Cao Bá Quát – đắng cay, bi phẫn một tiếng cười!

Thứ Sáu, 19/07/2019, 08:26
Tài năng và cá tính như hai cánh để con chim đại bàng nhà văn bay cao bay xa vào bầu trời văn hoá. Với trường hợp đời thơ và tài thơ Chu Thần Cao Bá Quát (1808 - 1855) thì điều đó như là một minh chứng nổi bật.


Nhắc đến nhà thơ lớn này người ta nghĩ ngay đến một quan niệm độc đáo thể hiện ở câu thơ bất hủ: “Thập tải luân giao cầm cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm rong ruổi tìm gươm báu/ Một đời chỉ cúi lạy hoa mai). Cả trước tác của anh hùng - thi sỹ toát lên một tuyên ngôn nghệ thuật văn thơ phải như kiếm sắc ngăn trừ cái xấu để cho đời chỉ còn những nụ hoa mai!

Cơ sở xã hội của tiếng cười lớn bao giờ cũng phải có một đối tượng đáng cười đích đáng. Đó là cả một triều đình thối nát, “chó má”, như có lần (giai thoại) Cao chửi vua (Tự Đức) bằng câu đối: “Bỉ viết cẩu, thử viết cẩu, bỉ thử diệc viết cẩu” (Bên này chó, bên kia chó, tất cả cũng đều là chó).

Là người đọc rộng biết nhiều, từng khẳng định có phần ngạo nghễ rằng thiên hạ có ba bồ sách thì mình đã chiếm một bồ. Rất thông minh, sắc sảo, chữ đẹp, văn hay, đã từng đi thi nhưng trượt lên trượt xuống, chỉ đậu cử nhân rồi trượt kỳ thi hội. Cũng ra làm quan nhưng lên xuống thất thường, từng vào tù ra tội, bị đòn roi tra tấn, bị đi đày (dương trình hiệu lực).

Thuở hàn vi sống cùng “dân đen” nên thấu hiểu tình cảnh cơ cực cũng như khát vọng cháy bỏng của những con người “dưới đáy”. Tất cả những điều ấy lý giải hành động Cao đứng dậy cùng “dân đen” khởi nghĩa chống lại triều đình, và thất bại là điều đương nhiên.

Chân dung thi nhân Cao Bá Quát (1808-1855).

Nhưng lịch sử khẳng định Cao là lãnh tụ khởi nghĩa dám chống lại bất công cường quyền phản động. Cao chết nhưng tiếng thơ còn lại mãi với hậu thế. Tiếng cười trong thơ Cao còn lại mãi với lịch sử văn học như một trường hợp độc đáo, đặc biệt - một tiếng cười đầy cá tính không thành tiếng, bi phẫn, dữ dội, đau đớn, vật vã nén vào trong.

Hầu như bài thơ nào, chi tiết nào nói về nỗi khổ của dân đen Cao cũng liên hệ tới kẻ cầm quyền để phê phán thói vô trách nhiệm, sự tàn ác, phi nhân tính. Đây là lời của một ông lão già sức cùng lực tận, không đủ sức chạy trốn sự tàn bạo của chính quyền: “Ông không nghe ư?/ Năm nay ngày nào cũng bắt tráng/ Quan huyện là cha mẹ dân đã chẳng xét cho/ Nha lại còn đánh đập dân như chém tre/ Nhà xóm đằng Đông nằm đấy chịu đói, nhà xóm Tây dời đi nơi khác/ Những người còn chút hơi tàn chưa chết, mười phần chỉ còn một hai/ Nào lính, nào phu, nỗi khổ chưa qua/ Con bé, cháu nghèo đều bỏ đi hết/ Than ôi! Tôi đã già rồi (Lão vừa nói vừa chỉ tay vào bức tường đổ)” (Ông già Phúc Lâm). Một bức tranh xã hội đau đớn được vẽ bằng nước mắt!

Cao thực sự là nhà thơ của dân đen, trước hết vì có trái tim giàu tình thương kẻ thấp cổ bé họng. Bài thơ "Hàn dạ ngâm" (Khúc ngâm trong đêm lạnh) phần nào nói lên điều này: “Rét quá không ngủ được/ Trở dậy chữa câu thơ/ Dầu hết gọi nhỏ rót/ Nhỏ nằm cứ ậm ừ/ Vội vàng đi lấy chiếu/ Đắp lên cho chú ta”. “Nhỏ” ở đây là đư a bé đầy tớ còn Cao là “ông chủ”.

Nhưng ta thấy Cao không phải là “ông chủ” mà như người cha nó! Sau thời gian “dương trình hiệu lực”, Cao về quê. Càng có thêm sự tiếp xúc với đời sống khốn cùng của nhân dân, thấy những cảnh người dân vì túng thiếu đói rét, phải đi xin ăn hay những cảnh bị bắt phu bắt lính... Cao càng đau xót. Để rồi nỗi đau ấy thể hiện thành con chữ ở các bài thơ đẫm nước mắt như "Cái tử" (Người ăn xin), "Phụ tương tử" (Người vác hòm), "Quan chẩn" (Xem phát chẩn)... Có một quy luật này, các đại thụ văn chương luôn có cái gốc vững chắc là tình thương yêu con người, nhất là với “dân đen”!

Cao tự trào cả hoàn cảnh của mình vừa đáng cười vừa đáng ái ngại qua đôi câu đối dán trước nhà thời dạy học ở Quốc Oai (giai thoại): “Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái/Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”. Có thể dân gian “hoạ” lại theo phong cách Cao, cũng là quý mến nhà thơ mà “sáng tạo” ra vế đối này, nhưng qua đó cũng cho thấy tính hay tự cười mình của Cao về gia cảnh chẳng có gì là khá giả.

Cả cuộc đời Cao là một nghịch lý trớ trêu đầy trái ngang cay đắng như trong hoàn cảnh này: “Nước mắt dù cạn, bình rượu vẫn còn/ Lửa lòng đã tắt, ngọn đèn cứ cháy”. Điều ấy lý giải thơ Cao rất nhiều tiếng cười dưới hình thức những câu hỏi. Giai thoại từ nhỏ Cao đã cười sâu cay viên lý trưởng tham nhũng bằng câu hỏi: “Khen ai khéo khéo đắp đôi voi/ Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi/ Chỉ còn cái kia… sao chẳng đắp? Hay là lý trưởng bớt đi rồi”. Cao có bài thơ “Người đào hát ở Đằng Châu tên là Phú Nhi” có câu: “Đáng cười chết cái ông Tư Mã say ở bến Tầm Dương/ Việc gì mà phải khóc đến nỗi nước mắt ướt đầm áo xanh?”.

Chuyện rằng cô ca kỹ gẩy khúc tỳ bà kể nỗi đời mình bất hạnh làm ông Tư Mã bến Tầm Dương xót thương mà tuôn dòng lệ ướt đầm cả áo xanh. Mới chỉ thế mà đã khóc, thật uỷ mị, yếu đuối!? Ông ta thật đáng cười! Bài thơ này Cao làm tặng ca nữ tên Phú Nhi. Hai người đã quen biết và hiểu tấm lòng nhau. Khi chia tay Cao tự hỏi ngày mai ta từ biệt con đường này biết ai hát cho nghe giọng cung Bắc nữa? Trời rét. Quán vắng. Chiều tối. Mây mù. Con người như cô đơn hơn. Cả Phú Nhi và cả Cao đều trong hoàn cảnh ấy. Thì ra Cao cười ông Tư Mã cũng lại là cười chính mình. Và nước mắt, biết ai nhiều hơn ai. Lắng trong tiếng cười là tiếng khóc!

Có lẽ Cao là một trong những người sớm nhất có chủ trương đưa chất văn xuôi đời sống vào thơ. Rõ hơn là ở phú Nôm, câu đối, hát nói và truyện rất giàu có chi tiết đời thực. Ngay ở thơ chữ Hán thì tên bài cũng đậm chất văn xuôi. Cao là nghệ sỹ của từ láy - thể hiện rõ nhất sự sinh động phập phồng của cuộc sống ngoài đời. Giai thoại chơi xỏ Tự Đức có hạt nhân sự thật là cái tài chơi chữ, dùng chữ đồng thời cũng nói tới Cao là nghệ sỹ của đời sống.

Một hôm Tự Đức khoe với Cao nằm mơ nghĩ được hai câu thơ: “Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ/ Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai” (Trong vườn oanh hót khề khà/ Ngoài nội hoa đào nở lấm tấm). Cái đặc sắc của câu thơ là vừa Hán vừa Nôm (qua hai từ láy khề khà, lấm tấm). Chủ ý của Tự Đức là thách Cao đối lại.

Không ngờ gặp cao thủ, Cao cười nói mình đã từng nghe cả bài 8 câu như thế: “Bảo mã tây phong huếch hoác lai/ Huênh hoang nhân tự thác đề hồi/ Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ/ Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai/ Xuân nhật bất văn sương lộp bộp/ Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài/ Khù khờ thi tứ đa nhân thức/ Khệnh khạng tương lai vấn tú tài”. Trong bài thơ chữ Hán này câu nào cũng có từ láy. Tự Đức bẽ bàng cay đắng thua nhưng vẫn phải ngầm phục tài Cao.

Ở "Tài tử đa cùng phú" sắc điệu tiếng cười của Cao khác hẳn trong thơ chữ Hán, bung phá, mạnh mẽ: “Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước xuống, chén tiếu đờm mời mọc Trích tiên/ Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm lão Đỗ/ Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mặt trần toan đạp cửa phù đồ/ Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay tạo rắp xoay cơn khí số”.

“Trích tiên” tức Lý Bạch, “lão Đỗ” tức Đỗ Phủ, “phù đồ” tức đạo Phật. Nhà thơ muốn đạp đổ nhà Phật để khỏi phải thấy họ lừa dối người đời. “Xoay khí số” tức chuyển loạn thành bình. Những động từ mạnh, nhiều hình ảnh khoa trương, nhịp điệu dồn dập kết hợp với những từ láy tạo ra đoạn thơ vang vọng hào sảng hùng tráng diễn tả rất đạt cái chí kẻ quân tử muốn xoay trời chuyển núi.

Cách dùng từ láy và từ thông tục đưa tiếng cười về gần với đời thường dân giã: “Áo Trọng Do bạc thếch, dãi xuân thu cho đượm sắc cần lao/ Cơm Phiếu Mẫu hẩm sì, đói tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ”; “Nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan, Khổng…” , “Song nghĩ lại trần ai không đếch chỗ…”.

Cuộc đời bi kịch của Cao hắt bóng vào những trang thơ (1267 bài) đầy chất bi kịch, yêu người và đau đời; căm ghét cái ác cái xấu nhưng bất lực; kiêu bạc mà chua chát; ngông nghênh có phần tự phụ mà lại trữ tình ngậm ngùi; tràn đầy khát vọng hướng tới cái đẹp, cái cao cả mà lại hay chế giễu, châm biếm. Không hẳn là do sinh vào thời nhà Nguyễn đang phục hưng chữ Hán nhưng phong cách cho thấy Cao hợp với thơ chữ Hán hơn là thơ Nôm. Lý do ấy quy định sắc điệu một tiếng cười đắng cay, bi phẫn không giống bất kỳ tiếng cười nào thời trung đại.

Nguyễn Thanh Tú
.
.