Gã đồ tể

Thứ Sáu, 15/01/2021, 22:18
Trương kễnh làm nghề đồ tể, mỗi ngày chọc tiết vài ba con lợn bán cho khách buôn kiếm bộn tiền. Ấy thế mà mụ vợ Trương kễnh còn không vừa lòng, hàng ngày cứ hở ra chuyện gì là mụ lại kiếm cớ ngoác mồm ra rỉa rói chồng, và mỗi lần như thế thì tên ông cụ phó Cận cứ được mụ nhắc đi nhắc lại, thế thì bảo ai chả bực.


Làng thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn nên hầu như nhà nào nhà nấy cũng đều kín cổng cao tường. Tình làng nghĩa xóm cũng tự nhiên nhàn nhạt, không còn cái cảnh tắt lửa tối đèn có nhau như thuở trước. Thậm chí, ngay cả những con chó xưa nay vốn dĩ được người ta nuôi để giữ nhà cũng lười nhác chẳng thèm sủa mỗi khi có người lạ đi ngang qua ngõ. 

Trời vừa xẩm tối, đèn đóm trong nhà ngoài ngõ đã sáng choang nhưng các cánh cổng thì lập tức được khóa trái lại im ỉm. Cứ cái lề thói ấy thì có khi bên hàng xóm có chuyện gì thì nhà bên cạnh vẫn trùm chăn ngủ kỹ.

Kinh tế phát triển cộng với thời đại internet, công nghệ số nên mọi thứ đều rất hiện đại. Cái gì cũng thông minh, điện thoại thông minh, ti vi thông minh, camera chống trộm thông minh… Có khách đến nhà, nghe chuông cổng cái là chỉ ngồi trong nhà bật camera xem khách đến là ai. Khách nào muốn tiếp thì cầm cái điều khiển hướng ra cổng bấm phát cho cánh cổng tự động kéo ra. Còn phải khách không muốn tiếp thì thôi, ông cứ im ỉm lờ đi làm như nhà đi vắng. Tiện lợi đến thế là cùng. Sự giàu có tưởng như đã hiện diện đến từng ngõ ngách.

Thói thường cơm no ấm cật thì dậm dật chân tay, các cụ đã dạy thế rồi, mà nhời các cụ thì xưa nay cấm có bao giờ sai. Thế là sinh ra lắm thứ để phục vụ cho cái nhu cầu hưởng thụ của những ông bà người. Đầu làng mọc lên nhan nhản các quán hàng ăn nhậu, các quán cà phê, karaoke đèn xanh đèn đỏ lập lòe. 

Thậm chí làng ở cách xa trung tâm thị trấn đến dăm cây số nhưng vẫn có người đầu tư xây hẳn một cái nhà nghỉ ba sao hoành tráng, chả kém gì những cái khách sạn mini bên khu du lịch biển. Rồi thì ai vào đấy mà nghỉ cũng chả biết nữa, chả lẽ mà người trong làng tự nhiên bỏ nhà bỏ cửa vào đấy mà nghỉ à? Chỉ thấy người ra vào dập dìu cứ như cái khách sạn thật chứ đùa.

Người trong làng đa số đang ở độ tuổi thanh niên, từ bọn loai choai cho đến bọn tầm ba lăm bốn mươi đã có vợ có chồng. Vì vậy hầu như mọi thứ đều diễn ra theo phong cách của người trẻ, những người cao tuổi hơn cũng theo đó mà dần thích nghi. Chuyện một bà U60 xăm môi kẻ mắt, tay cầm ipad lướt mạng chơi phây; hay một ông U70 diện quần bò áo phông đi xe phân khối lớn là rất thường.

*

Trong làng chỉ riêng có vợ chồng cụ phó Cận là dường như tách ra khỏi cái nhịp sống rộn rã ấy. Hai ông bà không con không cái, sống trong một ngôi nhà cổ cột gỗ mái rạ ở tận cuối làng. Gọi là ông phó Cận vì ông cụ hành nghề phó mộc từ thuở bé, trải mấy chục năm đến cuối đời khi đã ở cái tuổi cổ lai hy cộng mười mấy mà cụ vẫn kỳ cạch cưa xẻ đục đẽo. 

Bởi vậy mà sức vóc cụ nom vẫn còn khá cường tráng, cơ bắp vẫn còn rắn đanh chả kém gì đám thanh niên. Ngược lại, cụ bà tuy ít tuổi hơn nhưng quanh năm suốt tháng ốm đau èo uột. Thành ra hàng ngày cụ ông lại là người phải lo quán xuyến tất tật mọi việc trong nhà. Từ chợ búa cơm nước đến quét dọn giặt giũ, chả cái gì là không đến tay ông cụ. Bởi vậy mà trước giờ cụ phó Cận luôn được tiếng là người chuyên cần đức độ.

Sáng, cứ thấy ông cụ xách làn đi chợ là ai nấy gặp đều hồ hởi lắm, có bà còn gọi chồng mình ra rồi chỉ trỏ ông cụ bảo: “Đấy, mở mắt ra mà nhìn đi! Ông cụ hơn tám chục rồi đấy! Đây thì cứ ườn thối ra, việc gì cũng đến tay vợ con!”. Thường những lúc như thế các lão chồng sẽ im thít rồi lảng đi chuyện khác, nhưng cũng có tay hậm hực ra mặt, tỏ thái độ luôn. Bảo rằng thì là hay hớm gì cái trò hầu hạ đàn bà, đàn ông đàn ang sinh ra là phải để làm việc lớn chứ cứ cắm đầu vào ba cái vặt vãnh ấy thì vứt. 

Tưởng là chuyện chỉ thoảng qua có thế rồi thôi, ai đời các mụ vợ dai như đỉa, cứ hàng ngày hàng ngày đem gương ông cụ Cận ra đay đả chồng con. Nói nghe đay nhiều thì đương nhiên phải khó chịu bực bội rồi, thế là thành ra lâu dần cả đám đàn ông trong làng đều sinh ra ấm ức với cụ phó Cận. 

Mà thường khi đã không thích cái gì thì người ta liền tìm cách hạ giá trị của nó xuống, cái ấy bọn thanh niên giờ nó gọi là dìm hàng. Chuẩn, phải dìm hàng chứ. Chả ai nói ra với ai nhưng cánh đàn ông đều nghĩ phải tìm cách nào đó để cái ông phó mộc chỉn chu chăm chỉ kia phải bơn bớt hình tượng đi trong con mắt các mụ vợ.

Trương kễnh là một trong những tay đang có âm mưu ấy. Gọi là Trương kễnh bởi một chân của Trương bị tật bẩm sinh nên lúc đi lại bước chân cứ phải kễnh lên kễnh xuống. Trương kễnh làm nghề đồ tể, mỗi ngày chọc tiết vài ba con lợn bán cho khách buôn kiếm bộn tiền. Ấy thế mà mụ vợ Trương kễnh còn không vừa lòng, hàng ngày cứ hở ra chuyện gì là mụ lại kiếm cớ ngoác mồm ra rỉa rói chồng, và mỗi lần như thế thì tên ông cụ phó Cận cứ được mụ nhắc đi nhắc lại, thế thì bảo ai chả bực.

Một tối, nghe vợ chửi chán tai Trương kễnh vùng vằng bỏ ra khỏi nhà. Vật vờ trên một đoạn đường làng, Trương kễnh bất ngờ thấy một đám thanh niên đang ngồi túm tụm trong cái quán nước của lão Yên ở đầu đường. Ngó vào, thấy cả bọn đang om xòm quây quần quanh một chiếu tá lả, Trương kễnh cũng xán vào ghé đít ngồi xuống một góc chiếu còn đang trống. Cả bọn ngồi đó thấy Trương kễnh thì ngước ráo lên nhìn như nhìn vật thể lạ. Một tay còn trẻ, mặt non choẹt ngồi chầu rìa ở mép chiếu ngoác mồm ra nhăn nhở:
Minh họa: Hà Trí Hiếu

- Ơ kìa, nay giở giời sắp có bão hay sao mà cụ kễnh lại hạ đáo đến cửa này thế nhể?

- Kễnh kễnh cái tiên sư nhà mày. Tao chả gần bằng tuổi cả thằng bố Bình nhà mày đấy…

Trương kễnh nhăn mặt bực bội, còn những người khác trên chiếu bạc thì bụm miệng cười hinh hích. Một lão tóc hoa râm vừa rút một con bài trên tay vật đét xuống chiếu vừa hếch mặt lên nhấm nhẳng:

- Hứm, thằng Bống Bình sao mày dám trêu tròng gì chú kễnh thế hử? Mà động hề động hướng gì mà hôm nay bố cháu có vẻ hậm hực thế?

- Hố hố… Đấy chú xem, chú ý còn réo cả tên bố cháu ra đấy mà có sao đâu!...

Gã thanh niên cười nhăn nhở ra ý xuê xoa với Trương kễnh, trong khi đó thì lão này vẫn đang tỏ ra khá bực bội:

- Bố khỉ, chỉ tại cái lão Cận già! Sao lão ý già thế rồi mà không chết quách đi nhỉ? Đằng này người ngợm lại cứ còn vâm vâm ra thì bao giờ mới chết!

Trương kễnh xổ ra một tràng rồi ngồi nhăn mặt bực tức, còn đám người trong chiếu bạc thì cùng chợt ồ lên ra vẻ như đã rõ sự tình. Vẫn là lão tóc hoa râm nhếch mép cười khẩy:

- Khốn khổ, lại bị vợ chửi rồi hử? Mà thật… Cái lão Cận ý giờ mà chết là cũng đáng lắm, quá cổ lai hy rồi, thừa tuổi làm hộ chiếu xuất cảnh rồi, vậy mà lại vẫn cứ sống, thế mới tài!

- Chứ lị, hay hớm đếch gì cái loại đàn ông suốt ngày con cón đi giặt váy cho vợ ý. Lão mà không chết thì đàn ông ở cái làng này chỉ còn là nhục với lão.

Trương kễnh thở hắt ra một hơi làm ra vẻ như mình đang đau khổ lắm. Cả chiếu bạc lập tức lại như không hề biết đến sự có mặt của Trương kễnh, tất cả lại chăm chú dán mắt vào những con bài liên tục được vật ra trên mặt chiếu. Riêng tay thanh niên choai mặt non choẹt được gọi với cái tên là Bống Bình là bỗng nghểnh mặt bật cười hố hố rồi gật gù ra điều tự đắc:

- He he… Đàn ông làng này bị át vía cụ phó Cận hết cả nhưng riêng gặp nhà cháu thì cụ ý lại phải kính cẩn trọng vọng như gặp lĩnh tụ ý chứ!

- Tiên sư ông lỏi con, chỉ được cái ba hoa chích chòe! Mày tuổi đếch gì mà đòi ông ý phải hãi!

- Hơ hơ… Ông chú nhầm nhá, có cần kiểm chứng ngay bây giờ không?

Gã thanh niên vênh mặt lên thách thức làm cho Trương kễnh nửa tin nửa ngờ. Nhấc mông ngồi nhích gần lại, Trương kễnh ghé tai gã kia nói thầm đủ nghe:

- Này, mày nói thật hay phét lác thế đấy?

- Thề bố thằng nào nói điêu nhá! Ông chú có dám cá không?

Trương kễnh đưa vội tay bịt lấy mồm gã kia rồi nháy mắt ra ý im lặng rồi túm vai áo lôi gã này đứng dậy rời khỏi chiếu bạc đi ra ngoài.

*

Núp trong bụi dâm bụt ngay lối đi vào ngõ nhà ông cụ phó Cận, Trương kễnh chốc chốc lại khẽ cựa quậy rồi đưa tay gãi sồn sột vì lũ côn trùng bò vào người. Dưới ánh trăng suông và ánh điện hắt ra từ những ngọn đèn đường, Trương kễnh sốt ruột ngó săm soi về phía góc làng nơi có căn nhà mái rạ của ông phó Cận. 

Cách đấy không xa, gã Bống Bình cũng đang đứng thập thò ngay đầu ngõ, cứ lúc một, gã lại chu mỏ huýt vài tiếng sáo. Mỗi tiếng huýt sáo của gã cất lên thì con chó già ở trong sân nhà ông phó Cận lại tru lên sủa ăng ẳng. Một lát rồi cũng thấy ông phó Cận dò dẫm từ trong nhà bước ra. Vừa đi ông phó Cận vừa dáo dác đưa mắt ngó trước nhìn sau ý như xem có ai thấy mình không. Nhác thấy ông lão, gã Bống Bình đã như vồ lấy hồ hởi:

- Gớm, cụ làm cái gì mà lâu thế? Để con huýt sáo rát hết cả mỏ.

- Xuỵt… Mày bé bé cái mồm thôi…

Ông phó Cận luống cuống ra dấu cho gã Bống yên lặng rồi mới ghé tai thì thào:

- Tao còn phải đánh lạc hướng bà ý rồi mới ra được chứ… Mà có cái gì mà mày cứ hoắng lên thế hở?...

- Thì còn có cái gì nữa, cháu mới đao được cái phim mới, đem đến để ông cháu mình thưởng thức thôi… Ông chả dặn cháu là có gì hay thì cho ông xem cùng là gì…

Gã Bống Bình tức thì ngồi bệt ngay xuống bên vệ cỏ rồi móc túi áo lấy ra cái điện thoại thông minh rồi nhanh tay bật lên vuốt vuốt gạt gạt. Như một cái máy, ông phó Cận cũng ngồi xuống theo. Cái màn hình điện thoại sáng lên và hai cái đầu một già một trẻ cùng chụm vào chăm chú. Chưa đầy nửa phút, Trương kễnh đã nghe từ cái điện thoại của gã Bống phát ra những âm thanh lẹt xẹt rồi sau đó là những tiếng rên rỉ oằn oại của đôi trai gái đang tình tự. 

Ô hô… Ra là vậy! Trương kễnh ngồi trong bụi dâm bụt gật gù ra chiều đắc ý, suýt chút nữa thì bật lên thành tiếng cười, may mà kìm lại được. Bên ngoài, gã Bống Bình và ông cụ phó Cận vẫn chẳng hề hay biết gì, hai cái đầu vẫn chụm vào cái điện thoại. Một lát, gã Bống Bình làm như sực nhớ ra, hắn đứng vụt dậy bảo:

- Thôi chết, giờ có khi cũng đến mười giờ rồi chứ ít à! Thôi, cháu phải về đây kẻo về muộn bố cháu đánh chết.

- Ơ kìa… Cứ từ từ hẵng…

Ông phó Cận cầm lấy cánh tay gã Bống Bình níu lại, tuy nhiên gã vẫn cố vùng ra toan bước đi khiến ông phó Cận đứng ngây ra chưng hửng, tiếc rẻ. Bước đi vài bước, gã Bống ngoái lại nhìn ông phó Cận với vẻ dương dương tự đắc rồi vênh mặt bảo:

- Gớm cụ, phim hay như thế mà bảo góp với cháu mấy đồng để cháu mua thẻ tải xuống cho mà xem thì cấm có chịu xùy ra ý…

- Cái thằng… để rồi mai tao đưa… có cái gì đâu mà lo…

- Thôi, thế thì để mai tính, cháu về đây.

Gã Bống Bình quay ngoắt người rảo chân bước ra khỏi lối ngõ. Ông phó Cận cũng thẫn thờ đi vào trong sân nhà. Ngồi trong bụi dâm bụt, Trương kễnh thở phào ra một hơi thật dài rồi phấn chấn đứng dậy bước ra với một nụ cười quái đản nở trên môi. Nhưng lập tức Trương kễnh giật thót người khi có một bàn tay chợt vỗ bộp lên vai lão.

- Thế nào hở ông chú, tin rồi chứ?

Giọng gã Bống Bình khèn khẹt cất lên trong đêm tối nghe rờn rợn. Lùi lại một bước, Trương kễnh ngoái lại gật đầu lia lịa:

- Tin rồi!… Tin rồi!…

- He he… Tin rồi thì đưa đây!

Bàn tay gã Bống Bình đưa ra, hai ngón tay vê vê vào nhau dí sát mặt Trương kễnh. Biết là hắn đòi tiền cá cược với mình nhưng Trương kễnh vẫn làm bộ tỉnh bơ:

- Ơ, ơ… Cái gì mà đưa với chả đưa…

- Gớm nữa, ông chú đừng có mà trẻ con với thằng này nhá, không đùa được đâu!

Miệng nói tay gã Bống Bình thọc luôn vào túi áo trên ngực Trương kễnh moi móc trong đó nhưng túi áo rỗng không, điều đó càng làm cho gã thêm tức tối. Không chịu dừng lại, gã Bống vẫn tiếp tục luồn tay xuống móc vào túi quần Trương kễnh rồi gã chợt reo lên thích thú khi moi từ trong đó ra được một cái ví da nhàu nhĩ:

- Đây rồi, có thế chứ!

- Để yên… Để yên tao lấy…

Trương kễnh kêu lên, chộp vội lấy cái ví rồi lần mò rút ra tờ tiền một trăm ngàn đưa cho gã Bống trong vẻ nuối tiếc lộ rõ:

- Đây, thằng quỷ! Mày cứ như thằng ăn cướp ý…

- He he… Chứ lị! Xiền ông chú nhiều thế kia, không cướp bớt đi để ông chú đem cho gái nó phí đi!

Gã Bống Bình bật cười sằng sặc rồi rảo chân bước đi, loáng cái đã mất hút trên đường làng. Còn lại Trương kễnh đứng hậm hực rồi cũng phủi quần bước đi. Nhưng bất chợt những tiếng ồn ào từ phía ngôi nhà mái rạ của ông phó Cận vọng ra níu chân Trương kễnh lại. Trí tò mò nổi lên, Trương kễnh vừa khẽ suỵt suỵt làm quen với con chó nhà ông phó Cận vừa nhón móng cò len lén đi vào tới sát bên hiên nhà rồi lặng yên nghe ngóng. 

Từ bên trong nhà lúc này vang ra tiếng bà phó Cận đang tỏ ra rất tức tối oán hờn: “Ôi giời đất ơi, sao mà ông khốn khổ khốn nạn như thế hở giời! Tôi già khú ra rồi, còn màu mỡ gì nữa đâu mà ông nỡ hành hạ tôi thế này!”. Tiếng ông phó Cận như hối lỗi, năn nỉ: “Thôi, tôi xin bà!... Tôi nhỡ không kiềm chế được… Bà nói khẽ thôi kẻo hàng xóm người ta biết chuyện thì tôi chả còn mặt mũi nào…”. Ở bên ngoài, Trương kễnh nghe không sót một lời nào, lão khẽ nhếch môi cười khẩy vẻ rất đắc chí rồi lẳng lặng quay trở ra.

*

Sáng sớm, khi mặt trời còn đang lấp ló sau rặng tre ở cuối làng thì đã thấy Trương kễnh lạch bạch phi cái xe máy Honda 50 chuyên để chở lợn vào thẳng sân nhà ông phó Cận. Trên tay xe treo lủng lẳng một túi ni - lông trong đựng chừng nửa cân lòng lợn còn đang bốc hơi nóng sốt. Con chó vàng nằm ở góc sân thấy vậy thì tru lên sủa ăng ẳng. Nhưng khi Trương kễnh chỉ khẽ suỵt một cái là nó đã vội cụp đuôi lại rồi lấm lét lủi vào trong nhà. 

Nhà ít người ra vào nên hai ông bà phó Cận thấy khách vào thì cùng vội đi ra. Vừa chạm mặt, Trương kễnh đã vội tháo túi ni-lông đựng lòng trên tay xe ra rồi cất tiếng chào đon đả:

- Ui, con chào hai cụ! Nay con thịt con lợn ỉn, có đĩa lòng xe điếu nóng sốt, con đem sang biếu hai cụ thưởng thức cho nó mát ruột ạ!

- Bác Trương đấy hở? Lâu lâu không thấy bác sang chơi, mà giờ lại còn bày vẽ làm gì! - Bà cụ phó Cận cũng vồn vã bắt chuyện.

- Dạ vâng, hai cụ cũng thông cảm cho con ạ! Gớm, cái việc hàng giát của con là nó cứ bận rộn suốt ý ạ, có rảnh ra được ngày nào đâu… Nay cũng là có tý việc, con muốn sang nhờ vả cụ ông bớt ra giúp con buổi sáng đấy ạ…

- Ơ thế nhà bác có sự gì mà cần đến tôi? - Ông phó Cận ngạc nhiên.

- Vâng, tại con muốn qua bên kia sông mua cái sập gụ chân quỳ về kê cho nó sang nhà. Nghe họ bảo cái sập của nhà họ là có từ đời vua Khải Định, con thì chả biết mô tê gì, nghĩ trong làng chỉ có cụ là người giỏi nghề, ngoài cụ ra thì nhẽ chả ai biết được, vậy nên con muốn nhờ cụ đến xem giúp con với ạ!

- Ờ, tưởng chuyện gì chứ cái ấy mà tôi không biết thì còn ai biết nữa.

- Vâng, vâng… Thì thế con mới phải cất công nhờ cụ chứ ạ! Thôi thế để giờ ông cháu mình làm tý lòng sốt cho nó chắc dạ rồi con chở cụ ông qua sông cho sớm ạ! Nào, nào… cụ bà cho con mượn cái đĩa ạ?

Bà phó Cận tất tả chạy đi dọn mâm bát. Còn ông phó Cận thì đứng ở ngưỡng cửa nhìn Trương kễnh rồi vừa đưa tay vuốt râu vừa mỉm cười với điệu bộ không giấu nổi vẻ khoan khoái, tự hào.

*

Quốc lộ 21 trải asphan phẳng lì với hai hàng phi lao xanh mướt mát dẫn ra thị trấn biển Thịnh Long tấp nập người xe qua lại. Đi gần hết con đường thì Trương kễnh ngoặt xe đi vào lối rẽ dẫn vào thị trấn. Ngồi sau xe Trương kễnh, ông cụ phó Cận vừa ngó nghiêng ra hai bên đường vừa xuýt xoa:

- Chậc, lâu lắm tôi không sang bên này. Ai ngờ giờ nó lại đẹp đẽ thế này, nhìn cứ mát hết cả mắt!

- Ui giồi, đây còn chưa là gì đâu cụ ạ! Để con đưa cụ ra tận chỗ ngoài bãi tắm thì có mà nó còn mát mắt nữa ý nhá! Hô hô…

Chỉ một lát, Trương kễnh đã cho xe dừng ở ngay một cái nhà nghỉ bình dân có biển đề tên là Thanh Hạnh nằm sát ngay bên bãi biển. Mới đang là buổi sáng nên bãi biển vắng hoe, cả dãy nhà nghỉ san sát cũng vắng hoe. Thấy Trương kễnh dừng xe thì từ trong nhà nghỉ có một phụ nữ trẻ mặc váy cộc vẻ như là chủ nhà, sắng sả chạy ra chào hỏi xoắn xuýt như người nhà:

- Ôi, cứ tưởng ai, hóa ra là ông anh! Gớm, ông anh đi đâu mà nọ nay mất hút, chả thấy mặt mũi đâu thế?

- Suỵt!... Be bé cái mồm!... E hèm… Cô xem có cái phòng nào cho bác cháu tôi vào ngồi nghỉ uống nước tý. Gớm, giời nắng đi đường cứ khát khô cả cổ!

Trương kễnh nháy mắt nói khẽ với cô chủ nhà nghỉ rồi lại quay về phía ông phó Cận oang oang. Chủ nhà nghỉ hiểu ý toét miệng cười ỏn ẻn rồi gọi với vào trong bảo nhân viên ra dẫn khách lên phòng. Riêng ông cụ phó Cận thì ngơ ngác quay sang hỏi Trương kễnh:

- Ơ kìa, thế giờ ta đi xem cái sập rồi còn về chứ bác Trương?

- À, vâng vâng… Chỗ ấy nó cũng gần đây thôi, ông cháu ta vào đây nghỉ tý uống hớp nước hẵng đi cụ ạ!

Miệng nói tay Trương kễnh túm lấy vai ông phó Cận đẩy ông cụ đi đến cái cầu thang dẫn lên tầng hai ngôi nhà. Khi ông cụ khuất trên cầu thang, Trương kễnh liền quay lại ghé sát tai mụ chủ nhà nghỉ nói khẽ đủ nghe: “Điều con Tuyết béo lên đấy cho tao, anh cụ này tuổi cao thật nhưng gân cốt còn săn chắc phết đấy!”. Mụ chủ nhà nghỉ tít mắt cười hí hí gật đầu lia lịa.

 *

Sớm tinh mơ, không gian còn đang tranh tối tranh sáng nên mọi vật lờ mờ hư ảo. Vợ chồng Trương kễnh ngồi cạo lông con lợn vừa mới cắt tiết xong. Một tay Trương kễnh cầm con dao bầu sáng quắc thoăn thoắt cạo roèn roẹt mình con lợn, những đường dao đưa tới đâu thì thân hình con lợn trắng hếu ra đến đấy. Vợ Trương kễnh thì tay cầm cái ca nhựa liên tục múc nước sôi trong cái nồi để bên cạnh rồi nhằm mình con lợn mà rưới lên. Vừa làm vợ Trương kễnh vừa ngoác miệng ra ngáp, rồi bất chợt mụ ta thốt lên:

- Ôi giời ơi, ông biết tin gì chưa? Chuyện động giời nhá!

- Cái gì mà động giời mới động đất? - Trương kễnh tỉnh bơ hỏi lại.

- Chuyện cái lão phó Cận ý. Úi giời, cứ tưởng là đoan trang nghiêm cẩn lắm, thế mà giờ toét tòe loe ra, nhục cái mặt.

- Ơ, thế làm sao mà nhục?

- Thì mò đi chơi gái, bị công an bắt được rồi đưa lên báo kia kìa. Qua nay ầm cả làng nước lên rồi mà ông không biết à? Rõ là già rồi mà không trót đời. Gần xuống lỗ rồi mà còn đổ đốn.

- Ô hô… Đấy, các bà chả đem lão ý ra mà làm gương dạy chồng đi! Hay mai tôi cũng học lão ý, cũng sang phát nhá?...

- Này, này… đừng có mà léng phéng sang đấy! Tôi là tôi cấm nhá!

- Ơ kìa, sao trước giờ cứ ra rả bảo phải trông gương cụ Cận cơ mà! Hố hố…

Trương kễnh vừa cười đắc chí vừa nhớ lại cái cảnh đứng nấp sau gốc phi lao đối diện với nhà nghỉ Thanh Hạnh để mục kích. Gã thấy rất thỏa mãn khi mục đích của mình đã đạt được, trong lòng gã trào lên một sự phấn khích, một niềm khoái cảm khó kiềm chế. 

Gã bật cười sằng sặc, người rung lên bần bật đến nỗi đang thọc dao mổ bụng con lợn mà con dao trượt ra cắm chặt xuống cạnh bàn. Đúng lúc ấy tiếng chó sủa rộn lên, rồi từ ngoài ngõ gã Bống Bình hồng hộc chạy vào trong bộ dạng xớn xa xớn xác. Vợ chồng Trương kễnh thấy vậy thì cùng ngước lên ngạc nhiên.

- Gì đấy hử Bống? Lợn giờ này mới mổ, chưa có thịt có lòng gì đâu! - Vợ Trương kễnh săn đón hỏi.

- Ui giời ơi… Ui giời ơi… Cô chú biết gì chưa?

- Biết gì là biết gì? - Trương kễnh háo hức hỏi lại.

- Ông cụ Cận ý… Ông ý chết rồi…

- Chết á? Sao mà chết được, mới hôm qua còn… - Trương kễnh thảng thốt.

- Đêm ông ý tự tử treo cổ lên xà nhà, đến vừa xong bà ý dậy mới biết rồi tri hô làng nước…

- Thật á?

- Ơ hay, lại chả thật! Đang còn treo lủng lẳng đấy, cháu vừa bên ấy chạy sang đây mà, nom hãi lắm!

Bống Bình nói xong lại guồng chân quày quả chạy đi. Trương kễnh ngồi thừ thẫn bên con lợn đã cạo lông trắng hếu nhưng còn chưa mổ bụng, gương mặt lộ rõ vẻ căng thẳng, mạch máu hai bên thái dương cuộn lên giật giật. Vợ Trương kễnh cũng có vẻ choáng váng trước thông tin vừa nghe được, mụ ngồi thộn mặt ra, mắt nhìn xa xăm vào khoảng không trước mặt. 

Bất chợt, mụ nghe rầm một cái. Giật mình ngoái lại nhìn, mụ thấy Trương kễnh đã nằm vật ra trên cái bàn ngay cạnh con lợn. Con dao bầu đang cắm trên mặt bàn cứa ngang cổ Trương kễnh một vết dài làm máu tuôn ra xối xả y hệt những con lợn vẫn bị gã cắt tiết hàng ngày. Chẳng còn tý hồn tý vía nào, mụ vợ Trương kễnh lao ra sân gào toáng lên:

- Cứu… Ối làng nước ơi!… Cứu… cứu…

Truyện ngắn của Trần Hồng Giang
.
.