“Vườn”- Một mảnh tâm hồn Việt

Thứ Bảy, 07/07/2018, 07:55
Mỗi nghệ sỹ lớn đều sáng tạo một biểu tượng riêng để gửi vào đó tư tưởng, tình yêu, những khát khao, mơ ước... Không khó để nhận ra có một biểu tượng văn hoá mang rõ bản sắc Việt, tâm hồn Việt trong sáng tác của các nhà thơ, nhà văn lớn. Đó là biểu tượng vườn.


Nguyễn Trãi là nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà địa lý, nhà thơ... Ông còn là nhà mỹ học có một quan niệm riêng về cái đẹp luôn trong trạng thái non tơ đang cựa quậy chứ không tròn trịa trong thời viên mãn: “Xuân chầy liễu thấy chưa hay mặt/ Vườn kín hoa truyền mới lọt tin/ Cành có tinh thần ong chửa thấy/Tính quen khinh bạc bướm chăng gìn/ Lạc Dương khách ắt thăm thinh nhọc/ Sá mựa cho ai quẩy đến bên” (Đầu Xuân đắc ý, Thơ Nôm).

Vì xuân đến chậm nên liễu chưa thấy mặt, “Vườn kín hoa truyền mới lọt tin” tức hoa mới chớm nụ. Hương hoa mới chớm bay ra khỏi vườn kín nên “ong chửa thấy” mà tìm đến nhưng bướm thì chẳng biết giữ gìn gì cứ vô tư đậu vào cành. Đúng là thế giới của cái đẹp “non tơ phong nhụy”, tất cả như đang phập phồng xuân khí.

Đất Lạc Dương (là kinh đô Trung Quốc thời Ngũ đại) từng là nơi tụ hội các thi nhân, tuy rất đẹp nhưng vườn ta đẹp cũng không kém nên ta chẳng cho (sá mựa) ai quẩy xuân này đến đó mà đem cái đẹp đi. Cũng chỉ mạo muội “diễn nôm” câu thơ để thấy phần nào cái đẹp của ý thơ phải nói là tuyệt bút này. Hình tượng “vườn” ở đây vượt lên trên ý nghĩa của mảnh vườn thông thường để vươn tới ý nghĩa là thế giới của cái đẹp!

Vườn tuy có cúc chửa đâm hoa/ Phong sương đã bén biên thi khách/ Tang tử còn thương tích cố gia/ Ngày khác hay đâu còn việc khác/ Tiết lành mựa nỡ để cho qua” (Về Côn Sơn ngẫu tác ngày Trùng cửu, Thơ Nôm). “Tiết lành” là thời điểm đẹp nhất phải là “cúc chửa đâm hoa”, sương nhẹ đủ để bám vào thi nhân, là cây dâu (tang tử) cũng như con người biết thương nhớ nhà cũ (cố gia)…

Thế giới cái đẹp hẳn nhiên phải xa chốn bụi bặm cửa quyền: “Con lều mọn mọn đẹp sao!/ Trần thế chẳng cho bén mấy hào/ Khách lạ đến ngàn, hoa chửa rụng/ Câu mầu ngâm dạ, nguyệt càng cao/ Những màng lẩn quất vườn lan cúc/ Ắt ngại lanh chanh áng mận đào/ Ngựa ngựa xe xe la ỷ tốt/ Dập dìu là ấy chiêm bao” (Thuật hứng VII, Thơ Nôm).

Vườn thôn Vĩ Dạ (Huế).

Một thế giới tiên của “chiêm bao” nơi ngàn xa: con lều nhỏ, hoa, câu thơ hay, trăng, vườn lan cúc… có “khách lạ” nhưng dứt khoát không phải là người nơi “áng mận đào” (tức chốn công danh) và hẳn phải là người tri âm với cái đẹp! 

Lại cũng chính Nguyễn Trãi muốn trở thành một nông dân: “Cày ruộng cuốc vườn dầu hết khỏe/ Tôi Đường Ngu ở đất Đường Ngu” (Trần tình 7, Thơ Nôm). “Đừờng Ngu” là thời thái bình thịnh trị, tức ông khát khao sống và lao động thực thụ trong thời hoà bình.

Mảnh vườn là thế giới của cái đẹp, là nơi nương náu, cũng là khát vọng hoà bình của Ức Trai tiên sinh.

Còn đây là “mảnh vườn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Tùng hạ nguyệt lai kim toản toái/ Trúc biên phong đáo ngọc tông tranh - Trăng dọi cây tùng, rải xuống những hạt vàng ánh sáng nhỏ li ti/ Gió thổi bờ tre, cọ xát tạo nên tiếng lanh canh như ngọc (kêu)” (Tân quán ngụ hứng 55).

Cũng là một biểu hiện của cái đẹp. Mà cái đẹp luôn không đi cùng công danh, vì: “Công danh bất hệ nhất hư chu/ Liêu hướng điền viên mịch thắng du - Công danh như con thuyền rỗng, chẳng buộc vào đâu/ Hãy hướng về ruộng vườn mà tìm thú ngao du thắng cảnh” (Ngụ hứng 4).

Trạng Trình như ông tiên nhàn làm thơ. “Vườn” trong thơ ông vừa là cảnh tiên vừa là cảnh thực, hòa vào nhau, khó phân biệt: “Viên tại Vân am trắc/ Luân ánh trần bất đáo/ Hoa trúc thủ tự thực/ Trượng lũ tập hoa hương/ Trản giả xâm hoa sắc/ Hạc thổ phanh trà yên/ Ngư thôn tẩy nghiễn mặc/ Khiển hứng nhậm thi cuồng - Vườn nằm bên cạnh am Mây/ Ánh nắng chiếu xuống không có bụi/ Rặng tre hoa, tự tay trồng/ Chống gậy đi, dép thơm mùi hoa/ Nâng chén ngọc màu hoa óng ánh/ Hạc nhả khói khi pha trà/ Cá đớp mực lúc rửa nghiên/ Thỏa hứng mặc sức thơ cuồng” (Hựu thập nhị vận). Con người cũng vừa như là tiên, vừa như là thực. Trong sáng tuyệt đối. Tự do tuyệt đối. Cũng khó làm rõ cảnh đẹp làm nên thơ hay thơ viết (vẽ) nên cảnh đẹp!?

Nguyễn Khuyến là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” nên “vườn” trong thơ ông xuất hiện càng nhiều, ngay thơ chữ Hán đã có tên ba bài mang hình tượng này: “Thái viên” (Vườn rau), “Giới viên” (Vườn cải), Tiểu viên (Vườn nhỏ); thơ tiếng Việt có hai bài: “Trở về vườn cũ”, “Uống rượu ở vườn Bùi”. Tiêu biểu cho “vườn” theo phong cách Nguyễn Khuyến là bài “Bạn đến chơi nhà”, hóm hỉnh, đùa vui mà tinh tế nhưng vẫn nêu được đặc trưng của mảnh vườn Việt: “Ao sâu nước cả, khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà/ Cải chửa ra cây, cà mới nụ/ Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”.

Ngoài tư cách nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ,... Bác Hồ của chúng ta là người làm vườn đích thực. Bác rất yêu vườn, nhà Bác ở cũng trong vườn “Nhà gác đơn sơ một góc vườn” (Tố Hữu). “Việc quân, việc nước đã bàn/ Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau”. Hồi kháng chiến, Bác trồng rau nuôi gà trong vườn để tăng gia, khi hoà bình Bác thêm trồng hoa. Mảnh vườn trong thơ Bác là biểu tượng cho sự hoà nhập thiên nhiên, cho tình yêu lao động, yêu cái đẹp, yêu con người.

Trước 1945, trong Thơ Mới có nhiều hình ảnh vườn nhưng ấn tượng nhất là mảnh vườn thôn Vỹ của Hàn Mặc Tử: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Nếu trong Thơ Mới còn thiên về miêu tả “vườn” thì sau 1986, sự miêu tả ít đi để tăng cường tính khái quát, do vậy chất biểu tượng đậm, sâu sắc hơn. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu như “Sống mãi với cây xanh”, “Phiên chợ Giát”, một nghĩa phái sinh của “vườn” là “đất” được nâng lên như một “mẫu gốc”, thành Mẹ Đất nuôi nấng, bao bọc con người. Ma Văn Kháng với “Mùa lá rụng trong vườn”, “vườn” được hiểu thiên về nghĩa biểu tượng: những giá trị cội rễ có nguy cơ lung lay khi cơn lốc thị trường tràn đến.

Thơ Lưu Quang Vũ có rất nhiều “vườn”: “Một vườn xoài chạy dài thăm thẳm”, “Nhớ nỗi nhớ của vườn xưa tội quá”, nhắc đến thơ ông là phải nhớ đến hình ảnh “Vườn trong phố”. Nhưng khái quát thành biểu tượng thì phải trong kịch, tiêu biểu là vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Mảnh vườn của nhân vật Trương Ba mang tính biểu tượng cho tâm hồn chủ nhân bình dị, trong sáng. Khi hồn anh hàng thịt nhập vào Trương Ba thì cây cối trong vườn là nạn nhân của sự dung tục, tầm thường “làm gẫy tiệt mấy cái chồi non”, “giẫm lên làm nát cả cây sâm quý”. Cuối vở hình ảnh nhân vật cái Gái ươm mấy hạt na để “những cái cây nối nhau mà lớn lên, mãi mãi” đậm tính biểu trưng... Truyện vừa “Mảnh vườn xưa hoang vắng” của Đỗ Chu thật ấm áp với biểu tượng ngôi nhà được dựng trên “mảnh vườn xưa”. “Xưa” thì hoang vắng, “nay” thì hồi sinh. Nhìn chung tính biểu tượng góp phần để văn xuôi Đỗ Chu giàu chất thơ, nhẹ, tinh tế, sâu lắng...

Không phải ai cũng có thể kiến tạo được biểu tượng, phải giàu vốn sống, vốn văn hoá, hiểu đời, nhất là làm chủ một nghệ thuật cấu trúc hình tượng, vì biểu tượng giống như một cơ thể sống vậy.

Nguyễn Thanh Tú
.
.