Thông điệp từ “Mộng đế vương”

Thứ Sáu, 05/04/2019, 08:10
Đọc hết những dòng chữ cuối cùng trong trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết "Mộng đế vương" của nhà văn Nguyễn Trường (Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản năm 2019), tôi gấp sách lại và ngẫm ngợi...


Nhà văn Nguyễn Trường đã viết về một nhân vật dù không phải là “nhân vật lịch sử” nhưng  đó là “tham vọng của một “dân cậu” ở xứ quê đã thành truyền tích từ nhiều chục năm nay ở miền Tây Nam bộ nửa hư, nửa thực, vừa buồn cười vừa đáng thương, lại rất Việt Nam, là cái phía còn chìm trong bóng tối của người nông dân Việt Nam chưa được văn chương khai phá” (lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Khải).

Tôi ngờ rằng Nguyễn Trường khi đặt bút viết “Mộng đế vương” là khi ông đã nghĩ tới một “hình bóng” khác. Một hình bóng tuy không phải là nhân vật tiêu biểu hoặc nhân vật điển hình hay đơn giản chỉ là đại diện cho một thời kỳ, một vùng đất.

Theo suy nghĩ của tôi thì đó là “hình bóng” phản ánh một “góc khuất” trong con người miền Tây Nam bộ giữa thời buổi ly loạn và đầy rẫy những “tư tưởng”, đầy rẫy những tôn giáo, đầy rẫy những “ước nguyện” của nửa đầu thế kỷ hai mươi. Và chính trong cái “lần mò” ấy đã hình thành nên một nhân vật ban đầu ta tưởng đó là “Tham vọng vô bờ”, nhưng bình tâm nghĩ lại ta mới ớ ra vì đó chính là “Một sự ngộ nhận” hoang sơ hay nói một cách khác đó là “sự thiếu một tư tưởng nền móng”.

Ông Đạo Dừa, Nguyễn Thành Nam có phải là nhân vật vô học nên mông muội? Không. Bằng chứng là từ năm 1928 đến năm 1935, con người này đã từng sang Pháp du học. Học xong về nước hay chính xác hơn là trở về miền Tây sông nước vào nửa cuối thập niên ba mươi của thế kỷ hai mươi, Nguyễn Thành Nam “chìm vào” cái chất, cái tinh thần cùng cái hồn Nam bộ của giai đoạn lận đận và dường như bế tắc trong cuộc kiếm tìm đường đi.

Và trong “điều kiện” như vậy, điều kiện Nam bộ hồi nửa đầu thế kỷ hai mươi, đã ra đời một thứ tôn giáo gọi là “Đạo vừa vừa” mà sau này được biết nhiều với cái tên “Đạo Dừa”. Một thứ tôn giáo lẫn lộn giữa “hoang tưởng phong kiến” với những mê tín hoang sơ. Đó là sự mê hoặc những con người lao động chân chính để “dụ” họ, để “lôi kéo” họ, để đánh lạc hướng và để lợi dụng họ.

Bìa tác phẩm “Mộng Đế Vương” của nhà văn Nguyễn Trường.

Người nông dân Nam bộ tự nhiên bị “phân hóa”, tự nhiên bị “chia nhỏ” và tự nhiên bị “làm yếu đi”. Tinh thần quật cường tranh đấu với thiên nhiên để tạo lập cuộc sống đã có hàng mấy trăm năm từ thuở ban đầu đi khai hoang lập địa đã phần nào bị “nguội cạn”. Người dân Nam bộ đã không còn tập hợp lại thành một đội ngũ đoàn kết, chung một mục tiêu, chung một lý tưởng nữa. Theo tôi đây mới là cái để “Đạo Dừa” ra đời, tồn tại và song hành với các tôn giáo, giáo phái khác đã có ở đây như Cao Đài, như Hòa Hảo.

Và một “vương quốc” Cồn Phụng với “cách nghĩ hoang tưởng” của mình khi thông qua lời kêu gọi “Người ơi! Việt Nam ơi! Đông Dương ơi! Muốn có hòa bình thống nhất Việt Nam và Đông Dương ngay tức thì áp dụng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 theo kiểu Mõ neo Ba Lai của Nhơn thiên giáo chủ thích hòa bình Nam Nguyễn Thành, tự ông Đạo Dừa (vừa) sẵn có bảo đảm  gọi là giải pháp hòa bình thiên định theo hà đồ bát quái cẩn khắc trên lưng Long Mã” (trang 84) của Đạo Dừa mới nghe đã thấy ngay mơ hồ, thấy ngay một con đường đi mông muội.

Đó chính là sự thiếu niềm tin hay câu chuyện về một giai đoạn “khủng hoảng” tư tưởng giữa những hỗn mang thật dễ bề cho kẻ xâm lược, kẻ cai trị vội nắm lấy để lợi dụng. Tôi cho rằng “Đạo Dừa tồn tại với trên một triệu tín đồ trong suốt một thời gian dài từ sau 1945 đến 1975 không hẳn vì chủ nhân của nó, ông Đạo Dừa, Nguyễn Thành Nam là nhân vật đại diện cho người dân Nam bộ mà là nhân vật này với tôn giáo của mình đã “vô tình” đi vào “quỹ đạo của các thế lực xâm chiếm”.

Ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trường đã “đụng” đến “một vùng tư tưởng và vùng lối sống” mà xưa nay văn học Việt Nam bỏ quên hoặc chưa đề cập đến kỹ càng, chưa nói rõ được về vùng đất và về con người Nam bộ.

Thường các tác phẩm văn học miền Nam và viết về miền Nam xưa nay chỉ nói đến một vùng đất dồi dào của cải, lối sống phóng túng, bản chất ngang tàng. Còn nói đến, viết đến vấn đề tôn giáo rất đa dạng, rất phức tạp ở miền Nam và nhất là tôn giáo ấy có thể là vô tình hoặc cũng có thể là hữu ý trở thành công cụ cai trị của chế độ thực dân cũ và mới thì hầu như chưa mấy đề cập tới. Ở tiểu thuyết “Mộng đế vương”, theo tôi  tác giả đã “đi vào” cái cốt lõi tâm hồn còn đầy ly tán, còn đầy phân vân của một bộ phận không nhỏ người dân Nam bộ.  

Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam có phải là nhân vật yêu nước? Không. Sau khi Đạo Dừa đã “ổn định” địa bàn của mình và có được một lượng không nhỏ tín đồ (một triệu tín đồ khi mà Nam bộ vào thời điểm trước 1975 chỉ rơi vào khoảng năm hay bảy triệu người) thì nói gì thì nói “ông chủ” của tôn giáo này không thể “thoát ly thực tế” được.

Thực tế mà ai cũng biết đó là cả nước ta, cả dân tộc ta đang trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Thực tế đó cho dù các tín đồ các tôn giáo có “mê muội” đến đâu đi chăng nữa thì họ cũng phải nhớ đến. Đơn giản vì cho dù là tín đồ của một tôn giáo nào đó nhưng họ vẫn là những công dân đang sống trong một đất nước có chiến tranh.

Và ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam với sự “tự tin” đến “ngây thơ” của mình cộng với thái độ nhìn nhận huyền bí pha tự huyễn hoặc “Năm 1935 – 1945 về xứ lên Thất Sơn huyền bí tìm giải pháp hòa bình thiên định theo lý số âm dương “bất chiến bất bạo động”. Năm 1947 – 1972 làm hòa bình, từng vào tù khám song chẳng sờn lòng trì chí dung đạo đức thống nhất Việt Nam sống chung theo thiên cơ thiên định, thiên nhơn lãnh đạo “Thích ca hòa bình” (trang 110).

Với tư tưởng xa rời thực tế, ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam đã có một “ngộ nhận” không hề nhỏ. Kiểu “đấu tranh kiến tạo hòa bình” theo kiểu “ru ngủ” hay trông chờ vào “lòng tốt” của kẻ xâm lược là một sai lầm mà chính các thế lực cai trị “tranh thủ” lợi dụng. Bằng chứng là chính quyền cai trị chỉ “giả vờ” gây áp lực theo kiểu mang tính “khuyến khích” hơn là răn đe đã càng làm cho ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam ngộ nhận lại thêm ngộ nhận.

Ông Đạo Dừa đã lần nữa “vô tình” trở thành con bài chia rẽ khối đại đoàn kết đấu tranh của nhân dân Nam bộ, của chính quyền cai trị. Chính quyền cai trị còn giả đánh giá cao Đạo Dừa mà “bật đèn xanh” cho ông Đạo Dừa nẩy ra ý định “tranh cử Tổng thống”. Ai cũng biết và sau đó ông Đạo Dừa cũng biết việc bầu cử khi đó chỉ là trò “dân chủ giả hiệu”.

Sự ngộ nhận còn được Nguyễn Thành Nam hai lần “tự tin” có thể tự mình tìm đường ra Bắc gặp Cụ Hồ Chí Minh để “bàn về hòa bình”. Ngộ nhận hay lẫn lộn ý thức khi Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam đưa ra “Một giải pháp hòa bình” thông qua đàm phán không thực chất và xa rời đấu tranh vũ trang giành độc lập thực sự là một âm mưu hòng làm “nản chí” trong nhân dân.

Đúng là chúng ta đã chiến đấu, đã đàm phán, và “Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” đã được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973, nhưng đó “là cuộc đấu tranh trên chiến trường kết hợp với đàm phán hòa bình” của nhân dân ta chứ kiểu “đàm phán trông chờ vào thái độ của kẻ xâm lược” thì hoàn toàn là thiếu thực tế. Và chắc là hiểu được điều đó nên chính quyền cai trị khi đó cho dù đang lợi dụng Đạo Dừa nhưng cũng chẳng ưa gì cái đạo “lạ lùng” nên cũng muốn mượn tay người khác để “thanh toán” ông chủ đạo ấy.

Dĩ nhiên chúng ta đều biết, cuộc chiến đấu kéo dài hàng mấy chục năm của nhân dân ta nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cuối cùng cũng đến đích huy hoàng. Thắng lợi vẻ vang ngày 30 tháng 4 năm 1975 là thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa, của khối đoàn kết toàn dân tộc, của tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Gấp “Mộng đế vương” lại tôi hình dung ra tác giả của cuốn sách đâu chỉ cho chúng ta biết về “cái phía còn chìm trong bóng tối của nông dân Nam bộ” mà đã cho ta một thông điệp sâu sắc “Muốn thành công phải dựa vào sức mình, dựa vào tư tưởng lành mạnh. Dựa vào thánh thần, dựa vào tâm linh, dựa vào mê tín chỉ có thể đưa ta tới chỗ thất bại mà thôi”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.