ÔI! cát bụi tuyệt vời

Thứ Năm, 13/08/2020, 14:40
Khi chứng kiến những cơn gió ào ạt từ biển thổi vào đồi cát Hồng (Mũi Né-Phan Thiết-Bình Thuận) tôi bỗng nhớ đến một câu thơ: "Ôi! Cát trắng cát vàng/ Hồn vũ trụ mênh mang/ Thấy trong một hạt cát/ Lấp lánh cả thế gian" (Trần Thoại Nguyên). Một cảm giác vỡ òa trong tôi khi đồi cát hồng bỗng khoác một nước da mịn màng. Không gian chợt im phăng phắc. Cơn gió cũng như chết lặng trước vẻ đẹp kỳ diệu của những vú cát lấp lánh dưới tấm voan ánh bình minh tỏa rạng.


Cầu vồng cát bay

Gió biển cứ từng đợt cuồn cuộn tạo nên những cơn xoáy trên đồi cát. Đây là tiểu sa mạc cát chạy từ Phan Thiết đến tận Ninh Thuận dài hàng chục cây số. Riêng đồi cát hồng có vị trí cao nhất (chừng hơn 100 mét) rộng hàng chục hecta lại đón đúng luồng gió từ biển Đông thổi vào tạo nên những trận bão cát. Hàng trăm vú cát nhấp nhô uốn lượn tạo nên kỳ quan thiên nhiên rất biến ảo. 

Có lúc gió dữ dội. Cát bay lên cao như những lớp bụi phấn hồng làm không gian tối sẫm rồi lại bừng sáng bất chợt để lại một quầng cầu vồng lấp lánh sắc màu. Sau đó cát bay theo chiều gió dồn dập thành những núi cát dựng đứng như sóng nước rồi chảy tràn xuống một thung lũng nhỏ. Cuối cùng hiện lên những vú cát thơm vị biển và nhuốm màu vàng hoe mịn màng.

Đồi cát Hồng. 

Sự thay đổi hình dạng và màu sắc của đồi cát Hồng sau mỗi trận gió tràn tới đã làm mọi người rối bời cảm xúc. Bởi cát biến hóa như phép thuật tạo nên vẻ đẹp nên thơ với những hình thù kỳ lạ và luôn khoác một tấm áo mới. Khi là màu vàng. Hoặc màu trắng xám. Hay có lúc lại đỏ sậm và hồng tươi. Đó là sự quyến rũ của đồi cát Hồng hay còn gọi là đồi cát bay. Những hạt cát có cánh. 

Khi bình minh lên lúc sáng sớm đồi cát Hồng có vẻ đẹp tươi mới trẻ trung. Trẻ em thú vị nhất với những trò chơi trượt cát từ trên đồi cao xuống. Những chàng trai cô gái lại bị hấp dẫn bởi những chiếc xe bốn bánh đi như bay trên cát. Còn đó những vực cát xuất hiện bao giờ cũng đem lại sự hồi hộp lo sợ cho các cuộc thám hiểm trên sa mạc. 

Theo những nhà địa chất dưới sa mạc là một mỏ sắt cổ ẩn giấu lâu đời nên cát ở đây luôn có màu đỏ.  Đồi cát Hồng được coi là đẹp nhất trong năm đồi cát ở nước ta.

Tôi đã được nghe chuyện hai mẹ con nghệ nhân câm điếc Nguyễn Phi Long ở thành phố Phan Thiết đã vượt những vực cát xa xôi. Họ muốn tìm ra màu sắc dị biệt của cát trên sa mạc mênh mông để vẽ những bức tranh kỳ diệu từ thiên nhiên. Những đồi cát ở Bình Thuận đã có sự phân hóa về màu sắc khá thú vị. Nếu cát ở Đồi Hồng có màu đỏ thì ở cách đó 300 mét đồi Trinh Nữ cát có màu trắng. Còn đi tiếp về phía Tây thì ở Hòn Lan cát lại có màu đen mịn màng. 

Theo như nhiếp ảnh gia Trần Vĩnh Nghĩa (Hội VHNT Bình Thuận) thì ở Phan Thiết gần Mũi Né cát lại pha trộn giữa hai màu đen đỏ tạo nên màu khá độc đáo. Khi nói về hai mẹ con nghệ nhân Phi Long anh cũng thể hiện sự nể trọng. Anh nói họ là những phù thủy về sắc màu của cát. 

Anh nhớ mãi cảnh hai mẹ con nghệ nhân đã phải bò lê trên cát vì quá mệt mỏi trong hành trình khám phá thiên nhiên. Trên vai họ là những túi mẫu cát có màu sắc mới lạ. Vậy ra cát có thân phận của mình. Tôi bỗng nhớ đến câu ca dao: "Ngó lên trời, mưa sa lác đác/ Ngó xuống đất, hột cát nằm nghiêng".

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Theo chỉ dẫn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Vĩnh Nghĩa, tôi tìm đến xưởng vẽ tranh cát của nghệ nhân Phi Long (sinh năm 1988) ở trung tâm thành phố Phan Thiết. Gặp nghệ nhân trẻ tôi sực nhớ đến bức tranh Bác Hồ mà anh đã mang ra Hà Nội trong đêm giao lưu nghệ thuật từ thiện mang tên "Một trái tim, một thế giới" năm 2010. 

Ký ức đã 10 năm nhưng tôi không thể quên đó là bức tranh chân dung bằng cát lớn nhất hiện nay. Nghệ nhân Phi Long đã dùng tới 20kg cát màu tự nhiên để vẽ hình ảnh Bác Hồ với kích thước (0,6X1,2m). Câu chuyện chúng tôi diễn ra với một phiên dịch là cô gái tật nguyền học trò của nghệ nhân. Anh kể chuyện bằng những ngón tay với nụ cười hồn hậu.

Nốt nhạc tuổi thơ (Trần Vĩnh Nghĩa).

Câu chuyện đến với cát của nghệ nhân Phi Long là một chặng đường dài sống với nỗi cô đơn câm lặng. Anh nói cuộc đời mình như cát vậy. Câm lặng và buồn tủi. Trong lúc bế tắc vô phương về tương lai ở tuổi 17 thì anh đã được mẹ dẫn tới thiên đường sắc màu của cát. 

Là học trò của nghệ nhân tranh cát Ý Lan (TP Hồ Chí Minh), Phi Long đã tìm ra con đường đi riêng của mình với các bạn đồng nghiệp. Đó là những đêm trăn trở tìm về với đời sống câm lặng của cát. Anh bất ngờ nở nụ cười tươi cùng với những ngón tay biết hát. Đúng như ca khúc "Cát bụi" của Trịnh Công Sơn đã vang lên những câu chữ mà anh đã thuộc lòng. 

Anh cầm bút và lấy tờ giấy viết lên hàng chữ đầu tiên: "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt với/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi…". Bao ký ức dội về trong anh. Tôi lắng nghe câu chuyện về cuộc đời của cát đúng như thân phận của anh: "Ôi cát bụi phận này/ Vết mực nào xóa bỏ không hay…".

Anh dẫn tôi đến phòng trưng bày hàng chục bức tranh vẽ hình ảnh Bác Hồ. Phòng tranh đã gây ngạc nhiên cho hàng ngàn du khách đã tới đây chiêm ngưỡng tác phẩm của anh. Phi Long kể đó là hàng năm trời đọc và học những tài liệu về cuộc đời của Bác. Đặc biệt anh còn thuộc khá nhiều thơ của Bác trong thời kỳ kháng chiến. Những ngón tay anh lại nhộn nhịp cất lời. Đó là bài thơ về trăng của Bác. 

Giọng cô phiên dịch trong trẻo vang lên: "Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà" (Cảnh khuya-1947). Anh đã vẽ cả trăm bức tranh chân dung Bác trong niềm tin yêu đó. Hầu như những tư liệu ảnh Bác Hồ anh đều sưu tập đóng quyển để thể hiện trên tranh cát. Phòng tranh cát về Bác và các lãnh tụ của anh là một kỷ lục có số lượng lớn nhất ở nước ta.

Trong nghệ thuật vẽ tranh cát khó nhất vẫn là vẽ chân dung mà người nghệ nhân phải phấn đấu và có tài năng hội họa. Bởi điều quan trọng là bức tranh phải thể hiện được chiều sâu tâm hồn hình tượng. Nhất là thể hiện qua đôi mắt của nhân vật. Với tranh cát đó là sự thử thách lớn với bất kể ai. Chính vì thế hàng trăm học trò của anh qua các lớp đào tạo không mấy ai có thể vẽ được chân dung Bác một cách truyền cảm nhất. Họ chuyên vẽ phong cảnh quê hương và thể hiện những mẫu vẽ tranh dân gian như Đông Hồ hoặc những bức phù điêu của đồng bào Chăm…  

Mái ấm cho những hạt bụi cuộc đời

Hai mẹ con gia đình nghệ nhân Phi Long đã tạo dựng được sự nghiệp cho những người nghèo và khuyết tật ở thành phố Phan Thiết và một số vùng lân cận. Có những người ở xa gia đình thu xếp cho ở lại. Nhiều người học nghề xong đã về quê hương làm ăn. Không ít người đã ở lại chung lưng với nghệ nhân Phi Long tạo dựng sự nghiệp lâu dài. Hiện xưởng vẽ của Phi Long có hàng chục cộng sự. Họ là những nghệ nhân có bàn tay tài hoa. Nhiều tác phẩm tranh cát của xưởng đã bán được trong các hội chợ. Một số lớn đã được xuất ngoại đến với những nhà sưu tầm và được đánh giá cao.

Năm nào xưởng tranh cũng đón hàng ngàn người đến tham quan. Nhiều người nước ngoài vô cùng ngạc nhiên với những bức tranh cát. Họ đã thử sức tham gia dùng chiếc bút múc cát để vẽ nhưng đều bất lực. Sau đó họ đã chắp tay bái phục những nghệ nhân trẻ tài hoa của Việt Nam. Đó là một gia đình lớn của nghệ nhân Phi Long. Anh luôn luôn nở nụ cười tươi và yêu thương đồng nghiệp. 

Những bài ca thể hiện bằng những ngón tay vang lên trong tâm hồn anh. Ở bất cứ đâu những người bạn cũng lắng nghe và gõ nhịp theo. Lời hát luôn thầm lặng ngân vang trong trái tim từng người: "Ôi! Cát bụi mệt nhoài/ Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi/ Bao nhiêu năm làm kiếp con người…" (Cát bụi-Trịnh Công Sơn).

Vương Tâm
.
.