Các cặp anh em nhà văn trong văn học Nga

Thứ Ba, 24/04/2018, 08:40
Hai anh em Dostoyevsky cùng xuất bản tạp chí; anh em Kataev sáng tác dưới những bút danh khác nhau; anh em Chekhov bàn luận sôi nổi với nhau về tác phẩm, còn anh em Strugatsky là đồng tác giả. Xin trân trọng giới thiệu các cặp anh em nhà văn trong văn học Nga.


Anh em Dostoyevsky: Fyodor và Mikhail

Gia đình Doystoevsky có 7 người con. Hai người con trai đầu Mikhail và Fyodor đặc biệt thân nhau. Từ nhỏ, họ đọc rất nhiều và cả hai đều mơ ước trở thành nhà văn. Fyodor nhớ lại rằng Mikhail thời thanh niên thích làm thơ: “Mỗi ngày viết ba bài”.

Từ giữa những  năm 40 của thế kỷ XIX, Mikhail bắt đầu đăng tải trên các tạp chí văn học: Các truyện vừa của ông có “Con gái”, “Ngài Svetelkin”, “Chim sẻ”, hài kịch “Chị và em”; các tác phẩm dịch của Goethe và Schiller lần lượt ra đời. Còn Fyodor công bố các tác phẩm đầu tay của mình “Những người nghèo” và “Con người kép”.

Mikhail tích cực giúp đỡ Fyodor trong giai đoạn ông bị đi đày vì tham gia nhóm phản đối chính phủ của Petrashevsky. Ông đích thân gặp Tổng biên tập Nikolay Nekrasov và chủ xuất bản Andrey Kraevsky, kiểm tra bản in, sửa chữa bản thảo của em trai. “Càng ngày anh càng thích truyện vừa của em. Anh không thấy nó  dài. Tác phẩm viết hay và đọc thú vị” - Mikhail nhận xét sau khi đọc tác phẩm của em.

Fyodor Dostoyevsky và Mikhail Dostoyevsky.

Sau này hai anh em Dostoyevsky xuất bản tạp chí “Thời đại” ở Petersburg. Trên đó Fyodor đăng “Những kẻ tủi nhục” và “Ghi chép từ ngôi nhà chết”, còn Mikhail đảm nhận công việc biên tập chính: tìm kiếm tác giả, sửa bài, quan hệ với các cơ quan kiểm duyệt.

Anh cả rất thích các tác phẩm của Fyodor: “Anh tin rằng em đang viết một cái gì đó vượt ra ngoài những hiện tượng văn học thông thường” - Mikhail viết năm 1849.

Còn Fyodr thì đánh giá cao tài năng biên tập của anh trai và sau khi anh qua đời đã nói: “Đó là một con người trân trọng lao động của mình, luôn luôn tự mình làm việc, không ủy thác cho ai trách nhiệm biên tập của mình dù chỉ trong chốc lát, và làm việc không nghỉ. Anh ấy là một người có học thức, tiến bộ, yêu văn học, bản thân là một nhà văn, mê thơ ca, và cũng là một nhà thơ”.

Anh em Bunin: Ivan và Yuly

Yuly Bunin lớn hơn em trai Ivan 13 tuổi. Ông nổi tiếng là biên tập viên tạp chí “Khởi đầu” và “Người đưa tin giáo dục”, tác giả các bài chính luận trên các tạp chí “Tư tưởng Nga”, “Người đưa tin châu Âu”. Trong các tác phẩm của mình, ông phát triển  tư tưởng xã hội chủ nghĩa và dân túy, đồng thời phê phán chính quyền và chế độ quân chủ.

Ở Moskva, Yuly tuyên truyền tài liệu bị cấm, kêu gọi nông dân khởi nghĩa, tham gia các cuộc bạo loạn của sinh viên, chính vì vậy mà bị trục xuất về điền trang gia tộc Ozyorki. Ông rất ngạc nhiên về sự ít học của Ivan, và bắt tay vào việc giáo dục em. Bà Vera Muromtseva-Bunina, vợ của Bunin-em, nhớ lại: “Anh Yuly Alekseevich kể với tôi: “Anh biết Ivan lúc còn là một cậu bé thất học, nhưng anh phát hiện ra ngay tài năng của chú ấy. Chưa đầy một năm trôi qua mà trí tuệ chú ấy đã phát triển đến mức anh không thể trao đổi bình đẳng với chú ấy về nhiều vấn đề”.

Nhờ anh trai dạy dỗ, Ivan đã tiếp thu được một trình độ kiến thức sâu rộng. Chính Yuly nói: “Ivan tự mình đánh giá một bài báo hay một tác phẩm văn học nào đó. Tôi cố gắng không dùng uy tín để gây áp lực với em, đồng thời buộc em phát triển ý tưởng để chứng minh các lập luận và thị hiếu của mình”.

Yuly là người đầu tiên phát hiện ra tài năng thơ của Ivan. Ông cảm nhận được sự say mê sáng tác của em trai và thuyết phục em gửi bài thơ “Kẻ hành khất nhà quê” tới tạp chí “Tổ quốc”. Đó là tác phẩm đầu tiên của Ivan được đăng báo.

Yuly đưa nhà văn cổ điển tương lai vào giới văn học thủ đô. Hai anh em cùng làm việc tại các tạp chí, nơi anh cả đăng các bút ký, còn em – truyện ngắn và thơ. Trước cách mạng, họ đều có chân trong nhóm “Văn đàn” với những tên tuổi như Maksim Gorky, Aleksandr Kuprin, VikentyVeresaev, Leonid Andreev.

Anh em Chekhov: Aleksandr, Anton và Mikhail

Aleksandr và Mikhail Chekhov viết văn xuôi và thường xuất bản tác phẩm của mình. Aleksandr viết văn chủ yếu để kiếm sống. Khi còn là sinh viên Đại học Moskva, ông bắt đầu cộng tác với các tạp chí  “Khán giả”, “Moskva”, “Đồng hồ báo thức”, “Chuồn chuồn”... Trong những bức thư gửi Anton, Aleksandr chia sẻ những ấn tượng về các tác phẩm đầu tay của em trai: “Các tiểu phẩm hài hước của em sẽ dùng được. Hôm nay anh gửi cho tạp chí “Đồng hồ báo thức” hai tiểu phẩm của em. Aleksandr khuyên em tập trung vào thể loại ngắn: “Hãy gửi những truyện ngắn và sắc sảo hơn. Truyện dài không thú vị”.

Aleksandr và Anton chơi rất thân với nhau. Họ viết cho nhau những bức thư với lời lẽ rất hóm hỉnh và trêu chọc lẫn nhau. Trong thư, anh em Chekhov thường xuyên trao đổi về việc kiếm tiền và đăng bài ở đâu có lợi hơn. “Khán giả” vừa xuất bản. Nhiều tiền. Anh sẽ nhận được... Hãy viết 100-120-150 dòng. Giá 8 kopek 1 dòng. Theo em, không nên đăng ở “Đồng hồ báo thức” - Anton thông báo với anh trai.

Sau này, Anton trở thành người có uy tín đối với Aleksandr và góp ý về các tác phẩm của anh: “Tốt nhất là tránh mô tả trạng thái tinh thần của nhân vật; không nên chạy theo quá nhiều nhân vật”. Một lần, quá ấn tượng về một truyện ngắn của anh trai, ông viết đùa: “Ai có thể ngờ được rằng một kẻ túng thiếu đã trở thành một thiên tài như vậy? Truyện ngắn gần đây của anh “Trên ngọn hải đăng” rất tuyệt. Chắc chắn là anh “đạo” của một nhà văn lớn nào đấy!”.

Mikhail Chekhov cũng nổi tiếng trong giới văn học. Ông viết các tiểu phẩm hài hước, báo, ký sự, dịch Jack London và Lewis Carroll, làm biên tập cho tạp chí “Thư viện châu Âu”. Mikhail và Anton không thân nhau, nhưng Anton có nhiều ảnh hưởng đối với em trai. “Anh ấy khuyến khích tôi đọc sách, hướng dẫn nên đọc những cuốn nào” - Mikhail nhớ lại.

Cũng như Aleksandr, Mikhail không trở thành nhà văn lớn, ông bị che khuất bởi cái bóng của Anton Chekhov, nhưng chính ông trở thành nhà viết tiểu sử đầu tiên của Anton Chekhov.

Anh em Kataev: Valentin và Evgeny (Petrov)

Hai anh em Kataev là những nhà văn Liên Xô nổi tiếng, họ đi vào lịch sử văn học với những tên tuổi khác nhau. Anh cả Valentin Kataev nổi tiếng là nhà tiểu thuyết, tác giả cuốn “Cánh buồm trắng cô độc”. Em trai dùng bút danh Evgeny Petrov, đồng tác giả với Ilya Ilf trong các tiểu thuyết “12 chiếc ghế” và “Con bê vàng”. Evgeny cố ý bịa ra một cái họ khác để không bị nhầm lẫn với người anh nổi tiếng.

Valentin Kataev luôn luôn mơ ước trở thành nhà văn. Hồi còn sống ở Odessa, ông thường tham gia nhóm văn học và các dạ hội thơ. Khi đến Moskva, ông bắt đầu cộng tác với các tạp chí, đăng các ký sự về cuộc Nội chiến và tiểu phẩm hài hước.

Evgeny từ nhỏ cũng sáng tác truyện ngắn, nhưng không nghĩ về nghề văn. Ông trở thành điều tra viên hình sự ở Odessa, điều này khiến anh trai bị sốc. “Anh hiểu rằng bất kỳ lúc nào em cũng có thể bị bọn cướp bắn chết” - Valentin Kataev nhớ lại. Ông thuyết phục Evgeny chuyển đến Moskva, nhưng ở thủ đô, Evgeny tìm được một công việc còn nguy hiểm hơn - quản ngục ở nhà tù Butyrski. Và ông quyết định rủ Evgeny làm nghề báo. Mặc dù em trai từ chối với lý do “không viết được”, Kataev-anh vẫn thuyết phục em sáng tác truyện ngắn đầu tiên. Từ thời điểm đó bắt đầu sự nghiệp của Evgeny Petrov, nhà báo và nhà văn.

Trên tạp chí “Tiếng còi”, nơi hai anh em làm việc, Petrov gặp đồng tác giả tương lai của mình Ilya Ilf. Chính Valentin Kataev khuyên hai nhà báo trẻ hợp tác với nhau. Đề tài cuốn sách đầu tiên của Ilf và Petrov “12 chiếc ghế” cũng thuộc về Valentin Kataev, chính ông cung cấp cho họ ý tưởng một tiểu thuyết trào phúng về những kho báu được cất giấu trong chiếc ghế.

Anh em Strugatsky: Arkady và Boris

Hai anh em nhà văn Liên Xô  Arkady và Boris Strugatsky là đồng tác giả và nổi tiếng bằng các cuốn tiểu thuyết viễn tưởng. Hồi nhỏ, Arkady thích tìm hiểu vũ trụ, tự chế tạo kính viễn vọng và xuất bản một tờ tạp chí viết tay.

Arkady nói: “Chúng tôi bắt đầu viết chung truyện viễn tưởng rất sớm. Tôi 9 tuổi, Boris 3 tuổi. Chính xác hơn, không phải viết, mà vẽ. Chúng tôi kể những câu chuyện bằng hình vẽ”.

Sau chiến tranh, Arkady công bố một số tác phẩm với bút danh S. Yaroslavtsev, Boris cũng viết riêng một truyện vừa. Nhưng các cuốn sách nổi tiếng nhất: “Khó trở thành thần linh”, “Cuộc du ngoạn bên vệ đường”, “Thứ hai bắt đầu vào thứ bảy, “Buổi trưa, thế kỷ XXII” đều là tác phẩm chung của hai anh em.

Cuốn sách viết chung đầu tiên của họ là “Đất nước của những đám mây đỏ rực”. Trong những năm hai anh em Strugatsky sống ở những thành phố khác nhau: Arkady ở Moskva, còn Boris ở Leningrad, họ thường trao đổi với nhau về ý tưởng của các cuốn tiểu thuyết qua thư từ hoặc trong lúc gặp nhau ở một địa điểm trung gian nào đấy.

Arkady kể rằng ban đầu hai anh em thử viết riêng. Đầu tiên họ xây dựng đề cương cuốn tiểu thuyết tương lai, ý tưởng, cốt truyện, bố cục, sau đó mỗi người viết phần của mình hoặc song song từng đoạn một và  ghép lại, loại bỏ những tình tiết thừa. “Nhưng về sau chúng tôi thấy rằng đó không phải là phương pháp hợp lý nhất. Bây giờ chúng tôi cùng ngồi viết bên một bàn làm việc, cân nhắc từng từ, từng diễn biến câu chuyện...”  - Arkady nói.

Trần Hậu
.
.