Cao Bá Quát và bài thơ viết về tàu thuyền nước Anh

Thứ Sáu, 28/11/2008, 13:30
Vừa qua, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Cao Bá Quát (1808-2008), tại nhiều nơi trong cả nước đã diễn ra những cuộc hội thảo lớn nhỏ nhằm thêm lần tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của con người độc đáo này.

Một số tình tiết liên quan đến thời gian mất, cũng như bối cảnh khi Cao Bá Quát nằm xuống (vốn là những điều trước nay chưa phải đã hoàn toàn thống nhất), nay đã được một số nhà nghiên cứu tiếp tục đặt ra, ngõ hầu để có được những cứ liệu đầy đủ, chính xác hơn. Tuy nhiên, qua theo dõi một số ý kiến bàn thảo, điều tôi muốn các nhà nghiên cứu văn học cần đi sâu thêm, đó là mảng thơ làm trong chuyến xuất dương của ông tới một số nước châu Âu.

Bởi qua những bài này, ta có thể đọc thấy ý thức tự tôn dân tộc, tự tôn một cách khoa học chứ không hề mù quáng của Cao Bá Quát. Và điều này đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta đang trong xu thế hội nhập với thế giới, trên tinh thần "hòa nhập chứ không hòa tan".  

Để bạn đọc trẻ ngày nay hiểu đúng được vấn đề, trước tiên phải điểm qua đôi nét thăng trầm trong cuộc đời Cao Bá Quát: Trong quá trình làm sơ khảo trường Thừa Thiên, thi nhân Cao Bá Quát - vì quá thông cảm với những thí sinh có tài song trong bài làm đã mắc phải lỗi phạm vào tên húy của nhà vua - đã cùng một người bạn là Phan Nhạ dùng muội đèn chữa cho một số trường hợp.

Sự việc bị cáo phát khiến Cao Bá Quát đang từ chức hành tẩu bộ Lễ suýt nữa bị trảm quyết. Sau một thời gian bị tra tấn, đày đọa trong tù ngục, ông được triều đình tạm tha và điều đi phục dịch phái đoàn của triều đình trong một chuyến xuất ngoại. Chính "nhờ" chuyến đi này mà thi nhân có dịp trông ra bể rộng trời cao và biết đến một số nền văn minh trên thế giới.

Tuy nhiên, khác với nhiều người, với bản lĩnh cứng cỏi, Cao Bá Quát không tỏ ra "rợn ngợp" trước kỹ thuật của một số nước Tây Âu, mặc dù trong thâm tâm ông rất kính trọng những thành tựu tiến bộ mà các quốc gia đó đạt được. Bài "Hồng Mao hỏa thuyền ca" ông viết nhân chuyến đi này là một ví dụ.

Bài thơ viết bằng chữ Hán, nội dung kể lại đặc điểm lạ của một chiếc tàu thủy Anh mà thi nhân được tận mắt chứng kiến (bấy giờ ta quen gọi nước Anh là nước Hồng Mao vì dân nước này râu tóc thường hung đỏ). Khác với tàu thuyền của ta, con tàu này không buồm, không chèo, "không người đẩy" mà đi ngang, chạy ngược nhanh như ngựa phi, có khói tuôn lên tận trời.

Tuy nhiên, nếu bài thơ chỉ dừng lại ở việc "tả chân" như vậy, thì ý nghĩa của nó sẽ rất hạn chế và không xứng đáng với tầm vóc của một thi nhân như Cao Bá Quát. Đây là đoạn kết của bài thơ (nguyên văn chữ Hán): Quân bất kiến: Vĩ Lư chi thủy hối Ốc tiêu/ Kiếp hỏa trực thướng thanh vân tiêu/ Khai châm đông khứ thận tự giới/ Bất tỷ tây minh triêu mộ trào.

Nghĩa của nó có ý răn đe: Tuy mạnh mẽ vậy, song con tàu nọ chớ có chủ quan, bởi nước ở bể Đông không phẳng lặng như nước ở bể Tây đâu. Ở đây, Cao Bá Quát nhắc tới một điển tích, đại ý ở biển Đông có một cái vũng rất lớn gọi là Vĩ Lưu, muôn dòng nước đều đổ dồn vào đây.

Ở giữa, có một tảng đá cực lớn, gọi là Ốc Tiêu, khi nước dồn đến thì bốc cháy dữ dội. Bài thơ muốn cảnh cáo quân đội một số nước phương Tây (bấy giờ đang lăm le xâm chiếm Việt Nam) rằng, hãy coi chừng, nếu không muốn các chiến thuyền của mình bị đốt cháy trên biển Đông.

Cuộc kháng chiến chống bè lũ thực dân xâm lược rất cần đến những con người quả cảm như Cao Bá Quát. Rất tiếc trước đấy, ông đã bị triều đình nhà Nguyễn giết chết bởi "tội" dấy binh khởi nghĩa

Nguyễn Đức Long
.
.