PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa:

Người lưu giữ hồn Việt

Thứ Sáu, 14/09/2018, 16:03
Nổi tiếng là “người lưu giữ hồn Việt” bởi hàng chục công trình nghiên cứu về dân tộc học cùng nhiều hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam, những ngày cuối tháng 8 năm 2018, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa vinh dự nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội.


Đây là ý tưởng của ông và các nhà khoa học về di chỉ Vườn Chuối – một vấn đề “nóng” trong bảo tồn, phát huy di sản Hà Nội thời gian qua. Trao đổi với chúng tôi, từ câu chuyện về di chỉ Vườn Chuối, PGS.TS Nguyễn Văn Huy còn chia sẻ thêm nhiều vấn đề về giá trị di sản văn hóa – lĩnh vực mà ông đã theo đuổi gần cả cuộc đời.

- Di chỉ Vườn Chuối tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội được các nhà khoa học khẳng định mang nhiều dấu tích về lịch sử văn hóa Việt Nam thời Vua Hùng nhưng có nguy cơ bị xóa sổ thì báo chí đã phản ánh nhiều năm nay. Vì sao năm 2017, ông và một số nhà khoa học mới lên tiếng bảo vệ, thưa PGS.TS Nguyễn Văn Huy?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2018, hạng mục Ý tưởng.


+  Tôi không phải là nhà khảo cổ học. Việc theo đuổi di chỉ Vườn Chuối là các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Nhân học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Họ đã có nhiều đợt khai quật từ nhiều năm về trước, nhưng tôi thấy di chỉ này không được quan tâm, khi đô thị hóa, bị biến thành khu đô thị Kim Chung - Di Trạch thì số phận của di chỉ rất nguy hiểm, và thực tế là người ta đã san ủi rồi.

Nếu không lên tiếng và không được sự ủng hộ của các nhà khoa học và truyền thông thì di chỉ sẽ có thể bị xóa sổ. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ rất nhanh và có thể hủy hoại di sản. Nhận thức của con người đối với các bằng chứng lịch sử của Hà Nội 3.500 năm tại di chỉ Vườn Chuối cũng không được đầy đủ.

Khi tôi tra cứu thông tin thì thấy 10 năm trước đã có một đợt báo chí nói rất nhiều về di chỉ Vườn Chuối, nhiều người coi như câu chuyện nằm trong sự đã rồi. Nhưng hàng ngày tôi vẫn thấy bà con ở làng Lai Xá vẫn sưu tầm được những hiện vật mà xa xưa đã tồn tại như những chiếc rìu đá, mũi tên đồng, gươm, kiếm… bằng đồng rất tuyệt vời. Tôi hỏi những người đồng nghiệp là các nhà khảo cổ học như Nguyễn Huy Nhâm, như Bùi Hữu Tiến, Lâm Thị Mỹ Dung, được họ cung cấp nhiều tài liệu, hình ảnh khai quật khảo cổ.

Đọc báo cáo khai quật làm cho tôi thấy mình không thể không lên tiếng được và lo lắng, nếu mình không lên tiếng thì di chỉ khảo cổ học này sẽ nằm dưới khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch. Điều đó vô cùng nguy hiểm, chính vì vậy tôi đã lên tiếng, gửi thư cho Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cảnh báo nếu không giữ gìn thì chúng ta sẽ mất đi di chỉ 3.500 năm.

- Ông không phải là nhà khảo cổ học, khi bắt tay thực hiện bảo vệ di chỉ Vườn Chuối, ông có gặp nhiều khó khăn không?

+  Khi quan tâm đến di chỉ, việc đầu tiên là tôi phải đọc, và phải học về khảo cổ học. Để hiểu được các ý nghĩa, vấn đề trong các báo cáo về khảo cổ học đối với di chỉ Vườn Chuối, tôi được các nhà khảo cổ, đặc biệt là Thạc sĩ khảo cổ học Nguyễn Huy Nhâm, người trực tiếp tham gia khảo cổ di chỉ này giúp đỡ nhiều. Thạc sĩ Nguyễn Huy Nhâm đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều tài liệu cũng như các thông tin và giá trị của Vườn Chuối.

Thú thực là lúc đấy tôi mới thực sự thức tỉnh và quyết định quyết tâm bảo vệ di chỉ này. Bởi lẽ, đề xuất phải giữ gìn, bảo vệ di chỉ Vườn Chuối là chúng tôi đang cố gắng để làm sao giữ được cái chiều sâu của lịch sử văn hóa Hà Nội. Những chiều sâu lịch sử văn hóa đó vô cùng quan trọng, là nét đẹp tuyệt vời của Hà Nội, của Việt Nam, là niềm tự hào của Hà Nội và cả Việt Nam nữa.

Nhưng những bằng chứng đó rất mong manh. Tôi nghĩ, khi trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái cho tôi thì cũng đồng nghĩa với việc Ban tổ chức trao thông điệp về việc chúng ta cần phải giữ gìn, trân trọng, nâng niu những bằng chứng lịch sử văn hóa ấy của đất nước.

- Thời điểm bắt tay tìm kiếm tư liệu, đề xuất bảo vệ di chỉ Vườn Chuối, ông có sợ mình đơn độc không khi mà sự việc, như ông nói là nhiều người coi như chuyện đã rồi?

+ Thực ra đã có rất nhiều người nói với tôi rằng tranh đấu bảo vệ di chỉ Vườn Chuối sẽ rất là khó. Nhưng tôi có niềm tin. Hà Nội có một bề dày lịch sử như thế là vô cùng quý. Có thể người ta chưa hiểu hoặc chưa nhận thức ra thôi. Vì vậy mình phải làm cho người ta hiểu, từ các nhà quản lý đến doanh nghiệp. Và thực tế là tôi thấy họ đã hiểu, đã có những điều chỉnh nhất định.

Khai quật di chỉ Vườn Chuối tại Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.

Cũng trong quá trình tìm hiểu về di chỉ Vườn Chuối, tôi nhận thấy một thực tế là khi nói về di chỉ này, tất cả thường chỉ nói đây là di chỉ thời Đông Sơn, di chỉ Gò Môn, di chỉ Đồng Đậu. Mà với cái tên Gò Môn, Đông Sơn, Đồng Đậu, tôi chắc là di chỉ Vườn Chuối không vào đầu mọi người, không vào đầu các nhà quản lý, không vào đầu của những người cần thấy được giá trị của nó.

Bản thân tôi là một nhà dân tộc học, học sử, đã làm khảo cổ nhưng tất cả những cái đấy cũng đi qua đầu một cách không gây ấn tượng. Tôi đã nghĩ, di chỉ Vườn Chuối rất quý nhưng quan trọng là cách mình thông tin cho đối tượng mà mình muốn gửi thông điệp nữa. Vì vậy, khi làm việc với báo chí và lãnh đạo của thành phố, tôi đã sử dụng niên đại và thời gian.

Tôi nói những bằng chứng của di chỉ Vườn Chuối là bằng chứng xuyên suốt từ 3.500 năm cho đến 1.800 của Hà Nội. Cư dân của di chỉ Vườn Chuối là cư dân đầu tiên của Hà Nội. Khi tôi nói những thông điệp ấy với báo chí, với lãnh đạo thành phố Hà Nội thì họ hiểu ngay di chỉ Vườn Chuối là của quý của Hà Nội. Thông tin về di chỉ này lập tức đi vào cảm xúc của mỗi người và được họ chấp nhận ngay.

- Ông có nghĩ mình sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong hành trình bảo vệ di chỉ này không?

+  Tôi chắc chắn là sẽ còn nhiều khó khăn. Cuối năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội đã có ý kiến là dừng tất cả hoạt động san ủi tại di chỉ, nhưng vừa rồi vẫn có san ủi. UBND thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội xúc tiến ngay các thủ tục để xem xét công nhận di chỉ này trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia hoặc cấp thành phố, nhưng đã sau 8, 9 tháng, tôi thấy vẫn chưa có động tĩnh gì về xếp hạng di chỉ. Sự tồn tại của di chỉ này còn hết sức mỏng manh.

 - Theo ông, giải pháp tốt nhất cho di chỉ Vườn Chuối lúc này là gì?

+  Đầu tiên phải là đo đạc. Các nhà khảo cổ học phải đo đạc xác định phạm vi của di chỉ này rộng đến đâu, còn đến đâu, từ đó thực hiện việc đánh giá và phân loại, sắp xếp, đánh giá xem di chỉ này thuộc di tích cấp nào của Nhà nước hay là không thuộc cấp nào? Nếu đáng phải bảo vệ hay không thì cần có một văn bản xác định rõ ràng. Riêng cá nhân tôi thì di chỉ xứng đáng là di sản văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, vì đó là những chứng tích về lịch sử của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung. Những di chỉ đấy vô cùng hiếm.

Ở Hà Nội hiện  nay chỉ có 2 nơi thôi là di chỉ Vườn Chuối và Cổ Loa. Di chỉ thời kỳ Hùng Vương, như báo cáo của các nhà khảo cổ học, chúng ta phát hiện được rất nhiều nhưng cho đến nay, phần lớn đã không giữ được. Di chỉ này, chúng ta phải quyết tâm giữ, xếp hạng bảo vệ, phát huy nó trong đời sống, kể cả khai thác phục vụ tham quan, du lịch. Tất nhiên, để mong ước này thành hiện thực thì cần thêm nhiều tấm lòng với di sản của các nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng địa phương…

- Xin cảm PGS.TS Nguyễn Văn Huy! Chúc ông và các nhà khoa học hiện thực hóa thành công ý tưởng bảo vệ, phát huy di chỉ Vườn Chuối.

Ngọc Nguyễn (thực hiện)
.
.