Người hàng xóm đặc biệt

Thứ Bảy, 11/01/2020, 17:38
Bởi ông ở gần nhà tôi đã mấy chục năm nay, chỉ cách nhau vài trăm mét. Còn đặc biệt vì rất nhiều điều thú vị có thể nói về ông và trên hết bởi đó là một người không dễ kiếm tìm với tài năng và nhiệt huyết thật đáng trân trọng.


Ông là nhạc sỹ Thanh Phúc, suốt đời mặc áo lính. Những bài ca ông để lại cho đời phong phú về số lượng và đặc sắc về chất lượng. Nhạc của ông vừa hoành tráng, hùng hồn như “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”, “Bài ca Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng”, “Bài ca biên giới”… lại vừa duyên dáng, ngọt ngào, điệu đà như “Hà Giang quê tôi”, “Bài ca xây dựng”, “Hương thầm”, “Người Mèo ơn Đảng”.

Trong khi có những người suốt đời công tác trong ngành giáo dục, sáng tác hàng trăm bài hát cho thiếu nhi mà vẫn xa lạ thì ông chỉ viết một bài nhưng để đời, không em thiếu nhi nào không biết. Đó là bài “Nhớ giọng nói Bác Hồ” (“Một ngày vui theo tay Bác/ Cháu hát vang bài Kết đoàn/ Giọng Bác Hồ như suối ngọt/ Giọng cháu thanh như chim hót…”).

Hồi còn là học sinh phổ thông (những năm 60 của thế kỷ trước), tôi đã thuộc rất nhiều bài và vẫn hát trong các cuộc liên hoan văn nghệ ở trường mà khi ấy không biết tác giả: “Tiếng hát người chăn bò”, “Người Mèo ơn Đảng”. Mãi về sau này mới biết của Thanh Phúc. Nhưng mới cũng chỉ là biết tên chứ chưa gặp mặt. Và tôi cứ hình dung tác giả phải thế này, thế khác chứ không như lúc tôi được kiến diện.

Nhạc sỹ Thanh Phúc và vợ.

Đó là lần đầu tiên tại phòng làm việc của nhạc sỹ Văn An ở Đài Tiếng nói Việt Nam, phố Quán Sứ, Hà Nội (Văn An cũng là một nhạc sỹ quân đội nổi tiếng, là đồng nghiệp, cùng làm việc với Thanh Phúc ở buổi phát thanh Văn nghệ quân đội). Tôi và tác giả “Nhịp cầu nối những bờ vui” đang đàm đạo thì có một người dáng đậm, mặc quân phục bước vào. Ông tỏ ra không để tâm đến người lạ, không chào hỏi gì dẫu chỉ là một cái gật đầu hoặc nhoẻn miệng cười rồi cất giọng chói vói và phát âm khá to, quá mức cần thiết trong căn phòng chỉ chừng mấy mét vuông của Văn An. Vị chỉ trao đổi gì đó với Văn An mấy câu rồi đi ngay.

Sau đó Văn An cho tôi biết đó là Thanh Phúc. Lúc đầu tôi cứ tưởng có một Thanh Phúc nào khác không phải là người nhạc sỹ đã có danh gắn với nhiều bài hát rất quen biết mà tôi ưa thích. Về sau Văn An nói đúng “tim đen” của tôi: “Phúc nó có vẻ không hợp với gu của cậu?”. Tôi nói ngay: “Đúng là tôi đã nghĩ Thanh Phúc phải có dáng dấp, phong cách khác. Nhưng tôi rất thích những bài của anh ấy. Quả là giữa tác phẩm và con người tác giả không trùng khớp như nhiều nhạc sỹ tài danh khác”.

Sau lần đó, mỗi khi đến Đài Tiếng nói Việt Nam, tình cờ gặp Thanh Phúc, tôi luôn chủ động chào và nói chuyện với ông thì thấy ông dễ chịu, hồn nhiên, sôi nổi, gần gũi, bộc bạch chân thành. Từ mến mộ tài năng mà tôi trở nên dần quý mến, trân trọng ông. Chỉ khi bận việc gì đó, chứ nếu không, ông có thể hát cho tôi nghe bất cứ bài gì của ông từ cũ đến mới, sáng tác ở bất cứ chỗ nào nếu tôi yêu cầu. Không phải ai cũng có được phong cách này.

Cũng dễ hiểu bởi ông trước hết là lính và công việc hàng ngày của ông là phóng viên âm nhạc, chuyên đi dàn dựng, thu thanh các tiết mục của anh em chiến sỹ ở khắp các đơn vị trên toàn quốc để giới thiệu trong chương trình “Chiến sỹ ta ca hát” phát sóng hàng tuần trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi càng trân quý hơn khi biết rõ ông rất tận tình trong việc phát hiện và bồi dưỡng nhiều nhân tố từ phong trào văn nghệ chiến sỹ để họ trở nên những giọng hát đặc sắc.

Ví như trường hợp ca sỹ Hồng Liên là một minh chứng tiêu biểu. Chị vốn là giọng hát không chuyên của Tổng cục Hậu cần. Thanh Phúc phát hiện ra giọng hát độc đáo, rất dân gian của chị rồi ông đã trao cho chị hát đầu tiên bài “Nắng” của mình. Hồng Liên thu thanh thành công. Sau đó, chị được chuyển về làm việc ở Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và trở thành ca sỹ chuyên nghiệp rồi nhanh chóng nổi tiếng.

Đến hôm nay, đã có hàng trăm bài hát hay về Đảng. Nhưng không nhiều người biết có hai bài ra đời đầu tiên về chủ đề này cực kỳ nổi tiếng mà nếu hát lên vài câu thì ai cũng sẽ thấy rất quen tai. Bài thứ nhất là “Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam” của Đỗ Minh sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (“Vừng trời Đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên. Đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới…”).

Bài thứ hai là “Người Mèo ơn Đảng” của Thanh Phúc, sáng tác năm 1956, đến nay đã trở thành bài hát của tất cả các dân tộc ít người ở Việt Nam chứ không chỉ của người Mèo. Bài hát lấy chất liệu từ một làn điệu dân ca rất quen thuộc của dân tộc này với những lời lẽ giản dị, dễ hiểu: “Đây sườn núi lưng đèo ngưởi Mèo ca hát. Sao còn có trên trời ngàn đời ơn Đảng…”.

Giai điệu cứ lặp đi lặp lại và kết các câu nhạc hoặc ở chủ âm, hoặc ở bậc 5 khiến người nghe dễ nhớ, dễ thuộc. Có một chuyện khá thú vị. Sau khi bài hát này ra đời đã rất lâu, một lần nhạc sỹ Thanh Phúc có dịp lên công tác ở Hà Giang, tình cờ gặp một em bé người Mèo đang thổi sáo. Ông hỏi em có biết hát bài dân ca Mèo nào không thì hát cho ông nghe.

Nhạc sỹ Thanh Phúc thời trẻ.

Không ngần ngại, em đã hát “Người Mèo ơn Đảng” của ông rất chính xác, không sai chi tiết nào. Em cũng cho biết bài “dân ca” này ở quê em ai cũng thuộc từ lâu. Hóa ra người ta đã nghĩ đó là dân ca như bao nhiêu dân ca khác từng lưu truyền trong dân gian mà không biết là của vị nhạc sỹ đang nói chuyện với em bé.

Cách đây mấy năm, tôi được mời lên Hà Giang sáng tác. Trước khi đặt bút viết, tôi đã bỏ công nghe mấy chục bài hát viết về Hà Giang trong nhiều năm qua thì thấy không có bài nào lọt được vào tai, ngay cả những bài của những tác giả nổi tiếng. Có lẽ bởi bài “Hà Giang quê tôi” của Thanh Phúc đã như một cái bóng quá lớn, chùm lấp mà không biết đến khi nào mới có bài thứ hai thoát ra được. Bài này tác giả viết vào những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ trước, đến hôm nay vẫn nguyên vẹn sức lôi cuốn: “Đây Hà Giang quê hương tôi, nơi biên cương là đây có đường đi trong mây lên đến cổng trời…”.

Mấy chục năm qua, mặc nhiên bài hát đã trở thành “tỉnh ca” (Bài hát truyền thống) của tỉnh Hà Giang. Vẫn biết hôm nay đã khác xa mấy chục năm trước. Hà Giang đã đổi mới nhiều trên con đường hội nhập và phát triển. Sáng tác về Hà Giang đương nhiên phải có cách khai thác khác, không thể viết như trước nhưng tôi vẫn thấy không thể vượt qua được bài của Thanh Phúc năm xưa.

Và cuối cùng, tôi đã tự đầu hàng vì không muốn bài của mình giống như hàng trăm bài nhạt nhẽo bị công chúng thờ ơ. Ở nước ta hầu như tỉnh nào cũng có nhiều bài hát viết về địa phương mình, nhưng chỉ có chừng mươi bài nổi tiếng được công chúng ưa thích và truyền tụng, trong đó có “Hà Giang quê tôi” của Thanh Phúc.

Qua “Nắng”, “Bài ca xây dựng”,“Hà Giang quê tôi”, “Người Mèo ơn Đảng”, rồi “Tiếng hát người chăn bò” đến “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” hay “Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng”… thấy rõ dù viết cho đơn ca hay quần chúng hát – thể chanson populaire – Thanh Phúc rất chú trọng tạo nên những bài hát có giai điệu đẹp, thắm đượm phong vị dân ca, dễ đi vào lòng người. Bài hát rất duyên dáng, điệu đà quả là khá độc đáo với một nhạc sỹ có phong cách bình dân, vui vẻ, xuề xòa như Thanh Phúc.

Nhưng sau khi về hưu, trút cởi bộ quân phục, trở thành một ông già thì Thanh Phúc lại trở nên “đỏm dáng”. Sau rất nhiều năm tháng không gặp ông, một lần đi dạo quanh hồ Thành Công (Hà Nội), tình cờ tôi gặp một cụ già râu tóc bạc phơ mặc áo sơ-mi đỏ, áo vét trắng, quần trắng, giày trắng, thắt cà vạt rất điệu, có thể nói là diêm dúa đang khoác tay một phụ nữ kém ông khá nhiều tuổi. Đúng hơn là bà đã dìu ông đi bộ thì đúng hơn. Trông rất quen!

Đến gần, tôi nhận ra Thanh Phúc. Thì ra ông đang sống ở gần hồ, chỉ cách tôi vài trăm mét như đã nói. Ông bị bệnh tim, sức khỏe đã yếu nhiều. Người phụ nữ chính là người vợ rất đỗi hiền thục, mật thiết của ông. Bà là người chăm sóc, lo liệu toàn bộ cuộc sống của ông hiện nay. Bà nhớ rành rẽ mọi tác phẩm của chồng mình và  có thể thay ông kể rất nhiều khi có nhà báo nào đó cần tìm hiểu về ông.

Tôi được biết Thanh Phúc còn viết báo, làm thơ, viết truyện. Nhưng có lẽ đó là những dịp ông tập não hơn là có ý trở thành nhà thơ, nhà văn, nhà báo vì với những ca khúc để đời của mình, đủ để ông xứng đáng nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT ngay từ đợt đầu tiên và được công chúng yêu quý, ngưỡng mộ.

Nguyễn Đình San
.
.