Xu hướng thời thượng đáng ngại

Thứ Năm, 05/03/2020, 08:21
Thực sự một ca khúc có đạo nhái hay không rất cần một câu trả lời rõ ràng từ những người có chuyên môn. Song, với tai nghe của một khán giả bình thường, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định “Chân Ái” không hề đạo nhái “Lier”...


Sau 1 tuần ra mắt, MV ca nhạc có tên “Chân Ái” với sự kết hợp giữa Orange - Khói - Châu Đăng Khoa đã chiếm vị trí thứ tư trên “top thịnh hành” của youtube với 15 triệu lượt xem. Đó là một thành công đáng kể và đáng nể đối với ê kip trẻ của nhạc sỹ Châu Đăng Khoa (ê kíp có tên Superbrothers). Nhưng ngay khi xuất hiện trên “top thịnh hành”, việc kiếm tìm bản karaoke của “Chân Ái” đã khiến nó vướng vào một lùm xùm rất quen thuộc trong showbiz Việt hiện nay: bị cáo buộc đạo nhạc.

Rất nhiều khán thính giả đã tố cáo “Chân Ái” rất giống với “Lier”, một ca khúc được phát hành từ tháng 6/2019 của Elem3ntz, đặc biệt ở đoạn nhạc dạo đầu (intro). Những tố cáo này đã khiến ê kíp của Châu Đăng Khoa gặp phải khá nhiều phiền toái và chúng cũng ảnh hưởng tới dự án “Chân Ái” khi mà khoản đầu tư cho riêng MV này nghe đâu cũng lên tới 1,4 tỷ đồng.

Thực sự một ca khúc có đạo nhái hay không rất cần một câu trả lời rõ ràng từ những người có chuyên môn. Song, với tai nghe của một khán giả bình thường, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định “Chân Ái” không hề đạo nhái “Lier”. Đơn giản, “Chân Ái” của Châu Đăng Khoa là một ca khúc với giai điệu rất rõ ràng, trong khi “Lier” lại là một bản rap. Giữa một ca khúc thuần túy mạch lạc và một bản nhạc rap, chắc chắn không thể nào có điểm trùng hợp về giai điệu được.

Song, về phần nhạc nền (beat nhạc), “Chân Ái” và “Lier” lại có điểm giống nhau khá cơ bản. Hơn nữa, ngay từ phần nhạc dạo (intro), sự trùng hợp quá rõ đã khiến người nghe dấy lên nghi ngờ, đặc biệt là khi “Chân Ái” ra mắt sau “Lier” tới nửa năm. Đâu là nguyên nhân của sự giống nhau ấy?

Rất đơn giản và dễ hiểu, Châu Đăng Khoa, giống nhiều nhạc sỹ trẻ của showbiz hiện nay đã mua beat nhạc từ một trong những trang chuyên bán nhạc nền trực tuyến để từ đó sáng tác giai điệu trên nhạc nền này.

Để cẩn thận, Châu Đăng Khoa đã mua “độc quyền” beat nhạc này với giá 600 USD. Song, không may cho Châu Đăng Khoa, Elem3ntz cũng sử dụng nhạc nền ấy và phát hành bản ghi âm rap của họ sớm hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu Elem3ntz có mua hợp pháp beat nhạc này hay không? Nếu có, đơn vị bán cho Châu Đăng Khoa đã vi phạm cam kết khi bán một beat nhạc “độc quyền” cho hai người mua khác nhau.

Tai nạn của Châu Đăng Khoa có thể là một xui rủi, nhưng rõ ràng nó cũng làm ảnh hưởng đến uy tín của nhạc sỹ trẻ này rất nhiều. Nhưng, một vấn đề khác rất được đáng quan tâm đã nảy ra. Đó là cách sáng tác của thế hệ nhạc sỹ hiện nay cần phải được xem xét lại. Với việc mua beat nhạc có sẵn để sáng tác giai điệu trên đó, nhiều nhạc sỹ, ca sỹ đã thành danh mà điển hình nhất là Sơn Tùng M-TP, Đen vâu…

Nhiều nhạc sỹ trẻ hôm nay đã bỏ đi thói quen tốt mà các thế hệ trước đều có là ký âm lại các sáng tác của mình thành văn bản. Thậm chí, cá biệt có những “nhạc sỹ” còn không thể sáng tác với một nhạc cụ nào đó trong tay và không hề biết cách ký âm. Việc sử dụng beat nhạc có sẵn quá tiện dụng đã khiến họ dựa hẳn vào đó. Họ coi nó là xu hướng thời thượng, nhưng xu hướng ấy thực sự đáng ngại khi những người thực hành âm nhạc lại đi xa hẳn khỏi cái gốc của âm nhạc là những nốt nhạc.

Quay trở lại với Châu Đăng Khoa, có lẽ anh sẽ có những động thái pháp lý với bên bán beat nhạc cho mình, nhưng chắc bài học này sẽ khiến anh phải nghĩ tới thay đổi cách sáng tác. Với phần còn lại của thị trường, ai cảm thấy cách thành công dễ dãi này vẫn là công thức hiệu quả, họ rồi sẽ một ngày vấp phải sóng gió, bị cáo buộc như một kẻ cắp chuyên nghiệp.
Văn Đoàn
.
.