Miền đất hứa

Thứ Bảy, 09/01/2021, 20:30
Việc Thi - chồng Nụ vác cưa theo cánh thợ xẻ lên rừng, cũng là vì không chịu nổi cái sự đời mà anh đã từng kỳ vọng ở “miền đất hứa” chứ đâu có ham hố gì. Thi điển trai, cao lớn, học giỏi, nhưng nhà nghèo quá, đang học dở cấp ba đành bỏ, ở nhà, đi làm chân thợ cày, ăn theo công điểm của hợp tác xã. Cuộc sống đồng ruộng nhọc nhằn là thế nhưng vẫn chẳng kiếm đủ miếng cơm qua ngày.

  

Cái rét tím ruột, lùa dạt đám người tụm lại thành mảng. Rét thế mà ai cũng chỉ khoác bên ngoài chiếc áo cà tàng, thô dầy, bạc phếch. Mặt mũi họ nhợt nhạt, hai hàm răng va nhau lập cập. Xung quanh, cuốc xẻng, quang gánh lổng chổng, vài chiếc xe thồ dựng sát lề đường sẵn sàng cơ động. Chỉ nhìn vậy, cũng biết ngay họ thuộc hạng người nào. Có lẽ vì rét quá nên chẳng mấy ai bầy việc ra làm. Cửa hàng tiêu thụ sắt vụn của lão Ưng cũng ế sưng ế xỉa. Cứ kéo dài kiểu này, chắc chết đói mất!     

Lão Ưng là dân nhà quê mới ra thành phố được gần chục năm nay. Lão có người bà con khá giả, dắt mối đến xưởng đúc thép quen biết ở làng Đa Hội, rồi cho vay vốn. Lão khôn ngoan, lọc lõi, lại gặp may, thuê được cái cửa hàng gần ngay cái tụ điểm chờ việc bên rìa thành phố, khá rộng, lại rẻ. Hắn gọi cái tụ điểm chờ việc ấy bằng cái tên đầy miệt thị: “chợ người”.

Ưng là người có đầu óc kinh doanh, hắn cấp vốn từng ngày cho cánh đi gom sắt vụn, chủ yếu là đàn bà, rồi trừ dần vào tiền lãi. Tất nhiên, giá thu mua hết sức bèo bọt. Thành phố đang mùa xây dựng, sắt vụn nhiều vô kể, bỏ ra một vốn, thu được sáu bảy cái hời.     

Nếu chỉ thế thôi thì chẳng nói làm gì. Đằng này, lão lại gian giảo, bớt xén của khách hàng bằng đủ mọi mánh khóe. Tự tay lão điều chỉnh lại cái cân, cứ một yến hàng, lão cũng gian lận được một, hai cân là ít. Một ngày, một tháng, một năm, lão ăn bớt từ một người, mười người, một trăm người… Chỉ tính riêng cái khoản ấy, lão cũng đã kiếm chác được vô khối.

Ấy thế, nhưng khi nhìn cái kho chứa hàng của lão Ưng mà ngập lên, cánh đồng nát lại vô cùng ngao ngán. Sắp hết mùa. Hết mùa với lão Ưng thì chẳng có nghĩa lý gì. Lão có khối tiền. Lão làm một vụ, ăn cả năm, vài năm cũng chả hết. Chứ cánh đồng nát kia, hết mùa là nghỉ ăn luôn, chẳng ra cái “chợ người” ấy mà bán mông bán mặt thì còn biết trông cậy vào đâu nữa?

Kiếm ăn nhờ cái cửa hàng của lão Ưng đã khó, nhưng ra “chợ người” còn khó hơn nhiều. Đã thế, hễ có việc, lại bị tay Thới ăn chặn rất trắng trợn. Thới ngót bốn mươi tuổi, tự nhận mình là thủ lĩnh gây dựng nên cái chợ người này. Trước đó, hắn đã từng sinh tử, một mất một còn với đủ hạng người tứ xứ giang hồ, đến cướp đất, chiếm chợ. Có thế mới giữ yên được đến tận bây giờ.

Cái “chợ người” này họp ở đây, tuy là rìa thành phố, cách khu dân cư đến vài trăm mét, nhưng quen khách rồi nên cũng tiện, lại an toàn, không bị xua đuổi như ngồi trong phố. Thới chẳng có vốn liếng hay quen biết ai để được nâng đỡ như lão Ưng. Hắn lấn át được mọi ngưòi, bởi to khoẻ, lại côn đồ. Ở nơi phương trời xa lạ, thân cô thế cô, ai muốn kiếm ăn ở cái “chợ người” này đều phải biết liệu thần hồn. Bởi thế, đến ngót năm chục con người đều nhất nhất phục tùng hắn, gọi hắn bằng sếp và nộp “thuế” đầy đủ cho hắn. 

Sếp Thới đang phê khói thuốc lào. Mỗi khi có khách, hắn chỉ cần đảo mắt theo dõi. Hắn có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. Hắn biết thừa, có nghề nào nhọc nhằn, nhục nhã hơn cái nghề này. Các ông chủ, bà chủ chỉ cần bỏ ra một vài chục ngàn, hay vài trăm ngàn là có thể mua được một con người, vài con người, trong một ngày, hay vài ngày, tuỳ theo sự mặc cả như người ta vẫn mua hàng hóa ngoài chợ, rồi tha hồ sai khiến, hạch sách đủ kiểu. Nếu gặp phải người chủ ghê gớm, họ chửi mắng, khinh miệt, cũng phải cắm mặt mà làm, xong việc, lấy tiền công rồi biến.
Minh họa: Lê Trí Dũng

Hắn chua chát, chửi thầm: “Tổ cha chúng nó, đúng là bọn ruồi nhặng!”. Bỗng hắn cười sằng sặc như bị ma làm. Kệ cha chúng mày, cứ nộp đủ cho bố là được! Riêng lũ đàn bà, quân của lão Ưng, hết mùa tiêu thụ sắt vụn mới ra hóng chợ thì hắn trực tiếp điều việc. Thuế cũng nặng hơn.

- Mấy mụ kia, có đi làm không thì bảo?- Hắn khoát tay, rồi quay sang đội quân ma đói của hắn bảo mấy đứa vừa được khách gọi - Cho chúng nó đi phụ! nghe chưa?

Mấy đứa vâng dạ rối rít, chạy ngược chạy xuôi tìm dụng cụ. Mấy người đàn bà được điểm mặt mừng quýnh, tay phủi đít quần bồm bộp, tay vơ cái nón, tất tả chạy theo những tay “phó cả”…

*

Đến trưa, cái chợ người đã vắng teo. Còn lại vài mống ế hàng, đang buồn thiu, cứ ngồi ngáp vặt nom đến tội.

- Cô Nụ còn tiền, cho tôi vay bữa cơm trưa ni? Gần hai tháng, hôm qua mới dồn được vài trăm gửi về cho bố nó mua thuốc. Dạo này, ông ấy lại phát bệnh cũ, kêu đau nhiều lắm cô ạ!- Một người rầu rĩ nói với cô bạn đồng cảnh tên Nụ đang ngồi bên cạnh.

Nụ đang suy nghĩ vẩn vơ, nghe hỏi, lần tay xuống cạp quần, moi cái túi vải lấy ra mấy tờ giấy bạc loại năm ngàn đồng.

- Chị cứ cầm cả mà tiêu, chắc gì hôm nay đã có việc!

- Thế dạo này bố nó thế nào, có tin tức gì không?- Người kia vừa cầm tiền từ tay Nụ, vừa hỏi.

- Đi theo mấy ông thợ xẻ lên mạn ngược, đến gần năm nay, nào có tin tức gì đâu.

- Rõ là… đói thì đầu gối phải bò, chứ ai muốn bỏ vợ, bỏ con mà đi!

- Thì thế!- Nụ kéo vạt áo, lau hai con mắt - Làm với chả ăn, cả tháng nay, em đã gửi về cho bà cháu được xu nào đâu.Vào vụ đồng áng đến nơi rồi, lấy tiền đâu mướn người cấy cầy? Hễ bỏ ruộng hoang, người ta thu hồi mất thì chết. Em cứ ruỗng cả ruột cả gan chị ạ!

- Chị em mình đi ăn thôi, đói mõm cả bụng rồi!

Một người trong số những kẻ “ế hàng” bỗng cất lời. Tất cả uể oải đứng dậy. Trời lất phất mưa. Có tý nước mưa xuống, càng thấy rét đậm hơn. Cũng phải, đã sang tháng chạp rồi còn gì!

*

Việc Thi - chồng Nụ vác cưa theo cánh thợ xẻ lên rừng, cũng là vì không chịu nổi cái sự đời mà anh đã từng kỳ vọng ở “miền đất hứa” chứ đâu có ham hố gì. Thi điển trai, cao lớn, học giỏi, nhưng nhà nghèo quá, đang học dở cấp ba đành bỏ, ở nhà, đi làm chân thợ cày, ăn theo công điểm của hợp tác xã. Cuộc sống đồng ruộng nhọc nhằn là thế nhưng vẫn chẳng kiếm đủ miếng cơm qua ngày. 

Mới mười bảy tuổi, mẹ Thi đã lo cưới vợ cho con. Bước vào thời kỳ đổi mới, hai vợ chồng Thi nhận ruộng khoán sản, được năm sào ruộng cho bốn người. Mảnh đất miền Trung này vốn truyền đời khốn khó, thiên tai triền miên. Hết hạn hán, lại đến lũ lụt. Ruộng đồng, lúc thì nứt nẻ, lúc lại trắng bong nước, không làm gì cho lại được…

Vợ Thi, cô Nụ, tuy vất vả nhưng vẫn đẹp như bông hoa bưởi trên cành. Hai vợ chồng sinh được một bé trai kháu khỉnh. Cảnh nhà khốn khó, họ thương con đứt từng khúc ruột! Thi nghe kể, nhiều người ra thành phố kiếm ăn, khá ra phết.

- Người ta đi được, không nhẽ mình chịu! Phải thử một chuyến xem sao?- Thi bàn với vợ.

Rồi hai vợ chồng đành để cu Tý ở nhà cho bà nội, giựt tạm ít tiền làm vốn giắt lưng, quyết ra đi làm một cuộc đổi đời.

Ngồi trên tàu hoả, Nụ nhớ con, nước mắt đầm đìa. Mệt quá, cô gục đầu vào vai chồng ngủ. Thi thương vợ, để yên. Cả đêm, anh cứ chong chong con mắt, hết nhìn vợ lại nhìn qua cửa sổ con tàu. Bấy giờ, đã cuối tháng giêng, trời vẫn còn lạnh, đêm thăm thẳm, đen sẫm một màu. 

Thi bồn chồn, lo lắng. Ngày mai, địa chỉ nào ngoài thành phố sẽ dành cho vợ chồng anh? Không nghề nghiệp, không vốn liếng, có vài đồng bạc kể chi, ăn ở tằn tiện, giỏi cũng chỉ đủ một tuần. Thi tặc lưỡi, thôi thì cũng đành phó thác cho số phận vậy! 

Ra đến ga Hàng Cỏ, xuống tàu, vợ chồng Thi hỏi thăm đường đất rồi cũng tìm được nhà trọ. Những người khách trọ cũng đều là dân lao động ở “chợ người” cả. Cánh đàn bà thì chuyên đi rong, thu mua sắt vụn về bán cho lão Ưng. Nụ làm quen, rồi xin đi theo. Thi cũng lân la trò chuyện, kết bạn, nhập vào đám đàn ông ra “chợ người” kiếm việc.

*

Ngày đầu tiên, Thi khấp khởi nên dậy sớm. Hai vợ chồng ăn sáng qua quýt xong, Nụ sắm sửa quang gánh rồi theo cánh đồng nát đi mua hàng. Thi ra chợ người đợi khách. Anh được lũ tiểu yêu, tay chân của Thới đưa đến giới thiệu với sếp và dĩ nhiên được sếp Thới phổ biến rất kỹ càng luật lệ ở “chợ người”. 

Thi biết phận lính mới, chỉ dám đứng tựa lưng ở một gốc cây bên cạnh, nhìn cảnh mua bán, mặc cả để thăm dò xem thế nào. Mỗi khi có chiếc xe máy lượn tới, tất cả đám người bu lại như đàn ruồi, nhao nhao hỏi, nhao nhao mặc cả. Khách là người bỏ tiền ra thuê mướn thì cũng có quyền lựa chọn. Một ông khách bụng phệ, ăn mặc nom có vẻ rất “xịn” nhìn lướt qua đám đông một lượt rồi mới mở miệng.

- Đứa nào khoẻ mạnh, khuân vác được, theo tao?

Cả đám người nhao lên, cố chen lấn, xô đẩy, đè cả lên nhau để được đến gần vị khách. Cả chục cánh tay giơ lên:

- Cháu! Sếp ơi, cháu làm được!

Vị khách nhìn một lượt, nhếch mép cười, rồi đưa mắt về phía Thi, vẫy vẫy.

- Mày làm được chứ?

Thi gật đầu. Đám người chưng hửng. Có tiếng chửi bậy, đe doạ, rồi một thằng bước tới chặn ngang lối, ném cái nhìn như dao chém vào mặt Thi.

- Muốn làm ăn ở đây, đừng có qua mặt chúng bố con ạ!

Thi hoảng hồn. Sếp Thới thấy vậy quát:

- Đ…mẹ chúng mày! Nó lính mới, để nó đi lấy may. Đứa nào gây sự, liệu hồn!

Thi trèo lên xe. Đến nơi, vị khách giao việc cho Thi dọn dẹp một nền đất để chuẩn bị đào móng làm nhà. Ông chủ cười tít cả mắt, chỉ chỉ trỏ trỏ, như muốn khoe với Thi.

- Mảnh đất này, tớ được cơ quan bán rẻ cho theo tiêu chuẩn cán bộ đấy. Không có người trông nom, bề bộn quá. Bây giờ về hưu rồi, định xây căn nhà cho thuê, khỏi phí.

Sau khi thống nhất giá cả, Thi làm cật lực đến trưa thì xong. Mồ hôi vã ra như tắm, nhưng bù lại là có được đồng tiền. Làm một buổi mà được cả trăm ngàn, đong được cả chục cân thóc. Ở quê, suôn sẻ, cả vụ cũng chỉ được mấy tạ. Gặp thiên tai, có khi mất trắng. Ở thành phố kiếm tiền dễ thật!

Vừa lúc ấy, lão chủ nhà xuất hiện. Hắn lại chỉ chỉ, trỏ trỏ với Thi.

- Đã xong thế nào! Ở góc kia, trước đây là cái hố xí đấy. Mày bẩy cái nắp bê tông, múc tất cả đổ xuống cống cho tao!

- Sao bác không nói trước?- Thi cãi.

- Thì quanh quẩn trên nền đất này, cái gì chả phải làm!

- Thế bác trả thêm bao nhiêu?

- Trả thêm cái gì? Cả đống đứa xin làm, tao ưu tiên cho mày, tính toán gì nữa nào? Thôi, làm đi, không làm thì bảo!

Đành cố vậy, Thi lẳng lặng, cầm cái xà beng ra phía hắn chỉ. Anh vừa bật cái nắp lên, mùi hôi thối xộc vào mũi, vào mồm, làm anh suýt nôn oẹ. Xung quanh miệng cống, những con dòi nhung nhúc, trắng ởn, lổm ngổm bò túa ra xung quanh. Thi lùi lại.

- Tôi không thể làm được, ông đi mà gọi người khác!

- Không làm thì đừng hòng lấy tiền công!

Thi quẳng cái xà beng đánh choang một cái. Thật không thể chịu nổi. Có lẽ không còn công việc nào ê chề, nhục nhã hơn cái nghề này. Nó bẩn thỉu, hôi thối đã đành rồi. Ở quê làm ruộng, những thứ đó cũng không đến nỗi nghiêm trọng lắm. Nhưng cái sự lừa lọc, vừa ti tiện, vừa nhỏ nhen của thằng cha chủ nhà mới thực sự là một thứ bẩn thỉu, đểu cáng không còn gì để nói. Thi quay gót đi thẳng. Anh bước đi như chạy. Rồi chạy thật nhanh. Anh cũng không thèm đòi tiền công của hắn nữa…

*                                                                      

Thi bơ phờ vì mệt mỏi, vì những suy nghĩ ngổn ngang. Anh không dám nói với vợ những điều vừa xảy ra. Ngày hôm sau, Thi cáo mệt, không ra chợ nữa. Thật may sao, chiều tối hôm ấy có cánh thợ xẻ ở đâu vào trọ. Thi làm quen, biết họ chỉ ghé qua đêm để hôm sau đi làm ăn ở mạn ngược. Thi một mực xin theo. Người thợ cả nhìn Thi, nháy mắt.

- Vợ mày đẹp thế kia, để ở một mình, không sợ bị cuỗm mất à? Dân thành phố là ghê lắm đấy!

- Họ báu gì người nhà quê mình. Mà em cũng chỉ trọng cái tình, cái nghĩa, chứ đã thế, còn thiết gì nữa! - Thi quay sang nhìn vợ.

Mọi người cười ồ lên. Không khí vui vẻ khiến Thi cũng thấy dịu lại. Tay thợ cả có vẻ xuôi, nhưng vẫn thận trọng, nheo nheo con mắt nhìn Thi một hồi rồi xắn tay áo giơ trước mặt Thi.

- Thế này nhé, mày vật tay với tao! Thắng, tao nhận. Thua, ở lại mà hầu vợ!

Hai người quỳ mọp trên tấm sạp, lên gân lên cốt, mặt mũi đỏ như gà chọi. Cánh thợ xẻ reo hò ầm ĩ. Hai “vật thủ” lừa miếng nhau từng tý một. Thi dùng mẹo, khiến đối phương dồn hết sức, ngấm mệt nhanh. Bất ngờ, Thi ra đòn quyết định. Đối thủ gồng người, nhưng không trụ nổi, đành  chịu để Thi đo ván. Tiếng vỗ tay rầm rập. Thợ cả đứng dậy, vỗ vai Thi.

- Tao thử sức mày xem thế nào? Được! Tao đồng ý, nhưng nghe cho rõ đã, rồi chuẩn bị tinh thần cho tốt trước khi quyết định. Sống trong rừng rú, không như ở thành phố đâu đấy, vừa buồn, vừa kham khổ. Chúng tao đã từng là bộ đội biên phòng, rèn luyện quen rồi, chứ mày thì không đùa được đâu! Còn khoản đãi ngộ thì khỏi lo, cơm nuôi ba bữa, làm chết thôi. Chúng tao đã làm bốn năm nay rồi, không ngày tháng, không chủ nhật, không ngày lễ, mệt thì nghỉ, tiền thu được, trừ các khoản chi tiêu, còn lại chia đều. Anh em chúng tao quen cảnh tha hương cầu thực rồi, coi nhau như anh em ruột ấy. Mà cũng cần hỏi ý kiến con vợ mày xem thế nào đã, nếu nó đồng ý thì đi ngủ sớm, mai lên đường.

Nụ đã nghe hết câu chuyện, lo lắm. Đêm ngủ, cô gàn chồng mãi chẳng nghe, đành chịu. Thi nói với vợ:

- Gian khổ thế nào anh cũng chẳng sá, nhưng nhục thì không thể chịu nổi. Anh đi thử, nếu kiếm được sẽ gửi tiền về. Em ở lại, thuận thì ở, khó quá thì về quê, chứ đừng cố gắng làm gì cho khổ!

*

Cuối tháng chạp. Những chiếc xe đạp chở đào tết đi bán rong mang không khí ngày xuân đến với khắp phố phường. Nụ rụt đầu rụt cổ trong mấy lần áo cánh. Ruột gan cô nóng bừng bừng. Nếu hôm nay anh Thi không về thì mai cũng phải ra tàu thôi. Nụ quay sang nhìn chị bạn bên cạnh.

- Em định đến nói với lão Ưng cho tạm ứng ít tiền, đến mùa sau thì trừ vậy.

- Được thế còn nói gì nữa, nhưng thằng cha này rắn lắm, chả chắc!

- Vâng! Thì mình đành chịu lãi. Chẳng lẽ đi làm quanh năm, ngày tết về không mua cho con được bộ quần áo mới! Rồi còn bà cụ nữa, nuôi cháu vất vả thế, không nhẽ chẳng biếu được tý quà!    

Lão Ưng đang uống rượu.Thấy hai người vào, lão đặt đôi đũa xuống mâm, nốc thêm hớp rượu rồi phồng mang trợn mắt làm vẻ.

- Tết nhất đến nơi rồi, sao hai mụ còn chưa về quê?

- Dạo này làm ăn khó quá, chúng em muốn phiền bác giúp đỡ, cho vay nóng ít tiền mới về quê được! - Nụ nói.

Lão Ưng lặng im, ra chiều suy nghĩ.

- Các cô thông cảm cho nghe, dạo này tôi cũng bí lắm!

- Chúng em chịu lãi cũng được, xin bác mở lòng giúp đỡ! - Chị bạn đi cùng Nụ cũng nói thêm vào.

- Đã bảo không có là không có! Các cô nhìn xem, hàng còn nượp cả đống, xuất được mẹ nó đâu mà có tiền? - Lão Ưng lại tu một hớp rượu nữa rồi hà một cái rõ dài.

- Tôi đã bảo mà, thôi đi về!- Chị bạn vừa kéo tay Nụ, vừa nói.

Hai người vừa quay gót thì lão Ưng gọi:

- Này, cô Nụ!

Nụ quay lại. Lão Ưng vẫy tay ra hiệu.

- Lại đây tôi nhờ cái đã!

Nụ bước tới. Lão Ưng cười he hé, ghé tai Nụ thì thầm:

- Thóc đâu mà đãi gà rừng! Tôi hiểu hoàn cảnh cô nên chỉ giúp được mình cô thôi. Chiều nay lại đây, tôi cho giựt tạm, nghe chửa?

Nụ mừng quá, gật đầu, cảm ơn lão Ưng, rồi cuống quýt chạy theo chị bạn.

*

Nụ cố làm công việc chủ nhà giao khoán, đến chiều tối mới xong. Cô tất tả đến gặp lão Ưng. Cô ngập ngừng, rồi đưa tay gõ cửa. Lát sau, Nụ nghe có tiếng nói vọng ra.

- Ai đó? Cứ vào!

Nụ đẩy cửa. Lão Ưng nhìn thấy Nụ, mừng quýnh.

- Cô Nụ đấy à. Tôi đã tưởng cô không đến.

- Em phải cố làm cho xong việc, còn chửa kịp ra chợ nộp thuế cho nhà Thới. Ngồi ngáp dài mấy hôm, chả có việc. Đang chuẩn bị ra chuyến tàu đêm thì có khách gọi làm, cứ bấn cả người…

Lão Ưng chỉ cái ghế, mời Nụ ngồi, rồi kéo chiếc ghế khác, ngồi cạnh Nụ.

- Cô Nụ định đêm nay ra tàu thật à, sao không ở thêm vài hôm nữa? Càng giáp tết, càng nhiều việc. Chúng nó về hết, mình mới ăn dày được chứ!

- Em chả có ruột gan nào nữa! May có bác giúp cho. Em định ra chuyến tàu đêm, tết nhất đến nơi rồi. Nhà cửa, con cái, sốt ruột quá bác ạ!

- Thế cô Nụ cần bao nhiêu?

- Cám ơn bác! Nếu được, bác cho em vay độ một triệu...

Lão Ưng lại cười he hé.

- Tưởng nhiều chứ triệu bạc, mần chi!

Lão Ưng nói vòng vo một hồi, rồi nửa kín nửa hở, khoe bọc tiền dầy cộm.

- Cô Nụ này, tôi bằng lòng giúp cô, nhưng cô cũng phải bằng lòng giúp tôi một việc nhé!

- Vâng ạ! Nhưng em thì giúp bác được gì?

- Có đấy! chỉ sợ cô Nụ không thương tôi?

- Bác nói gì, em không hiểu ạ?

- Có gì mà không hiểu? Thế này, cô bằng lòng ở lại đây với tôi, cô cần bao nhiêu cũng được!

- Ấy chết! Bác đừng nói thế! Em là gái đã có chồng rồi ạ!

- Cô Nụ, từ lâu tôi đã thương cô, nhìn cô vất vả, tôi không cầm lòng được!- Lão Ưng vừa nói, vừa đưa tay chụp lấy tay Nụ.

Nụ rụt tay lại, đứng phắt dậy.

- Không được! Bác đừng làm thế, người ta cười cho đấy!

- Cô không đồng ý ở đây với tôi thì thôi, tôi cũng chẳng ép. Nhưng thế này nhé, tôi có tiền, còn cô thì… Chúng ta trao đổi. Có đi, có lại, đôi bên đều lợi! Cô Nụ nghĩ thế nào? - Lão Ưng nói rồi đứng dậy, ôm chầm lấy Nụ.

- Tao không phải là con đĩ! Đồ khốn nạn! Bỏ tao ra!

Nụ cố hết sức, xô lão Ưng ngã bổ chửng, rồi bỏ chạy. Ra đến ngoài, Nụ vẫn chưa hết cơn uất. Cô thở hổn hển, định về nhà trọ ngay, nhưng chợt nhớ chưa nộp “thuế” buổi làm lúc chiều cho sếp Thới. “Đêm nay ra tàu rồi, không trả hắn sòng phẳng, sang năm mới lại sinh lắm chuyện!” - Nghĩ thế, Nụ vội vàng ghé qua chợ. Cái chợ đã vắng người. Chị bạn cũng không thấy đâu. Chỉ còn sếp Thới và mấy thằng đàn em đang ngả rượu thịt chó bên dưới gốc cây đánh chén. Vẫn còn người đi làm, chưa xong việc, chưa về nộp thuế nên sếp Thới vẫn phải chờ để thu bằng đủ. Vừa nhìn thấy Nụ, hắn đứng dậy, mồm miệng hắn phả ra sặc mùi rượu.

- Mụ về muộn thế, chắc muốn tao đợi đến nửa đêm hả?

Nụ lấy tiền nộp cho hắn. Thới cầm tiền đếm đi đếm lại rồi bảo:

- Mụ thanh toán nốt số tiền của thằng chồng mụ, tao xếp việc hồi đầu năm, nó định quỵt đấy!

- Chủ nó có trả cho chồng em được xu nào đâu!- Nụ ngớ người.

- Tao không biết, đã đi làm, đều phải nộp tất.

- Thế bao nhiêu ạ?

- Tiền gốc, năm mươi ngàn, lãi mỗi ngày năm phân! Tính đến bây giờ là tròn một năm, vị chi, bảy trăm năm mươi ngàn đồng chẵn. Tiền phạt, lần đầu tao tha!

- Sao nhiều thế? Em lấy đâu ngần ấy tiền bây giờ?

- Việc ấy là của mụ! Con gà luộc còn đẻ trứng nữa là…

- Giời ơi là giời! - Nụ bật khóc hu hu - Tôi lấy đâu ra tiền bây giờ hở giời. Sếp cho em xin!

- Ở cái chợ này, tất cả đều phải tuân theo luât lệ, làm gì có chuyện xin xỏ hở mụ! - Thới nói rồi ngửa mặt cười hơ hơ.

- Nếu không thì sếp cho em ghi nợ vậy, chứ bây giờ, em chỉ còn mấy trăm ngàn, để dành mua vé tàu về quê thôi ạ!

- Không có tiền thì để tao làm một cái trừ nợ, chịu không?

- Em xin bác - Nụ chắp tay - Em xin bác tha cho em!

- Đ…nói nhiều, chúng mày đâu, lôi nó vào bụi cây kia để tao trừ nợ cho nó!

Nụ hốt hoảng, vùng chạy, miệng kêu thất thanh.

- Bớ người ta! Cứu tôi với, cứu tôi với!

Sếp Thới nhìn theo Nụ cười sằng sặc.

- Tiên sư nó! Ai bảo đẹp thế? Làm bố mày thèm!

*

Nụ về đến nhà trọ rồi mà vẫn còn chưa hết hoảng hồn. Cô nằm thượt trên tấm sạp gỗ đợi đến giờ thì ra tàu. Mệt quá, cô thiu thiu ngủ. Trong lúc mơ màng, cô nhìn thấy đám thợ xẻ. Người thợ cả đang thao thao nói những gì ấy. Rồi bỗng nhiên, có cái gì đè nặng trĩu trên ngực làm cô nghẹt thở. Cô ú ớ kêu. Có ai đó cầm tay cô, vừa lay, vừa gọi: “Nụ! Nụ ơi!”. Nụ choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn, rồi hoảng hốt ngồi nhổm dậy.

- Ma! Ma!

Một người đàn ông, đầu trọc lốc, hai hõm mắt tối đen đứng bên cạnh. Anh ta run run, miệng nói chẳng ra hơi nữa.

- Anh đây mà! Thi đây! Anh về đây mà!

- Không phải Thi! Không phải chồng tôi!

- Anh là Thi thật đây mà! Em tỉnh lại đi!

Nụ tưởng mình vẫn đang nằm mơ, hay bị hoa mắt. Cô đưa tay dụi dụi, rồi định thần lại. Đúng là Thi chồng mình thật rồi! Cô thảng thốt.

- Trời ơi! Anh Thi! Sao lại ra nông nỗi này?

- Anh bị nước nó vật đấy, tưởng chết. May được các anh ấy giúp đỡ tận tình, không thì đã bỏ xác lại rừng rồi chứ về làm sao được nữa.

- Thật rõ khổ! Thế các anh ấy đâu cả rồi?

- Tết nhất, ai cũng vội. Các anh ấy ra bến xe ngay để kịp về quê chuyến ôtô cuối cùng.

- Cứ về được thế này là phúc đức lắm rồi! Vợ chồng mình cũng chuẩn bị ra tàu luôn thôi anh ạ!

Chuyến tàu khuya kéo hồi còi dài. Tàu ngày tết đông như nêm cối. Thi được một người tốt bụng nhường ghế. Nụ ép sát bên cạnh. Thi mệt lả, tựa đầu vào vai vợ, ngủ thiếp. Nụ không sao chợp mắt được, bên tai cứ văng vẳng mãi tiếng rao: “Ai đồng nát, sắt vụn… bán đi! Ai đồng nát, sắt vụn… bán điiii!”.

Truyện ngắn của Thế Đức
.
.