Xung quanh một bài báo về mối tình của nhà thơ Phùng Quán

Thứ Tư, 17/08/2011, 08:10
Trao đổi với nhà thơ Ngô Minh.

Có lẽ nhiều người, trong đó có cá nhân tôi rất cảm kích về tình cảm và những việc làm của nhà thơ Ngô Minh với nhà thơ Phùng Quán và gia đình ông qua những việc cụ thể như góp phần giúp cho ra đời một số di cảo của Phùng Quán, viết nhiều bài báo về Phùng Quán và nhất là việc đứng ra vận động những người quen biết trong cả nước đóng góp xây dựng ngôi mộ rất khang trang cho vợ chồng nhà thơ tại quê nhà.

Tuy nhiên cũng có những điều cần phải nói lại cho rõ vì nhiều sự việc nhà thơ Ngô Minh đã không có thông tin đầy đủ hoặc vì lý do gì đó đã nói quá lên nhiều về nhà thơ Phùng Quán trong những bài viết của mình trên một số báo. Là người quen biết và hiểu Phùng Quán, tôi rất muốn nói lại cho đầy đủ, đúng đắn, trung thực về một số chi tiết trong phần lớn cuộc đời của nhà thơ.

Cách đây mấy năm, tôi và ông Phùng Xuân Bính, là những người đã từng nhiều năm làm việc chung với nhà thơ Phùng Quán đã có dịp nói lại với nhà thơ Ngô Minh về bài viết của anh trên Báo Tiền Phong. Bài viết của chúng tôi đã được đăng trên tuần Báo Văn nghệ số ra ngày 27-10-2007. Vậy mà gần đây, trên đặc san Đang Yêu số 29 (tháng 7 năm 2011), lại thấy có bài của Ngô Minh viết về Phùng Quán với tiêu đề "Phùng Quán - Bội Trâm, tình yêu bất chấp tai ương", với nhiều sự việc, chi tiết không chính xác. Tôi xin dẫn chứng (những chữ in nghiêng là chữ trong bài viết của Ngô Minh):

1. "Giữa Hà Nội phố phường xa lạ, anh (tức Phùng Quán - HT) không có người thân, kể cả những người chú ruột, người cậu là những quan chức đầy quyền lực cũng xa lánh anh". Tôi không biết cậu của nhà thơ Phùng Quán là ai nên không dám nói, nhưng người chú ruột của nhà thơ thì tôi rất biết vì là người đã ở cùng cơ quan. Ông tên là Phùng Thị, chuyên viên Phòng Tổng hợp Bộ Văn hóa, sau ông sang làm chuyên viên Cục Văn hóa Quần chúng, cùng cơ quan với tôi và với nhà thơ Phùng Quán. Trước đó nữa thì ông làm Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tôi hoàn toàn không thấy ông Phùng Thị "xa lánh" nhà thơ Phùng Quán vì hai chú cháu vẫn luôn gần nhau. Nhà thơ Phùng Quán vẫn thường xuyên đến nhà ông Phùng Thị ăn uống, chuyện trò.

2. "Phùng Quán đêm ngày "Cá trộm, văn chui, rượu chịu". Rồi nhờ anh bạn Phùng Xuân Bính ở Nhà văn hóa lao động Hà Nội giúp ít gỗ thải loại". Việc này chính ông Phùng Xuân Bính nói với tôi, không có chuyện ông giúp Phùng Quán gỗ lạt gì. Và ông Bính cũng chưa bao giờ làm việc ở Nhà văn hóa lao động Hà Nội. Ông là Giám đốc Nhà văn hóa trung ương.

3. "Bạn bè thì sợ liên luỵ nên không ai dám gần". Anh Ngô Minh viết thế này thì có vẻ xúc phạm đến bạn bè của Phùng Quán. Nhà thơ Phùng Quán có rất nhiều bạn bè. Chỗ làm việc và nơi ở của nhà thơ mà tôi từng chứng kiến luôn luôn có đông đảo bạn bè, nhiều người là văn nghệ sĩ, là những nhà khoa học, cán bộ… đến chơi rồi uống rượu, ngâm thơ, trò chuyện. Anh Ngô Minh còn mâu thuẫn vì trong bài của mình, chính anh đã viết: "Những ngày ấy bạn bè chí cốt như nhà văn Tuân Nguyễn, Xuân Đài… phải san sẻ chút tiền lương ít ỏi để cho chị Trâm mua sữa nuôi con". Cũng xin nói thêm, cuộc sống vật chất của gia đình nhà thơ Phùng Quán không đến nỗi bí bách, "cùng đường" như nhiều người nghĩ đâu, chí ít ra nó cũng không thua phần đông cán bộ thời ấy. Anh Quán là cán bộ, có lương, có tem phiếu như mọi cán bộ khác, vợ anh - chị Bội Trâm là giáo viên Trường Chu Văn An cũng có lương, có tem phiếu bình thường.

4. "Những năm tháng ấy Phùng Quán  thường  xuyên đi cải tạo lao động ở  các nông trường, công trường Thái Bình, Thanh Hóa, Việt Trì, rồi đi tăng gia một mình ở rừng núi Thái Nguyên suốt 3 năm liền. Vì phải "phấn đấu cải tạo tốt" nên có khi nửa năm không về gặp vợ con". Tôi không biết Phùng Quán đi cải tạo ở những đâu, nhưng nói "đi tăng gia một mình ở rừng núi Thái Nguyên suốt 3 năm liền" thì hoàn toàn không đúng. Bấy giờ cơ quan Cục Văn hóa Quần chúng có thực hiện việc tăng gia để có thêm lương thực - theo chủ trương của Nhà nước - nên liên hệ mượn được ít đất ở cạnh nông trường Sông Cầu, cách thành phố Thái Nguyên 10 km. Hàng tháng, tất cả cán bộ trong cơ quan lần lượt thay nhau lên đó tăng gia. Vì gặp rắc rối chuyện riêng tư nên nhà thơ Phùng Quán chủ động xin với cơ quan cho lên đó lâu dài. Hiểu vấn đề, ông Cục trưởng và công đoàn đồng ý cho nhà thơ Phùng Quán lên, nhưng không phải chỉ có một mình mà còn có thêm một cán bộ nữa. Tuy thế cơ quan vẫn thường xuyên cử cán bộ lên cùng tăng gia. Cũng chẳng có ai bắt nhà thơ phải đi cải tạo, phải ở lì trên đó hàng nửa năm không được về gặp vợ con như Ngô Minh viết.

Rồi, vì công việc tăng gia không có hiệu quả, lại tốn kém nên mới được hơn hai năm cơ quan đã phải bỏ dở, trả lại đất cho nông trường và rút cán bộ về.

5. Có vẻ nhà thơ Ngô Minh đã quá bi lụy hóa cuộc đời và mối tình của anh Phùng Quán và chị Bội Trâm trong bài viết của mình. Những chi tiết mà nhà thơ Ngô Minh cho là vợ chồng Phùng Quán chịu quá nhiều thiệt thòi như "chị Trâm là người con gái Việt Nam duy nhất lấy chồng không có lễ tơ hồng, không đám cưới, không được mặc áo cưới, không lên xe hoa,  không  có phòng tân hôn sang trọng, không chụp ảnh, quay phim…v v…". Tôi chắc chắn anh Ngô Minh chưa hiểu xã hội khi ấy nên mới viết ra những câu chữ như vậy. Hoàn cảnh chung cũng như đám cưới của vợ chồng Phùng Quán - Bội Trâm đâu có gì khác biệt so với rất nhiều người sống trong thời kì ấy.

Theo tôi, dù có yêu quý nhân vật đến mấy nhưng khi viết ra và công bố rộng rãi thì cũng rất cần tránh có những nhận xét chủ quan để khi đọc nó, bạn đọc có thể tin những thông tin mà người viết đưa ra. Và hơn nữa, vì nhà thơ Phùng Quán còn là một nhân vật có tên tuổi, được nhiều người biết đến, cuộc đời của ông cũng có những thăng trầm, nên người viết lại càng phải khách quan để người đọc có được một cái nhìn đầy đủ

Huy Thắng
.
.