Ca sĩ Vũ Khanh: Nổi nênh đoạn trường... đời hát

Thứ Bảy, 01/12/2018, 08:47
Căn số của con người có những chuyện khó lường. Vũ Khanh không thoát được khi cuộc hôn nhân đổ vỡ khiến anh rơi vào khủng hoảng. Phải đến mấy năm trời Vũ Khanh quay lưng với âm nhạc, cho dù lúc đó hào quang, danh vọng đang thì rực rỡ. 


Nhạc sĩ Từ Công Phụng đánh giá cao giọng hát của Vũ Khanh trong làng ca nhạc Việt tại hải ngoại. Không ít nhạc sĩ đã gửi gắm những sáng tác cho ca sĩ Vũ Khanh, hy vọng anh thể hiện được sâu sắc ca khúc của mình, truyền tải tình cảm tới người nghe một cách thấu đáo nhất. Nhưng con đường vào làng âm nhạc của Vũ Khanh không mấy suôn sẻ khi khởi con đường nghệ thuật của anh là những ngày đi hát cho một quán phở...

Duyên dáng với những tình khúc vượt thời gian

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, ca sĩ Vũ Khanh thường nhắc đến những ngày đầu đi hát tại quán phở ở đường Bolsa, trong khu Little Saigon, bang San Diego (Mỹ). Bởi đó là những ngày tháng không thể quên trong cuộc mưu sinh tha hương khi cập bến xứ người.

Mặc dù được mời hát với vai trò ca sĩ, nhưng Vũ Khanh phải kiêm thêm các công việc khác như xếp bàn ghế, làm MC, và thực hiện điều chỉnh âm thanh, ánh sáng. Anh tự nhận mình không được học nhạc lý căn bản, nhưng lại có khả năng cảm thụ âm nhạc và đặc biệt trời cho anh một giọng hát ấm áp, rền vang và truyền cảm.

Với những ca khúc đầu tiên, Vũ Khanh hát hoàn toàn bản năng, thấm đẫm chất lãng tử phiêu linh. Chính vì lẽ đó mà giọng hát của anh có sức thu hút đặc biệt. Nhưng phải thừa nhận Vũ Khanh có khả năng hóa thân với những tâm trạng của tác giả, tạo nên chiều sâu tâm cảm mỗi khi hát.

Đây cũng là kết quả ba năm trời anh học trong trường kịch nghệ ở Sài Gòn (tốt nghiệp xuất sắc năm 1970). Sự nhập thần là một tài năng thiên phú cũng như giọng hát da diết không giống ai của Vũ Khanh. Đặc biệt ở những ca khúc tự sự, cái duyên của anh được phát sáng, làm lay động lòng người.

Khi sang Mỹ, ngoài đi ca hát kiếm tiền, anh còn theo học đại học ngành Điện toán, và không có ý định trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Việc hát cho vui trong những đêm sinh hoạt ca nhạc sinh viên như một sự giải tỏa nỗi niềm xa quê mà thôi.

Sự thích thú hồn nhiên ấy không ngờ tạo nên bước ngoặt cho cuộc đời ca hát của anh. Đó là vào đêm tại một đại nhạc hội sinh viên ở San Diego, năm 1978. Vũ Khanh xuất hiện với vóc dáng hào hoa cân đối, gương mặt khả ái với bộ ria của một kẻ lãng du khi vác cây đàn ra sân khấu hát ca khúc “Cô hàng nước”.

Tài kể chuyện trong âm nhạc của anh làm sửng sốt hàng ngàn người đến dự. Tất cả quảng trường im lặng, chăm chú lắng nghe anh hát và diễn xuất hết sức duyên dáng. Cùng với đó, giọng hát trầm ấm, ngọt ngào có sức truyền cảm mạnh làm mê hoặc lòng người.

Lần ấy, Vũ Khanh tạo nên một hiện tượng ca nhạc. Tài năng của anh được các nhà sản xuất âm nhạc chú ý và tìm đến. Sự bứt thoát bắt đầu từ đây. Ngay sau đó, Album đầu tiên “Cây đàn bỏ quên” (1980) tạo được tiếng vang đầy triển vọng của Vũ Khanh trong làng ca nhạc hải ngoại. Tuy nhiên, con đường âm nhạc vẫn còn ở phía trước. Bởi lẽ khi ấy, anh còn chưa xác định thể loại âm nhạc cho riêng mình. Anh gặp gì hát nấy. Hơn nữa, anh vẫn còn nhiều việc phải làm trong cuộc mưu sinh tất bật, với sự lo toan cho những người thân trong gia đình.

Phải đến khi tốt nghiệp đại học, Vũ Khanh chuyển về Orange County sinh sống. Năm 1982, anh mới được Trung tâm Âm nhạc Diễm Xưa chào mời. Con đường ca hát chuyên nghiệp của Vũ Khanh bắt đầu từ đây. Đó là sự ra đời của cuốn album thứ hai: “Gọi người yêu dấu”, khẳng định con đường bolero chính hiệu Vũ Khanh.

Ấn phẩm “Gọi người yêu dấu” như lời mời chào rạng rỡ cho một sự nghiệp vang dội trong làng ca nhạc hải ngoại. Liên tiếp, trung tâm Diễm Xưa đã đem lại thành công cho Vũ Khanh với hơn 40 CD được phát hành rộng rãi, thu hút người nghe. Gương mặt khả ái và giọng hát của Vũ Khanh ngày một thêm quyến rũ qua hàng chục ca khúc trữ tình.

Không ai có thể quên những bài anh đã hát như: “Áo lụa Hà Đông”, “Ngậm ngùi”, “Thà như giọt mưa”, “Gọi em là đóa hoa sầu”, “Vết thương cuối cùng”; hay như “Tháng sáu trời mưa”, “Hận tình trong mưa”, “Phượng hồng”… Đặc biệt anh còn nổi tiếng với những bài hát về những cô gái: “Cô hàng nước”, “Cô hàng cà phê”. “Cô hái mơ”, hay như “Cô láng giềng”, “Cô Hồng”, “Cô Bắc kỳ nho nhỏ”…

Cái số “đào hoa” của anh với âm nhạc là thế. Trong hơn một thập niên sau đó, CD của Vũ Khanh chiếm lĩnh thị trường và tạo nên cơn sốt trong làng ca nhạc ở hải ngoại. Vậy mà con đường ca nhạc của anh bỗng bị đứt đoạn, bởi cuộc sống bộn bề, dậy sóng quật ngã anh một cách bất thường.

“Lá bùa hộ mệnh” - nỗi cô đơn

Căn số của con người có những chuyện khó lường. Vũ Khanh không thoát được khi cuộc hôn nhân đổ vỡ khiến anh rơi vào khủng hoảng. Phải đến mấy năm trời Vũ Khanh quay lưng với âm nhạc, cho dù lúc đó hào quang, danh vọng đang thì rực rỡ. Nhưng cung đàn đường tơ đã đứt.

Tuy đau khổ nhưng anh đã hát trở lại và tìm về những nỗi niềm thân thương của gia đình cùng với hai con gái. Các con là niềm an ủi vỗ về anh, giúp anh đứng dậy. Những giấc mơ đẹp trở lại cho dù cuộc hôn nhân đổ vỡ như một vết sẹo thời gian không thể xóa mờ. Từ đó, Vũ Khanh chỉ còn biết tìm đến khán giả như một niềm an ủi và tạo dựng niềm tin yêu với cuộc sống. Tiếng hát Vũ Khanh lại nồng nàn như thuở nào và đam mê với mọi cung bậc âm nhạc.

Ca sĩ Vũ Khanh với bạn hát Ý Lan và Lệ Thu.

Nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều truân chuyên nhọc nhằn. Cuộc đời anh rẽ sang hướng khác khi anh gặp và yêu thương rồi chung sống hạnh phúc với một cô luật sư từ năm 1996 đến năm 2000. Nhưng trong thời gian này, anh chịu thiệt thòi khi vị hôn thê nhất quyết không cho anh đi hát, và bắt anh phải tham gia công việc tố tụng ở tòa án như một luật sư chính hiệu.

Bốn năm không được đi hát. Cùng với đó là bốn năm Vũ Khanh tiếp xúc với biết bao thân phận éo le của tình duyên, hôn nhân đổ vỡ. Những nỗi buồn về tình yêu tràn ngập tâm hồn anh. Sự chán ngán cuộc đời lại ập đến. Nhất là khi anh nhận ra sự cầm tù của cuộc hôn nhân thứ hai. Việc vợ bắt anh bỏ hát như gợi lại một quá khứ đen tối đã trải qua làm Vũ Khanh vô cùng bứt rứt.

Cuối cùng, anh quyết định chia tay cuộc hôn nhân thứ hai, quay trở lại với âm nhạc bởi anh sinh ra là để dành cho âm nhạc, và chỉ có âm nhạc mới mang lại cho anh hạnh phúc, nó như một sự cứu rỗi cuối cùng. Và cũng từ đó anh sống trong cô đơn, và tìm đến âm nhạc nhà thờ như một sứ mệnh đặc biệt trong cuộc đời ca hát của mình.

Cuộc đời kỳ lạ của ca sĩ Vũ Khanh là vậy. Sau những vinh quang được định danh với những tình khúc nổi tiếng của Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Vũ Tuấn Đức, Nguyễn Bích…; giọng hát Vũ Khanh được thêm một lần khẳng định cùng với dàn nhạc thánh đường, khởi đầu là “Tạ ơn Chúa” (Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm).

Cũng từ đây, những bản thánh ca đem lại nguồn an ủi lớn cho cuộc sống cô đơn của anh. Anh đến với những đêm hát cho người nghèo và người cô đơn. Anh đến với những số phận bần hàn để sưởi ấm tâm hồn chúng sinh, hòa nhập với họ như một sự chia sẻ nỗi khổ đau của con người. Giọng hát Vũ Khanh càng ngày càng dịu dàng, nồng nàn, chan chứa nỗi niềm thương yêu cuộc sống.

Những giọt nước mắt khi trở về

Năm 2012, trở về Việt Nam sau 35 năm tha hương, Vũ Khanh đã khóc khi cất tiếng hát đầu tiên trên sân khấu quê hương. Bài ca “Áo lụa Hà Đông” gắn bó với anh cách đây hơn hàng chục năm, giờ đây lại nghẹn ngào làm sao. Anh khóc cho sự trở về. Anh khóc cho những tháng năm trăn trở. Và anh khóc vì sự yêu thương của khán giả đã dành cho anh bao năm qua.

Đó là giây phút hạnh phúc nhất cho cuộc đời ca hát của anh. Bốn năm sau (2016) anh lại có dịp trở về làm giám khảo cuộc thi giọng hát bolero tại TP Hồ Chí Minh. Đó là niềm an ủi sâu sắc mà anh đã từng tâm sự. Những nụ cười yêu thương của bạn bè, đồng nghiệp và thí sinh trao cho anh như muốn xóa đi nỗi cô đơn trong cuộc đời người nghệ sĩ tha hương và có cuộc đời nhiều nỗi đoạn trường. 

 Giờ đây ước muốn trong anh đó là trở về Hà Nội hát trọn một đêm. Hà Nội quê hương anh, nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Anh hát để tri ân mảnh đất này, để rồi xa mãi mãi. Và đó cũng là nơi có bài hát “Cô hàng nước”, ca khúc đã làm nên tên tuổi của Vũ Khanh, đồng thời anh cũng theo đuổi bài hát đó suốt gần 40 năm qua.

Mỗi khi hát những lời ca: “Chiều nay một mình chiếc bóng đơn côi. Mưa rơi giọt buồn giá buốt tim tôi. Mưa rơi lạnh lùng xóa dấu chân xưa. Tin yêu bây giờ trả lại người xưa” là anh lại nhớ Hà Nội đến nao lòng. Niềm hy vọng trở về ấy đã trở thành hiện thực trong anh.

Bội Kỳ
.
.