Hiếu

Thứ Năm, 14/01/2021, 11:17
Cuối tuần về thăm mẹ, phải đạp xe gần ba mươi cây số nhưng không thứ bảy nào Hiếu không về nhà. Hiếu biết, mẹ tằn tiện để những bữa cơm cuối tuần của hai mẹ con tươm tất ấm áp, nếu cậu không về có lẽ mẹ cậu sẽ chẳng có bữa ăn nào có cá có thịt.

Bà Hằng đặt chiếc rổ tre đã tụt hết nửa bên cạp xuống rệ be đất cạnh hàng rào râm bụt ngăn cách nhà bà với nhà ông Thành, cúi vén cuộn hai biên gấu quần lĩnh đen thành hai lằn tròn cuộn từ cổ chân lên tận đùi non rồi lội xuống cái mương thum thủm, cố vươn người ra ngắt đám ngọn rau muống loe ngoe vươn lên bờ đất từ giữa con mương nhỏ. 

Trời tháng Mười âm lịch rét ngọt, nhưng chưa đến mức cắt da cắt thịt nên bà cố tằn tiện bòn mót được chút gì hay chút đó để tiết kiệm khoản tiền lương ít ỏi cho những ngày giá buốt lúc cận Tết. Hai gióng chân bà ngập trong lớp sình non, từ khoeo gối lên đùi chằng chịt những búi mạch nổi tím xanh ngoằn ngoèo. 

Mới năm mươi, cái tuổi chưa đến mức bòn rút sinh lực đàn bà bao nhiêu nhưng cơ thể bà nom teo tóp và kiệt quệ. Có lẽ, phần vì bà sống quá tằn tiện thiếu thốn, phần vì giấc ngủ đêm cho tròn đầy cũng là xa xỉ vì cái cực khổ tinh thần bà gánh kể từ ngày bà có thằng Hiếu tới giờ.

Bà cắm mặt xuống nhanh tay hái lấy hái để được cỡ ba chục ngọn muống rồi nhấn thêm vài bước sang phía mương sát nhà ông Thành, vươn tay lên bờ đất hái mớ me đất và đám rau má vươn non sau trận mưa hiếm hoi. 

Ở đâu bão gió thì khổ thật chứ mẹ con bà, được trận mưa tháng Mười bất thường lại là may mắn khỏi lo rau cỏ cũng đỡ. Thằng cu Hiếu đến làm con bà cũng trong một đêm tháng Mười rét tê tái sau bão y như hôm nay. Ngày đó, bữa cơm gái đẻ của bà chỉ có bát canh rau má với mấy hạt lạc rang...

- Đất nhà ai nấy ở, lộc nhà ai nấy ăn. Đừng có mà tham lam lén lút phường trộm cắp nhá. Lén lút gian tà nó quen thói, nay ăn cọng rau mai làm con cá. Đến cả đứa con cũng là đi ăn cắp.

Tiếng chửi cất lên khiến bàn tay đen đúa xương xẩu của bà Hằng rụt phắt lại. Nắm rau má rơi xuống mương nước đục ngầu, lập lờ dập dềnh…

*

Hiếu dắt chiếc xe đạp cũ vào sân rồi quay lại đóng cánh cổng ngõ bằng tre. Cuối tuần về thăm mẹ, phải đạp xe gần ba mươi cây số nhưng không thứ bảy nào Hiếu không về nhà. Hiếu biết, mẹ tằn tiện để những bữa cơm cuối tuần của hai mẹ con tươm tất ấm áp, nếu cậu không về có lẽ mẹ cậu sẽ chẳng có bữa ăn nào có cá có thịt. Và ở trên trường nội trú, cậu cũng sẽ không thể yên tâm khi nhớ về cái xoong nhôm cũ mẹ hâm đi hâm lại chút cơm nguội ăn qua bữa.

Tiếng chửi từ bên nhà hàng xóm vẫn xoe xoé vang sang dù người chửi đã di chuyển vào sân sau, khua khoắng đám nồi xoong phía mé trong gian bếp lợp ngói cách biệt gian nhà trước hai tầng bề thế một khoảng sân rộng. Từ ngày các con đi hết, rồi ông chồng bà ta cũng về hưu sớm vì liên quan đến tham nhũng bị phát hiện, người đàn bà nhà đó không còn kiềm chế giữ gìn gì nữa. 

Cứ canh bên này nhà cậu có gì trái ý là bà ta chửi đổng. Những trận chửi vô lý lặp đi lặp lại khiến cả làng cả xã quen tai. Ban đầu người ta còn dị nghị, nghi ngờ và mơ hồ về mối quan hệ giữa hai nhà, rồi lâu dần, mặc định câu chuyện tằng tịu giữa chồng bà ta và mẹ cậu qua miệng bà ta thành chuyện nhạt. 

Suốt những năm chồng bà ta đương chức, sự căm ghét được bà ta giấu kín, kể cả đám người của uỷ ban xã lẫn trạm xá nơi bà ta làm việc cũng chẳng ai hiểu vì sao bà ta ghét mẹ cậu tới vậy.

Nghe đồn, lúc đó uỷ ban làm căng lắm.

Ngày Hiếu còn bé, cái bờ rào cắm cọc nhọn trồng mồng tơi ngăn hai nhà là chỗ bà ta hay đứng nhìn sang với con mắt hằn học, rít giọng rủa khi cậu tha thẩn chơi trong sân với con chó nhỏ mỗi lúc mẹ đi làm vắng. 

Năm cậu lên cấp hai, ông Thành trở thành Phó Chủ tịch huyện, ô tô và khách khứa nườm nượp suốt thì cái hàng rào thưa ấy bị bít lại bằng tường gạch cao hơn đầu người, trên cắm đầy mảnh chai. Bà Dung vừa sai thợ xây kỹ, vừa vóng giọng chửi xiên xéo:

- Các chú xây cho cao lên, cho vững vào cho chị. Xây bít hết dọc cả cái vườn này để quân ăn cắp nó không dòm ngó sang được bên này.

Ai cũng hiểu, bà ta nói ai. Mẹ cậu ôm chặt cậu ngồi trong nhà rơi nước mắt nhưng không nói một lời. Hôm ấy, lần đầu tiên cậu lạnh lùng hỏi mẹ:

- Có phải ông Thành là bố con không mẹ? Ông ấy thực sự yêu thương mẹ à?

Cậu nhớ như in ánh mắt mẹ cậu đau đớn và tuyệt vọng như thế nào khi nhìn cậu lúc đó:

- Mẹ đã sai rồi, xin lỗi con! Mẹ đã tưởng con chỉ cần là con của mẹ mà không cần có bố. Ông ta không phải là bố của con, lại càng không phải người thương yêu gì mẹ.

Lớn hơn một chút nữa, khi thằng Đức con ông Thành được “vớt” vào lớp chuyên trường tỉnh cùng cậu, sự nanh nọc độc ác của bà Dung lên thêm một mức nữa. Bà ta đến tận trường để can thiệp nhà trường gạt bỏ cậu khỏi danh sách học sinh được học bổng với lý do không phải gia đình chính sách. 

Chuyện chỉ vỡ lở khi thầy giáo phụ trách đội học sinh giỏi của tỉnh kiên quyết không chấp nhận và đưa sự việc lên lãnh đạo Sở khiến bà ta sợ việc đứa con trai độc nhất bị phát hiện đậu vớt theo dạng ưu tiên nên đành bỏ cuộc. Lần đầu tiên trong đời, Hiếu bật khóc khi thầy giáo ôm cậu vào lòng và nói hãy coi ông như người cha đã mất của cậu…

*

Bà Hằng liến tháu như muốn át đi tiếng chửi đổng vọng sang lúc nãy. Chắc người đàn bà bên ấy mệt rồi, chán rồi nên những câu chửi lặp đi lặp lại thưa dần. Hiếu gạt đám bèo dâu lan cạnh cầu ao rồi vốc nước rửa mặt. Khi đứng lên vịn tay vào cọc tre thò chân khoắng xuống làn nước mát lạnh, Hiếu chợt thấy ông Thành đang đứng bất động phía sau khóm dong riềng nhìn mình lom lom. 

Hiếu thấy khó chịu. Cậu không rõ mình khó chịu vì bị nhìn trộm hay vì người đó là ông Thành. Nhưng có lẽ, sâu trong thâm tâm, cậu biết mình khó chịu vì khuôn mặt và đôi mắt ông Thành rất giống cậu. Khuôn mặt người đàn ông ngoài sáu mươi nung núc mỡ, nhưng vẫn giữ được nét xương quai hàm, đôi mắt xưa to và đen, với lông mày dài và nốt ruồi nhỏ phía trên mi mắt trái. 

Đôi mắt khi xưa Hiếu nhìn trộm ông qua hàng rào mỗi khi ông ta tung thằng Đức lên cao, cho nó kiệu trên vai chạy vòng quanh sân trong tiếng cười giòn tan của nó lấp lánh niềm vui và nom thật đẹp, giờ mụp mụp đờ đẫn. 

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Cậu cũng có khuôn hàm và đôi mắt giống y như ông ta lúc trẻ. Chỉ là nom cậu hiền lành, thư sinh sáng láng hơn vì sóng mũi cao thẳng và khuôn miệng giống mẹ. Hiếu rất nhiều lần liên tưởng khi về già cậu sẽ có khuôn mặt giống ông ta. Và mỗi lần vậy, cậu như thấy mình căm ghét người đàn ông ấy hơn.

Ông Thành nhoẻn cười, gật đầu. Xem dáng vẻ ông ta giống như đang ngắm thứ đồ gì đó khiến mình hài lòng vậy. Suốt bao năm nay, ông ta im lặng như cây gỗ mặc những lời chửi bới, chì chiết cay độc của vợ về đứa con ông ta không thừa nhận. Ông ta lạnh lùng đi qua mặc kệ đứa trẻ khóc tủi khi bị lũ nhóc bám theo ném đất đá, tẩy chay không chơi với đồ không cha. 

Ông ta chưa từng bước sang vạch rào phía nhà cậu kể cả lần có kẻ ném củi cháy lên mái tranh khiến mẹ con cậu suýt mất mạng theo chái nhà che mưa nắng. Những ngày đói khổ không còn hạt gạo do mất mùa, mẹ cắn răng đào dần từng củ từ bụi chuối hột sau nhà, đi bắt từng con ốc nhỏ, mót nắm tía tô thả vào hai mẹ con xì xụp qua bữa khi nhà ông ta rộn rã liên tục các cuộc liên hoan, đám giỗ mà chủ yếu bày ra để nhận quà cáp. 

Có lần, khi ấy cậu chưa tròn sáu tuổi, thằng Đức đứng bên kia hàng rào chìa cái đùi gà đang ăn dở cho cậu cắn một miếng, ông ta trông thấy đã quát nó rất lớn khiến nó đánh rơi cả cái đùi gà xuống đất. Con chó nhà ông ta theo tiếng huýt của chủ chạy lao tới ngậm cái đùi gà lấm đất tha đi trong ánh mắt sắc lẹm của bà Dung…

Hiếu khỏa chân vài cái nữa. Cậu lờ đi sự hiện diện và dáng vẻ muốn bắt chuyện của ông Thành, thọc chân vào đôi dép tổ ong mẹ đánh sạch sẽ treo máng trên nhành ổi rồi bước vào nhà.

- Mẹ ơi, đây là tiền con làm thêm được tháng này. Mẹ giữ lấy đề phòng ở nhà có việc gì cần tiêu mẹ nhé.

- Mẹ đã nói là mẹ còn tiền mà Hiếu.

- Trên trường con được phát đủ, không thiếu gì mẹ ạ.

Bà Hằng rơm rớm nước mắt cầm xấp tiền Hiếu đưa. Hiếu đưa tay lau những giọt nước mắt trên má mẹ rồi bốc một con cá rô rán bỏ vào miệng nhai rôm rốp.

Hiếu đưa mẹ bới bát cơm thứ hai thì bên nhà ông Thành vẳng sang tiếng khóc. Ban đầu thì xôn xao, nho nhỏ thôi nhưng rồi chợt giọng bà Dung gào vóng lên ai oán. Hai mẹ con ngồi sững nhìn nhau. Hiếu đoán chuyện thằng Đức chơi ma tuý đã bại lộ. Mấy hôm trước nhà trường đã thông báo nó bỏ học. 

“Ối con ơi là con ơi, sao ra nông nỗi này con ơi! Cả đời mẹ có ở ác với ai mà sao ông trời bắt tội con tôi thế này Đức ơi. Con bệnh thế này thì mẹ biết phải làm sao? Rồi đây ai lo cho mẹ, ai thờ phụng ông bà con ơi…”.

Vậy là chuyện lớn rồi. Dù không nói ra, Hiếu ngầm hiểu cậu và Đức là anh em. Và từ nhỏ, hai đứa đã lén chơi chung, có thiện cảm với nhau dù mẹ Đức căm thù mẹ cậu ra mặt. Đức nhỏ hơn cậu vài tháng, yếu ớt và nhút nhát, nhưng mỗi khi ở trường có đứa nào cô lập, châm chọc Hiếu nó đều ngấm ngầm bênh vực. Có lẽ do được cưng chiều quá mức, tự do quá mức và ỷ vào thế lực của gia đình mà Đức lớn lên ngày một lười học, hư hỏng. 

Gặp nhau ở trường, dù không còn thân như hồi bé, giữa Hiếu và Đức cũng vẫn duy trì tình bạn. Thậm chí vài lần, Đức còn mang quần áo, mang tiền cho Hiếu nhưng cậu đều từ chối. Có lẽ điều ấy cũng làm Đức buồn, nhưng nó không bao giờ giấu sự khâm phục với vị trí nhất trường của Hiếu.

Bà Hằng đem mâm bát ra cầu ao rửa. Tiếng khóc của bà Dung giờ nỉ non, nức nở. Tiếng ông Thành dỗ vợ rì rầm.

Bà Hằng khẽ thở dài. Bà đã nghe những lời dỗ rì rầm đó trong một chiều mưa bão. Bà khát con. Bà chỉ cần một người đàn ông cho bà cơ hội làm mẹ một đứa trẻ. Nhưng ở tuổi ngoài ba mươi, lại bị những năm tháng ở rừng rồi những nông trường nắng gió khiến thanh xuân của bà gần như bị cô lập với môi trường toàn nữ giới. Dù nhan sắc còn chút mặn mà nhưng cũng khó lòng tìm được người đàn ông nào còn độc thân mà yêu thương ở cái xứ trai gái mới lớn lên là đã thành vợ chồng này. Cùng lứa với bà, họ đã có con đàn lớn lộc ngộc. 

Đúng lúc ấy, ông Thành xáp lại. Thứ mật ngọt từ đàn ông cả đời bà chưa từng được nếm trải, ông ta thừa khả năng bày biện để bà nhanh chóng sa vào. Những lời dịu dàng đường mật, những quan tâm chăm sóc nho nhỏ lén lút, những món quà cho phụ nữ mà với người khác rất đỗi bình thường, với bà là cả một kho báu để trân quý. Và chính bà, bà tự tặc lưỡi nhắc mình và nói với ông rằng bà chỉ cần xin một đứa con chứ bà thề sẽ không làm ảnh hưởng đến gia đình ông. 

Đợt rét nàng Bân năm ấy, khi ông ta mua cho bà chiếc áo len màu hoàng yến thì cũng là lúc cơn ốm nghén đầu tiên xuất hiện. Bà khờ khạo như đứa trẻ gái mới lớn được chị em dìu sang trạm xá khám bệnh. Con mắt sắc sảo của bà Dung phát hiện cái áo len bà Hằng ôm trong ngực giống y cái áo ông Thành mua cho bà ta, chỉ khác màu. 

Bà kết nối về cái thai hơn hai tháng trong người bà Hằng với lịch trực đêm của ông Thành. Ở cái uỷ ban xã này, còn có đàn ông nào sáng giá hơn chồng bà, với lại gần gũi với bà Hằng có mấy ai là nam giới nữa đâu. Cơn ghen tức khiến bà Dung muốn hành hạ bà Hằng thậm tệ nhất nhưng cái ghế của chồng khiến bà ta phải dằn mình lại. 

Điều sâu xa hơn cả, bà ta sợ đứa trẻ trong bụng bà Hằng sẽ là con trai, khi bà ta có tới hai đứa con gái. Khả năng sinh thêm con cũng làm ảnh hưởng ông Thành vì cán bộ Đảng viên phải gương mẫu, không được vỡ kế hoạch “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”.

Và rồi bà Hằng thui thủi sinh con khi bụng bà Dung lùm lùm bốn tháng. Ông Thành đưa vợ về thăm bà con bên vợ, rồi bà Dung ở đó cho đến ngày sinh thằng Đức. Thế là né được cái quy định sinh con thứ ba. Đẻ xong bà Dung nhận thằng Đức là “con nuôi”. 

Đứa con trai ông mong mỏi, cái thằng chống gậy, cái đứa độc đinh thờ cúng nối dõi đã ra đời khoẻ mạnh dù nom nó mặt thon thỏn, mắt nhỏ chả có nét nào giống ông. Thế cũng là trọn vẹn mĩ mãn đủ đường. Ông chả cần căng não lo tranh đấu với vợ chuyện nhận thằng Hiếu làm con nữa. Nhà ông lại êm cửa ấm nhà. 

Mà thằng con trai chính thống của ông ra đời lại còn khiến ông thăng tiến, tài lộc cứ đến nhà thuận lợi mới quý. Ông phải chăm lo cho sự nghiệp, gia đình mình.

*

Bà Hằng giật mình khi tiếng dây xích ở cổng rào khua lẻng kẻng nhưng không có tiếng người gọi cửa. Con đốm mới chết tháng trước. Nó bị người ta ném bả độc ăn phải rồi lết ra nằm ép xác vào chân vách rào giữa hai nhà. Bà biết, nó khôn lắm nhưng không cảnh giác hàng xóm quen hơi bên kia rào nên ăn phải cục thịt quay bà Dung ném cho. Từ hôm nó chết, bà rất sợ mỗi khi đêm xuống. Nhà bà chả có gì mà trộm, cơ cái chết của con đốm như lời cảnh báo cao hơn chửi rủa vậy.

Ông Thành bước vào quầng sáng đèn giữa sân. Trong nhà Hiếu nghe động cũng bước ra cửa. Bà Hằng vội lên tiếng:

- Tại sao ông lại tự tiện vào nhà tôi? Ông muốn gì? Ông ra khỏi đây ngay!

Ông Thành có vẻ lúng túng chưa cất lời được thì bà Hằng đẩy ông về phía cổng. Suốt mười tám năm nay, ông ta chưa một lần bước sang đây, chưa một lần nhìn ngó đến mẹ con bà. 

Tuy là bà chủ động dừng mối quan hệ ngay khi vừa biết cấn thai thằng Hiếu, nhưng con người ông ta sao có thể lạnh lùng nhẫn tâm đến mức nhìn cảnh đói khổ của mẹ con bà không chút xót đứa con mang huyết thống? Sao ông ta nỡ như gỗ đá trơ trơ nghe vợ ông ta chửi rủa đày đọa tinh thần mẹ con bà, làm nhục thằng Hiếu đến thế? Người ta bảo, hổ dữ không ăn thịt con. Nhưng cái lạnh lùng của ông ta còn tàn nhẫn hơn cả loài thú.

Hiếu ôm vai mẹ, đẩy bà Hằng vào nhà. Cậu nói nhỏ trấn an mẹ:

- Mẹ yên tâm, vào nhà đi. Để con nói chuyện với ông ta.

Hiếu chỉ cái ghế đẩu rồi nhìn ông Thành bần thần ngồi xuống. Cậu ngồi lên bậu cửa, đối diện với ông. Đây là lần đầu tiên cậu ở gần ông ta đến vậy. Đôi mắt hùm hụp tươi cười lúc chiều giờ bối rối, ngại ngần lấm lét nhìn cậu rồi đảo sang chỗ khác.

- Có điều gì cần nói bác nói nhanh rồi về đi. Bác đừng để vợ bác làm khổ mẹ tôi nữa.

- Con…con hận bố lắm hả? Bố biết mình có phần lỗi vì không thể ra mặt giúp đỡ mẹ con con…

- Bác nhầm rồi, tôi là con hoang, không có bố!

- Không đâu Hiếu ơi. Bố biết con biết rõ ta là bố đẻ của con mà. Bố cũng có nỗi khổ riêng mà thiếu trách nhiệm với mẹ con con. Nhưng xin con hãy vì máu mủ tình thâm mà giúp em con…

Ông Thành bật khóc rưng rức, nức nở như một đứa trẻ. Hiếu bất ngờ nhưng cậu im lặng mặc cho ông Thành tự qua cơn xúc động.

- Hiếu ơi, thằng Đức em con nó đang phải cấp cứu vì ngộ độc cấp hỏng cả hai quả thận rồi. Nếu kéo dài, nó có thể chết bất cứ lúc nào. Con hãy cứu lấy em Hiếu ơi. Con biết Đức nó thương con từ bé mà. Bố sẽ bù đắp cho con. Bù đắp tất cả cho con.

Ông ta tiếp tục khóc nức nở. Nước mắt nhoè nhoẹt trên cặp má nung núc, lăn rơi qua cái cổ ngắn ù ụ xuống ngực áo. Hiếu thấy ghê tởm. Ông ta chưa từng cho cậu một tia ấm áp thân tình bao giờ nhưng dám yêu cầu cậu một việc trơ trẽn đến thế. Sự đau đớn thít chặt lấy họng cậu khi cậu nghĩ về thân phận làm con và tình thương của bậc cha mẹ dành cho những đứa con. 

Trong mắt ông ta, hẳn giờ cậu như con vật tế. Để cứu con mình ông ta ra giá như mua bán vậy. Nắm đấm cậu siết chặt nhưng rồi cơn giận hạ xuống. Cậu nghĩ về thằng Đức, đứa em lúc nhỏ lén chìa miếng thịt, cái bánh qua rào cho cậu, lẽo đẽo theo cậu xa xa và ngầm bảo vệ cậu trước đám bạn xấu…

Hiếu biết rõ điều ông Thành muốn cậu làm. Cậu theo ban B với mục tiêu đậu Y ngoại khoa nên biết rõ quả thận tương thích quý giá thế nào với bệnh nhân như Đức. Không thể không cứu đứa em tội nghiệp ấy được. Nhưng còn mẹ cậu, còn sức khoẻ của chính cậu thì sao đây?

Hiếu đứng lên, nói nhỏ:

- Nhà ông không còn ai có thể cứu con trai ông à? Ông giàu có và yêu thương nó như vậy tại sao không tự cứu nó?

- Bố đã hỏi khắp nơi rồi… Cả bố cũng sẽ thử mọi cách nhưng con vẫn là ứng viên phù hợp nhất…Hiếu ơi, bố biết lỗi rồi. Xin con hãy…

- Ông cứ về đi. Để tôi suy nghĩ thêm. Nếu có giúp thằng Đức thì là do tôi chọn cứu người chứ không phải vì những gì ông nói.

Hiếu bước vào nhà, cài then cửa mặc ông Thành đang từ từ quỳ sụp hai đầu gối xuống sân.

*

Hiếu cùng mẹ ngồi lặng trong góc phòng quan sát vị bác sĩ đang ôn tồn giải thích cho ông Thành về việc hai đứa con trai của ông không có bất cứ tương thích gì về mặt sinh học. Mặt ông Thành bất động, nước da tái thâm khác hẳn màu đỏ hồng hàng ngày. Bên cạnh ông, bà Dung cúi gầm đầu, im lặng một cách khác thường.

Người bác sĩ nói cặn kẽ, tế nhị hết sức có thể từ tình trạng cơ thể sốc ngộ độc khiến nội tạng của Đức hỏng nhiều chức năng ra sao. Ông giải thích các mẫu mô hiến của từng cá nhân đăng kí hiến tạng cho Đức. Tất cả đều không phù hợp nên buộc lòng Đức vẫn phải duy trì sự sống bằng máy hỗ trợ. 

Ông Thành liên tục đưa tay lên vuốt khuôn mặt nung núc nóng nhờn xám ngoét, rồi luồn tay vào nắm mớ tóc xám trắng vò nắm rồi bứt ra như muốn thêm không gian cho não bộ. Khi ông loạng choạng đứng dậy, bà Dung bật khóc.

Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hà
.
.