Họa sĩ, nhà điêu khắc Mai Chí Tẩu : Cũng là hạnh ngộ

Chủ Nhật, 04/12/2016, 08:01
Trước khi đến nhà ông, tôi nói với mấy người bạn đồng hành: “Ông này tên Tẩu, chắc có nghĩa là chạy. Còn Chí Tẩu, có khi có nghĩa là chạy chí mạng, chạy thục mạng chăng? Cái tên mới đọc lên, thoảng nghe đã có màu sắc của một người dân tộc thiểu số hoặc một người Việt gốc Hoa”.


Đến khi gặp ông, hóa ra những suy luận của tôi cũng không hoàn toàn võ đoán. Hay nói đúng ra: Chỉ đúng một nửa và sai một nửa. Ông là Mai Chí Tẩu - họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc diện “già làng, trưởng bản” của tỉnh Hòa Bình.

Ông bảo: “Tôi là người quê gốc Mỹ Đức (Hà Tây cũ, Hà Nội bây giờ). Thủa thiếu thời, tôi gắn bó với bến Đục, suối Yến, động Hương Tích. Vị bùi thơm của rau sắng, vị ngọt thơm của những quả mơ, vẫn làm tôi nhớ và tiếc nuối đến tận hôm nay”.

Rồi ông nhẩn nha đọc lại những câu thơ của thi sĩ Tản Đà, Nguyễn Bính một thủa: Muốn ăn rau sắng chùa hương/ Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa/ Người đi ta ở lại nhà/ Cái dưa thời khú cái cà thời thâm và Thơ thẩn đường chiều một khách thơ/ Say nhìn xa rặng núi xanh lơ/ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo/ Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ”.

Ông bảo: “Những câu thơ tuy chỉ thiên về kể, tả như thế, nhưng lại có vần, có điệu, mang một vẻ đẹp dân dã, rất dễ nhớ, dễ thuộc và rất dễ đi vào lòng người. Và có thể bởi vậy mà chúng vẫn còn đi cùng năm tháng”.

Ông bảo: “Nhà tôi có ba anh em trai. Hai người đầu đặt tên là Xu, Xèng và đến tôi là Chinh – những cái tên rất “nôm”. Khi 3 – 4 tuổi, tôi rất hay đi chơi và hễ rời nhà là cứ cắm cổ mà chạy. Vì thế, mọi người gắn cho tôi một cái tên khác: Tẩu. Khi chọn tên chính thức của mình, tôi thêm Chí vào cho nó lạ. Từ đó, mới có tên đầy đủ là Mai Chí Tẩu như bây giờ. Đối với hôm nay, có thể là chuyện lạ. Nhưng ngày ấy, có khi một đứa trẻ đã 6 – 7 tuổi, các bậc sinh thành mới nghĩ đến việc làm giấy khai sinh cho con, lại là chuyện hết sức bình thường”.

Trước 1954, Mai Chí Tẩu là học sinh phổ thông Trường Nguyễn Văn Tố. Thời điểm ấy, ông đã có dịp làm quen với một số sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Với ông, họ là như những bậc đàn anh đầy ngưỡng mộ và ông ao ước: Biết đâu, có một ngày nào đó…

Năm 1967, trước khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra tại miền Bắc một năm (1968) và sau khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam một năm (1966), như nhiều thanh niên mang ý chí: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thuở ấy, Mai Chí Tẩu nhập ngũ, rồi đi B (chiến trường miền Nam). 

Do có ưu thế về mặt ngoại hình và có ít nhiều năng khiếu bẩm sinh, ông được phiên chế vào bộ phận tuyên huấn của Công trường 7 (Sư đoàn 7). Ông bảo: “Địa bàn hoạt động của đơn vị tôi ngày ấy chủ yếu tập trung ở Tây Ninh, Thủ Dầu Một. Khu vực này thuộc B2, là nơi đầy rẫy bom rơi đạn lạc và là nơi khốc liệt của chiến trường”.

-  Thế khi là trợ lý văn hóa, văn nghệ ở Công trường 7 thì nhiệm vụ chủ yếu của ông là gì?

-  Phụ trách một bộ phận văn công.

-  Hoạt động chính của bộ phận này ra sao?

-  Chuẩn bị các tiết mục tự biên tự diễn và phần lớn nội dung là tập hát chèo. Với anh em chúng tôi thời điểm ấy, hát chèo được coi là sở trường và thế mạnh. Đơn giản vì thành phần xuất thân đều là nông dân. Một khi đã là nông dân thì có mấy ai mà không biết và không thích hát chèo. Chúng tôi thường lên lịch biểu diễn vào những khi đơn vị chuẩn bị bước vào chiến dịch và khi kết thúc chiến dịch với mục đích: Động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu và chào mừng chiến thắng…

-  Sao không là anh chị em chúng tôi mà chỉ là…anh em chúng tôi?

-  Trong chiến trường, toàn đàn ông là đàn ông, kiếm đâu ra nữ, vì thế mà chỉ có “anh em chúng tôi” thôi! Nhưng rồi để làm phong phú thêm cho đội hình diễn viên, tôi nảy ra sáng kiến: Đột nhập vào ấp chiến lược, vào vùng địch tạm chiếm vận động chị em nhập cuộc cùng chúng tôi. Một số chị em vì coi đây cũng là một nhiệm vụ của quân giải phóng, nên đã nhiệt tình hưởng ứng.

Cuộc “trao đi đổi lại” của chúng tôi tạm dừng khi ông Mai Chí Tẩu vào nhà,  mang ra một bộ sưu tập huân, huy chương các loại, dễ có đến vài chục tấm. Rồi ông gọi tên từng tấm một.

Tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe ông khoe: “Trong số này, có cả huy chương “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng dĩ diệt Mỹ” của tôi đấy. Chắc anh coi đây là chuyện lạ của tôi phải không? Ồ, không có gì lạ đâu. Đã vào chiến trường, dù ở cương vị nào, vị trí nào, ai chẳng cầm súng, ai chẳng là lính chiến. Bản năng sống của người lính đã buộc chúng tôi có tâm thế như vậy. Nếu mình không tiêu diệt nó thì nó sẽ tiêu diệt mình. Lý sự đối đầu, đối kháng chỉ đơn giản và dễ hiểu thế thôi!

Trong mấy lần bị vây, phá vây, tôi đã bắn cháy một xe tăng của đối phương và tiêu diệt được 5 lính Mỹ cả thảy. Tuy vậy, trong những năm tháng gian lao ấy, nhớ dai nhớ dẳng đối với tôi lại là những cơn đói. Có dạo, chúng tôi thiếu ăn đến mức phải mút quả cám (một loại quả giống quả bàng) để “cầm hơi” qua ngày thực sự.

Có dạo, chúng tôi thiếu ăn đến mức phải mạo hiểm chui vào lòng địch, sẵn sàng đổi tính mạng của mình để để kiếm đồ ăn, thức uống cho đồng đội. Thời quân ngũ, tôi cũng có những kỷ niệm khó quên. Năm 1968, có lần trở về đơn vị chỉ còn mỗi một cái quần xà lỏn. Năm 1969, có lần tôi suýt bị kẻ thù bắt sống đấy!”.

Nói đến đây, giọng ông như chùng hẳn xuống: “Nhưng tôi vẫn là người may mắn. Chính ở nơi “xưa nay chinh chiến mấy ai về”, tôi đã trở về và chính ở nơi một mất một còn đó, tôi đã gặp được những tên tuổi như Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Cổ Tấn Long Châu…và học được nghề họa sĩ và nghề điêu khắc theo lối “cầm tay chỉ việc” và theo lối thực hành sinh động.

Hồi ấy, ở hậu cứ, mỗi khi được phục vụ các thày, tôi vui lắm. Đã không ít lần, tôi đi tìm kiếm đất mối (đất ở tổ mối) như đi tìm kiếm niềm vui, để các thày làm tượng. Rồi ước mơ trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc của tôi như được nhen nhóm từ đấy. Tôi nghĩ, với một người như tôi, được gặp các thầy, cũng là hạnh ngộ. Có khi không có các anh ấy thì không có tôi sau này, cũng nên…”.

*

Mai Chí Tẩu gắn bó với mảnh đất Hòa Bình từ năm 1955, khi ông mới 18 tuổi, khi thành phố này chỉ mới manh nha thị xã, mới chỉ có đường đất và tất nhiên là hoang sơ lắm. Hồi ấy, đã có những người lính khi đóng quân ở đây mà mỗi khi viết thư về cho người thân, thường mở đầu bằng một câu tuy rất hóm nhưng cũng rất thực tế: “Rừng núi âm u, thầy bu kính mến…”.

Đến năm 1977, khi ra quân với quân hàm trung úy, Mai Chí Tẩu lại trở về sống và làm việc ở Hòa Bình. Từ năm 1978 cho đến lúc nghỉ hưu, ông là Trưởng phòng Văn hóa của thị xã Hòa Bình thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Khi trở lại quê hương thứ hai của mình, ông thực sự hết mình vì cái nghiệp mà ông lựa chọn theo con đường tự học (kể cả việc ông tự học Pháp văn).

Tranh của ông đã tham gia nhiều triển lãm và đã đoạt một số giải thưởng. Còn về mảng điêu khắc, tượng đài nói chung, ông để lại nhiều dấu ấn. Ông là tác giả của 8 – 10 tượng đài và phù điêu, trong đó có các tượng đài: Bác Hồ, Hoàng Văn Thụ, Lý Tự Trọng được đặt ở một vài địa điểm ở tỉnh Hòa Bình.

Ở tuổi xấp xỉ 80, ông còn là tác giả  của hai bức phù điêu có kích cỡ 25m x 5,5m ở Nghĩa trang Chiến dịch giải phóng Hòa Bình sắp khởi công nay mai. Ông bảo: “Đó là một câu chuyện kể bằng chất liệu lịch sử, được thể hiện cụ thể bằng hình ảnh, bằng hình khối, đường nét cụ thể đặng chiếm cứ không gian. Đó cũng là những việc làm thiết thực, có ý nghĩa ở chặng cuối cuộc đời tôi”.

Do có những đóng góp lâu năm, miệt mài từ rất sớm của mình với một vùng đất nên ông được coi là “già làng, trưởng bản” trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của tỉnh Hòa Bình. Cho nên, cũng không phải ngẫu nhiên mà ông trở thành người đầu tiên được trao huy chương vì sự nghiệp văn hóa văn nghệ của tỉnh Hòa Bình.

Ông nói: “Tôi là người thích làm việc, không bao giờ chịu ngồi yên và không bao giờ róng riết về tiền bạc. Tuy nhiên đời tôi, lúc về già, vẫn là người may mắn. Sau khi người vợ đầu của tôi, vì bệnh tim, không may mà mất, tôi đã tục huyền. Người vợ thứ hai của tôi là bà Nguyễn Thị Hồng Lựu. Bà không chỉ là người yêu văn chương mà còn năng động, kinh doanh giỏi. Tôi luôn coi bà là một hậu phương vững chắc của tôi. Người đời bảo: Sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người đàn bà, là thế!”. Tiếp nối Mai Chí Tẩu, con gái ông (Mai Thu Vân) đã trở thành nhà điêu khắc tài năng và hiện là Phó trưởng Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. 

Đặng Huy Giang
.
.