Người đầu tiên đưa văn học Nga hội nhập với văn học thế giới

Thứ Hai, 01/04/2019, 08:16
Nhà phê bình và nghiên cứu văn học Nga Igor Zolotussky là một trong những chuyên gia lớn nhất về Nicolai Gogol, tác giả cuốn “Gogol” đã được tái bản nhiều lần, và được nhận giải thưởng Solzhenitsyn. Ông còn là tác giả kịch bản bộ phim 10 tập “Chiêu tuyết cho Gogol”. Ông vừa cho xuất bản cuốn sách “Tiếng cười của Gogol”.


Zolotussky hiện là Chủ tịch quỹ Gogol, được thành lập để giải quyết một nhiệm vụ cao cả nhất: xây dựng bảo tàng Gogol... đầu tiên ở nước Nga. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 210 của nhà văn Gogol (1/4/1809-1/4/2019), xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Igor Zolotussky.

- Xin ông trình bày ý nghĩa của Gogol đối với văn học Nga đương đại?

+ Trả lời câu hỏi này cần cả một bài viết dài. Nhưng nếu nói ngắn gọn thì Gogol là người đầu tiên đưa văn học Nga hội nhập với văn học thế giới.

- Được biết, tất cả chúng ta đều bước ra từ “Chiếc áo khoác” của Gogol. Gogol có đưa ra lời giải đáp không, hay giống như tất cả các nhà văn, ông chỉ nêu  vấn đề?

+ Thứ nhất, câu nói: tất cả chúng ta đều bước ra từ “Chiếc áo khoác” của Gogol đã trở thành thành ngữ, thường được gán cho Dostoyevsky. Nhưng Dostoyevsky không nói câu ấy. Nhưng dù sao, chính Dostoyevsky bước ra từ toàn bộ Gogol, đặc biệt cuốn sách cuối cùng của ông – “Những đoạn chọn lọc từ các lá thư gửi bạn bè”, nơi Gogol về thực chất đã hình thành nên tư tưởng và cốt truyện cho tất cả các cuốn tiểu thuyết của Dostoyevsky, vì Gogol đã phản đối sự biến đổi cách mạng của xã hội và nói rằng thiếu nhà thờ, thiếu Jesus Christ, không thể thực hiện con đường đổi mới. Ông muốn đưa các giáo lý của đạo Cơ đốc vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, kể cả đời sống quốc gia. Từ Gogol bắt đầu sự Cơ đốc giáo hoá nền văn học Nga.

Chân dung nhà văn, nhà viết kịch Nicolai Gogol.

- Theo ông, nếu như N. V. Gogol sống vào thời đại chúng ta, ông sẽ viết những tác phẩm nào?

+ Ông viết tất cả những gì có thể. Và mỗi tác phẩm của ông, có lẽ, trừ “Đoạn kết của quan thanh tra” và những bức thư nào đó trong “Những đoạn chọn lọc từ các lá thư gửi bạn bè”, sẽ đi vào thế kỷ 21.

Có lần Vladimir Nabokov trong tiểu thuyết “Quà tặng” mô tả câu chuyện của hai nhà trí thức bàn luận về các tên tuổi lớn của nền văn học Nga vĩ đại, và đánh giá khá khắt khe mỗi người trong họ. Đến lượt Gogol, họ nói: “Có thể nhất trí hoàn toàn”. Tôi có thể nói rằng Gogol cùng với các tác phẩm nghệ thuật của ông và với cuốn sách vĩ đại “Những đoạn chọn lọc từ các lá thư gửi bạn bè”, đã đi vào thời đại chúng ta.

- Xét về mặt tâm thức, Nikolai Gogol là nhà văn Nga hay Ukraina?

+ Gogol sinh ra ở Ukraina, Gogol yêu mến Ukraina, nhưng Gogol là nhà văn Nga vĩ đại. Chính ông đã nhiều lần nói về điều đó: “Chúng ta cần phải tư duy và viết bằng tiếng Nga”. Đó là những lời của ông. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ ông nói điều đó. Mà ở chỗ Tổ quốc của một nhà văn nào đó được xác định không phải bởi nơi ông ta ra đời, mà là ở ngôn ngữ mà ông viết và tư duy. Không, Gogol hoàn toàn không phải là nhà văn Ukraina, mặc dù ông sử dụng trong các truyện vừa đầu tiên của mình những bối cảnh đời sống của Ukraina, đề tài Ukraina.

- Xin ông cho biết những thành tựu đáng kể nhất của ngành Gogol học giai đoạn hậu Xô Viết?

+ Trước hết, đó là toàn tập tác phẩm của Gogol gồm 23 tập do Viện Văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học cho xuất bản.

Đã xuất hiện nhiều họa sĩ minh họa tác phẩm của Gogol. Một người trong số đó là Nikolai Petrovich Predein, hiện sống ở Ekaterinburg. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà văn (2009), nhà xuất bản “Sách giáo khoa và bản đồ Moskva” đã xuất bản tác phẩm “Những linh hồn chết” với các tranh minh họa của Predein.

Phần một của cuốn sách này là trường ca “Những linh hồn chết”, còn phần hai là bình luận tự do của tôi về tác phẩm này, có tên: “Tôi là con người, thưa ngài”. Đây là câu nói của Chichikov trong tập hai “Những linh hồn chết”, khi ông bị hành hạ và vu cho là ăn trộm, bị giải tới quan tỉnh trưởng. Tôi muốn để độc giả nhìn thấy con người ở Chichikov.

Còn về các ấn phẩm khác thì cuốn sách của tôi “Gogol” đã được tái bản lần thứ 6 tại nhà xuất bản “Cận vệ trẻ” trong tủ sách “Cuộc đời những con người tuyệt diệu”. Đã xuất hiện cuốn sách tập hợp các hồi ức của những người đương thời của Gogol. Ấn phẩm này do nhà khoa học trẻ Igor Vinogradov biên soạn.

Năm 1952, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Gogol, đã xuất hiện một ấn phẩm tương tự, nhưng nó bị kiểm duyệt “tùng xẻo” nhiều, thiếu rất nhiều hồi ức. Và cuối cùng, cuốn “Biên niên sử cuộc đời và tác phẩm của Gogol” đã được xuất bản. Đây là một công trình lớn. Đã có những ấn phẩm tương tự về cuộc đời Tolstoy, Chekhov, Tyutchev, Pushkin...

- Thái độ của ông đối với cuốn sách của V. Nabokov về Gogol, những mặt mạnh, mặt yếu của nó?

+ Đó là tập hợp những bài giảng của Nabokov về Gogol, lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Anh ở Mỹ. Đây là một cuốn sách tuyệt vời, mặc dù trong đó có những thiếu sót.

Tôi xin giải thích một chút. Tôi yêu mến và đánh giá cao Nabokov. Nabokov là một bậc thầy viết về Gogol như về một bậc thầy, nghĩa là về một nghệ sĩ, nhưng ông hoàn toàn bỏ quên hầu như toàn bộ nửa thứ hai cuộc đời của Gogol: khi Gogol đến với Thượng đế một cách nghiêm túc, khi ông viết “Những đoạn chọn lọc từ các lá thư gửi bạn bè”, khi vượt ra ngoài giới hạn nghệ thuật, ông trực tiếp hướng tới độc giả của mình. Điều này, tất nhiên gắn với những quan điểm của Nabokov về nghệ thuật. Ông cho rằng tất cả mọi toan tính gán cho nghệ thuật những tư tưởng nào đó đều vô hiệu.

Vì vậy Nabokov đã bỏ qua cả một giai đoạn trong tiểu sử Gogol. Nhưng những gì ông viết về tài năng của Gogol thì thật tuyệt vời. Và điều chủ yếu là sâu sắc. Ở nước Nga, cuốn sách này được tái bản mấy lần. Đây là cuốn sách của một bậc thầy, những người yêu mến văn chương nên đọc nó.

- Xin ông cho biết tác phẩm của Gogol có vai trò như thế nào trong việc giáo dục văn hoá cho học sinh phổ thông hiện nay?

+ Thế hệ chúng tôi trưởng thành từ Gogol, nghĩa là từ văn học Nga. Trong số những người thuộc lứa tuổi của tôi, thế hệ của tôi, thời đại tôi có những con người khác nhau, nhưng tôi cần phải nói với bạn rằng phần lớn chúng tôi đã trở thành những công dân tốt chính là nhờ có văn học Nga, mà về thực chất hiện nay bị bỏ rơi trong các chương trình phổ thông. Con người được giáo dục bằng cái gì? - Bằng lời nói hay, bằng cái đẹp, bằng sự cao thượng - tất cả những cái đó đều do văn học Nga mang lại, trong đó có Gogol.

- Thưa ông, hiện vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng Gogol bị bệnh tâm thần kinh niên, và điều đó đã để lại dấu ấn lên toàn bộ tác phẩm của ông. Chính vì vậy nhà văn thiên tài trong những năm cuối đời đã sống khép kín và hai lần đốt tập hai “Những linh hồn chết”. Xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

+ Trả lời câu hỏi của bạn, tôi có thể nói ngay rằng đã đến lúc chúng ta cần phải giải thích điều đó. Về bệnh tâm thần của Gogol thì, xin bạn hãy tin tôi, người đã nghiên cứu Gogol hơn 40 năm nay, rằng đó hoàn toàn là một điều bịa đặt. Gogol không bị bệnh tâm thần nào hết, mặc dù có cả một ngành thần kinh học sống ký sinh trên tên tuổi ông. Gogol là một thiên tài, một con người nhạy cảm. Ông cảm và hiểu hết những gì mà chúng ta không thể hiểu và cảm thấy trong những hoàn cảnh tương tự.

Chúng ta thường thấy kỳ quặc những từ ngữ phát xuất từ ngòi bút của một thiên tài, hay những hành vi nào đó. Tôi có thể tuyên bố một cách hoàn toàn chắc chắn và chịu trách nhiệm về những lời nói của mình rằng Gogol là một con người khoẻ mạnh về tâm thần. Đúng, ông đã trải qua những trạng thái nặng nề, khi ông bị đau ốm.

Tất nhiên, ông sợ chết, và chính nỗi sợ chết này đã thôi thúc ông viết bản di chúc đã được in trong sách của ông. Các tư liệu thực tế chứng minh một lần nữa rằng ông là một con người khoẻ mạnh. Còn những trục trặc về tâm lý: trục trặc về tâm trạng, trục trặc về một xúc cảm nào đó bỗng nhiên trút xuống đầu ông, cái mà mỗi chúng ta đều gặp phải, đó không phải là bệnh, đó là những phiền muộn của một thiên tài, xin nhắc lại, có khả năng nhìn xa trông rộng hơn chúng ta.

- Xin ông cho biết có hay không những tư liệu mới về phần tiếp theo của tác phẩm bất hủ “Những linh hồn chết”? Có tìm thấy được những  ghi chép mới, những  thông tin  nào đó về  nội dung của  nó không? Và tại sao Gogol lại đốt tác phẩm này?

+ Về nội dung thì qua hồi ức của những người đương thời và qua những bức thư của Gogol chúng ta có thể hình dung phần tiếp theo của câu chuyện này diễn ra như thế nào, chứ không phải trong một công trình đầy đủ. Hiện vẫn chưa tìm thấy những tư liệu hay bản thảo mới nào đó trực tiếp liên quan tới tập hai “Những linh hồn chết”.

Còn về việc vì sao Gogol đốt tập hai “Những linh hồn chết”, thì tôi nghĩ rằng ông thấy sự không hoàn thiện của những gì mình đã viết. Gogol vốn rất nghiêm khắc đối với bản thân và công việc của mình, ông không thể cho phép một từ cẩu thả, một sự giả dối hay một điểm yếu nào đó. Ông thấy rằng mình viết ra cái không ưng ý, ngần ấy cũng đủ để ông ném tập bản thảo vào ngọn lửa.

Trần Hậu (dịch)
.
.