Người tạo nên chất thơ cho truyện tranh cổ tích Việt Nam
- Họa sĩ Kù Kao Khải: Xù xì “chuyện quê”
- Họa sĩ Lê Đình Nguyên: Trên cánh đồng nghệ thuật bất tận
- Họa sĩ, nhà điêu khắc Mai Chí Tẩu : Cũng là hạnh ngộ
- Họa sĩ Hoàng A Sáng: “Tôi Thiền bằng cách vẽ”
Là một trong số 21 học viên của khóa mỹ thuật kháng chiến (1950-1953) do danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp đào tạo, hòa bình lập lại, Mai Long tiếp tục theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (khóa 1961-1966). Ngay từ năm 1963, khi còn đang trên giảng đường đại học, ông đã được đạo diễn Trương Qua mời tham gia vẽ cho bộ phim hoạt họa Đêm trăng rằm.
Năm 1966, ông về làm việc tại Xưởng phim hoạt họa và búp bê Việt Nam. Năm 1967, ông được Xưởng phim giao làm họa sĩ chính khi thực hiện bộ phim Bài ca trên vách núi (đạo diễn Trương Qua). Trong bộ phim này, Mai Long đã thể hiện nhân vật, bối cảnh Tây Nguyên bằng các phác thảo màu rực rỡ, cảm xúc và ấn tượng. Đây cũng chính là bộ phim hoạt hình màu đầu tiên của Việt Nam.
Trong suốt thời gian công tác tại Xưởng phim hoạt họa và búp bê Việt Nam, Mai Long dần khẳng định và trở thành một trong không nhiều họa sĩ hàng đầu của phim hoạt họa. Với những tác phẩm nay đã thành kinh điển của phim hoạt họa Việt Nam như Sơn Tinh - Thủy Tinh, Khăm Phạ - Nàng Ngà, Ông Gióng, Âu Cơ - Lạc Long Quân… tên tuổi Mai Long đã được nhiều thế hệ khán giả ghi nhớ và yêu mến.
Trong các tác phẩm của mình, ông luôn luôn chú trọng đến chất thơ, chất lãng mạn trong từng khuôn hình dành cho trẻ thơ. Mai Long cho rằng: "Chất thơ, chất lãng mạn và sự tưởng tượng là những yếu tố quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt là trong phim hoạt hình, để khi xem phim các cháu thiếu nhi còn có những mơ ước vươn lên trong cuộc sống. Nếu đánh mất những yếu tố đó thì cuộc sống này đáng buồn biết bao nhiêu…".
Đó cũng chính là lí tưởng nghệ thuật của ông, là tuyên ngôn của một nghệ sĩ chân chính.
Sớm được phát hiện và cũng dành nhiều tình cảm cho trẻ thơ, rất nhanh chóng, Mai Long trở thành cộng tác viên minh họa thân thiết của Nhà xuất bản Kim Đồng. Vào thời kì sung sức, ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để vẽ cho thiếu nhi. Những tác phẩm của ông cho tới giờ vẫn là những ấn bản đẹp, mẫu mực cho minh họa sách thiếu nhi ở Việt Nam.
Có thể kiểm chứng qua các cuốn Tấm Cám, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Ông Gióng, Âu Cơ - Lạc Long Quân, Kim Đồng… tất cả đều được Mai Long sáng tạo với nhãn quang tạo hình trong sáng, ngôn ngữ màu sắc giàu chất dân gian, nét cách điệu mềm mại, duyên dáng gần với điêu khắc đình làng nhằm đem lại cho bạn đọc cảm quan thị giác huyền ảo, đượm màu cổ tích nhất.
Họa sỹ Mai Long (bên trái) và họa sĩ Tô Chiêm - tác giả bài viết. |
Cho đến bây giờ, ngành xuất bản Việt Nam vẫn lưu giữ một dấu ấn dành cho thể loại truyện tranh cổ tích Việt Nam. Kì tích này được lập vào năm 1972. Vào thời điểm đó, kĩ thuật in ấn minh họa, đặc biệt minh họa màu của Việt Nam chưa cao, vì thế các ấn bản vẫn không bộc lộ hết vẻ đẹp của người họa sĩ thực hiện sách. Với thiện ý cùng có một món quà đẹp cho trẻ em Việt Nam, tổ chức In sách tặng Việt Nam (Barn Book Till Việt Nam) của Thụy Điển đã đề nghị Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện một cuốn sách "có đẳng cấp".
Nhà xuất bản đã chuẩn bị bản thảo, bản vẽ, ma két … cuốn tranh truyện màu Tấm Cám - một trong những truyện cổ tích được cho là hay nhất của Việt Nam. Để có những minh họa như mong muốn, Nhà xuất bản Kim Đồng đã đặt họa sĩ Mai Long thực hiện. Mai Long đã chọn nền giấy điệp cổ kính của làng Đông Hồ và tâm huyết lựa chọn từng sắc màu, khối hình, nét vẽ.
Sau một thời gian miệt mài sáng tác, các bản vẽ và thiết kế của cuốn truyện được chuyển sang Thụy Điển và được nghiệm thu, ngày 30-9-1973, tại Hà Nội - Trưởng đoàn Thanh niên Thụy Điển đã trao cho Nhà xuất bản Kim Đồng 400.000 cuốn tranh truyện Tấm Cám khổ 21x29 cm, in màu trên giấy couche tuyệt đẹp. Đây là quà tặng rất có ý nghĩa và quý giá dành cho bạn đọc thiếu nhi Việt Nam vào thời kì đó. Trong buổi trao tặng sách tượng trưng, Mai Long được mời tham dự.
Vốn sống lặng lẽ, ông vô cùng xúc động không nói thành lời khi được thấy những nụ cười rạng ngời của các bé Trường mẫu giáo Mầm non Hà Nội - những bạn đọc nhỏ tuổi đầu tiên đón nhận những cuốn sách "trong mơ" ông vẽ.
Tiếp tục cộng tác cùng Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 1974, Mai Long vẽ cuốn tranh truyện màu Sơn Tinh - Thủy Tinh với lời kể chuyện của nhà văn Võ Quảng. Cuốn sách này sau đó được Cộng đồng Việt Nam tại Pháp in ấn và Linh mục Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Pháp trao tặng lại Nhà xuất bản Kim Đồng để Nhà xuất bản gửi tới bạn đọc trẻ em. Ngay từ lúc được xuất bản cho đến sau này, Sơn tinh - Thủy tinh vẫn được đánh giá là một trong những cuốn truyện tranh màu đẹp nhất cả về nét vẽ, màu sắc lẫn nội dung.
Trong Sơn Tinh - Thủy Tinh, cảnh trang trí và tạo hình nhân vật đều bắt nguồn từ những ghi chép trong các viện bảo tàng, từ những nét chạm khắc trên mặt trống đồng từ thời Hùng Vương, đến những nét hoa văn trên các đầu đao, cửa võng của các hiện vật.
Trên cơ sở tạo hình dân gian, họa sĩ Mai Long đã sáng tạo ra các hình tượng nhân vật cho tác phẩm của mình. Nói chung, cái khó lớn nhất của những người vẽ sách cho trẻ em thuộc thể loại này là làm thế nào dựng nên được không khí của truyện, tạo được bối cảnh cho các nhân vật hoạt động một cách hợp lí và sinh động - đó là điều rất khó!
Khi được đặt vẽ cuốn Ông Gióng, Mai Long đã về làng Phù Đổng, lên đỉnh Sóc Sơn, rồi gặp các cụ già, nghe các cụ kể lại về truyền thuyết, dự hội làng, ghi chép phác thảo về những bụi tre, những cánh đồng, những mỏm đồi nơi xưa kia đã từng in vết chân của chú bé làng Phù Đổng.
Những bụi tre, những cánh đồng, những ao hồ cứ miên man trước mắt ông, đắm chìm vào những phong cảnh ấy ông tưởng tượng cảnh Gióng đang ghìm cương ngựa đứng nhìn quê hương thân yêu lần cuối cùng trước khi bay lên trời. Cảm hứng cho những trang vẽ lãng mạn nhưng không thiếu tính hiện thực của cuốn sách Thánh Gióng được xuất hiện từ đó.
Họa sỹ Mai Long đã có lần tâm sự: "Một bức tranh đẹp, một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và sức sống lâu bền không phải là chất liệu mà vẫn phải là giá trị của tài năng và tâm hồn người nghệ sĩ. Điều này đã được khẳng định trong nhiều giai đoạn diễn biến không ngừng của lịch sử mỹ thuật thế giới" và ông luôn tự nhủ rằng: Mọi sự phù hoa của đời người rồi sẽ tan đi, chỉ còn lại mãi đó là những tác phẩm nghệ thuật đích thực và cho đến giờ ông vẫn đang làm như vậy.
Và chính niềm đam mê suốt đời theo đuổi ấy nên năm nay, đã bước vào tuổi 87, nhưng hàng ngày họa sĩ vẫn miệt mài bên các khung lụa với những không gian thơ mộng huyền ảo của mình. Ông vẫn vẽ và vẫn nhiệt thành dành tình cảm cho công việc minh họa sách thiếu nhi…
Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng; theo gia đình lên Hà Nội từ năm 1944. Bố mẹ qua đời khi ông 15 tuổi. Sau đó, ông quay trở về Nam Định (vốn là quê gốc). Năm 1948, ông theo học ở Xưởng họa của danh họa Tô Ngọc Vân. Cũng từ đây, cơ duyên đã đưa ông đến với nghệ thuật rất sớm với việc học khóa kháng chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân trong ba năm (1950 - 1953). Năm 1954, ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Việt Nam khóa kháng chiến 1950 - 1954; Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1961 - 1966. Cùng với NSND Lê Minh Hiền, NSND Trương Qua, NSƯT Hồ Quảng, NSUT Mai Long được coi là thế hệ tiên phong cho thể loại phim hoạt hình của Điện ảnh Việt Nam. Năm 1998, Nghệ sĩ ưu tú Mai Long nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. |