Ca sĩ Bằng Kiều: Làm nghệ thuật cần cá tính

Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:20
Ca sĩ Bằng Kiều nói, các bạn trẻ bây giờ nhiều lợi thế hơn thế hệ anh ngày xưa, nhưng điều quan trọng để làm nên thành công là những cá tính rõ nét trong nghệ thuật, điều đó, giới trẻ đang thiếu. 


- Anh nhớ gì ngày xưa, thập niên 90 của thế kỷ trước, ở Hà Nội với sự nổi đình nổi đám của những giọng ca Bằng Kiều, Mỹ Linh, Thu Phương, Thanh Lam, Hồng Nhung, Hà Trần?

+ Ngày đó các ca sĩ Hà Nội có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau, tôi và Thu Phương làm ở Nhà hát Tuổi trẻ, thường đi hát ở các tụ điểm. Tôi thân với các ca sĩ nữ vì hồi đó tôi là mì chính cánh, Thu Phương, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà… Nhạc nhẹ Việt Nam thập niên 90 lên ngôi, lứa chúng tôi đều là những nhân tố được mọi người yêu mến.

Cho tới bây giờ, chúng tôi vẫn tự hào về điều đó, chúng tôi đã đóng góp một phần nào đó cho đời sống âm nhạc Việt Nam. Những gương mặt, giọng hát ấy vẫn đưa ra những sản phẩm tốt để lại dấu ấn khó thay thế trong đời sống âm nhạc. Tên tuổi của họ vẫn đóng dấu chất lượng chương trình tương đối an toàn.

- Vâng, cùng một khởi điểm nhưng mỗi người theo đuổi một con đường khác nhau. Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hà Trần trở thành những diva nhạc Việt và có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy sự phát triển của thị trường âm nhạc, còn anh, nhìn lại con đường của mình, anh có gì nuối tiếc?

+ Tôi không nuối tiếc những điều đã qua, bởi cuộc sống có nhiều thứ mình không được lựa chọn và sắp xếp. Quan trọng là đến bây giờ tôi vẫn hát. Cả cuộc đời tôi không biết làm gì khác ngoài âm nhạc. Đó là hạnh phúc. Cuộc sống của tôi vẫn luôn bận rộn với những dự án. Có thể con người tôi hơi chán, không có gì thu hút độc giả vì tôi sống giản dị, bình dân. Tôi may mắn vì luôn có nhiều ý tưởng để làm nên lúc nào tôi cũng có công việc, nó cuốn tôi đi.

- Nhiều khán giả cho rằng, Bằng Kiều bây giờ hát không còn hay bằng ngày xưa, anh nghĩ sao?

+ Tất nhiên giọng của tôi bây giờ sẽ không giống như ngày xưa và bất cứ ca sĩ nào cũng vậy thôi. Ngày xưa giọng tôi phơi phới, trong vắt, bây giờ khác đi nhiều vì cuộc sống đã trải qua nhiều sóng gió, biến cố, tiếng hát của tôi có những trải nghiệm trước đây mình không có. Nếu khán giả nghe tôi cách đây 20 năm chắc bây giờ họ sẽ không thích Bằng Kiều. Còn tôi thì nghĩ, tôi bây giờ hay hơn. Tùy gu của từng người nghe thôi.

- Năm nào anh cũng về nước làm vài ba show, trong khi các giọng ca cùng thời với anh, kể cả các diva không còn là những cái tên hot để bán vé. Theo anh, điều gì ở anh khiến các nhà tổ chức săn đón và vẫn là cái tên để bán vé?

+ Tôi nghĩ là sự may mắn và phong độ. Trong các chương trình, dù hay đến mấy nhưng không có gì cho khán giả xem họ cũng sẽ chán. Mỗi chương trình tôi đều cố gắng mang đến những điều khác biệt để thu hút khán giả và luôn giữ lời hứa, cái sau hay hơn cái trước. Khi qua Mỹ, điều tôi học hỏi ở nền giải trí nước ngoài là họ coi trọng tính giải trí, trong nghệ thuật tính chất giải trí vẫn tiên quyết. Khi khán giả đến với mình họ phải vui. Tôi suy nghĩ theo chiều hướng đó nên được khán giả ủng hộ. Và điều quan trọng nữa là tôi luôn giữ được cảm xúc khi hát, bởi mục đích cuối cùng của âm nhạc là chạm tới cảm xúc của khán giả.

- Đó là cách anh hướng tới đại chúng chăng?

+ Với tôi, yếu tố giải trí luôn được đưa lên hàng đầu. Nhưng giải trí như thế nào còn tùy thuộc vào văn hóa và thẩm mỹ của từng người. Một chuyên viên ẩm thực với một người bình thường sẽ thưởng thức món ăn khác nhau. Trong nghệ thuật cũng vậy, tôi đưa yếu tố giải trí lên hàng đầu vì tôi biết khán giả của tôi ở chỗ nào. Họ là những người có học và tôi tự tin rằng, ít nhất, họ cũng ở một level nào đó trong xã hội.

Làm nghệ thuật không thể ngồi tự sướng, nghệ thuật phải có sự cộng hưởng của khán giả, được sự ghi nhận của khán giả chứ không thể ngồi tự khen mình. Tính chất giải trí mà tôi nói ở đây dựa trên nền tảng của tôi, một người có trình độ cơ bản về âm nhạc, tôi không dùng chiêu trò hay bất cứ điều gì khác ngoài việc hát thật hay.

Tôi không muốn mọi người nghĩ mình chảnh, chúng ta không nói ra nhưng rõ ràng đời sống âm nhạc phân đẳng cấp rất rõ ràng, ca sĩ thính phòng, ca sĩ quê hương đều có giá trị nhất định và tôi là một giá trị riêng. Tôi không lấy học thuật của mình ra làm nghề để đánh đố khán giả. Khán giả cần thư giãn và giải trí của tôi là hát thật hay.

- Anh có sợ mình xuất hiện nhiều sẽ bị nhàm và cũ không?

+ Đến bây giờ thì chưa, nếu mình sợ thì không làm được, mình phải cố để đừng nhàm chán. Đó cũng là sự may mắn, khán giả đến có cảm nhận được nỗ lực của mình hay không. Ca sĩ nào cũng có tâm thế cố gắng làm nghề một cách tốt nhất có thể nhưng ăn thua ở khán giả thôi, họ đến và không thấy gì sẽ chán. Làm nghệ thuật không có lý do để chán, tôi là người lạc quan, âm nhạc mang đến cho tôi tất cả mọi thứ nên tôi không bao giờ sợ mình bị nhàm và cũ.

- Giới trong nghề gọi đó là được tổ nghiệp đãi. Vậy anh có phải là ca sĩ giàu có không?

+ Tôi vẫn bình thường, không giàu bằng các ca sĩ khác. Nhưng tôi luôn cho rằng mình giàu có vì mình có những điều mình muốn. Quan trọng là mình muốn gì. Tôi chỉ muốn uống trà buổi sáng thôi chứ không uống sâm. Tôi đáp ứng được vấn đề trà rất ngon, thế là giàu có rồi. Còn nếu so sánh sự giàu có với thế gian không bao giờ so được. Nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống không ai bằng mình. Tôi sống bình dân quen rồi, không quen khoe nhà khoe cửa. Dù có thể không ai tin tôi nghèo đâu. Mặc kệ đi, cứ tự nhiên, an nhiên mà sống. Tôi là người lạc quan mà.

Ca sĩ Bằng Kiều hát cùng ca sĩ Minh Tuyết.

- Tuấn Hưng hay Tú dưa trong bộ tứ "4 quả dưa" của anh đều chuẩn bị làm live show kỷ niệm 20 năm ca hát. Còn anh thì sao?

+ Tôi không thích đánh dấu, những gì tròn trịa quá sẽ không phát triển được. Tôi thích số lẻ, số lẻ là số phát triển, còn số chẵn là tổng kết.

- Anh có nghe các bạn trẻ bây giờ và anh có đánh giá như thế nào về họ?

+ Bây giờ có nhiều bạn hát hay nhưng lại thiếu những cá tính âm nhạc. Nghệ thuật cần cá tính mới có chỗ đứng lâu bền. Bây giờ các bạn có nhiều lợi thế hơn về công nghệ, truyền thông nhưng sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Thời chúng tôi không có các phương tiện truyền thông mà "hữu xạ tự nhiên hương". Còn bây giờ, nếu không tỉnh táo, truyền thông cũng dễ làm các bạn đi sai hướng.

- Nhiều năm gần đây, các ca sĩ hải ngoại đổ xô về nước, anh nghĩ gì về trào lưu đó?

+ Với bất cứ ca sĩ Việt Nam nào, dù sống ở đâu, không có thị trường nào bằng thị trường Việt Nam với 90 triệu dân. Trong khi ở hải ngoại chỉ có một cộng đồng mấy triệu người. Ai cũng muốn cống hiến cho khán giả của mình nhưng có thể vì một lý do nào đó họ phải xa quê mà thôi.

- Trong đêm nhạc "Đêm tình nhân" sắp tới, Bằng Kiều xuất hiện với vai trò ca sĩ và biên tập âm nhạc. Chương trình đã đi qua 4 mùa, anh có bị áp lực làm thế nào để nó luôn mới mẻ không?

+ Đây là sân chơi dành cho các ca sĩ hải ngoại, chương trình đã đi qua 4 mùa và rất thành công. Chúng tôi muốn "Đêm tình nhân" trở thành một thương hiệu, kiểu như "Duyên dáng Việt Nam", trong đó yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu và luôn cố gắng để chương trình sau hay hơn chương trình trước.

Đến bây giờ chúng tôi vẫn đạt được điều mình mong muốn và sự kỳ vọng của khán giả. Bằng chứng là vé của "Đêm tình nhân" đã bán gần hết. Đó là đêm vinh danh những người phụ nữ và tình yêu, sẽ là một đêm đáng nhớ đối với những người phụ nữ của chúng ta và mỗi năm sẽ có nhiều điều mới mẻ.

- Vâng, anh luôn trân trọng những người phụ nữ. Sau những biến cố của cuộc đời, sau nhiều cuộc tình, đến bây giờ, đối với anh, người phụ nữ nào đóng vai trò quan trọng nhất?

+ Tất cả những người phụ nữ đi qua cuộc đời tôi đều có vai trò quan trọng và tôi luôn trân trọng họ. Tôi nghĩ, có nhiều thứ quan trọng của đời người chúng ta không được lựa chọn, bố mẹ, con cái anh em… Chúng ta không chọn được lúc nào sống, lúc nào chết, đôi khi ta chỉ chọn được quần áo thôi. Cho nên hãy hạnh phúc với những gì mình đang có. Tôi là người sống vô tư, lạc quan và luôn nhìn về phía trước.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Hạnh Nguyên
.
.