Nghệ nhân đờn ca tài tử tiêu biểu đất Bình Dương

Thứ Ba, 14/03/2017, 08:12
Đờn ca tài tử không chỉ là tài sản chung của 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam, mà còn được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc(gọi tắt là UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thành quả tốt đẹp này là do công lao đóng góp của nhiều thế hệ nghệ nhân, trong đó có nhiều khuôn mặt xuất sắc của đất Bình Dương.


Nghệ sĩ Tư Còn - trọn đời gắn bó với âm nhạc dân tộc

Cha ông là một nhạc công thổi sáo cho đoàn hát cải lương và là người định hướng cho con trai mình đi theo nghiệp đờn hát. Năm 11 tuổi, Nguyễn Văn Còn  bắt đầu học đờn cổ nhạc. Ông được hai nghệ nhân nổi tiếng đất Bình Dương lúc bấy giờ là thầy Chín Hòa Tam Quốc và thầy Út Lăng truyền dạy. Thành thạo nhiều loại nhạc cụ, nhưng chỉ cây đờn kìm mới khẳng định chuyên môn của người nhạc sĩ sinh năm 1935 này.

Thập niên 60 của thế kỷ trước, khi mới 25 tuổi, NSƯT Tư Còn được một số đoàn cải lương danh tiếng thời bấy giờ như: Kim Chung,Thanh Hương - Hùng Minh, Thanh Minh - Thanh Nga, Hoa Đăng - Qui Sắc... mời về làm "nhạc trưởng".

Nghệ sĩ Tư Còn.

Ngón đờn kìm của ông cứ thế rong ruổi theo chân các đoàn hát lưu diễn khắp nơi, làm nức lòng người ái mộ. Ông dần khẳng định tên tuổi của mình qua các giải thưởng, đặc biệt là danh hiệu "Danh cầm đàn Nguyệt" do Viện Âm nhạc Việt Nam phong tặng năm 1978. Những năm sau đó, ông liên tục đoạt giải cao tại các hội thi, hội diễn toàn quốc như: Huy chương Bạc (không có Huy chương Vàng) tại Hội diễn độc tấu đờn Kìm toàn quốc năm 1988; rồi HCB tài năng diễn tấu toàn quốc năm 1992; HCV độc tấu đờn kìm toàn quốc năm 1993.

Năm 2000, tại Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ toàn quốc, ban Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương do ông phụ trách tiếp tục đoạt HCV toàn đoàn. Cá nhân ông cũng đoạt HCV về độc tấu đờn kìm tại liên hoan năm đó. 4 năm sau, với vai trò huấn luyện và dẫn dắt ban Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương tham gia dự thi tại Bạc Liêu, ông cũng mang về tấm HCV quốc gia. Năm 2007, ông phong tặng danh hiệu NSƯT.

Đầu thập niên 1990, sân khấu cải lương không còn hưng thịnh, NSƯT Tư Còn trở về quê nhà mở lớp dạy đờn, ca tài tử - cải lương miễn phí tại tư gia cho đến ngày qua đời (2011). Nhiều học trò của NSƯT Tư Còn đã đoạt giải cao trong một số cuộc liên hoan, hội thi nghệ thuật lớn và trở thành những giọng ca, ngón đờn được nhiều người mến mộ như các nghệ sĩ: Trương Mộng Hùng, Ngân Huệ, Hùng Thái, Ái Hằng, Kim Loan, Phước Trọng.v.v…

Nghệ nhân Thu Hồng - giọng hát ngọt ngào

Sinh ra và lớn lên ở xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương - vùng đất có những người thợ gốm cần cù, lam lũ, những câu hò, điệu lý của quê hương xứ sở như dòng sữa dịu ngọt nuôi dưỡng tâm hồn, làm trỗi dậy trong cô gái sinh năm 1954 một tình yêu "nhiệt thành" với nghệ thuật Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương.

Vì gia cảnh quá khó khăn, không có thầy hướng dẫn, truyền dạy một cách bài bản, cô chỉ thể hiện niềm đam mê của mình khi được ba ruột và các anh chị trong gia đình dạy ca một số làn điệu truyền thống của nhạc tài tử - cải lương. Đồng thời, cô học ca theo các nghệ sĩ cải lương tài danh như: sầu nữ Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Lệ Thủy… một số bài vọng cổ do những nữ nghệ sĩ này thể hiện trên làn sóng phát thanh lúc bấy giờ.

Nghệ nhân Thu Hồng.

Tháng 11 năm 1975, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Thu Hồng được tuyển chọn làm diễn viên cho Đoàn Văn công tỉnh Bình Dương. Cô may mắn được NSƯT Tư Còn và những nghệ sĩ đi trước chỉ dạy tận tình về thang âm - điệu thức, về tính chất các làn điệu của nhạc tài tử - cải lương, về kỹ thuật ca ngâm diễn xuất…

Chẳng bao lâu, tài ca diễn của Thu Hồng tiến bộ rất nhanh và góp mặt hầu hết các xuất diễn của Đoàn Văn công Bình Dương lúc bấy giờ. Rất nhiều vai diễn của cô đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng giới mộ điệu (như: Kiều Nguyệt Nga trong vở "Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga", Bùi Thị Xuân trong "Bảy mùa hoa nở", Thúy Kiều trong vở "Vương Thúy Kiều",…). 

NNƯT Thu Hồng được công nhận là một trong ba giọng ca cổ nhạc (cùng với NNƯT Cao Thị Thắng và NS Kim Lệ Thy) tiêu biểu đất Bình Dương lúc bấy giờ. Cuối thập niên 80, NNƯT Thu Hồng về Công ty Phát hành sách Bình Dương và chuyển sang tham gia sinh hoạt Đờn ca tài tử.

Hơn 40 năm gắn bó với nghiệp đờn hát chuyên nghiệp, NNƯT Thu Hồng đã đạt nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Giọng hát hay và Diễn viên xuất sắc trong Liên hoan các tỉnh miền Đông tại Đồng Nai (1979); HCB Liên hoan Tiếng hát miền Đông (1989); HCV Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ (2002); giải nhất Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức (2003); HCV Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ toàn quốc do Long An đăng cai (2007); HCV Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ toàn quốc tại Vĩnh Long (2012).

Ngoài ra, NNƯT Thu Hồng còn vinh dự nhận một số huy chương như: Huy chương "Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng" năm 1999 và Huy chương "Chiến sĩ Văn hóa" năm 2000 do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); huy chương "Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam" năm 2009 của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Đặc biệt là danh hiệu NNƯT do Nhà nước Việt Nam phong tặng năm 2015.

Năm nay, ngoài tuổi 60, nhưng NNƯT Thu Hồng vẫn hăng say yêu nghề, luôn lao động nghệ thuật nghiêm túc. Với vai trò là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử trực thuộc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh Bình Dương, cô cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ đi trước đã nhiệt tình chỉ dẫn, dìu dắt lớp đàn em những kinh nghiệm quý báu.

Nghệ nhân Kiều My - ngón đờn kìm nữ hiếm hoi

Trong giới cầm đờn của nghệ thuật Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ hiếm có nữ giới, nhất là cây đờn kìm. Mấy mươi năm trước, ở Thủ Dầu Một - Bình Dương, nghệ nhân Tư Bộ (ông ngoại của NNƯT Kiều My) và con rễ là nghệ nhân Ngô Văn Thía (thân phụ của NNƯT Kiều My) khá nổi tiếng về cây đờn kìm.

Mỗi lần nhà cụ Thía tổ chức đờn ca đều có mặt ái nữ của cụ là Kiều My. Không chỉ thừa hưởng tinh hoa nghệ thuật dân tộc từ ông ngoại và người cha của mình, Ngô Thị Xuân My (tên thật của NNƯT Kiều My) còn được một số danh cầm nổi tiếng ở Bình Dương điển hình như nghệ nhân Út Lăng, truyền dạy ngón đờn kìm qua những làn điệu truyền thống và 20 bài bản Tổ của nhạc Tài tử Nam Bộ.

Nghệ nhân Kiều My.

Năm 1984, Kiều My về Đoàn Văn công tỉnh Bình Dương, vừa làm nhạc công vừa làm diễn viên sân khấu. Thập niên 1990, tên tuổi của NNƯT Kiều My ngày càng vang xa, được rất nhiều đơn vị nghệ thuật khắp các tỉnh, thành Nam Bộ mời tham gia biểu diễn.

Nhờ giọng ca mượt mà và ngón đờn kìm điêu luyện, NNƯT Kiều My đã gặt hái nhiều thành tích cao tại một số liên hoan, hội thi lớn về Đờn ca tài tử. Trong đó ấn tượng nhất là 3 chiếc HCV độc tấu đờn kìm trong các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ cấp khu vực và toàn quốc trong các năm 2004, 2006 và 2007. Chị tiếp tục thọ giáo danh cầm đờn kìm - NSƯT Ba Tu.

Ông đã giúp chị hoàn chỉnh ngón đờn kìm, từ phong cách độc tấu, hòa tấu cho đến kỹ thuật chạy chữ, chẻ nhịp và nhấn nhá âm sắc. Nhờ vậy mà ngón đờn của NNƯT Kiều My ngày càng chững chạc như "Quân tử cầm", vừa điêu luyện vừa truyền cảm sâu sắc. Chị rất nhạy bén khi chạy chữ xôm tụ, giòn giã ở những bài bản thuộc hơi điệu Bắc, mùi mẫn ở các làn điệu thuộc các hơi Hạ, Nam và Oán.

Đặc biệt, khi diễn tấu vọng cổ, chị nắn nót từng chữ, từng âm sắc làm cho bản nhạc thêm dạt dào cảm xúc. Nhiều người cho rằng, ngón đờn của chị vừa trầm bổng nhặt khoan, vừa mềm mại, da diết… dễ tạo xúc cảm cho người nghệ sĩdiễn đạt tình cảm qua nội dung lời ca của bài hát.

Một số học trò của chị đã chứng minh được bản lĩnh ca diễn với người ái mộ tài tử - cải lương, tiêu biểu nhất là NS Bùi Trung Đẳng (Chuông vàng Vọng cổ năm 2010).

Bình Dương tự hào có những đóng góp nhất định trong quá trình phát triển, làm phong phú thêm kho tàng nhạc tài tử Nam Bộ và góp phần giúp nó trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phạm Thái Bình
.
.