Một nhạc sĩ cả đời gắn bó với quê hương

Chủ Nhật, 17/11/2019, 07:46
Một buổi sáng đầu ngày bất kỳ nào đó, có dịp đến TP Vinh (Nghệ An), nếu để ý nghe đài phát thanh, bạn sẽ thấy vang lên một điệu nhạc rất quen thuộc mà người dân nơi đây đã nhập tâm từ mấy chục năm nay. Đó là giai điệu bài hát “Vinh – thành phố bình minh” của Lê Hàm – một nhạc sỹ nổi tiếng không những của mảnh đất quê hương Bác Hồ mà còn quen biết đối với công chúng cả nước.


Vâng. Từ rất lâu nay, bài hát vừa nói đã trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh thành phố Vinh, luôn được vang lên mở đầu một ngày mới.

Mảnh đất Nghệ - Tĩnh luôn sản sinh ra nhiều người tài thuộc đủ mọi lĩnh vực, trong đó có các văn nghệ sỹ. Riêng âm nhạc cũng cung cấp cho đất nước nhiều tên tuổi, trong đó có Lê Hàm. Nhưng phần nhiều các nhạc sỹ chỉ có quê gốc ở đây, còn thì đã bôn ba khắp đây đó để cuối cùng chủ yếu quy tụ về Thủ đô. Riêng Lê Hàm từ lúc sinh ra cho tới hiện tại vẫn chỉ sống và hoạt động ở quê nhà.

Lê Hàm sinh năm 1934 tại huyện Diễn Châu (Nghệ An). Lớn lên, ông vào bộ đội, hoạt động tuyên truyền văn nghệ giống như nhiều nhạc sỹ khác. Phát lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ nên khi lớn, ông định hình rõ thiên hướng âm nhạc để sau ngày hòa bình lập lại (1954) thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Chỉ có thời gian này là ông rời quê ra Hà Nội tu nghiệp.

Học xong, ông trở về quê rồi lần lượt kinh qua nhiều công việc, từ diễn viên đến các cương vị quản lý như Trưởng đoàn Ca múa Nghệ - Tĩnh, Giám đốc Nhà Văn hóa lao động tỉnh rồi Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh kiêm Trưởng chi hội Âm nhạc Nghệ An. Ông có nhiều huân, huy chương và nhiều giải thưởng trong công tác và sáng tác.

Nhạc sỹ Lê Hàm.

Công chúng biết đến Lê Hàm qua các ca khúc có đời sống như “Tiếng hát Hương Sơn”, “Hò bơi thuyền”, “Vinh – thành phố bình minh”, “Về làng Sen”, “Người mẹ làng Sen”, “Gái sông La”, “Tiếng ca bất khuất”, “Yêu sao cô gái vùng cao”, “Yêu lắm một miền quê”… Lê Hàm có hai bài hát viết về người chiến sĩ Công an được các chiến sỹ ở Nghệ An rất ưa thích, thường xuyên hát trong các dịp Liên hoan, hội diễn trong ngành. Bài “Người đi trong đêm vắng” có những lời hát cảm động: “Đàn ai trầm tư thanh vắng bên tiếng ru à ơi/ Phòng khuya đèn ai bâng khuâng khi phố phường mây trắng, sương giăng/ Còn ai trầm tư sâu lắng theo thời gian/ Mắt thâm quàng dõi theo qua đêm thâu…”.

Những chiến sỹ áo vàng thì rất ưa thích bài “Bình yên trên những tuyến đường”: “Chiều dài những con đường in bước tuần tra của chúng tôi/ Vòng quanh lăn bánh con tàu là bao đêm không ngủ/ Lênh đênh trên biển cả hay lướt sóng trên dòng sông…”.

Một đặc điểm khá riêng biệt trong phong cách âm nhạc của Lê Hàm là tuy sinh ra, lớn lên, suốt đời đắm mình, để nhiều công nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu ví dặm Nghệ – Tĩnh nhưng hầu hết các ca khúc của ông lại không đậm đặc chất liệu dân ca địa phương mà chỉ loáng thoáng xuất hiện ở một vài bài để tất cả thoát hẳn ra, mang phong vị hoàn toàn mới, hiện đại. Tôi hỏi ông điều này.

Ông cho biết là ví, giặm Nghệ - Tĩnh dẫu hay, đặc sắc, nhưng nếu nghe nhiều sẽ thấy đơn điệu (monotone). Nếu người sáng tác quá nệ vào âm điệu này mà không phát triển đi xa thì sẽ luẩn quẩn với cái cũ khiến cho tác phẩm bị hạn chế, không thỏa mãn được người nghe.

Hơn nữa, nhiều nhạc sỹ khác, đặc biệt là Nguyễn Văn Tý cũng đã có những tác phẩm triệt để khai thác ví giặm thu được nhiều thành tựu rồi (nổi bật ở hai bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”). Ông thấy nếu thoát ra sẽ thỏa sức sáng tạo hơn. Chính vì suy nghĩ như vậy mà ở bài “Vinh – thành phố bình minh” – ca khúc nổi tiếng nhất của ông - chất hiện đại, mới mẻ chiếm đến 90%.

Ông cho biết sáng tác bài này vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, tuy TP Vinh còn sơ sài, chưa nguy nga như hôm nay nhưng ông đã tiên liệu đây sẽ là một trong những thành phố hiện đại, hoành tráng của Việt Nam nên đã tạo dựng nên một giai điệu như ta đã thấy: Rất mới mẻ, bề thế nhưng vẫn ngọt ngào, đằm thắm như tình cảm vốn có của người xứ Nghệ.

Tôi có một kỷ niệm liên quan đến bài hát này. Lần ấy, cách đây đã mấy chục năm, một lần vào Vinh, tôi được dự một đêm văn nghệ tại Trường Đại học Sư phạm Vinh. Trong nhiều tiết mục khá đặc sắc, tôi nhớ mãi một cô gái có mái tóc dài, dày, eo thon “thắt đáy lưng ong” hát một bài có giai điệu rất tha thiết, ngọt ngào: “Em đón anh về thành Vinh quê em/ Nghe gió biển ru dòng Lam êm đềm… Đây thành Vinh, qua bao giông lửa, Vinh vẫn kiên trung/ Cửa ngõ miền Tây đẹp thêm thành phố Đỏ…”.

Giọng cô nhẹ nhàng, nuột nà, có cách hát lôi cuốn người nghe. Cô là sinh viên khoa Văn của trường. Tối hôm sau, tôi được mời đến nói chuyện với sinh viên khoa này về mối quan hệ giữa nhạc và thơ. Tôi nhận ngay ra cô ca sỹ không chuyên xinh đẹp xuất hiện trên sân khấu của trường tối hôm trước, bởi cô ngồi ngay hàng ghế thứ 2 đối diện với cái bục tôi nói chuyện. Ngay lần ấy, tôi có ý muốn nhờ cô đưa đến chơi với tác giả bài hát nhưng cô nói chỉ biết tên nhạc sỹ là Lê Hàm chứ không quen nên ngại.

Thế là lần ấy qua đi. Tôi vẫn chưa gặp được người nhạc sỹ mình quý mến (qua tác phẩm). Mãi đến dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ tháng 5/1995, khi đứng đầu một cơ quan văn hóa ở Hà Nội, tôi dẫn đầu Đoàn Nghệ thuật quần chúng Thủ đô vào Vinh tham dự Liên hoan “Tiếng hát từ Làng Sen” (tổ chức 5 năm một lần trên phạm vi cả nước). Địa điểm diễn ra Liên hoan này là Nhà Văn hóa Lao động Nghệ An. Thế là tôi có dịp tiếp xúc với người giám đốc.

Nhạc sỹ Lê Hàm và vợ thời trẻ.

Thật tình cờ và may mắn, đó chính là nhạc sỹ Lê Hàm mà lần vào Vinh trước, tôi chưa thể gặp. Ngay phút đầu, ông gây cho tôi ấn tượng một quan chức hơn là một nhạc sỹ với mái tóc phát quang, rẽ ngôi, ăn mặc chỉnh tề, đeo cặp kính khá đạo mạo và nói năng chừng mực. Tuy nhiên, ông thể hiện rõ một tâm hồn nồng nhiệt, chân thành, nhất là sau khi biết tôi.

Ngay phút đầu tiên gặp, ông đã xiết rất chặt tay tôi và gần như reo lên: “Ôi! Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình!”. Rồi tôi kể lại mấy năm trước có dịp vào Vinh gặp một cô sinh viên xinh đẹp thích và hát rất hay ca khúc viết về thành phố Vinh của Lê Hàm, định nhờ cô ấy cùng đến thăm ông nhưng không thành do cô quá dè dặt. Lê Hàm tỏ ra tiếc.

Buổi tối, khi Đoàn do tôi cầm đầu diễn xong, mấy chục người ùa lên sân khấu tặng hoa khiến anh chị em diễn viên ôm không xuể trong khi các đoàn khác ít hơn. Thì ra, Lê Hàm đã cho các nữ cán bộ đi mua rất nhiều hoa tặng Đoàn Thủ đô. Sau đó, ông gợi ý tôi rằng Nhà văn hóa Lao động Nghệ An sẵn sàng mời riêng Đoàn Hà Nội ở lại thêm để tham quan một vài nơi và ra Cửa Lò tắm biển. Nhưng tôi không thể nhận lời do ngại tốn kém cho cơ quan của ông. Nhưng tôi nhớ mãi nghĩa cử ấy cho tới tận hôm nay.

Giờ đây, Lê Hàm đã ở tuổi 85. Nhưng ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn với sức làm việc tốt và sống êm đềm bên người vợ Minh Khiêm vốn là nghệ sỹ múa, rồi đánh đàn thập lục ở Đoàn Ca múa Nghệ - Tĩnh năm xưa. Ngày ngày, ông đọc sách, báo, lướt mạng đọc mọi thông tin, bà đi dạy dưỡng sinh. Cặp vợ chồng nghệ sỹ sống trẻ trung, hưởng an lành ở mùa đông cuộc đời nhưng tràn ngập nắng ấm.

Nhạc sĩ Lê Hàm còn có bút danh La Kỳ An, Lam Hà. Ngoài Hội Nhạc sĩ, ông còn là hội viên Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ nhỏ. Năm 1951 vào Văn công Sư đoàn 320. Năm 1954 chuyển về Phòng Văn hoá Liên khu IV. Năm 1956 về học tại Khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam.

Tốt nghiệp về phụ trách âm nhạc Đặc khu Vĩnh Linh. Sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng đoàn Văn công Nghệ Tĩnh, Phó Tổng thư kí Hội Văn học-Nghệ thuật Nghệ Tĩnh, Giám đốc Nhà văn hoá Lao động, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật kiêm Phó Tổng thư kí Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Ông đã viết hàng trăm ca khúc như nổi tiếng một thời như: “Tiếng hát bất khuất”, “Gái Sông La”, “Dâng lên Đảng những công trình mới”, “Vinh - Thành phố bình minh”, “Về hội làng Sen”, “Người mẹ làng Sen”, “hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc Việt Nam”.
Nguyễn Đình San
.
.