Tài năng piano Quốc tế Nguyễn Việt Trung:

Tỏa sáng tâm hồn Việt trên quê hương Chopin

Thứ Hai, 13/07/2015, 08:00
Đầu tháng 7 này, nghệ sỹ piano Nguyễn Việt Trung cùng các nghệ sĩ đến từ Ba Lan,  Hungary  sẽ biểu diễn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trước sự kiện này, tôi vào google gõ cụm từ khóa "Tài năng âm nhạc Nguyễn Việt Trung". Trong 0,32 giây, công cụ tìm kiếm cho 1.710.000 kết quả về anh.

Nguyễn Việt Trung  hiện theo học tại Karol Szymanowski - một trường âm nhạc dành cho các tài năng của Ba Lan. Anh  đã giành được nhiều  giải thưởng âm nhạc Quốc tế danh giá và được lưu diễn tại các sân khấu lớn của nhiều nước như Ukraine, Hungary, Pháp, Mỹ, Nga, Ba Lan, Bỉ, Thái Lan... Nhiều bài báo trong nước và trên thế giới mệnh danh anh  là "Thần đồng âm nhạc", "Cậu bé Vàng piano" v.v...

Con trai  "Soái Ba Lan"

Lâu nay, ở nước ta, tài năng piano không nhiều và thường là "con nhà nòi" âm nhạc. Với Nguyễn Việt Trung, bố anh từng là "Soái Ba Lan", không hề biết một loại nhạc cụ. "Truyền thống" họ hàng nội ngoại của anh đều là nông dân ở xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Vì sao, với "truyền thống" ấy, Nguyễn Việt Trung lại phát tiết, trở thành một tài năng sáng chói trong nền âm nhạc thế giới? 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thân từng được mệnh danh là "Soái Ba Lan" là bố của cậu bé vàng Piano Nguyễn Việt Trung. Báo Tiền phong đã đăng mấy kỳ liền về ông với tiêu đề "Soái Ba Lan". Đến nhà riêng của ông, chúng tôi không thấy những bằng nọ, huy chương kia ghi nhận thành tích âm nhạc xuất sắc của Nguyễn Việt Trung - con trai út của ông; cũng không thấy bày biện những  kỷ vật liên quan tới âm nhạc như chúng ta thường thấy ở những gia đình có truyền thống về nghề này. Tiếp chúng tôi, ông Thân  nói về xu thế hội nhập; về cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam …, tuyệt nhiên không đả động đến âm nhạc.

Tài năng trẻ piano Quốc tế Nguyễn Việt Trung.

Nói đến ông, bạn bè cùng lứa ở Trường Cấp 3 Quỳnh Phụ và Khóa 19 Đại học Tổng hợp Hà Nội đều nể phục về thành tích học giỏi. Đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan, nhận bằng tiến sĩ loại giỏi, ông không phấn đấu trở thành nhà khoa học mà chuyển sang kinh doanh và trở thành thương gia có tiếng với biệt danh là "Soái Ba Lan". Về nước, dù không được đào tạo ngành Tài chính Ngân hàng, ông vẫn chủ trì sáng lập Ngân hàng Quốc tế (VIB); đồng chủ trì sáng lập Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam. Hiện ông là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội này - Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng (Hà Nội) và làm cố vấn cho một số tổ chức tín dụng ở Việt Nam. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Vinh, cùng quê, cùng học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Họ có 3 người con. Nguyễn Việt Trung là út. Anh chị của Trung đều học rất giỏi. Anh cả Nguyễn Việt Thắng hiện làm việc ở Tập đoàn UNICITY của Mỹ;  chị gái Trung hiện làm việc tại Tập đoàn Kiểm toán PWC tại Boston. Đây là tập đoàn kiểm toán lớn nhất nước Mỹ.

 - Còn cậu út thì sao? Học giỏi không ông? - Tôi hỏi TS. Thân về Nguyễn Việt Trung.

 -Trước đây cháu học thường thôi. Có lẽ cháu được nhà trường ưu đãi về chế độ học tập nên học văn hóa láng cháng, cốt đỗ tốt nghiệp phổ thông. Đến nỗi, nhà trường phải gửi thông báo cho phụ huynh về tình hình học tập của cháu. Hoảng quá, tôi bay sang Ba Lan. Vợ chồng tôi làm công tác tư tưởng cho cháu. Sau hai tháng, kết quả học tập của cháu khiến cả trường phải kinh ngạc. Trong 4 môn thi bắt buộc: Anh văn cháu được 30/30 điểm - cháu thông thạo 5 thứ tiếng nên môn này đạt điểm cao tuyệt đối không có gì đáng ngạc nhiên. Môn Âm nhạc cũng vậy. Ngạc nhiên nhất  là kết quả thi môn văn học Ba Lan và toán. Môn văn  học Ba Lan cháu được 85/100 điểm - cao nhất trường.

… Chợt, tôi nhìn kỹ bức chân dung Nguyễn Việt Trung treo trên tường. Rõ ràng, khuôn mặt sáng láng ấy, vầng trán ấy, đôi mắt thông minh ấy giống TS. Thân như tạc. Và tôi đồ rằng, dù vợ chồng ông và hai người con lớn của ông bà không có năng khiếu âm nhạc đặc biệt như Trung, nhưng ở họ đều có tư duy, cảm nhận cuộc sống sắc sảo, nhạy bén; đức tính cần cù thì mới thành đạt như vậy.

Nguyễn Việt Trung - công dân Việt Nam

Nhiều người nhầm tưởng nghệ sỹ piano Nguyễn Việt Trung là Việt kiều, là công dân Ba Lan. Không phải vậy! Nguyễn Việt Trung sang Ba Lan từ khi 6 tháng tuổi, đến nay đã 19 năm, anh vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Tại mọi cuộc thi piano Quốc tế có anh tham dự, Quốc kỳ Việt Nam đều được tung bay kiêu hãnh. Gia đình  ông Thân bây giờ  chia làm ba … "niêu". TS. Thân và con trai lớn sinh sống và làm việc tại Việt Nam; vợ ông ở Ba Lan để chăm sóc Nguyễn Việt Trung và  con gái họ sinh sống làm việc tại Mỹ.

Ông Thân cho hay, vợ con ông là người Việt Nam; có tính cách và tâm hồn của người Việt nên ông không muốn làm công dân của nước nào. Bởi vậy, mỗi lần gia đình sum họp, các thành viên đều nói tiếng Việt. Ông bà TS. Thân thường giáo dục các con về truyền thống, đạo lý của Việt Nam, về lòng yêu nước, tình cha con, tình anh em, bạn bè. Và, bởi vậy, Nguyễn Việt Trung dù thành thạo 5 thứ tiếng, anh vẫn thường nói tiếng Việt; đọc nhiều sách văn học Việt Nam; biểu diễn thành công nhiều dân ca của Việt Nam. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, Trung tranh thủ trở về Việt Nam, đoàn tụ với gia đình, gặp gỡ bạn bè ở Hà Nội. Nhiều lần Trung  được về quê Thái Bình ăn Tết cùng ông bà, đón  Giao thừa, thức đến ba giờ sáng đi xông đất gia đình anh em họ hàng.

Ai cũng biết, từ năng khiếu và tư chất thông minh dẫn đến tài năng là một khoảng cách không gần. Khoảng cách ấy là sự say mê khổ luyện, là môi trường giáo dục đào tạo, là sự thăng hoa của tư tưởng và tâm hồn. Năng khiếu, sự say mê khổ luyện âm nhạc của Nguyễn Việt Trung thì nhiều tờ báo đã viết rồi. Nhưng ở Trung, ngoài những  tố chất trên phải có tư duy sắc bén, sự cảm nhận cuộc sống tinh tế thì mới chuyển tải được tư tưởng, tình cảm trong các tác phẩm của các bậc thiên tài âm nhạc như J.S. Bach, F.Liszt, F.Chopin, Beethoven, làm rung động hàng triệu trái tim khán giả trên thế giới!.

Lại kể về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông của Trung. Trước 7 vị giám khảo, Trung lập luận, hùng biện vượt quá yêu cầu của bài thi thông thường. Rằng, con người có ước mơ, có lí tưởng thì không có thế lực gì ngăn cản được họ! Rồi Trung kể câu chuyện minh họa cho bài thi của mình rằng, một Hồng quân Liên Xô, trước cái chết vẫn bảo vệ ước mơ, lí tưởng của mình. Có lẽ, đó cũng là tư tưởng, ý chí của Trung trên con đường vươn tới chinh phục đỉnh cao âm nhạc. Trên Tạp chí âm nhạc của Ba Lan đã viết về Trung thế này: "Nguyễn Việt Trung đến từ Việt Nam là một tài năng Piano trẻ, đã nhạc cảm bằng một tâm hồn trong sáng và tươi mới". "Tâm hồn trong sáng và tươi mới" ấy cũng chính là tâm hồn người Việt Nam - Trung đã biểu diễn tác phẩm của các thiên tài âm nhạc bằng trí tuệ, tài năng và tâm hồn Việt Nam!

Cao Thâm
.
.