Thời của tiểu thuyết ngắn

Thứ Bảy, 14/09/2019, 08:06
Thời nay đọc một cuốn tiểu thuyết dài gần như là một sự... mạo hiểm hoặc cần có một thứ bảo lãnh cho nó: tác phẩm kinh điển, tác phẩm bán chạy, tác giả là người cực kì được yêu thích... Ngay cả những người ham đọc sách, tiểu thuyết dài ngày càng trở thành một thử thách.


Nói như thế để thấy rằng tiểu thuyết ngắn sẽ lên ngôi hoặc sẽ trở thành một xu hướng lớn và phổ biến. Tất nhiên, tiểu thuyết ngắn không phải bây giờ mới xuất hiện, mà ở một đất nước như Việt Nam, nơi văn học ít khi có vị trí tiên phong, ngay ở giai đoạn trước năm 1945 đã là thời hoàng kim của các tiểu thuyết ngắn.

Các tác giả sung sức giai đoạn ấy như Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Triệu Luật, Hồ Biểu Chánh... xuất bản rất nhiều các tiểu thuyết ngắn. Xu hướng thời ấy là các cuốn sách chỉ độ dưới 200 trăm trang khổ nhỏ và bán khá chạy.

Thông thường, nghĩ đến tiểu thuyết người ta thường nghĩ những cuốn sách vạm vỡ, nặng trịch, dày khụ, hoặc nhiều tập. “Những người khốn khổ”, “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “Thằng cười”... của Victor Hugo; “Chiến tranh hòa bình”, “Anna Karenina” của Lev Tolstoy nặng kí với cả nghĩa đen và nghĩa bóng; Dostoeivsky cũng không chịu thua kém với những tập dày: “Anh em nhà Karamzov”, “Gã khờ”, “Tội ác và hình phạt”...

Tiểu thuyết “Lụa” của Alessandro Baricco.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, những tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ cũng dày cộm, có thể kể đến “Moby Dick - Cá voi trắng” của Herman Melville, “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell, “Giết con chim nhại” của Harper Lee... Nói chung, đề cập đến những tiểu thuyết kinh điển thế giới, người ta thường nghĩ ngay đến những cuốn sách “gối đầu giường” ở đúng nghĩa đen của chúng.

Thế sao bây giờ người ta chuộng tiểu thuyết ngắn hơn? Vấn đề tối quan trọng là quỹ thời gian và sự lựa chọn. Thời gian của con người hiện đại ngày càng hiếm, họ không nằm trong thời đại của các tiểu thư quý tộc khi xưa, những người có vô số thời gian rảnh rỗi và là một trong những đối tượng chính của tiểu thuyết. Con người bây giờ ai cũng bận rộn, thời gian là một thứ quý giá và luôn cần tranh thủ, một quyển tiểu thuyết ngắn tất nhiên phù hợp hơn rất nhiều về mặt thời gian cho đa số mọi người.

Vấn đề nữa là sự lựa chọn. Người đọc cổ điển dường như có ít sự lựa chọn cho nhu cầu giải trí của mình: đọc sách, đến rạp kịch, khiêu vũ... Còn công dân hiện đại, sự lựa chọn của họ đa dạng hơn nhiều: xem phim, nghe nhạc trực tuyến, xem truyền hình, chơi games, du lịch, ăn uống...

Sách văn học bị cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí khác, một kiểu mẫu sách nói chung và tiểu thuyết ngắn nói riêng phù hợp với tình thế này: ngắn, bỏ túi để thích nghi được với môi trường đầy cạnh tranh này.

 Tiểu thuyết ngắn nhưng không phải không có những tác phẩm lớn hoặc xuất sắc. Ngay ở nền văn học Việt, ta có thể dễ dàng thấy điều này. “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, một trong những đỉnh cao của văn học Việt giai đoạn trước năm 1945 là cuốn tiểu thuyết khá mỏng với một nhân vật trung tâm là Xuân tóc đỏ.

Nếu không có “Số đỏ”, chắc chắn nền văn học Việt hiện đại, kể cả tính đến thời điểm bây giờ sẽ khuyết đi một mảnh ghép rất quan trọng. Các tiểu thuyết “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, “Lan Hữu” của Nhượng Tống, “Sống mòn” của Nam Cao, “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố... đều là những tiểu thuyết ngắn nhưng vai trò và vị thế của chúng rất đáng kể trong sự nghiệp của các nhà văn cũng như tiến trình lịch sử của văn học Việt.

Tiểu thuyết “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách.

“Chùa Đàn”, tiểu thuyết được coi là xuất sắc và ma mị nhất của Nguyễn Tuân cũng là một cuốn tiểu thuyết rất ngắn. Ngắn nhưng “Chùa Đàn” kết tinh những tài hoa và sở trường nhất của Nguyễn Tuân: ngôn ngữ trau chuốt, kì khu, cốt truyện li kì và một bầu không khí ma quái, hoài cổ của một thời vang bóng...

 Một tác phẩm được coi là xuất sắc nhất của nhà văn hiện đại Nguyễn Minh Châu thì “Phiên chợ Giát” cũng rất ngắn, nó giống với một truyện dài hơn là tiểu thuyết nhưng là kết tinh xuất sắc nhất của đời văn Nguyễn Minh Châu chứ không phải những tác phẩm dầy dặn của ông. Những nhà văn đang vào độ sung sức hiện nay như Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Đoàn Minh Phượng, Thuận... cũng xuất bản khá nhiều những tiểu thuyết ngắn.

Thế giới từng chứng kiến những tiểu thuyết ngắn xuất sắc. Các tiểu thuyết ngắn của Italo Calvio trong bộ “Tổ tiên của chúng ta”, trong đó các cuốn “Tử tước chẻ đôi”, “Hiệp sĩ không hiện hữu”... đã trở thành kinh điển của văn học thế giới và ảnh hưởng đến rất nhiều người. Cũng ở nước Ý có một người nữa, Alessandro Baricco với cuốn tiểu thuyết siêu ngắn: “Lụa”.

Cuốn sách của Alessandro Baricco được bán mấy chục triệu bản, dịch ra rất nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Đọc cuốn “Lụa” lần đầu, chính tôi cũng ngỡ ngàng. Hóa ra tiểu thuyết có thể ngắn và đẹp đến thế. Cuốn tiểu thuyết siêu ngắn giàu chất điện ảnh này đã trở thành một trong những thành tựu tiêu biểu của văn học Ý đương đại và được dựng thành phim.

Và ở nước Nhật, nhà văn lừng danh Kawabata là người có rất nhiều tiểu thuyết ngắn: “Ngàn cánh hạc”, “Người đẹp say ngủ”, “Tiếng rền của núi”, “Xứ tuyết”... Những cuốn sách này đều là những hình mẫu cho văn học Nhật Bản với phẩm chất cơ bản là đẹp và buồn.

Nhưng không phải những nhà văn cổ điển thì họ không viết những tiểu thuyết ngắn. Victor Hugo có cuốn “Ngày cuối cùng của tử tù” rất mỏng, Lev Tolstoy có “Bản sonata Kreutzer”, Dostoievsky với “Là bóng hay là hình”, “Đêm trắng” đều rất xinh xẻo. Các nhà văn cổ điển viết những tiểu thuyết ngắn ở giai đoạn đầu của mình hoặc ở những quãng nghỉ giữa những cuốn rất dài. Lúc nào cũng viết những cuốn quá dài có thể khiến người ta kiệt sức.

Còn các nhà văn Việt, tiểu thuyết ngắn dường như là thể loại rất được ưa chuộng. Nhiều người đã giải thích điều này, đó là do thể trạng, tâm lí người Việt nói chung thích và phù hợp với những thứ nhỏ xinh, vừa phải.

Ngay cả ở các công trình kiến trúc, thứ dễ phô phang tầm vóc nhất thì xưa nay ở nước Việt thường cũng là những công trình vừa phải. Tôi muốn nói thêm đến yếu tố tâm lí và thị trường của văn học giai đoạn trước 1945 nữa chi phối đến yếu tố ngắn dài.

Tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố.

Ở thời kì này, số người biết chữ không quá nhiều và tập trung chủ yếu ở thành thị và rõ ràng sự giải trí cho người đọc là điều quan trọng nhất với người viết. Những tiểu thuyết ngắn sẽ phù hợp với tầm đón đợi của độc giả, nhẹ nhàng, dễ đọc. Đấy là chưa kể đến yếu tố kinh tế rất quan trọng: nhà văn viết ngắn thì canh tác được nhiều, sách dễ xuất bản và vừa với túi tiền bình dân. Ở giai đoạn đó ta rất ít thấy các cuốn tiểu thuyết dài của các nhà văn Việt. Các tiểu thuyết dài của nước ngoài được dịch thì cũng chuộng hình thức in dài kì trên báo.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng ngắn không có nghĩa là tầm vóc của cuốn sách thu hẹp lại. Ở thời hiện đại, một nhà văn viết ngắn không có nghĩa là tầm vóc của anh ta thua kém những người viết dài. Vấn đề là sự cô đặc, sự nén, ngôn từ được lựa chọn kĩ càng, sức nặng của vấn đề cũng như tài năng và kĩ thuật của người viết.

Một người viết ngắn mà tạo được hiệu quả lớn rõ ràng anh ta đã tài năng hơn một người viết dài với sự ảnh hưởng tương đương, vì đứng về góc độ hiệu quả, người viết ngắn đã tiết kiệm được thời gian, công sức, nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất và tư duy. Người đọc vẫn nhận được từng ấy cảm xúc, nội dung mà anh ta không tốn quá nhiều thời gian công sức thì điều ấy rõ ràng là ưu việt.

Tất nhiên, viết ngắn hay dài là tùy thuộc vào sở trường và sở thích của mỗi người. Và một vấn đề nữa cần làm rõ thêm, thế nào là ngắn? Theo quan sát của tôi thì những tiểu thuyết từ hai trăm trang đổ lại đều có thể coi là những tiểu thuyết ngắn. Người Trung Quốc thì phân biệt rạch ròi hơn khi họ gọi các thể loại tự sự là “đoản thiên tiểu thuyết”, “trung thiên tiểu thuyết” và “trường thiên tiểu thuyết”.

Đoản thiên tiểu thuyết tương ứng với truyện ngắn, còn trung thiên tiểu thuyết có lẽ phù hợp với thể loại tiểu thuyết ngắn mà ta đang bàn. Một số người do khiêm tốn hoặc theo thói quen, gọi tiểu thuyết ngắn là “truyện dài” nhưng theo tôi cách gọi này chưa chắc đã hợp lí vì tiểu thuyết có những đặc trưng riêng mà truyện dài không có, ví dụ về kết cấu, ý tưởng. Một tiểu thuyết có thể rất ngắn vẫn đầy đủ một kết cấu hoàn chỉnh và những ý tưởng riêng biệt.

Lại có những nhà văn viết những truyện ngắn theo kiểu tiểu thuyết, nghĩa là chú trọng đến kết cấu và bố cục. Điều đặc biệt tôi thích ở tiểu thuyết ngắn là dường như các nhà văn sẽ cô đọng và tiết chế hơn về mặt ngôn ngữ. Nếu viết quá dài, ngôn ngữ anh sẽ vung vãi ra và khó lòng trau chuốt cho thật sắc, thật đẹp, nhưng với những tác phẩm có dung lượng vừa phải, người ta có thể làm được điều này. Đây cũng sự gần gũi với ý tưởng của J. Borges, một bậc thầy văn chương của Mỹ Latinh khi ông cự tuyệt với các thể loại dài vì sợ rằng mình sẽ thừa mứa và không kiểm soát được ngôn ngữ.

Người ta vẫn trông chờ những pho tiểu thuyết lớn khái quát cả một thời đại hay truyền tải những câu chuyện lớn lao nhưng có thể với những tiểu thuyết ngắn, nhà văn vẫn làm được điều này hiệu quả. Một sự xinh xắn về hình thức, cô đọng về ngôn ngữ và những ý tưởng dồn nén là thế mạnh của tiểu thuyết ngắn và tôi tin rằng nó sẽ ngày càng chiếm ưu thế và trở thành những trụ cột quan trọng bậc nhất của văn học.

Uông Triều
.
.