều tà đổ bóng hoàng hôn xuống
Sóng bạc pha màu máu đỏ loang...
Quân ta say vỗ gươm mà hát
Hát rằng "Vạn cổ thử giang san"...

(Bạch Đằng Giang)

và:                              

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi...

(Trưng Nữ Vương)

Nhà thơ Ngân Giang.

Không phải ai cũng còn nhớ những câu êm đềm này mở đầu bài Xuân chiến địa (1946), cho dù bây giờ đọc lại, thấy lời có phần xưa cũ:

Gió dịu, mây hiền, ánh nắng tươi,
Núi sông bừng nở vạn hoa cười.
Bãi sa trường ngát men tranh đấu
Chiến sĩ say nhìn mãi viễn khơi... 

Người đẹp phương trời xiết đợi trông
Một chiều nhạc ngựa rộn bên sông
Chàng đi lo trả thù dân tộc
Đã trở về cùng những chiến công 

Lá thư và áo người thương ấy
Gửi độ sang thu lá chớm vàng:
Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ
Quên tình riêng nhé, nhớ giang san!

Thế nhưng nhìn lại cả đời thơ tác giả những dòng thơ  trên, có thể thấy bà đã không được may mắn, nếu không muốn nói là đã có phần bị lãng quên, so với các nhà thơ nữ sáng tác cùng thời, từ trước Cách mạng Tháng Tám cho đến những năm sau này, như Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ... chẳng hạn.

Kể từ 1954 là năm kết thúc cuộc kháng chiến chiến chống Pháp cho đến khi qua đời, nhà thơ Ngân Giang ít được nói đến trên văn đàn. Lại như, trong khi khá nhiều người biết chuyện nhà thơ Hằng Phương (1908 - 1983) gửi gói cam kèm theo một bài thơ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đầu năm 1946, và được Người trả lời bằng thơ, thì không mấy ai được biết rằng cũng vào khoảng thời gian ấy, nhà thơ Ngân Giang đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh bài thơ Kính dâng các bậc Anh hùng dân tộc mà bà thêu trên một tấm vóc đại hồng, và được Chủ tịch Hồ Chí Minh  gửi lời cảm ơn bằng những câu:

Mấy lời cảm tạ Ngân Giang
Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu

(Bài thơ “Kính dâng...” ấy của Ngân Giang như sau: Ta say uy võ Trần Hưng Đạo/ Ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh/ Nhật nguyệt soi trời cùng Thúy Lĩnh/ Hoa hương chầu ngát đất Mê Linh/ Dải Lam Sơn treo gương hào kiệt/ Gò Đống Đa hằn gót viễn chinh/ Mấy thuở không phai hồn chủng tộc/ Muôn năm cờ đỏ dựng thanh bình).

Nhà thơ Ngân Giang còn bị lãng quên đến mức, không như các nhà thơ nữ nói trên, bà hoàn toàn vắng bóng trong Từ điển văn học, bộ từ điển  chuyên ngành văn chương đầu tiên được làm ở ta, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội in làm hai tập, vào các năm 1983, 1984. Mãi đến hai chục năm sau đó, khi tái bản Từ điển văn học, người ta mới sực nhớ ra, và thấy không thể không nói đến Ngân Giang (Từ điển văn học lần này in từ Nhà xuất bản Thế giới, năm 2004). Mục từ Ngân Giang ở đây do Nguyễn Vinh Phúc và Đặng Thị Hảo viết (khá kỹ).

Sở dĩ có hiện tượng trên, theo tôi, có thể vì những lý do này chăng:

Nhà thơ Ngân Giang viết nhiều, nhưng ít gửi thơ đăng báo chí. Thơ bà có phần nào xa hiện thực đời sống xã hội, mà đi nhiều hơn vào cõi riêng tư với nhiều tâm trạng buồn chán. Ngôn ngữ trong thơ Ngân Giang thường cổ xưa. Lại có thể bà có những uẩn khúc gì trong cuộc đời chăng?

Những phán đoán trên, tôi nghĩ là có cơ sở. Vì theo Từ điển văn học thì nhà thơ đã tham gia Cách mạng từ sớm: Năm 1944 vào Mặt trận Việt Minh, tham gia cướp chính quyền từ thực dân Pháp; năm 1946 phụ trách Ban lễ tân của Bộ Nội vụ, và làm việc ở Sở Tuyên truyền trong chiến khu... Đến năm 1949, do hoàn cảnh gia đình, phải về Hà Nội... Từ điển văn học cũng cho biết: Năm 1961 Ngân Giang hoạt động văn nghệ quần chúng ở quê, và do từ chối quan hệ với một người đàn ông mà bị thù ghét, bị viết thư nặc danh vu cáo là "Nhân văn", là "thiếu phẩm hạnh"...

Bị bức bách về tinh thần, bà buồn chán, quay ra Hà Nội, cuối năm 1970 thì làm ghề thêu ren cổ truyền của gia đình, sau đó mở quán bán chè chén, xoay xở nuôi mười người con của ba đời chồng. Cũng theo Từ điển văn học, nhà thơ Nguyễn Vỹ (1910 - 1971) từng viết về Ngân Giang: "Không giống như Mộng Sơn, Anh Thơ, Ngân Giang sống rất nhiều về tình yêu, mơ mộng rất nhiều về tình yêu, đau khổ rất nhiều về tình yêu, nhưng chẳng bao giờ có hạnh phúc với tình yêu cả".

Với nhà thơ Ngân Giang, riêng tôi có một niềm ân hận. Bấy giờ là năm 1990, cách đây đã một phần tư thế kỷ. Tập Thơ Ngân Giang ra đời từ Nhà xuất bản Hà Nội. Tôi đang làm lý luận, phê bình ở tạp chí “Văn nghệ quân đội”. Chỉ mới đọc lướt qua tập thơ, tôi đã "bị" hấp dẫn và quyết định viết về tập thơ này để in trên tạp chí - cho dù tác giả và tập thơ không phải là "ưu tiên" số một đối với tờ tạp chí chủ yếu dành cho các lực lượng vũ trang như “Văn nghệ quân đội”.

Bài tôi viết (không được dài và kỹ lắm) in ra độ nửa tháng thì tôi nhận được thư của nhà thơ Ngân Giang, kèm theo hai quyển sách tặng: tập thơ nói trên và một tập khác, cũng có tên Thơ Ngân Giang, được in gần như cùng một lúc, ở Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai tập đều có bút tích nhà thơ sửa những lỗi in sai và thay đổi một ít câu chữ. Nhà thơ mời tôi đến nhà chơi, trò chuyện. Bây giờ, tôi không còn nhớ rõ vì sao tôi không đến được.

Có thể bấy giờ, ở nhà tôi có một việc riêng, quá bận. Có thể gặp lúc tôi chuẩn bị cho một chuyến đi công tác... Mà hồi ấy phương tiện đi lại và phương tiện liên lạc khó khăn, không được như bây giờ. Dẫu sao, tôi vô cùng tiếc nuối, đã lỡ mất một dịp được trò chuyện với một nhà thơ kỳ cựu mà tôi biết tiếng từ lâu. Nếu có cuộc gặp ấy, biết đâu những dòng tôi viết hôm nay chẳng có thêm những điều bổ ích và lý thú?

Tôi chú ý đến một chi tiết mà hai tác giả Nguyễn Phan Cảnh và Phạm Thị Hòa viết trên báo “Sài Gòn giải phóng” số ra ngày 5-3-1989 trùng với chi tiết mà hai tác giả Nguyễn Vinh Phúc và Đặng Thị Hảo viết trong Từ điển văn học: Nhà thơ Ngân Giang đã làm đến... bốn nghìn bài thơ!

Nếu đọc hai tập Thơ Ngân Giang đã nói, và hai tập thơ Ngân Giang viết trước Cách mạng là Giọt lệ xuân (1931) và Tiếng vọng sông Ngân (1944) cùng với mấy quyển tuyển tập thơ khác, chúng ta chỉ mới được biết hơn một trăm bài thơ của Ngân Giang - một tỉ lệ quá nhỏ.

Phải chăng, đã đến lúc cần sưu tầm cho được một mức độ tối đa kho tàng thơ Ngân Giang. Đến lúc ấy, chúng ta mới có thể bình luận, nhận định đầy đủ, chính xác về nhà thơ này - nhà thơ đã có thơ đăng báo (bài “Vịnh Kiều” trên báo Đông Pháp) từ năm mới chín tuổi, đã in tập thơ đầu (tập “Giọt lệ xuân”, ở Nhà xuất bản Tân Dân) năm mười lăm tuổi, và kỳ lạ hơn nữa, tương truyền hồi sáu tuổi đã có hai câu thơ thật hay:

Tàu về rồi tàu lại đi
Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga!

(Tôi xin nhắc lại: hai câu thơ này là của một cô bé sáu tuổi!)

Hồng Diệu
.
.