Đi qua tuổi thơ dữ dội để có một đám cưới đơn sơ

Thứ Bảy, 13/06/2020, 07:41
Nhà thơ Phùng Quán đã qua đời đúng 1/4 thế kỷ. Thế nhưng, những giai thoại về cuộc sống và tác phẩm của Phùng Quán vẫn được lưu truyền trong nhân gian. Nhất là mối tình đẹp đẽ và thủy chung giữa ông với nhà giáo gốc Hà Nội - Vũ Bội Trâm giữa gian khó lẫn hoạn nạn khiến công chúng phải ngưỡng mộ.


Không phải ngẫu nhiên tên tuổi Phùng Quán được nhắc lại. Khi vụ gian lận điểm thi được xét xử và bị cáo phân bua “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”, thì nhiều người chợt nhớ đến bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán: “Thấy vui muốn cười cứ cười/ Thấy buồn muốn khóc là khóc/ Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao doạ giết/ Cũng không nói ghét thành yêu”. Và có lẽ, cũng chính nhờ thái độ ấy, mà nhà thơ Phùng Quán đã có được tình yêu son sắt của cô giáo Vũ Bội Trâm.

13 tuổi, Phùng Quán đã rời quê nhà Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế để tham gia Vệ quốc quân. 10 năm sau, ông từ một người lính gan dạ đã trở thành một nhân vật cầm bút với tác phẩm đầu tay “Vượt Côn Đảo”.

Sau này, chưng cất năm tháng hồn nhiên của mình, Phùng Quán có thêm một tác phẩm văn xuôi nổi tiếng nữa là “Tuổi thơ dữ dội”. Thế nhưng, tinh thần và cốt cách của Phùng Quán vẫn là một nhà thơ. Ông mê đắm làm thơ và có tài diễn đọc để thơ mình rung cảm gấp trăm lần so với câu chữ hiển thị trên giấy trắng mực đen.

Nhà thơ Phùng Quán qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh.

Gia nhập đời sống văn nghệ Thủ đô, Phùng Quán có giọng điệu hào sảng và nồng nhiệt. Tiếng lòng của ông không thầm thì mà vang vọng mà thánh thót: “Trời đã sinh ra em/ Ðể mà xinh mà đẹp/ Trời đã sinh ra anh/ Ðể yêu em tha thiết”.

Một lần ghé thăm người quen thời kháng chiến là nhạc sĩ Vũ Hướng (thân phụ của MC Anh Tuấn quen thuộc trên sóng VTV hiện nay) ở phố Hàng Cân, nhà thơ Phùng Quán đã gặp gỡ và phải lòng em gái bạn mình - cô giáo Vũ Bội Trâm. Phút giây ấy, được chính Phùng Quán ghi lại bằng bài thơ “Đánh chiếm trái tim em” khá ngoa ngôn: “Anh phất cao lá cờ yêu đương/ Trên nóc pháo đài tim em cố thủ/ Anh thét to cảm động cả bầu trời/ Xao xuyến hết các tinh cầu vũ trụ/ Tim em anh chiếm được rồi/ Anh ở lại không bao giờ ra nữa/ Nói như thế em ơi còn có nghĩa/ Đời đời chung thủy yêu em!”.

Cô giáo Vũ Bội Trâm cùng tuổi Nhâm Thân 1932 với nhà thơ Phùng Quán. Thuở ấy, người đẹp gốc Hà Nội đang dạy Văn ở Trường Chu Văn An, nên liêu xiêu trước những dòng thơ nghiêng ngả của Phùng Quán: “Hai đứa chúng tôi bắt đầu yêu nhau/ Hôm ấy hôm nào chúng tôi không nhớ/ Khách tình yêu xưa nay ít lễ độ/ Bước vào buồng tim chẳng gõ cửa một lần/ Tình yêu như tia chớp giữa cơn giông/ Tia chớp đến, không một lời báo trước”.

Thế nhưng, khi vừa hẹn hò thì Phùng Quán lại dính “tai nạn” văn chương. Một gã trai nghèo tha hương lại vướng mắc tai tiếng không đáng có, thì làm sao mang lại hạnh phúc cho một cô giáo đang êm ấm trong gia phong nền nếp. Thế nhưng, bất chấp tất cả, cô giáo Vũ Bội Trâm vẫn kiên định gắn bó với nhà thơ Phùng Quán.

Hồi ức của cô giáo Vũ Bội Trâm dạo đó được ghi lại khá tỉ mỉ: “Cuộc đời anh quá bi kịch. Nhưng cả trong hoàn cảnh ấy, anh không hề oán hận ai. Anh cao thượng và cao cả làm trái tim tôi rung động sâu sắc. Có thể là do tôi quá lãng mạn? Lấy anh tôi bị dằn vặt nhiều, cân nhắc mãi chuyện bên tình bên hiếu. Bố mẹ sợ tôi lấy anh sẽ khổ cả một đời, nhưng tôi đã quyết. Mẹ tôi khóc hết nước mắt có lẽ vì thương tôi và cả thương anh. Ai dám lấy một người bị cái “án” văn chương lúc ấy, lại không nhà cửa, không có công việc. Tôi bảo với mẹ: Không cho tôi lấy anh Quán thì tôi không lấy ai nữa…

Vì thương tôi, bố mẹ đồng ý mà tôi biết lòng song thân rất buồn. Tôi lấy anh không có lễ vu quy như bao bạn bè cùng trang lứa, không có lễ tơ hồng, không được làm cô dâu, không cả xe hoa, không giường cưới không chăn màn ga gối”.

Vợ chồng nhà thơ Phùng Quán cùng hai con Phùng Đỗ Quyên, Phùng Quân.

Tháng 1-1962, Phùng Quán và Vũ Bội Trâm chính thức thành vợ chồng, sau 7 năm quen biết. Đám cưới của họ đơn sơ đến mức chỉ có 4 người bạn thân thiết tham dự là Xuân Trung, Tạ Vũ, Nguyễn Thị Điều và Xuân Đài.

Cũng theo tường thuật của chính cô giáo Vũ Bội Trâm: “Chúng tôi không có lễ thành hôn, cũng chẳng có lễ vu quy, chẳng in thiệp cưới vì không ai đứng tên nhà trai. Tên của chú rể, nên in ra thì không nên. Cũng chẳng mời ai dự tiệc mặn, tiệc ngọt. Cuối cùng chúng tôi tìm được cụm từ “đã ra ở riêng” viết bằng mực đen lên mặt sau một tấm bưu ảnh, trên đó họa sĩ Lê Huy Quang trang trí đôi chim bồ câu cho vui mắt”.

Chỉ viết một chiếc giường đơn do nhà thơ Phan Vũ đi mượn của Xưởng phim truyện Việt Nam, nhà thơ Phùng Quán và cô giáo Vũ Bội Trâm “đã ra ở riêng” đúng kiểu thi sĩ lấm lem bụi trần. Dĩ nhiên, Phùng Quán chỉ biết an ủi vợ bằng thơ. Tác phẩm đánh dấu ngày cưới được Phùng Quán đặt tên là “Kinh cầu nguyện buổi sáng” đầy hứa hẹn: “Tôi sẽ đi với em/ Cho đến mút chót con đường…/Ngày lấy em tôi đã có lời nguyền/ Nếu tôi bỏ em lại bơ vơ dọc đường/ Tôi sẽ bị trời tru đất diệt/ Em là cây Thập tự của đời tôi/ Tôi phải mang vác cho tới ngày chung cuộc...”.

Tuy nhiên, đáng khâm phục nhất là sự nhẫn nại và sự chịu đựng của cô giáo Vũ Bội Trâm: “Chúng tôi không được chụp một tấm hình nào để ghi lại ngày kỷ niệm thiêng liêng đó, vì không được làm cô dâu, chú rể. Nhưng tôi không hề quan tâm đến những cái chỉ có giá trị về hình thức. Tôi chấp nhận hoàn cảnh một cách thanh thản, vì chính tôi đã tự nguyện dấn thân vào con đường khổ ải, con đường hy sinh”.

Căn nhà nhỏ ven Hồ Tây là nơi trú ngụ của vợ chồng Phùng Quán. Ông đặt tên chốn bình yên cho đôi uyên ương là “chòi ngắm sóng”. Nhà thơ Phùng Quán đã trải qua những ngày “cá trộm, văn chui, rượu chịu” để sống đúng với phẩm giá của ông. Mọi gian nan và mọi khó nhọc đều nhờ hiền thê tay năm tay mười vun vén. Hai đứa con Phùng Đỗ Quyên và Phùng Quân lần lượt ra đời, và dần dần khôn lớn bằng đồng lương đứng lớp còm cõi của người mẹ và khí tiết bất phàm của người cha.

Hình ảnh cô giáo Vũ Bội Trâm trở thành một biểu tượng độ lượng và vị tha trong thơ Phùng Quán. Ông mỗi ngày nhắm chân dung vợ mình bằng xao xuyến khôn nguôi: “Người yêu tôi không có gì đẹp cả/ Người yêu tôi đi không có ai nhìn theo ngơ ngẩn bồi hồi/ Nhưng tôi yêu người yêu tôi như người lính yêu cây gươm bằng thép/ Như người cộng sản yêu ngọn cờ đỏ tươi/ Như bông hoa yêu ánh mặt trời…/ Tôi yêu em vì một lý do giản dị vô cùng: Không yêu em tôi không sống được”.

Những ngày phu thê của Phùng Quán - Vũ Bội Trâm nhờ thơ mà vững bền, nhờ thơ mà gắn kết, nhờ thơ mà nương tựa. Họ chia sẻ với nhau tất cả ngậm ngùi lẫn đắng đót. Như chính Phùng Quán viết “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe” rất thật thà: “Vụng về... tôi dỗ vợ/ Em ơi đừng buồn nữa/ Qua rồi chuyện ngàn năm/ Bao nhiêu nước sông Tương…/ Miệng nói nhưng lòng nghĩ/ Ôi thân phận nhà thơ/ Khác nào thép không gỉ/ Ngàn năm cũng thế thôi/ Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khốn cùng/ Thơ chết áo đắp mặt”.

Nhà thơ Phùng Quán vĩnh biệt dương gian ngày 22/1/1995 ở tuổi 63. Năm 2007, nhà thơ Phùng Quán được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó cũng là sự đền đáp xứng đáng cho tình yêu của cô giáo Vũ Bội Trâm trước khi qua đời vào năm 2010. Bây giờ, mộ phần của Phùng Quán - Vũ Bội Trâm đã nằm bên nhau tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tâm Huyền
.
.