Nhân đọc “Sài Gòn Inbox”, tập tùy bút của Thu Trân, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2019

Thu Trân kể chuyện đời qua “Sài Gòn Inbox”

Thứ Sáu, 10/01/2020, 11:08
“Đọc tới đọc lui “Sài Gòn Inbox”, bỗng thấy đời mình hiện ra mồn một. Không giấu giếm được. Cứ lan man, cóp nhặt vậy mà trải lòng lúc nào không hay. Cho nên cầm tập sách này trên tay, bạn muốn gọi “tùy bút” hay “tự truyện Thu Trân” cũng được”. Đó là những dòng mở đầu của tập tùy bút “Sài Gòn Inbox” dày hơn 440 trang - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2019 của Thu Trân.


Chân dung cuộc đời

Đã từ lâu, nữ nhà văn – nhà báo Thu Trân là một tên tuổi trên văn đàn với nhiều giải thưởng danh giá, bút lực dồi dào. Cũng bằng ngòi bút, chị nuôi 2 con ăn học thành tài. Chị sống thuần túy bằng nghề và có đủ danh vọng từ nghề, điều không phải ai cũng làm được và thành công như chị.

Do đó, sẽ chẳng có gì “đặc biệt” khi Thu Trân lại tiếp tục ra sách, đầu sách thứ 30 trong văn nghiệp. Nhưng lần này, khác biệt là “Sài Gòn Inbox” lại không phải là tiểu thuyết hay truyện ngắn, truyện dài, hoặc thơ, mà là tập tùy bút. Tập sách này, tác giả tự sự rằng “đó là vỉa quặng đời riêng tư, là những góp nhặt từ ký ức, từ những chặng đường du ký, mà đau đáu mà trăn trở, yêu thương”.

Đọc hết tập tùy bút, sẽ rõ dần chân dung tác giả, những đoạn đời, những miền đất chị sống. Đó là quê mẹ Đồng Tháp, quê cha Đồng Nai, là Biên Hòa với đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, những ngày bé dại, hồn nhiên với con đường đến trường qua con dốc dài, là “chợ Kỷ Niệm”, thuở học trò ăn hàng và ba cô giám thị; là những góc nhỏ bình yên Sài Gòn của mẹ và con, những ngày con còn thơ bé được mẹ đưa đi học và con đường Nguyễn Du của riêng mẹ đầy lá me bay với thời sinh viên và mối tình đẹp như mơ.

Nhà văn Thu Trân (bìa trái) trong buổi ra mắt sách “Sài Gòn Inbox”.

Đó là ám ảnh về ngôi nhà xưa cũ, đi suốt tuổi thơ những năm tháng nhọc nhằn, nơi “anh em chúng tôi sống bên nhau trong tình yêu thương chan hòa, đói cho sạch rách cho thơm và chưa bao giờ tắt niềm hy vọng về cái ngày mai ấy”; “Ai cũng có quyền nghĩ đến ngày mai của mình với những gì thực tế, còn ước muốn ngày mai của một tuổi thơ nghèo thì luôn luôn vĩ đại” (Đời phải có ngày mai).

Qua từng trang sách, chị dẫn dắt người đọc vào thế giới của quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở đó có những khoảnh khắc đời người trong biến thiên lịch sử, có những thước phim quay chậm về những bóng hình thương yêu trong khung cảnh của mơ mòng. Ở đó người đọc khóc cười, sẻ chia cùng chị qua những buồn vui ấm lạnh của đời người. “Sài Gòn Inbox” không thiếu những câu chuyện dễ thương, tươi tắn mà cũng đầy những dòng nặng trĩu nỗi đời.

Ký ức lung linh về má và bài học cho con

Thế hệ của Thu Trân lớn lên vào những năm đất nước đầy gian khó, là thế hệ “ăn độn mà lớn”, cơ cực còn ám ảnh nhiều năm, nhưng đó cũng là hành trang để họ đủ sức bước mạnh mẽ trong đời khi những tháng ngày khó nghèo nhất họ đã vượt qua. Nhưng họ trưởng thành cũng nhờ công ơn trời biển của mẹ cha.

Trong tập sách này, hình ảnh người mẹ của nữ nhà văn hiện lên giản dị mà lớn lao, bé nhỏ mà lồng lộng. Với chị, má là vùng trời sáng rỡ, là nguồn cảm xúc vô tận, chị dành một ngăn tinh thần lớn dành cho má với những trang văn dung dị, đầy cảm động. Làm sao có thể quên màu nắng Tết của má, những công việc giăng đầy những ngày tháng Chạp cho đến ngày ba mươi, má tảo tần lo toan cho cả nhà có cái Tết đủ đầy.

“Tết từ má là tình yêu quê hương, gia đình, ông bà, cha mẹ… trong anh em chúng tôi, bất biến… Không có má thì không có Tết, dẫu biết không ai sống ngoài vòng sinh - lão - bệnh - tử. Tôi thầm mong Tết vẫn đến, mà hãy chầm chậm hơn một chút, thưa thưa hơn một chút, để trái chín cây nẫu nà đừng rụng, để anh em tôi mãi còn Tết và má yêu thương” (Không có má thì không có Tết).

Những trang viết thấm đẫm lòng yêu kính, tiếc thương về má của chị khiến người đọc mềm lòng. Thời gian đi qua tuổi đời, in dấu trên dáng hình của má, tiếng còi tàu trên sân ga thuở má tảo tần xoay xở bán buôn nuôi đàn con… Những ký ức lung linh, nhòe mờ sau giọt nước mắt. “Cuối con đường như có như không… Nhang khói loanh quanh, con nhìn đâu cũng thấy má, ngọn cỏ lá cây hiu hiu nào đưa má yêu thương trở về” (Mưa về ướt đẫm cánh diều con).

Bên cạnh người mẹ thì hai con là tất cả cuộc đời Thu Trân. Vượt qua biến cố gia đình, chị kiên cường nuôi dạy hai con thành tài. Dĩ nhiên không thể kể hết những nỗi nhọc nhằn của ba mẹ con chị, hai mươi năm đi qua và đổi lại bằng danh vọng của chị và sự trưởng thành của các con. Người đọc sẽ thấy hai chị em Bờm được mẹ Thu Trân chăm sóc ra sao; những câu chuyện của các con kể cho chị và ứng xử của mẹ con chị là những bài học sâu sắc để dạy con về lòng nhân, về lối sống ở đời…

Bìa sách “Sài Gòn Inbox”.

Với Thu Trân, “ba mẹ con ở những ngôi nhà bình thường, ăn những bữa ăn bình thường, quần áo bình thường, xe pháo bình thường. Nhưng học hành, làm việc thì phải ok. Thừa sức tự tin mà đối đầu (cope chứ không phải face) và giải quyết các mâu thuẫn ngày càng lạ đời của thế giới phẳng mà không phẳng này” (Đồng tiền nhảy điệu tango).

“Đừng bao giờ cảm thấy buồn hay cảm thấy bị đối xử bất công với những gì chưa vừa lòng vừa ý, đừng bao giờ cảm thấy chông chênh trước những thất bại lần lượt và liên tiếp” (Đừng nghĩ mình thiệt thòi con nhé).

Đong đầy tình nghĩa, yêu thương

Cũng trong mạch văn tuôn chảy, “Trường điên” là một hoài niệm đẹp về tình người. Nơi đó, những bài học kiến thức đi cùng những bài học làm người, nhất là lòng nhân ái, sự cảm thông, tôn trọng dành cho con người – dù là người bệnh tâm thần. Thu Trân cũng kể cho chúng ta những câu chuyện về đời sống đô thị, những câu chuyện quen mà lạ, những con người ta thường gặp mỗi ngày.

Với “Gậy bốn chân và màu hoa mỗi sáng” là câu chuyện nhẹ nhàng, đầy nghĩa tình của người dân Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh. Cả khu phố mua hoa tặng cho bà cụ tập đi, đám thanh niên chạy xe chậm lại, không rú ga ầm ĩ nữa.

Những chuyện viết ra có tính diễu nhại mà thoáng xót xa như chuyện đám khỉ ở Cần Giờ sinh tật bởi cách con người đối xử với chúng, làm hư chúng. Các tản mạn của Thu Trân về Sài Gòn mưa, xôi Sài Gòn, về bóng đá, đi “bão”… cho thấy chị rất am tường và sắc sảo trên nhiều lãnh vực, có kiến văn đầy đặn…

Tập sách cũng dành dung lượng cho những vùng đất tác giả đi qua trên thế giới, từ Nhật Bản, Myanmar, Đức đến Nga, Nam Phi, Brasil... Thu Trân viết nhiều vùng miền trong nước, riêng với Trường Sa là những dòng xúc cảm tươi mới của một nhà văn - nhà báo, người con nước Việt yêu Tổ quốc nồng nàn. Tập bút ký với rất nhiều cảm xúc ngân rung và sau những nỗi buồn vẫn đọng lại sự lạc quan, trân trọng những gì đang có hôm nay: “Đời còn nhiều điều để yêu thương lắm”.

“Với mẹ bây giờ, hạnh phúc là mỗi ngày, sau những giờ ở cơ quan, ở trường trở về, mẹ con mình đều bình yên và ăn với nhau bữa cơm nóng sốt” (Hạnh phúc là gì hả mẹ?).

Có thể nói “Sài Gòn Inbox” là tùy bút của yêu thương. “Đó chính là nhịp đời, tôi xâu chuỗi và gắn kết nó lại bằng cảm thức của một tâm hồn không bao giờ bị hủy diệt bởi những chi phối đời thường như tiền vàng, đô la, ngọc ngà kim cương, châu báu… Một tâm hồn luôn biết nhận và cho. Và thích cho nhiều hơn nhận. Bạn đọc đi nhé, “Sài Gòn Inbox”.

Những ngón tay cái và 19 đóa hồng

Dĩ nhiên, không thể thiếu chuyện tình khi “Sài Gòn Inbox” còn là một tự truyện của tác giả. Thời thiếu nữ thanh xuân của chị, câu chuyện về những ngón tay cái duyên dáng hay những đoản khúc tình yêu ngốc nghếch qua 19 đóa hồng “rướm máu” vì anh chàng liều mạng vào công viên hái trộm bị gai cào; buổi xem phim hụt vì bạn bè tới đông hơn số vé có được, nhường bạn và đi uống nước mía; chuyện đi chơi Giáng sinh lạc nhau của một thời nông nổi…
Bùi Việt Quý
.
.