Chuyện làng thời COVID

Thứ Năm, 06/08/2020, 08:33
Cả nước xôn xao, xóm của lão Tần cũng xôn xao. Lão ngồi canh cổng chợ nghe các bà già buôn thúng bán mẹt nói ra nói vào, thế này thế khác. Bà nào cũng sợ, mấy bà bán thịt lợn kháo với nhau rằng: "Con vi rút này thích phổi, nó ăn cho trắng phổi, không phát hiện nhanh là chết".


Này! Hình như càng già càng hâm thì phải. Như lão Tần ở làng ấy, mới có năm trước đến năm nay đã thấy khác rồi. Sau Tết âm lịch tính nết thay đổi hẳn. Chúng mày không tin cứ ngồi đây lát nữa lão ra sẽ biết" – Bà hàng nước vừa đưa tay lên môi quệt vết nước trầu vừa bô bô buôn chuyện. Đám thanh niên làm như không nghe thấy, đứa nào cũng dúi mặt vào cái smartphone tay chọc chọc vào màn hình. Dăm phút sau lại tiếng bà hàng nước “Đấy, tao nói có sai đâu. Lão đang ra kia kìa”.

Cả đám thanh niên ngẩng đầu lên nhìn. Một ông lão dáng người cao dong dỏng lưng hơi gù thong thả bước vào quán. Đấy là lão Tần.

Lão Tần năm nay ngoài bảy mươi, ngày xưa đi bộ đội đánh nhau ở miền Nam rồi về đi học rồi làm công nhân cơ khí của công ty máy kéo. Vợ mất sớm, lão ở vậy nuôi hai người con trai trưởng thành, đều lập nghiệp trên Hà Nội. Mọi người bảo sao không lấy vợ nữa, lão tuyên bố: “Không đổi tự do bằng việc nấu cơm rửa bát”. Vậy nên lão thui thủi một mình hơn chục năm nay.

Tự do như lão lại hay, thích đi đâu thì đi, thích làm gì làm. Ngày nào cũng vậy, tầm bảy giờ sáng là có mặt ở quán nước đầu làng. Hôm nay cũng vậy, chưa ngồi xuống ghế, miệng lão đã bắn một tràng liên thanh: “Yên tâm! Yên tâm đã có Đảng và nhà nước lo. Yên tâm mặt trời đang chiếu sáng ở Việt Nam. Yên tâm một không khí phấn khởi tin tưởng ngày càng lan tỏa. Cho xin bi thuốc lào, cho xin cốc trà đặc nóng. Đưa mượn cái điếu”. 

Lão Tần lấy tay vê điếu thuốc lào rõ to cho vào lõ, bật lửa châm đóm, đưa ống điếu lên miệng rít kêu sòng sọc, ngửa cổ lên trời nhả khói… có vẻ đắc chí lắm. Nhấp ngụm nước, lão nhăn trán, cánh mũi dầy phập phồng theo hơi thở trên khuôn mặt tròn. Nhìn chẳng khác giáo sư. Mà giáo sư thật chứ chẳng chơi. Da mặt căng bóng, trán cao, đầu hói bóng lừ, vô phúc cho con ruồi nào đậu vào có mà trượt ngã gãy chân.

Chừng như suy nghĩ đã xong, lão quay sang bà hàng nước.

-Này! Bà có xem tivi không? Người ta nói ở cái làng Lôi Thôi có người bị nhiễm con vi dút sô cô la rồi đấy.

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Đám thanh niên đang cắm đầu vào điện thoại nghe lão Tần nói thì cười ré lên. "Bố ơi, ở Sơn Lôi có người bị nhiễm vi rút corona nhá. Nhà nước cách ly cả làng rồi".

Lão Tần ngồi tần ngần một lúc nói bâng quơ.

-Khổ nhỉ. Cách ly cả làng thì làm ăn gì nữa, biết lấy gì mà sống. Rồi nhà nước lại phải tài trợ. Tiền tỉ đấy chứ chẳng phải vừa đâu. Mà không cách ly không được, để tự do đi lại rồi người này lây sang người khác thì hỏng. Yên tâm đã có Đảng và nhà nước lo. Yên tâm mặt trời đang chiếu sáng ở Việt Nam. Yên tâm một không khí phấn khởi tin tưởng ngày càng lan tỏa.

Bà hàng nước và bọn thanh niên ngồi đấy lại cười ré lên "gớm nói như lãnh đạo ấy". Chẳng thèm để ý đến lời trêu chọc, lão Tần tay chống cằm ánh mắt nhìn xa xăm như đang nghĩ ngợi điều gì.

*

- Giết người! Quân giết người! Đang dịch thế này, y đức để đâu? Nghề y là phải để chữ đức trên đầu. Ngày thường tôi mua có bốn mươi ngàn một hộp, nay cô bảo hai trăm ngàn. Tăng gì mà nhanh vậy? Những lúc thế này, phải bán rẻ hơn để giúp đỡ người dân chứ.

Đấy là tiếng lão Tần. Lão uống nước ở đầu làng xong là qua cửa hàng thuốc mua khẩu trang. Có lẽ do lão nói to quá nên hàng xóm chạy sang hàng thuốc xem có chuyện gì xảy ra. Người đứng mua thuốc, mua khẩu trang y tế đứng chật cứng cửa hàng thì hả hê. Cô bé bán thuốc, mặt đỏ gay, mắt cụp xuống chớp chớp như muốn khóc, không dám ngẩng lên nhìn mọi người. Miệng cô lí nhí thanh minh.

-Chúng cháu…chúng cháu có tăng giá đâu, nhập về cao rồi. Mà còn không có để nhập. Mong bác thông cảm, cháu là người đi bán thuê thôi ạ.

Lão Tần nhìn cô bé với ánh mắt thương hại, hình như lão cũng áy náy về lời nói của mình. Lão thở dài lắc đầu ngao ngán bước ra khỏi cửa hàng thuốc. Lão không theo hướng về nhà, lão đi sang làng bên theo hướng nhà cô thợ may.

*

Trung, bác sĩ chuyên khoa sản làm ở bệnh viện huyện, là hàng xóm và bạn học phổ thông với con trai lão Tần. Tối hôm ấy, Trung đang ngồi đọc sách thì có tiếng ngoài ngõ vọng vào.

-Anh Trung ơi, anh Trung ơi, có nhà không?

Trung nghe tiếng nhận ra lão Tần, anh đi ra mở cổng thấy trên tay lão cầm quyển sổ. Trung mời lão vào nhà uống nước. Chân lão vừa bước vào cửa thì tiếng nói đã cất lên.

-Anh không phải pha nước, già rồi uống nước trà đêm mất ngủ. Tôi sang muốn nhờ anh chút việc. Anh là bác sĩ, được nhà nước đào tạo bài bản. Anh có thể giảng cho tôi nguyên nhân gây bệnh và cách phòng chống con vi rút corona được không?

Trung đồng ý, giảng giải cho lão nghe. Lão Tần nghe giảng, đầu gật như bổ củi, tay ghi ghi chép chép xem chừng chăm chú lắm. Đến gần nửa đêm, lão Tần ra về. Đến cổng lão giật mình hỏi.

-Anh có số điện thoại của bác sĩ trưởng khoa truyền nhiễm không cho tôi xin.

Trung mở điện thoại, đọc để lão Tần ghi vào sổ. Vừa bước ra ngoài ngõ, lão quay lại.

-Anh Trung, anh làm bên y tế quen biết nhiều, mua giúp tôi mấy hộp khẩu trang.

*

Làng của lão Tần nằm ven cái thị trấn nhỏ nửa quê nửa phố. Xen lẫn giữa cánh đồng lúa là những ngôi nhà mang kiến trúc Thái. Về đêm có những biển hiệu nhấp nháy ánh đèn led như Karaoke Star, Cafe Xóm hay Nhà Nghỉ Mai Về… Già rồi, lão thích yên lặng. 

Lão bực với xóm lão lắm, cả một dãy dài từ đầu con đường dong tới cuối đường nhà nào cũng có dàn karaoke. Tầm tám giờ tối là thi nhau hát. Thôi thì đủ giọng bổng trầm cao thấp, trống phách xuôi ngược tạo thành thứ âm thanh hỗn loạn ong ong bên tai người nghe muốn phát điên. Đêm đã mất ngủ, sáng bốn giờ lão Tần đã lọ mọ dậy, ngồi chờ mặt trời lên còn đi ăn sáng.

Sáng nay thì khác, ăn sớm hơn mọi ngày, lão về nhà đội nón lá, miệng đeo khẩu trang, tay xách cái túi đen đi ra chợ đầu làng. Lão mượn cái bàn để túi rồi lấy ra dăm hộp khẩu trang y tế. Bà con thấy vậy xì xào bán tán: “lão Tần không thật thấy có dịch là đã nghĩ ra cách bán khẩu trang kiếm lời. Già đời còn tham".

-Này! Bà kia cầm cái khẩu trang mà đeo.

Người đàn bà đi chợ sớm được lão dúi vào tay cái khẩu trang. Bà nắm chặt tay không nhận, vừa đi vừa nói.

-Không! Nhà cháu không có tiền, ông bán cho người khác.

Lão Tần miệng bịt khẩu trang, tiếng nói như kiểu bị nghẹt mũi.

- Tôi không lấy tiền. Cầm lấy! Các bà không nghe đài, ti vi nói là phải đeo khẩu trang. Phòng dịch đấy.

Người đàn bà dừng lại, hai tay nhận chiếc khẩu trang miệng cảm ơn.

-Ông kia nữa cầm lấy mà đeo. Không được chủ quan.

Giờ mọi người mới hiểu, lão phát khẩu trang cho người đi chợ để phòng dịch. Người ta nghĩ cả tỉnh này làm gì đã có dịch, đến Hà Nội còn chưa có. Quê mình thì sợ quái gì, cứ lo xa. Lão Tần già rồi nên lú lẫn chăng? Lão vừa phát khẩu trang vừa nói bô bô: "không được chủ quan". Gần trưa chợ sắp tan, có gã đàn ông trung niên là chủ doanh nghiệp sắt thép ngoài phố đi qua. Lão Tần gọi.

-Khẩu trang đây, đeo vào.

Đáp lại lời lão, gã trung niên gắt lên.

-Lão già này hâm. Dịch đã có ở đây đâu? Lão già rồi sợ chết, thằng này khỏe còn lâu mới chết.

Lão bực lắm, nhìn thẳng mặt gã đàn ông mắng.

-Bom đạn, sốt rét tao không sợ, tao sợ gì chết. Mà tao ngoài bảy mươi, chết cũng chẳng sao. Mày có biết một người bị nhiễm là lây cho bao người không?

Gã trung niên chẳng thèm để ý, không đeo khẩu trang nghêng ngang vào chợ.

Từ hôm ấy Lão Tần có công việc mới do mình tạo ra là sáng đứng cổng chợ phát khẩu trang.

*

Ối trời ôi. Nghe gì chưa… Nghe gì chưa? Có vợ chồng ở làng này đi từ Nhật về. Thằng chồng sốt xình xịch mấy ngày rồi, ho khù khụ, ho không dứt nhá, nằm viện cấp cứu. Đáy phổi trái chụp bị mờ. Đấy nó ăn vào phổi. Nhiễm vi rút rồi. Mà thằng này khốn nạn, ra viện khám còn giấu bác sĩ là ở nhà không đi đâu, mãi sau khai thật từ Nhật về. Y bác sĩ khám lúc đó mới hoảng hốt, tự động cách ly hết. Mà con vợ ngày nào cũng có mặt ở chợ. 

Làng quê yên tĩnh bỗng ồn ào náo loạn, đi đến đâu cũng nghe người ta bàn ra tán vào. Nào là tớ đi mua gạo rồi, tớ cũng xát gạo rồi…Đám thanh niên choai choai thì bảo: “nhà nó ở đâu, đến chửi cho nó một trận, vô ý thức, không có tính cộng đồng định giết cả làng”. Người già thì điềm tĩnh hơn “sự việc đã rồi, có ai muốn thế đâu, trách gì nữa, tập trung mà chống dịch". 

Ngay hôm đó công an, dịch tễ huyện người ta về phun thuốc khử khuẩn và đưa những người thân đi cách ly. Người trong làng giờ mới thấy lão Tần là người sống có trách nhiệm với xã hội. Người như vậy ai dám bảo là hâm.

Đám đông đang tranh luận sôi nổi thì nghe tiếng quát của lão Tần: "Giải tán, giải tán ngay. Ai cho tập trung ở đây mà buôn chuyện. Các bà chỉ được cái lắm điều, có ít thì xít ra nhiều". Lão giơ chiếc điện thoại lên tiếp đà: "Số điện của trưởng khoa truyền nhiễm đây rồi. Chưa có kết quả xét nghiệm. Bình tĩnh, tất cả bình tĩnh. Người ta cảm cúm cũng bị sốt và ho. Phải thật bình tĩnh. Nhà ai về nhà ấy". 

Lão vừa hoàn thành nhiệm vụ ở ngoài chợ, nay lão không cần nhắc mọi người đều tự giác đeo khẩu trang, đứng cách xa nhau chẳng dám chuyện trò. Cả trưa lão không ngủ nằm suy nghĩ. Chẳng may mà thằng bé xét nghiệm dương tính thì cả làng này bị cách ly, quân đội công an họ sẽ về lập chốt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Còn làm ăn gì nữa? Mà mẹ nó là người đưa thư, đi khắp làng trên xóm dưới. 

Nghĩ đến đây lão lạnh hết cả người. Lão vùng dậy, cầm điện thoại gọi cho con: “Ở nguyên Hà Nội, không về quê con nhá, báo cả cho anh mày nữa”. Tai lão hơi nghễnh ngãng nên điện thoại khi nào cũng bật loa ngoài. Loa điện thoại vang lên câu trả lời của người con trai: "Vâng".

Như mọi sáng, lão Tần đeo khẩu trang ra cổng chợ ngồi. Trên đường ra chợ lão thấy ai cũng đeo khẩu trang, mấy bà chủ cửa hàng ngồi trong nhà cũng vậy. Từ hôm có thông tin vợ chồng người làng sốt ho, lão chẳng phải nhắc nhở ai nữa.

-Bố được đấy. Đúng là gừng càng già càng cay.

Lão Tần giật mình nhìn lên. Thì ra tay chủ doanh nghiệp bán sắt khẩu trang kín mít, còn đeo cả mặt nạ kính. Lão buột miệng.

-Sao bảo không sợ chết, còn lâu mới chết.

Gã chủ doanh nghiệp cười: "Bố cứ đùa, thằng nào chẳng sợ chết".

Cả làng ai cũng thấp thỏm chờ đợi kết quả từ bệnh viện huyện. Nhiều người cẩn thận nghỉ ở nhà xem xét tình hình thế nào. Ngoài phố thấy ít người đi lại còn đường dong và các ngõ hẻm tạnh chẳng một bóng người. Lão Tần đang ngồi xem thời sự buổi tối thì tiếng chuông điện thoại reo. 

Lão vội vàng bốc máy a lô, tiếng loa ngoài điện thoại vang lên: "Kết quả xét nghiệm lần một âm tính. Vẫn cách ly đủ mười bốn ngày để theo dõi tiếp". Mặt lão Tần giãn ra, miệng lắp bắp "Quý quá, quý quá, cảm ơn nhé". Đặt điện thoại xuống bàn, lão đeo khẩu trang chạy nhanh ra đường. Lão đến cổng từng nhà nói vóng vào bên trong: "âm tính nhá, không được chủ quan". Đáp lại lời lão là những câu trả lời tốt rồi, may quá, cảm ơn ông…

Nhịp sống trở lại bình thường. Giờ thì ai cũng đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế tiếp xúc nói chuyện gần. Lão Tần vẫn cặm cụi với công việc chẳng ai mướn đó là canh cổng chợ phát khẩu trang.

Sáng sớm hôm nay, cũng như bao sáng khác lão ngồi trước cửa nhà để chờ trời sáng tỏ rồi đi mua đồ ăn. Bà chủ quán nước đi qua nói vọng vào: "Ông Tần, bọn trẻ nhà tôi nó xem trên mạng in tơ nét, Hà Nội có người dương tính với con vi rút rồi. Có vẻ căng đấy, người quê mình trên đó đông lắm". Lão ngồi ngây ra, không đáp lại lời của bà quán nước. Để tý nữa bật ti vi xem thời sự buổi sáng họ nói thế nào? Nếu thật thì hỏng. Chờ đến tin tức buổi sáng, Hà Nội có người dương tính thật. Lão lấy điện thoại gọi hai người con trai:

-Các anh cứ ở nguyên trên Hà Nội, đừng có về quê. Khi nào hết dịch thì về. Tôi ở nhà kệ tôi.

Tiếng loa ngoài điện thoại vang lên: "Vâng. Hết dịch chúng con về. Ông ở nhà giữ sức khỏe".

Cả nước xôn xao, xóm của lão Tần cũng xôn xao. Lão ngồi canh cổng chợ nghe các bà già buôn thúng bán mẹt nói ra nói vào, thế này thế khác. Bà nào cũng sợ, mấy bà bán thịt lợn kháo với nhau rằng: "Con vi rút này thích phổi, nó ăn cho trắng phổi, không phát hiện nhanh là chết". Khẩu trang y tế lão phát đã hết. Lão nghĩ may quá mình đã đề phòng, đặt cô thợ may làm cho mấy nghìn chiếc khẩu trang vải. Dù sao cũng hơn là không có.

*

Tivi thông báo bệnh viên Bạch Mai có người bị nhiễm vi rút. Lão Tần ngồi xem mặt nghệt ra, trời không lạnh mà người nổi gai. Lão ngẫm: "Bệnh viện Bạch Mai là tuyến trung ương, một ngày có hàng ngàn bệnh nhân tới khám chữa bệnh. Thế này thì hỏng, hỏng hẳn rồi. Kiểu gì làng này chẳng có người khám ở Bạch Mai". Lão Tần cả đêm không ngủ. Hôm sau trời vừa tờ mờ sáng lão đeo khẩu trang ra khỏi nhà. Lão đi từ đầu xóm đến cuối xóm, đứng ngoài cổng hô to: "Nếu nhà có người đi khám ở bệnh viện Bạch Mai thì tự cách ly nhá, mười bốn ngày đấy". Đáp lại lão là câu: "Biết rồi, căng quá".

*

Lão Tần trên đường ra chợ, đi qua cửa hàng sắt thép thì có tiếng trong nhà vóng ra.

-Bố Tần! Cả nước giãn cách xã hội mười bốn ngày. Vỡ mồm rồi.

Thì ra thằng chủ hàng sắt thép, lão tiếp lời.

-Gớm! Mồm anh đã vỡ đâu. Anh mà vỡ thì cả cái làng này chắc không ai lành. Lần này thì dân khổ rồi. Cũng may xã hội còn nhiều người tốt, họ phát gạo miễn phí cho người nghèo. Chính phủ đang chống dịch ầm ầm đấy anh.

Ngày ngày lão Tần xem ti vi để cập nhật tin tức về số người dương tính. Lão để ý thông tin quan trọng nhất là người bị nhiễm vi rút quê ở đâu để còn liệu. Hết nghe ti vi lão lại ra ngoài hiên để nghe đài phát thanh xã mở hết công suất nói về tình hình dịch vào các buổi sáng, trưa, chiều. Cả nước giãn cách xã hội, làng lão Tần cũng giãn cách chẳng ai sang nhà ai. Không việc làm, bà con lại bật dàn karaoke hát. Lão Tần lại thành thính giả bất đắc dĩ. Giờ sáng lão đi canh cổng chợ, chiều tối lão ngồi nghe những bản hòa tấu tạp phế lù vang lên từ các ca sĩ xóm.

*

Cả nước hết cách ly, làng lão Tần nhộn nhịp trở lại. Trẻ em trở lại trường học. Đường dong, ngõ hẻm đông vui tấp nập người ra vào. Các bà lắm chuyện lại tụ tập ngồi hóng chuyện nhà này, nhà kia. Lão Tần ra ngồi quán nước đầu làng hút thuốc lào, buôn gió. Bà chủ quán rót thêm nước vào chén cho lão miệng nói.

-Tôi nể ông. Ông Tần ạ. Ông là người có trách nhiệm với xã hội, với bà con. Mà cũng tội, vẫn một mình. Hai thằng con từ hôm hết giãn cách vẫn chưa thấy về quê nhỉ?

Lão Tần ngượng nghịu: "Bà quá khen"… Chợt chuông điện thoại vang lên.

-Bà nói thiêng thế. Con trai gọi điện về.

Lão bấm nghe, loa ngoài điện thoại vọng ra tiếng nói.

-Con nghe nói, ông ra cổng chợ phát khẩu trang. Tiền mấy lần con gửi ông, ông không phải trả đâu. Con góp với ông.

Lão chẳng quan tâm đến người làng đang ngồi uống nước, nói oang oang vào điện thoại.

-Tôi mượn tôi trả. Các anh cũng khó khăn. Để tôi tiết kiệm lương hưu gửi dần.

Trò chuyện với người con trai xong lão quay sang bà chủ quán.

-Già rồi, giúp được cho làng, cho xã việc gì thì giúp. Mấy năm nữa chết có mang được cái gì đi đâu.

Bà chủ quán nước nghe lão Tần nói quay mặt đi nơi khác, lấy tay quệt nhanh giọt lệ vừa lăn xuống gò má. Bà cất giọng chửi.

-Ôi vậy ra ông vay tiền các cháu để mua khẩu trang phát cho bà con à? Vậy mà có đứa nó bảo ông Tần kiếm cớ để ve vãn cô thợ may ở làng bên. Giờ tôi hiểu rồi. Ơ… cũng được đấy ông ạ, cô ấy độc thân mà tốt tính lắm, đưa cô ấy về có người giúp đỡ sớm hôm.

Ông Tần thượt mặt dài giọng: "Ôi giời… tôi già rồi. Chả ai dại gì đánh đổi tự do lấy việc nấu cơm rửa bát".

Một chiếc xe đỗ xịch trước quán nước.

-Bố Tần! Nước mình chống dịch giỏi. Giỏi hơn cả Mỹ.

Lại là gã chủ doanh nghiệp sắt thép. Lão Tần tưng tửng.

-Ừ. Mỹ và Châu Âu hiện giờ đang bùng phát dịch bệnh, nhiều người tử vong. Nước ta có mấy trăm ca nhiễm, toàn ở nước ngoài về. Lây nhiễm trong cộng đồng có mấy chục người. Y bác sĩ nước ta giỏi, không có trường hợp nào tử vong. Công nhận chính phủ mình giỏi.

Rồi châm đóm, đưa cái điếu lên miệng kéo một hơi dài. Lão ngửa cổ lên trời nhả khỏi, nhấp ngụm nước: "Yên tâm, yên tâm mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam, yên tâm một không khí phấn khởi tin tưởng ngày càng lan tỏa". Gã chủ hàng sắt thép, bà bán nước cùng đám thanh niên cười nghiêng ngả.

       Hải Hậu - Tháng 5/2020

Truyện ngắn của MAI TIẾN DUẨN"
.
.