Tản văn

Xóm Bến quê tôi

Thứ Ba, 19/08/2014, 08:01
Xóm Bến với tôi chỉ là những ngày hè, ngày Tết, ngày lễ hội, còn chính tôi lại ở thành phố, giờ già rồi vẫn là người "không quê".

Xóm Bến quê tôi chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn cùng tuổi thơ ấu của mình. Vậy mà đất quê, cảnh quê, tình quê vẫn man mát lòng già. Bảy tám mươi tuổi rồi, tóc đã bạc trắng đầu vẫn đau đáu mái rạ, khói lam, cầu tre, ao bèo, con lợn thả rông.

Xóm Bến quê tôi chỉ là bãi bồi của sông Đáy, nằm trong địa giới La Phù. Các cụ chi họ Nguyễn Hưng thấy thế đất có đê, có sông thuận lợi cho giao thương nên đã di dời ra đây lập nghiệp. Mới đầu lơ thơ vài gia đình, sống chủ yếu là đi mua cây mít, cây xoan ở các làng bên mang về đóng đồ bán kiếm lời đôi chút.

"Đất lành chim đậu", đến đầu thế kỷ XIX, người trong họ ngoài làng kéo xuống cư ngụ, chẳng phân biệt cũ mới, sống hòa đồng với nhau như anh em. Giờ đã đông không thể "gà què ăn quẩn cối xay", một số người như cụ Nhiêu cả và vài người nữa đã mạnh dạn vượt lũy tre làng lên mãi ngọn sông Thao, sông Đà đóng bè tre gỗ, xuôi sông Hồng đưa về tận xóm Bãi để bán, hình thành bến buôn gỗ sầm uất nhất thời bấy giờ:

Có chợ gỗ rập rình sóng nước
Ngày ngày bè tre nứa lá xuôi về
Đậu kín bờ cát trắng

Từ đấy vùng đất bồi được nổi danh xóm Bến La Phù đồn đi khắp các tỉnh thành, khách buôn tứ xứ đi về như mắc cửi. Một con đường đá được làm rộng thênh thang, chạy dài thẳng tắp từ chân đê đến bến gỗ bờ sông, cho xe bò chở hàng qua lại. Đứng trên đê nhìn xuống, cổng xóm tuy không cổ kính, nhưng hoành tráng nhất vùng, nổi bật ba đại từ: "Xa Tất Thức", niềm tự hào người dân xóm Bến tháo vát mà tao nhã thủy chung. Một xóm chỉ ngót nghét trăm nóc nhà mà có đến năm sáu thầy đồ với một cụ Tú ngồi dạy chữ nho; một lò võ nhà cụ Hương mạch vang danh khắp vùng; một ông Chánh tổng tuổi chừng ba mươi cai quản đến chín làng, nổi tiếng là người hiền.

Vào cái thời xa xưa ấy, cứ hết năm học, tôi lại được đón về quê nghỉ ngơi vui chơi hết mùa hè. Các cháu bây giờ còn đâu "quê hương là chùm khế ngọt", chỉ có bốn bức tường nhà trường trói chặt tuổi thơ để bố mẹ yên tâm đi làm.

Hè với tôi như chim được mở cửa lồng, tung bay một mạch về với xóm Bến, nơi có cả một bầu trời khoáng đãng thả sức nhảy nhót. Về đây, ngày nào cũng rồng rắn với các bạn ra sông bơi lội. Sông Đáy không phải mùa mưa lũ, dòng chảy cứ êm ả, lững thững đi về xuôi Ba Thá. Nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Chiều chiều, những chiếc thuyền Đinh chở hàng cho khách cũng đã về đậu bên bến. Đêm đêm trải chiếu nằm trên bè, ngửa mặt nhìn trời đếm sao, tận hưởng gió mát trăng thanh; nghe tiếng sóng vỗ gõ nhịp cho sáo diều vi vu trong khoảng không bao la, tâm hồn lâng lâng như chìm vào cõi thiên thai.

Sông Đáy đã đem đến cho chúng tôi một cuộc sống thanh bình thuở ấy ít nơi có được.

Xóm Bến quê tôi không chỉ có con sông thơ mộng mà còn cả một khu rừng tô đậm màu xanh tươi mát. Rừng Quán chảy nằm giáp chân đê liền kề xóm Bến ở phía Nam là khu rừng tự nhiên đã có từ lâu đời, cây cối um tùm rậm rạp, rất nhiều cây cổ thụ cao to chọc trời. Có những cây dây leo vắt từ cành nọ sang cây kia đan xen như mạng nhện, thân to nần nẫn như bắp chuối. Phía dưới những cây thảo mộc: chân chim, phất lộc, vạn niên thanh mọc chen nhau, kín cả mặt đất. Những trưa hè bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau vào rừng chơi trò ú tim, tìm cả ngày chẳng thấy. Rậm rạp là thế, nhưng không ẩm thấp, không rắn rết, không côn trùng độc hại. Không cây nào có gai góc, chỉ có chim chóc các loại sống trên cây chẳng ai quấy rầy chúng.

Giữa rừng có đền thờ Thành Hoàng hai làng La Phù và La Tỉnh, cứ đến ngày mồng bảy mồng tám tháng giêng lại vào lễ hội rước Thánh. Bao nhiêu năm hội, rừng sâu lại bấy nhiêu lần được nghe những lời thủ thỉ tâm tình của chàng trai xúng xính xóm Bến với cô gái duyên dáng làng bên hẹn ước.

Hội tan anh hẹn ngày sang
Cau xanh mẹ sắm tơ hồng đón em.

Những ngày hè thoái mái với sông nước hiền hòa, với rừng xanh râm mát. Nhưng sung sướng nhất tuổi ấu thơ của tôi là những ngày ăn Tết ở quê. Đó là những ngày vui náo nức được nghe lanh canh khánh cá trên ngọn nêu Tết, được theo cha đi chúc Tết họ hàng. Tình làng nghĩa xóm đọng mãi trong lòng vị bùi ngọt khó quên.

Giờ đây bóng hình xóm Bến quê tôi chỉ còn thấp thoáng trong đôi mắt người già hoài cổ

Hưng Trà
.
.