Nhà thơ Cao Xuân Sơn: Chàng "cao bồi" có ánh mắt trẻ thơ

Thứ Tư, 07/09/2016, 08:09
Tháng Ba. Nắng cục cựa dìu mùa vào hạ. Vậy cũng đủ cho lưng áo tên sinh viên năm tư là tôi rịn mồ hôi theo nhịp chân dấn xuống pêđan xe đạp. Xe trôi. Trôi cùng những cú co bóp suông của dạ dày. Bỗng điện thoại rung. "A lô ạ!". Người ở phía xa lắc tự giới thiệu là Cao Xuân Sơn. Ông báo tin bản thảo tập truyện đầu tay của tôi đã được duyệt in ở tủ sách Tuổi Mới Lớn của Nhà Xuất bản (NXB) Kim Đồng. Cuộc điện thoại hơn 8 năm trước nhưng tôi vẫn nhớ như in, như thể mới diễn ra đâu đó gần đây thôi...


Tôi biết đến nhà thơ Cao Xuân Sơn như vậy. Sau này tôi hiểu, không chỉ tôi mà hàng loạt cây bút 7X và 8X đã nhận được điện thoại của ông, và lâng lâng chực vỡ òa xúc cảm khi hay tin đứa con tinh thần của mình sẽ thành hình dưới bàn tay "bà đỡ" là ông nơi "bệnh viện" mang tên Kim Đồng.

Kéo dài từ năm 2002 đến năm 2008, với 274 tập truyện ngắn, truyện vừa in riêng (và hơn 200 tập truyện nữa trong các bộ truyện dài), thật khó để điểm danh hết những tác giả trẻ bước vào đường văn qua tủ sách Tuổi Mới Lớn. Từ mỗi tháng một đầu sách đến mỗi tuần một đầu sách, rồi mỗi tuần hai đầu sách, một mới và một tái bản, có thể nói, tủ sách đã phả làn gió mới, tươi trẻ và nhiệt thành vào thị trường sách bấy giờ. Không khí người trẻ viết cho người trẻ đọc trở nên nhộn nhịp khởi đi từ đây.

Tuy nhiên, trước khi là "cha đẻ" tủ sách Tuổi Mới Lớn, Cao Xuân Sơn đã trải qua nhiều khúc cua gập ghềnh ấn tượng.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn.

Cùng quê với Chí Phèo của nhà văn Nam Cao (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), học xong phổ thông, Cao Xuân Sơn "nhập vai" sinh viên Ngữ Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Học được nửa khóa thì ông khăn gói quả mướp xuôi Nam, mài đũng quần nửa khóa còn lại ở giảng đường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp với số điểm cao nhất khoa, sau ba tháng sĩ quan dự bị tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, ông nhận trát điều động về dạy ở một huyện vùng sâu, vùng xa.

Nhờ giáo sư Lê Trí Viễn gửi gắm xuống người thầy cũ ở Ty Giáo dục Đồng Nai, ông được đặc cách tự chọn trường. Nhưng rồi sau hai năm, thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết ôm giấc mơ màu hồng từ trang văn ra đời va phải thực tế nhuốm màu thị trường len lỏi vào sân trường, lớp học.

Đúng lúc ấy, nhà văn Lý Văn Sâm -  Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, sau thời gian dõi theo các sáng tác của ông đăng rải rác trên các báo Sài Gòn từ khi còn là sinh viên - nói mảnh đất hợp với ông phải là Hội, là Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai chứ không phải nhà trường.

Trẻ, khỏe và chịu đi, về Văn nghệ Đồng Nai, Cao Xuân Sơn được phân công viết kí. Từ nông trường đến lâm trường rồi công trường, xung phong sang cả chiến trường Campuchia viết về quân tình nguyện. Lên rừng xuống biển. Xuống biển đụng sóng lớn. Lên rừng gặp gió to. Bởi tính cách Cao Xuân Sơn thẳng băng như đường chỉ mực Tàu bật trên mặt gỗ.

Những bút kí, phóng sự của ông (bút danh Nguyên Trực) chạm đến miếng cơm manh áo các ông lớn. Sướng lòng dân nhưng không sướng bụng lãnh đạo. Lãnh đạo tỉnh nã xuống Tổng biên tập. May là các bài viết đó ông kịp gửi ra báo Văn nghệ Trung ương và lần lượt được chọn đăng đúng lúc. Mọi chuyện nhờ đó mới lắng xuống.

Sau 10 năm nếm đủ mùi viên chức tỉnh lẻ, Cao Xuân Sơn về Sài Gòn. Ban đầu là phóng viên rồi Trưởng ban đại diện Tạp chí Thanh niên của Trung ương Đoàn tại TP. Hồ Chí Minh. Tiếp đấy, ông chuyển sang làm Trưởng Ban biên tập rồi Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhưng trước khi làm thầy giáo, làm nhà báo, làm sách, Cao Xuân Sơn được biết đến là người làm thơ. Đến giờ, sau bao nhiêu năm, thơ vẫn là thứ bùa mê giăng mắc bủa vây ông.

Nhớ lần lang thang trên mạng, tôi xa "chuột" lạc mắt vào trang thơ Cao Xuân Sơn. Những câu thơ đọc một lần là nhớ. Nếu lười nhớ thì tinh thần câu thơ cũng bám theo. Lúc da diết: "Thôi thì mình tay cứ nắm lấy tay/ Học chim chóc vừa bay vừa hót/ Học dòng sông vừa trôi vừa dào dạt/ Học bếp than hồng vừa cháy vừa reo". Lúc lại thông minh, tếu táo: "Lạy trời, Phật ngoảnh mặt đi/ Cho đôi lứa niệm A di đà... tình!", hay "Hạnh phúc cháy như ngọn đèn hạt đỗ/ Anh khum tay che gió tự trăm chiều/ Phấp phỏng quá, em một mình xuống phố/ Hóa sao thành con chó nhỏ, lần theo...". Thật, chưa bao giờ tôi thấy người sẵn sàng thành... chó "ngọt ngào" và đẹp đến thế!

Nhà thơ Đặng Hấn từng có lần nói vui, rằng: "Cao Xuân Sơn là con voi, thu nhỏ thành con kiến để vào Hội Nhà văn Việt Nam, sau đấy lại phình to trở lại thành con voi". Ô! Hóa ra Cao Xuân Sơn vào Hội Nhà văn bằng con đường sáng tác cho thiếu nhi. Nếu chưa biết, chắc ít ai tin người có ngoại hình quá khổ so với bạn bè này lại đắm đuối với việc viết cho thiếu nhi.

"Không ai khác mà chính những câu thơ sương khói bâng quơ thuộc lòng từ hồi mới ê a học chữ đã cho tôi một chỗ vịn tin cậy mỗi khi gặp tai ương. Bởi vậy nên sau mấy chục năm dan díu với thơ, tôi thấy mỗi khi viết xong một bài thơ đắc ý cho thiếu nhi chính là những giây phút mình gần với thánh thần nhất" - Ông nói vậy.

Bìa sách “Con chuồn chuồn đẹp nhất” - Giải Bạc sách Hay của Hội xuất bản Việt Nam năm 2012.

Những câu thơ trong veo và hồn nhiên, vừa vặn tâm lý con trẻ: "Đá ngồi cho sóng đấm lưng/ Biển cười như phá làm rung cả chiều/ Mặt trời chầm chậm thả neo/ Trăng non như một con diều vút lên". Tả hoàng hôn biển như vậy hỏi sao không thích cho được. "Gió là sông của ngàn hương/ Nắng là áo lụa dài buông của trời…". Câu thơ đầy thi ảnh và giàu liên tưởng. "Mẹ ạ, mai này con lớn/ Bà Tiên, ông Bụt chắc già/ Con sẽ làm ra phép lạ/ Đáp đền nghĩa mẹ, công cha" hay "Ta 'đi' khắp thế gian/ Chỉ bằng hai con mắt/ Sẽ 'cận thị' suốt đời/ Những ai không đọc sách". Viết vậy nên không có gì khó hiểu khi thơ Cao Xuân Sơn được tuyển vào sách giáo khoa cho trẻ em học.

Có ngồi với Cao Xuân Sơn mới thấu, trong con người ông là một tâm hồn tràn ngập trẻ thơ. Ánh mắt ông là ánh mắt của trẻ thơ, của tháng năm tuổi thơ xa văn xa vắt. "Có lẽ tuổi thơ là kho báu lớn nhất cuộc đời tôi. Chúng như lũ cào cào châu chấu không ngừng búng càng đập cánh trên những bờ cỏ đẫm sương trong những giấc mơ thơm mùi rạ rơm bùn đất quê nhà. Cũng giống như những hòn bi ve đủ màu trong ngăn kéo kí ức, đôi khi chỉ lỡ mạnh tay là lăn ùa ra một lượt...".

Ông tỉ tê thế khi có người khơi gợi về thuở mà nhà thơ Đồng Đức Bốn gọi là "Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một cánh diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro".

Bao năm qua, hình ảnh Cao Xuân Sơn cùng chiếc mũ nồi trở nên quen thuộc với đường phố Sài Gòn. Cao to, có phần hầm hố như cao bồi. Nhưng trong ánh mắt, dường như chấp chới thiếu gì đó, "đói" gì đó. Tôi đồ rằng, ông khát ngày xưa, ông đói hình ảnh tuổi thơ. Chắc vậy nên ông trút rất nhiều vào mảng sáng tác cho thiếu nhi. 14 đầu sách đã xuất bản có đến 8 đầu sách Cao Xuân Sơn đứng về phía các em.

Ông - trẻ - thơ Cao Xuân Sơn có thể nói chuyện văn chương cả ngày không hết. Ông hoạt ngôn và thuộc lòng nhiều chuyện. Luôn có những góc nhìn và kiến giải riêng thuyết phục người nghe. Nhưng ở các cuộc này cuộc nọ, nơi người ta thích chém gió phần phật, ông lại ngồi im, thu mình, như chú gấu Bắc cực. Nếu có đứng lên, chỉ là để giương máy ảnh bắn liên tục khiến chủ nhân ngỡ ngàng thích thú khi ông gửi tặng ảnh. 

Nhà văn Trang Thế Hy gọi Cao Xuân Sơn là "thằng nhỏ Bắc kỳ chơi được". Chơi được. Nên 25 năm, kể từ ngày rời "ao làng" Biên Hòa về "biển lớn" Sài Gòn, giữa làng văn làng báo làng sách, Cao Xuân Sơn không phải gồng mình cố gắng, mà rất tự nhiên, hợp với chất phóng khoáng nghĩa hiệp hào sảng Nam bộ.

Ở tuổi 55, bận bịu với công việc quản lí chi nhánh một nhà xuất bản lớn, nhưng hằng ngày ông vẫn đưa các sáng tác mới lên facebook chia sẻ cùng bạn bè. 17 năm rồi, sau tập Chuông lá (NXB Thanh Niên, 1999), ông chưa cho xuất bản thêm tập thơ "người lớn" nào nữa. Nghe nói, còn vài trăm bài chưa in báo, cũng chưa in thành tập. Tôi hỏi, ngoài ngũ thập tri thiên mệnh, cái tuổi thông suốt mọi chân lí và mệnh trời, giờ ông tin vào gì? "Giờ thành thật, anh chỉ tin vào cỏ/ Cỏ như em minh triết, dịu dàng". Ông đọc câu thơ mới thay câu trả lời. Và cười. Tôi cũng cười. Thơ thế sao không yêu cho được, hỡi chàng cao bồi mang ánh mắt trẻ thơ ngác ngơ giữa phố!

Văn Thành Lê
.
.