Họa sĩ Kù Kao Khải: Xù xì “chuyện quê”

Thứ Sáu, 20/01/2017, 08:06
Đầu tiên tôi nghe các họa sĩ nói, Ninh Bình có gã “Ba Zô Ka”, tức 3K, tên hiệu là Kù Kao Khải làm giáo làng, nhưng lại có độc chiêu toàn vẽ tôm cua ốc cá lạ lắm. Sau đó nghe nói năm 2013, tác phẩm điêu khắc “Chuyện quê 1” của gã được mấy giải A liền qua các cuộc triển lãm toàn quốc. Không những thế, tác phẩm này còn đoạt giải nhì (không có giải nhất) tại cuộc triển lãm điêu khắc 10 năm Hà Nội...


Cuộc gặp gỡ tình cờ

Cái tên 3K làm tôi tò mò tìm đến tận nhà gã mãi tận miền biển ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Gã nom dạn dĩ với hàm râu quai nón và đôi mắt lanh như chó sói vậy. Tôi rờn rợn nhìn gã và nói thật, vì khoái tác phẩm “Chuyện quê” mà tìm tới thôi. Chả có lý do gì khác. Gặp chuyện lát rồi đi luôn. Gã ngạc nhiên trợn mắt không tưởng tượng nổi một ông già như tôi phi xe máy từ TP Ninh Bình về tận vùng biển này.

Gã bỏ tôi ngồi trơ trọi ở bàn rồi mất hút. Phải đến mươi phút sau, gã dụ tôi lên gác sau khi dọn dẹp và bày biện sạch sẽ. Thì ra gã sắp đặt lại tác phẩm để cho tôi xem. Toàn những nông dân miền biển được đục đẽo bằng gỗ xù xì gai góc. Gã chỉ vào góc tượng đầu tiên nói, đây là “Chuyện quê 10” mới được nhận giải đồng tại Triển lãm Mặt trận Tổ quốc năm 2015.

Đó là hình tượng 4 người trong gia đình đi cấy trên cánh đồng làng. Còn kia là “Chuyện quê 8”, với tiêu đề “Ký ức Quảng Trị” đã được giải A trong triển lãm về đề tài Cách mạng tại khu vực sông Hồng, năm 2014. Khi dẫn tôi ra giữa nhà, gã chỉ vào hai cô thợ dệt chiếu với khối tượng lớn cao vượt đầu người, thì càng thấy chất góc cạnh trong ngôn ngữ nghệ thuật.

Ngang tàng và thô ráp. Đó là tác phẩm điêu khắc dự triển lãm năm 2016. Gã dự kiến đây sẽ là “Chuyện quê” thứ 16 để trình làng mỹ thuật toàn quốc trong nay mai. Giọng gã rắn rỏi hệt như người thủy thủ trên những con tàu vượt sóng ra khơi.

Tôi lại nghe nói mảnh đất gia đình gã đang sống được hình thành từ phù sa biển cả bồi lấp mà nên. Từ cái thời xa xưa, ông Nguyễn Công Trứ giúp dân quai đê lấn biển tạo nên vùng đất Kim Sơn này từ năm 1829. Gã lớn lên trên những con thuyền đánh cá của làng và trở thành một tay kéo lưới vạm vỡ, đen trũi. Gã định đi biệt xứ mấy lần để tới chân trời mới. Nhất là sau khi học xong Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa ở Hà Nội năm 2001. Gã bỏ lại sau lưng mối tình với cô bạn gái cùng những ký ức quê biển, với những hẹn hò cho một tương lai và hạnh phúc sau khi thành đạt.

Đó là những năm tháng vừa ăn mì tôm vừa vẽ trong góc trọ ở chốn đô thành. Trong đầu gã nóng bỏng những toan tính cho một tương lai sáng lạn. Mấy năm đi làm thuê, hết vẽ gốm lại trình bày đồ họa cùng những đêm lang thang vẽ áp phích, pa nô quảng cáo. 

Giờ đây nghĩ lại mới thấm, kẻ lãng du như gã, loanh quanh phố trọ Hà Nội, thật khó làm nên cơm cháo gì. Nơi đây ngỡ như thân quen trong dăm bảy năm trời, vậy mà sao vẫn xa lạ cô đơn.

Thế rồi có lần gã nghe người bạn ôm đàn ghi ta hát những lời ca của Trịnh Công Sơn rằng: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”. Và ngờ đâu, ngọn lửa âm nhạc trong đêm ấy đã thắp sáng tâm hồn gã, khi “con tim yêu thương vô tình chợt gọi/ Lại thấy trong ta hiện bóng con người”.

Lời hát ấy đánh thức trái tim gã, khi đôi mắt tình yêu vẫy gọi. Một cõi đi về. Đúng, hãy trở về cõi xưa mà ta đã từng lớn lên và dũng mãnh trên biển khơi. Một tiếng chuông ngân rung như bản Thánh ca vẫy gọi. Trở về. Đúng vậy, một buổi sáng khi sương còn dầy đặc, gã đã bỏ phố về quê, nơi có những cồn cát tươi hồng khi bình minh lên, nơi đàn cá quẫy những chớp sáng trên biển cả mênh mông.

Những con gà quê 2017

Trên các bức tường ở cả trong lẫn ngoài ngôi nhà giữa khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông là những tranh, tượng cùng những phù điêu gã mới sáng tác. Từ khi về quê, gã chỉ vẽ cua, tôm, cá mú và những ngư dân vùng biển quê mình. Đó là những câu chuyện làng mà gã muốn kể với mọi người. Khi là câu chuyện cổ tích trên biển khơi chìm lấp trong ngọn sóng trào hay mơ màng sau cầu vồng bảy sắc. Lại khi, đó là những câu hò huầy dô của ngư dân bám biển, chống chọi với bão tố phong ba.

Về quê, gã dạy học rồi lấy vợ - chính là mối tình học trò trước đó. Vừa vẽ, gã vừa theo học tiếp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tốt nghiệp năm 2008), và lại trở về quê. Câu chuyện đầu tiên mà gã kể là bức họa “Động vật ở biển” tại Festival Huế năm 2011. Tiếp sau đó, gã trình làng liên tục những chuyện quê khác; nào là “Cá biển”, “Được mùa ngao”, “Mèo và cá”, “Giỏ cua”, “Đọc báo trên đảo”, “Con bướm”…

Tiếp đó, những hình tượng điêu khắc đã chiếm lĩnh tâm hồn gã. Chỉ hai năm sau cụm tượng “Chuyện quê” của gã được đánh giá cao, với sắc thái thể hiện góc cạnh, ấn tượng bất ngờ trong tạo hình và thể hiện tâm trạng nhân vật. Niềm vui, nỗi buồn, sự quật khởi và vượt thoát khỏi sự ràng buộc. Đó là những chủ để mà gã đeo đuổi.

Khi bước vào phòng tranh của gã, tôi như bị lạc vào mê cung của tác phẩm “Cô gái và chuông gió”. Một câu chuyện tình ẩn giấu sau lũy tre và tiếng chuông nhà thờ ngân nga trong sóng biển. Mặc cho những khổ đau và những chông gai phía trước, tiếng tình yêu vẫn thánh thót ngân rung và đi đến tận cùng của sự sống. Hạnh phúc chính là sự nắm bắt và vượt qua những trầm luân của cuộc đời.

Họa sĩ Kù Kao Khải với cụm tượng “Đi cấy”.

Có lẽ đó chính là hạnh phúc của gã đã được trải nghiệm, lãng du trở về, sau cát bụi đường đời. Những ẩn dụ mang tính siêu thực của hình tượng. Những câu chuyện quê của gã đã có màu sắc mới trong cách thể hiện. Nó không chỉ là sự khắc họa của những cảm xúc, mà nó có sự lấp lánh của tâm linh mang yếu tố huyền ảo mơ mộng, trong khắc họa đường nét tạo hình. Gã dự định có tới 100 “chuyện quê” trong suốt cuộc đời mình. Mỗi chuyện kể một cách khác nhau.

Thật bất ngờ, sau đó gã đưa cho tôi xem một loạt tranh vẽ vào đầu mùa xuân mới. Đó là hình ảnh những con cò biển, hay những con cua đồng, ngọn rau muống biển, bến sú hoặc những chú gà chọi… Mỗi tác phẩm là một chuyện quê được kể lại một cách đặc biệt, ám ảnh, đầy nhân văn.

Với những con cua, gã muốn thể hiện sự khao khát bứt thoát trong cảnh muốn bỏ trốn khỏi chiếc rọ chật chội của thói đời giam hãm. Chúng háo hức trong nỗi lo sợ và tuyệt vọng. Đó là bi kịch của cuộc đời mà con người đã từng trải nghiệm.

Sự khao khát trở về với biển cả, chính là nỗi lòng của tác giả được chia sẻ với sự sống còn của thiên nhiên và môi trường quanh ta. Còn chuyện quê về những con gà chọi trong tác phẩm “Gà chiến” lại là sự đấu tranh sinh tồn của con người trước hiểm họa ập đến. Sự giằng co cuộc chiến tạo nên không khí mãnh liệt trong tạo hình. Tác phẩm của gã mang yếu tố tượng trưng, đậm sắc màu huyền ảo.

Kẻ mộng mơ

Cuộc chơi với đề tài quê biển của Kù Kao Khải là một thử thách đầy khó khăn sau mươi năm trải nghiệm. Mọi thành công đã trở thành quá khứ. Nó đòi hỏi một nội lực dồi dào và tư duy hình tượng luôn luôn khai phá, đổi mới cho dù vẫn chỉ là chuyện con tôm, con cá, chuồn chuồn…Đó là một bản lĩnh của người nghệ sĩ mà Kù Kao Khải đã hiện diện qua mỗi tác phẩm tưởng như dễ bị lặp lại. Nhưng gã đã bứt thoát với những ý tưởng và sự mơ mộng của mình.

Gã dẫn tôi ra giữa bãi trống cùng với một chiếc máy lái đã gỉ cũ. Sức tưởng tượng của họa sĩ bao giờ cũng bất ngờ và tạo dựng được một bố cục dị biệt từ cái tưởng như đã cũ mèm, có thể vứt sọt rác. Vậy mà từ chiếc máy đó, lại một “chuyện quê” sẽ ra đời.

Tác phẩm điêu khắc của gã thường được phối tạo thành một tổ hợp sắp đặt theo ý tứ và tạo hình độc đáo. Xù xì và góc cạnh. Có những điểm sáng đột ngột vụt lên từ những nét tưởng như hồn nhiên, cộng với nét thô ráp, khuất lấp. Và đó chính là ngôn ngữ nghệ thuật của sự mộng mơ hiện lên rõ chân dung gã, họa sĩ Kù Kao Khải.

Chung Tử
.
.