Thơ của người đàn bà hát ru đời
- Sức hút của một “Cung đường mê”
- Lắng sâu “Đoản khúc trao mùa”
- Người lưu giữ bảo tàng ấu thơ bằng ngôn ngữ
45 bài thơ trong tập được chia thành 3 khúc: Khúc Quê, Khúc Ru và Khúc Yêu nhưng theo tôi, toàn bộ những câu thơ ấy của La Mai Thi Gia là những khúc ru tha thiết, dịu dàng và nồng nàn nhất mà một người con, một người vợ, một người mẹ, một người tình nhân có thể dâng tặng cho quê hương, cho mẹ cha, cho những đứa con thơ, cho tha nhân và cho người đàn ông mà nhà thơ yêu thương trân trọng.
Những bài thơ đầu tiên của tập thơ, La Mai Thi Gia viết về tình cố lý, nơi mà tác giả đã rời xa ngày vừa tròn 18. Thế nên nỗi nhớ quê hương xứ sở, nhớ mẹ cha, nhớ ngôi nhà nhỏ, nhớ những món ăn chân chất dung dị của làng quê vùng biển miền Trung nghèo khó ấy cứ đau đáu trở đi trở lại trong thơ. Nỗi nhớ ấy đã nhiều lần bật lên thành tiếng kêu thảng thốt:
Quê ơi, quê ơi
Lũy thừa nỗi nhớ
Dâng lên ngập trời
(Khúc ly quê)
Tiếng kêu thảng thốt ấy còn như lời tự vấn chính mình, về nỗi ân hận xót xa, giày vò chính bản thân mình của một người con xa xứ bỏ quê mà đi mãi cứ vang lên không dứt trong bài thơ "Biết răng chừ quê ơi?":
Quê mình nghèo rứa bạn
Làng chài chừ quạnh hiu
Ai mang về muôn sắc
Đổ vào loang lổ chiều
….
Mình đi xa lăng lắc
Biết răng chừ quê ơi?
Ừ thì biết răng chừ khi số phận đẩy đưa người con phải xa quê, xa mẹ cha biền biệt. Lời hứa “học xong sẽ về” với mẹ cha, với quê hương của cô gái 18 tuổi lần đầu xa nhà:
Mai con về khi tuổi 18 đã qua
Nối lại câu Kiều miền Trung khi xưa
Lúc tiễn con lên tàu ba nghẹn ngào làm đứt
đã không thể nào thực hiện được dù cô gái ngây thơ ấy đã hứa với ba lời hứa thật lòng:
Rồi con cũng sẽ yêu
Nhưng chàng Kim của con sẽ là chàng Kim xứ Quảng
Biết nói “răng, ri, chi, rứa” phải không ba?
(Tiếng quê)
Để rồi khi thời gian trôi qua, khi cô con gái bé nhỏ của cha dè dặt đặt từng bước chân vào khu vườn tình ái và khám phá ra có một thế giới lung linh hơn, quyến rũ hơn, mê say hơn mảnh vườn đầy ắp thương yêu của mẹ cha, cô con gái ấy gởi lời nhắn nhủ đến cha mà nghe như lời vỗ về, xin lỗi nhưng cũng không giấu được niềm hân hoan trong yêu thương rộn rã của riêng mình:
Vào nhà đi cha ơi, thôi đừng đợi nữa
Con gái cha đã lớn mất rồi
Đã biết sống trên đời…ai cũng phải có đôi
(Con gái theo chồng)
Trái tim chúng ta rung động trước những câu thơ La Mai Thi Gia viết về mẹ hay về sự liên tưởng đến thân phận người đàn bà qua những cơn đau từ tâm hồn và thể xác họ.
Em thường hôn chiếc áo ngực của mình
Bằng đôi môi xót xa
Nỗi xót xa nhiều dần lên theo từng size áo giảm
Quanh khuôn ngực của mình em thấy thanh xuân đi qua
Không chỉ là nỗi xót xa của người đàn bà khi thấy xuân sắc của mình trôi qua trong sự đổi thay của đôi bầu ngực mọng căng từ thời con gái, hay đôi quả mọng đầy ăm ắp sữa nuôi con thơ mà khi hôn chính chiếc áo ngực của mình. Và cũng thật tuyệt khi nhà thơ nói về người đàn ông mình yêu bằng những lời âu yếm yêu thương cũng từ những lần nâng niu chiếc áo ngực ấy:
Khi em hôn chiếc áo ngực của mình
Em chạm…dấu môi anh
Đôi môi thật ngoan, nồng nàn, trẻ dại
(Chín nốt cho anh)
Khi viết về nỗi đau làm người và nỗi đau của người nữ, La Mai Thi Gia đã viết nên những câu thơ tinh tế và đầy cảm động trong bài thơ "Từ những cơn đau mà hóa phận người":
Mẹ, con đau khi rời mẹ
Và đau khi con làm mẹ con mình
Ai đó bảo cửa sinh là tử huyệt
Chôn những người con gái chớm đôi mươi
Cách nhà thơ chọn ngôn từ và hình ảnh để diễn đạt “lần đầu tiên” của người con gái thật gây ám ảnh và khiến người đọc thấy trong đó không phải là niềm hạnh phúc được hiến dâng mà là một nỗi buồn ngây thơ ngơ ngác xót xa:
Đêm giông ấy bỗng dưng mà con lớn
Sao một lần đau đến ngẩn ngơ
Nhưng có lẽ, gây ám ảnh nhiều hơn, dai dẳng hơn trong thơ La Mai Thi Gia không chỉ là những câu thơ viết về nỗi buồn hay những cơn đau mà lại là những câu thơ viết về tình yêu và không chỉ là tình trai gái. Đọc bài thơ "Tắm gội cho cha" của La Mai Thi Gia, cảm nhận niềm hạnh phúc từ sâu thẳm trái tim mình, khiến chúng ta biết ơn nhiều hơn những tháng ngày còn được ở bên người cha già đang ở tuổi trời “như chuối chín cây”:
Và tôi thấy trưa nay thế giới thật yên bình
Dường như tình yêu cả nhân gian rót đầy trong xô nước
Mát lành và ngát hương thơm...
Bàn tay con trai xoa lên mái tóc cha
Kỳ cọ đôi vai già nua, rửa sạch đôi chân còn nhiều vết chai hơn số tuổi
Những ngón tay bồi hồi
Ve vuốt dịu dàng trên làn da nhăn nheo
Hay là những câu thơ như lời âu yếm dịu dàng mà La Mai Thi Gia dành cho người cha nông dân chân lấm tay bùn trong bài thơ "Uống cho tuổi cha như cây lúa chín vàng":
Cuốc cày chi nữa cha ơi
Ngồi xuống đây mà nhâm nhi cùng con ly rượu
Uống cho tuổi cha như cây lúa chín vàng
Trĩu hạt đòng đòng bên đám mạ xanh con
Tôi hình dung ra cảnh một người con gái bé bỏng và cha của cô ngồi uống rượu cùng nhau bên đồng lúa vàng ươm chờ gặt. Tôi thấy cô gái ấy đưa tay nâng niu hạt lúa chín mọng căng tròn như thể trong từng hạt lúa ấy đựng đầy mồ hôi nước mắt của những tháng ngày cần lao và đựng đầy cả tình yêu của những người cha chân quê dành cho cô con gái của mình. Và người con gái như thể “đám mạ xanh” ấy vươn theo những thương yêu căng đầy trong cây lúa chín mà vươn lên xanh ngát, khỏe khắn, mạnh lành.
Cái tình yêu đau đáu, da diết cha mẹ trao cho mà nhà thơ đã viết vào chính ngày sinh nhật của mình (Ngày mẹ sinh em) đã chuyển thành lời ru rất đỗi yêu thương khi La Mai Thi Gia làm mẹ (Cho mẹ được sinh ra):
Bé bỏng yêu thương mẹ ơi
Em ngoan như mặt trời dậy sớm ra đồng cho thơm cây lúa
Em ngoan như cơn mưa giông đêm qua mát rượi bí bầu
Ngoan như gàu nước thơm rêu sáng nay mẹ vục tay vào rửa mặt
Thơm như nụ hôn ngọt ngào ba tặng mẹ đêm qua
Mỗi sinh linh bé bỏng đến với đời này đều như một phép màu mà thượng đế ban cho loài người, lời hát ru như lời thầm thì cảm ơn cuộc đời đã mang em bé đến để La Mai Thi Gia được sinh ra em. Hay vì em bé đã đến nên một người - mẹ - La Mai Thi Gia đã được tạo hóa sinh ra trong cõi đời này?
Và khi được những thiên thần bé bỏng ấy chọn mình làm mẹ, nhà thơ biết “tự do của mình đã ra đi mãi mãi”, nhưng có hề chi đâu khi La Mai Thi Gia thổ lộ mong ước của mình “Vì bởi chính tôi khao khát được giam cầm”. Trong chiếc lồng son ấy chứa đựng những gì? Có quyền năng gì? Có phép màu nhiệm gì ngoài nụ cười và tiếng khóc của những đứa con thơ:
Nụ cười của chúng nhốt hồn vía tôi ở đấy
Tiếng khóc của chúng nhốt tình yêu tôi ở đấy
Tôi trở thành người tù vui vẻ an lành
Hân hoan trong chiếc lồng son mang tên Hạnh Phúc
Trong thơ La Mai Thi Gia tràn ngập những câu thơ viết về em bé với ăm ắp thương yêu xen lẫn những xót xa của một người mẹ, một người đàn bà đã làm mẹ. Sự kiện chìm phà Sewol năm 2014 ở Hàn Quốc với hàng trăm sinh linh con trẻ chìm đắm dưới biển sâu đã khiến trái tim người mẹ của nhà thơ không ngăn được lời thổn thức khi mường tượng ra những đôi mắt bé thơ mãi mãi khép lại giữa đại dương thăm thẳm lạnh căm (Trôi đi nào Sewol):
Những gương mặt cứ trở lại trong mơ, mắt ràn rụa khóc
Biển sâu lạnh lắm mẹ ơi
Dưới đáy biển sâu không có ánh mặt trời
Không có vòng tay cha ấm áp
Trái tim trẻ thơ trôi đi cùng băng giá
Để lại những cuộc đời cũng đã hóa đêm sâu
“Những cuộc đời cũng đã hóa đêm sâu”.
Tôi biết, khi viết nên những dòng thơ này, La Mai Thi Gia đã khóc bằng trái tim của một người mẹ, không có biên giới quốc gia, không có chủng tộc và tiếng nói, chỉ bằng những nhịp đập của trái tim của một người mẹ mất con.
Năm 2015, sự kiện xác của một em bé Syria trong tư thế nằm sấp như đang ngủ say trôi dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ đã gây chấn động lương tâm của toàn thể nhân loại. Em bị đắm thuyền khi cùng cha mẹ vượt qua biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tìm đến miền đất hứa. Bài thơ "Ta là gì trong cõi chúng ta" đã được La Mai Thi Gia viết ra ngay sau khi nhìn thấy hình ảnh đau thương ấy, trái tim nhạy cảm của tác giả đã bị chấn động dữ dội và chỉ còn biết kêu lên những lời than đau đớn:
Bé thơ ơi xin em tha thứ
Người lớn chúng tôi đầy hờn căm
Người lớn chúng tôi đầy tội ác
Sinh ra làm người để rượt đuổi nhau
Và nhà thơ đặt ra câu hỏi để tự vấn chính mình mà cũng là lời tự vấn thế gian: chúng ta đang làm gì thế này? Chúng ta có đang sống hay không? Khi con người được sinh ra trong yêu thương mà lại lớn lên trong hận thù, khi nhân loại cứ mãi miết “sinh ra làm người để rượt đuổi nhau” và “Bỏ quên trái tim mình trong băng giá”.
Cả thế giới này ai là người đáng sống
Chém giết rồi và chiến thắng rồi ai sẽ sống với ai
Ta còn lại gì cho ngày mai
Ta để lại gì cho tương lai ngoài những hố sâu hun hút
Ngoài những linh hồn bé thơ lạnh lẽo kêu đau
Tôi gọi La Mai Thi Gia là người đàn bà hát ru đời dẫu lời ru không chỉ khiến chúng ta chìm vào giấc mộng thiên đàng nơi có đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, tiếng thầm thì của cô gái bé bỏng dành cho cha mẹ, hay tiếng hát nhớ nhung của người đàn bà xa xứ. Trong lời ru của La Mai Thi Gia còn đầy ắp những suy tư về thân phận người nữ, về những cơn đau mà mỗi chúng ta ai cũng phải trải qua để được trở thành một con người thực sự. Và ăm ắp trong thơ còn là lời ru đau xót khóc thương cho những niềm đau khôn nguôi của chính mình và của tha nhân trước những thảm họa, trước những cuộc chiến tang thương... Biết bao giờ nhân loại được yên lành trong một thế giới chỉ toàn yêu thương như lời ru đầy ước mơ của nhà thơ:
Gia ơi đời xanh đấyNgười còn thương lá vàng
Cho em mầm hoa biếc
Ươm tình chờ xuân sang.