Đờn ca tài tử thời “”chạy show”

Thứ Sáu, 20/01/2017, 08:01
Ngoài việc phục vụ đám tiệc và đàn hát giao lưu văn nghệ để mưu sinh, một số ban Đờn ca tài tử ở đồng bằng sông Cửu Long còn đảm đương nhiệm vụ trình diễn giới thiệu vốn âm nhạc cổ truyền Nam Bộ cho các đoàn khách du lịch từ nơi khác đến tham quan. Thế nhưng, việc khai thác Đờn ca tài tử ở các điểm du lịch còn bộc lộ nhiều bất cập, còn tồn tại nhiều vấn đề phải suy ngẫm, băn khoăn.  


Gần 20 năm qua, ngành Du lịch ở một số địa phương như: Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang…  đã khai thác triệt để một số cù lao, một số vườn cây ăn trái lâu năm, một số khu rừng sinh thái gắn với khu di tích lịch sử… làm những điểm "du lịch xanh", trong đó có sử dụng nghệ thuật Đờn ca tài tử như là một trong những sản phẩm du lịch nhằm phục vụ du khách.

Không chỉ quảng bá được loại hình nghệ thuật tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ với bạn bè trong nước và quốc tế,  cách làm này còn giúp du khách khám phá thêm những điều thú vị, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của đờn ca tài tử.

Đờn ca tài tử - loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong các tour du lịch miền Tây. 

Nội dung và độ dài bài bản trong những chương trình đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch hiện nay không được xem trọng như trước đây. Người chơi nhạc tài tử chấp nhận những bài bản có giai điệu và nội dung không giống nhạc tài tử, rồi tự cắt xén, tăng tiết tấu để trình diễn. Điều này làm sai cốt cách căn cơ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Nội dung chương trình phục vụ du khách rất đơn điệu, không thực hiện theo từng chủ đề, hiếm khi có mặt những làn điệu, bài bản trong 20 bài bản Tổ của âm nhạc tài tử (gồm 6 bản Bắc, 3 bản Nam, 4 bản Oán và 7 bài Nhạc lễ), chủ yếu là vọng cổ nhịp 32 và trích đoạn Cải lương…

Nhìn chung, đa phần trình diễn rất xuề xòa, qua chuyện. Phải chăng vì trình diễn quá nhiều "show" trong ngày, nên các nghệ nhân có "hiện tượng" nhàm chán với công việc thường nhật?

Trình tự trình diễn cũng có nhiều thay đổi. Thông thường bắt đầu bằng những bản đờn, bài ca mang hơi điệu Bắc vui tươi, xôm tụ; tiếp đến chuyển sang các bài bản thuộc hơi Quảng, hơi Hạ; rồi qua các bài Nam có hơi Ai, hơi Xuân; phần cuối bao giờ cũng chuyển sang những làn điệu hơi Oán và vọng cổ nhưng những buổi đờn ca trong các tour du lịch không theo trình tự đó mà trình diễn lộn xộn, ai thích đờn bản gì thì đờn, ai thích ca điệu gì thì ca.

Cấu trúc dàn nhạc hiện nay có phần chấp vá, tùy tiện, ít khi được biên chế đầy đủ của một dàn nhạc tài tử gồm các nhạc cụ: Kìm, Cò,Tranh, Độc huyền (gọi là Tứ tuyệt),… Tùy theo ban nhạc, quy tụ được cây đờn gì thì chơi nấy, có khi có đủ nhạc cụ nhưng không có người đờn hoặc ngược lại.

Những bất cập này dẫn tới hệ quả, chính những nghệ nhân trình diễn đang xem thường bản thân họ, xem thường di sản đờn ca tài tử và xem thường cả du khách. Thậm chí các nghệ nhân còn trình bày những bài hát dân ca các nước (tùy du khách là người nước nào) mà không phải là nhạc tài tử thuần túy. Điều này khiến cho du khách thất vọng và đánh giá sai về giá trị đích thực của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Nhà nghiên cứu âm nhạc  - TS Mai Mỹ Duyên đánh giá: "Do chạy đua theo yêu cầu của dịch vụ, nghệ nhân đờn ca tài tử không còn thời gian để có thể giao lưu tình cảm; rèn luyện ngón đờn, giọng ca. Nghệ nhân phải đờn đi đờn lại nhiều lần các làn điệu cổ nhạc ngắn để phục vụ thị hiếu dễ dãi của người nghe.

Lối chơi nhạc kiểu này dần dà làm triệt tiêu cảm xúc của người tham gia trình diễn nhạc tài tử Nam Bộ". Bà cũng cho biết thêm: "Việc khai thác và sử dụng không đúng; khai thác nhưng không chịu đầu tư và ngược lại, sử dụng nhưng thiếu sự trân trọng và giữ gìn di sản văn hóa nhân loại… đang là "vấn nạn" trong tổ chức trình diễn nghệ thuật dân gian và hoạt động du lịch không chỉ riêng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long".  

Nguyên nhân do đâu?

Soạn giả - Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Huỳnh Anh - Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang cho rằng : "Do nhận thức xã hội về đờn ca tài tử trong hoạt động quảng bá du lịch còn hạn chế và đồng thời, ngành văn hóa ở đồng bằng sông Cửu Long chưa thực hiện kế hoạch tổ chức khảo sát, điều tra việc khai thác đờn ca tài tử trong các tour du lịch nên dẫn đến hoạt động này còn bộc lộ nhiều bất cập".

Nghệ nhân Đỗ Ngọc Cần (CLB Đờn ca tài tử "Dạ cổ hoài lang" của TP Bạc Liêu) tâm tư: "Lực lượng nghệ nhân, tài tử trình diễn ở các tour du lịch hiện nay còn yếu về chuyên môn. Mặt Cơ sở vật chất, không gian trình diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách còn sơ sài và nghèo nàn.

Đặc biệt, kinh phí chi trả thù lao cho nghệ nhân, tài tử quá thấp và thời lượng trình diễn quá ngắn…  là những nguyên nhân gây hạn chế việc khai thác đờn ca tài tử trong hoạt động du lịch ở miền Tây Nam Bộ".

Làm thế nào giúp cho khách du lịch chiêm nghiệm, thưởng thức được "hồn cốt" của dòng âm nhạc cổ truyền này? Thạc sĩ Nguyễn Hoài Anh (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre) chia sẻ: "Cần thiết phải ban hành Quyết định về "Hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn Đờn ca tài tử tại các điểm hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh", tổ chức những lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản và nâng cao kỹ năng chuyên môn đờn ca cho các nghệ nhân đang phục vụ tại các điểm du lịch.

Đồng thời, cấp thẻ hành nghề cho nghệ nhân - những chủ thể giới thiệu, quảng bá những giá trị độc đáo của nghệ thuật đờn ca tài tử.  Họ cần được đầu tư, trang bị kiến thức nghiệp vụ chuyên môn sâu về loại hình nghệ thuật mà họ đang gắn bó".

Đờn ca tài tử ngoài sân vườn - Một dạng thức sinh hoạt được nhiều du khách ưa chuộng.

Ông Vưu Long Vỹ (Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu) nêu ý kiến: "Các công ty lữ hành cần phối hợp những người làm công tác chuyên môn tại địa phương thiết kế những chương trình đờn ca tài tử sao cho phù hợp với văn hóa, trình độ cảm thụ của từng đối tượng khách du lịch…

Trước khi trình diễn giao lưu, cần thiết giới thiệu sơ qua với khách du lịch về nguồn gốc, lịch sử hình thành, những đặc tính, đặc trưng của nghệ thuật Đờn ca tài tử; sau đó, mới cho du khách thưởng thức".

 TS. Mai Mỹ Duyên cho biết: "Đờn ca tài tử chính thống thì không thể có những điệu lý và một số bài bản của nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên, với đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch thì nên gia giảm quy định này, nhưng phải giới thiệu rõ ràng làn điệu nào là của đờn ca tài tử, bài bản nào là của sân khấu cải lương để không làm "biến dạng" cái tinh túy của vốn âm nhạc cổ truyền trong lòng khách bốn phương".

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực giàu tiềm năng về du lịch vì nơi đây có môi trường thiên nhiên trong lành, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng 4 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm; với nhiều lễ hội dân gian vô cùng đặc sắc.

Đặc biệt hơn, vùng đất này có nghệ thuật Đờn ca tài tử được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (gọi tắt là UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những sản phẩm du lịch hết sức thú vị, sẽ thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan nếu biết khai thác đúng mức giá trị và tiềm năng của nó.

Để nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ được lưu truyền và mãi mãi "ấn tượng" trong lòng khách mộ điệu, cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. Trách nhiệm này không chỉ của ngành quản lý văn hóa và du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn là trách nhiệm của các nghệ nhân Đờn ca tài tử.

Hi vọng rằng, di sản nghệ thuật "đặc thù" của vùng đất phương Nam sẽ được "phát huy" giá trị và được "bảo tồn" đúng đắn để quê hương Nam Bộ mãi ngân vang những câu ca vọng cổ, mãi ngọt ngào những lời ca trong các thể điệu Nam ai, Nam xuân và thế hệ hôm nay, xuất hiện những ngón đờn điêu luyện, những giọng ca xuất sắc, những bản đờn (làn điệu) đi vào lịch sử âm nhạc dân tộc giống như bản "Dạ cổ hoài lang" bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng nhiều danh cầm, danh ca một thời vang bóng.

Phạm Thái Bình
.
.