Chữ như là tấm khiên che chở nhà văn

Chủ Nhật, 29/12/2019, 08:21
Nguyễn Văn Thọ xuất hiện trên văn đàn trong vai một cây bút truyện ngắn giàu nội lực và cá tính với "Vàng xưa", "Sẫm violet", "Hương mỹ nhân", "Vườn mộng". Như ai đó nói, viết văn xuôi cuối cùng vẫn cần thử sức bằng tiểu thuyết, phải thế mới có tiêu chuẩn để đo sức khỏe của một cây bút được coi là thành danh...


Từ văn xuôi đến phê bình

Đúng vậy! "Quyên" (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2009), nhận Giải Nhì Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 (2006-2009) của Hội Nhà văn Việt Nam, đã được chuyển thể thành phim truyện (cả tiểu thuyết, cả phim đã lấy đi không ít nước mắt của độc giả /khán giả ngày nay vốn thông minh nhưng cũng rất khó tính).

"Đi qua đời tôi", với hình thức thể loại phê bình kép, vừa vẽ chân dung, vừa luận bàn rộng ra văn học nghệ thuật, là một dấu chỉ xác nhận Nguyễn Văn Thọ đa tài, đã tạo nên "thương hiệu" riêng. "Đi qua đời tôi" gồm 45 bài viết thuộc nhiều dạng thức: phê bình chân dung, thời luận nghệ thuật, hồi ức,... thuộc nhiều lĩnh vực văn chương, hội họa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh,...

Bài viết mới đây nhất "Sự độc đáo của Chuyện tình Khau Vai" phê bình tiểu thuyết của Nguyễn Thế Kỷ, NXB Văn học, 2019 in trên Báo Văn nghệ Công an chứng tỏ Nguyễn Văn Thọ có đủ phẩm chất và năng lực để vừa sáng tác văn xuôi thành công, vừa viết phê bình văn học có thể tạo hấp lực với độc giả. Chỉ có ai đọc kỹ Nguyễn Văn Thọ qua tác phẩm mới nhất này mới hiểu vì sao nhà văn lại đặt tên sách là "Đi qua đời tôi".

Đó là từ một câu văn trong bài "Chân thành như Nguyễn Phan Hách": "Với tôi, thi sĩ Nguyễn Phan Hách không phải là một thần tượng. Tôi chẳng có thần tượng nào ngoài "Sự kính trọng, thương yêu có phân tích" mà suốt đời tôi dành cho con người thuộc về Dân tộc - Bác Hồ. Vậy mà nhiều khi tôi lại muốn viết về anh, nhà văn, thi sĩ Nguyễn Phan Hách. Anh là một người đã đi qua đời tôi. Những dấu ấn rất khó mờ. Vui buồn" (ĐQĐT, trang 117).

Cá tính phê bình

Nếu soi chiếu vào đặc điểm như là chuẩn chỉ của nhà văn là đi-đọc-viết thì Nguyễn Văn Thọ hội đủ. Hơn mười năm cầm súng ở chiến trường miền Nam ra sống vào chết, hơn 20 năm bươn chải mưu sinh nhọc nhằn ở Đức, ngay cả khi gần đây trở về Việt Nam sống lâu dài thì ở đâu, làm gì ông nhà văn này cũng không lúc nào yên ổn, mọc rễ lâu ở một chốn, dù nơi đó tiện nghi đủ đầy, mặc sức thỏa chí tang bồng.

Bìa tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Tôi cứ hình dung, Nguyễn Văn Thọ như một cỗ xe thiết giáp hiện đại chỉ có xông lên phía trước, cán đích nhanh nhất, hiệu quả nhất. Có vẻ không cam lòng chỉ là người sáng tác, ông luôn muốn trở thành ngòi bút đa năng trong nhiều lĩnh vực văn chương.

Vậy nên, cái nét ưu trội trong phê bình của Nguyễn Văn Thọ là áp sát đời sống, giống chiến thuật "bám lấy thắt lưng địch mà đánh" thường được vận dụng thành công trong chiến tranh. Giao diện của nhà văn rộng, viết từ văn chương sang điện ảnh, hội họa, âm nhạc, sân khấu. Viết từ người trẻ đẹp cầm bút như Dili đến trưởng lão làng văn Tô Hoài (liền 3 bài). Viết về các họa sỹ Thành Chương, Nguyễn Đại Giang, Lê Đình Nguyên đến các nhạc sỹ Trịnh Công Sơn,...

Cũng có người cho rằng Nguyễn Văn Thọ đôi khi quá say sưa với đối tượng như viết về Đỗ Bích Thúy (2 bài liền), có khi lại kê cao Dili người đẹp viết văn. Tôi thì nghĩ, không có gì là không thể trong một thế giới phẳng.

Tôi riêng thích cái giọng nhiều cung bậc của Nguyễn Văn Thọ: lúc thì riết róng như "Nguyễn Huy Thiệp hay là cuộc trò chuyện ngẫu hứng qua mây gió", chiếm đến 1/10 tổng số trang in của sách, lúc thì thủ thỉ nỉ non "Đồng Đức Bốn và trận mưa cuối cùng", lúc thì cung kính chiêm bái "Nguyễn Bản, người thầy, nhà văn ở ẩn", "Trần Lê Văn mãi ở trong tôi", lúc thì vỗ về bè bạn "Mưa bạn văn ra Hà Nội", lúc thì như cha ban phước lành cho con "Cô Thúy" hay "Ở phố nhớ rừng", "Dili người đẹp viết văn"... Nhưng cũng có lúc ông thả rông sự viết/giọng điệu như "Biệt danh Thọ Muối từ đâu",...

Phê bình Nguyễn Văn Thọ có cái nét đặc trưng là nói cho hết nhẽ, không mấy bận tâm "ý tại ngôn ngoại", không ngại va chạm, mất lòng mất bề. Nghĩa là thẳng băng như ruột ngựa(!?). Ví dụ rõ ràng nhất khi viết về Nguyễn Huy Thiệp: "Về "Tuổi hai mươi yêu dấu", ông Thiệp trả lời mạng Trực tuyến Việt Nam, đã trách cứ nhiều nhà xuất bản không in. Tôi lại thấy, đó là điều may cho ông Thiệp. Tiểu thuyết đầu tay này chứng tỏ Nguyễn Huy Thiệp không có khả năng viết tiểu thuyết. Ông viết như những bài báo xoàng, phản ánh tiêu cực tại Việt Nam.

Nhưng xét ngay ở góc độ báo chí thì cuốn sách lại thua xa những bài báo cùng nội dung đăng tải trên các trang báo hằng ngày. Ông cũng lại dùng miệng cậu Khuê ngay từ mở đề phang nền giáo dục Việt Nam. Mọi bùa phép có thể giúp ông thành công ở truyện ngắn, đem sang tiểu thuyết xem ra không còn hợp, khiến ông đã thất bại thảm hại. Thà như Trần Mạnh Hảo, dũng cảm tỏ thái độ với nhiều vấn nạn hiện nay của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, hay như những bài báo của những phóng viên vừa ra trường viết về  tệ nạn ma túy, mại dâm, còn hơn là Nguyễn Huy Thiệp viết báo bằng món nộm giả cầy, có tên là tiểu thuyết" (ĐQĐT, trang 258).

Xem ra Nguyễn Văn Thọ là một cây bút biến ảo khi viết phê bình. Sự biến ảo này, theo tôi không phải đã là ngón nghề, chiêu thức mà là sự dồn ứ của trải nghiệm, của vui buồn, đau đớn, mất mát, thua thiệt, được còn của một đời người nhiều thăng trầm, nhiều phen lao đao vì lăn lộn. Ông viết theo cách của người lính ở chiến trường (hoặc sống hoặc chết/ nhất xanh cỏ nhì đỏ ngực) và của một người làm ăn ở thị trường (hoặc lãi hoặc lỗ, hoặc được hoặc mất). Cả hai mặt trận này, tôi thấy Nguyễn Văn Thọ đều không ngán, cứ xông thẳng vào gian nguy, có đôi chút liều lĩnh, phiêu lưu và mạo hiểm. Ai đó nói không quá, ông nhà văn này có máu giang hồ. Nhưng cầu trời phù hộ, chữ như là tấm khiên lá bùa che chở nhà văn. Tôi nghĩ thế không biết có đúng (?!).

VĨ THANH: Nguyễn Văn Thọ là cây bút rất dễ để độc giả khen hoặc chê đều có lý, có tình. Tôi còn nhớ, cách nay chưa lâu, khi ông in truyện ngắn "Mùi thuốc súng", lập tức chia đôi dư luận về truyện ngắn này. Ấy thế mới rôm rả văn chương. Lần này lại cũng thế. Nhiều người thích Nguyễn Văn Thọ tung tẩy, múa bút trên từng trang "Đi qua đời tôi". Lại cũng không ít người nghĩ ông nhà văn này hơi tham, làm gì mà bắt "Đi qua đời tôi" oằn lưng "cõng" đến 45 bài theo lối trình diễn "tạp kỹ" (?!). Nhưng nếu ai hiểu tâm thế, tâm tình, trâm trạng của Nguyễn Văn Thọ từ khi trượt qua dốc U80 (ông sinh 1948) thì hay khắc khoải, thấp thỏm chúng mình còn ít thời gian lắm. Câu này chính tai tôi nghe từ nhà thơ Hoàng Vũ Thuật hôm ra Hà Nội dự buổi gặp gỡ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức nhân "lễ thôi nôi" ấn phẩm Viết & Đọc.

Hôm đó tôi ngồi giữa Nguyễn Văn Thọ và Hoàng Vũ Thuật. Nếu tôi là người biên tập, sẽ thẳng thắn như sự thẳng thắn của tác giả, đề nghị bỏ bớt một số bài, thì bây giờ cuốn sách sẽ gọn gàng, xinh xắn, bắt mắt biết bao để khỏi vương vất đôi chút eo xèo.

Nhưng nói gì thì nói, "Đi qua đời tôi" vẫn cứ có những trọng lực, trọng tâm của nó. Không riêng tôi, nhiều người thích những bài ánh lên cái chất Nguyễn Văn Thọ như: "Trần Đăng Khoa gã phù thủy chữ đùa giỡn với Thượng đế và Thánh thần", "Đỗ Chu, lão mai - quế - hương - đời", "Mười năm xa nhớ Bế Kiến Quốc", "Nguyễn Bản, người thầy, nhà văn ở ẩn"…

Có người nói, nếu như Nguyễn Văn Thọ dũng cảm tự biên tập trước, lược bỏ bớt đi một số bài về các lĩnh vực ngoài văn chương thì "Đi qua đời tôi" trở thành một khối thống nhất, gọn ghẽ hơn, lấp lánh hơn, ấn tượng hơn. Nhưng than ôi, chỉ vì hai chữ nếu như, đôi khi lịch sử còn có thể thay đổi. Huống hồ văn chương. Huống hồ phê bình!

Hà Nội, 12-2019

Bùi Việt Thắng
.
.