Nhân đọc "Cung đường mê", tập truyện ngắn của Đặng Lưu San, NXB Phụ nữ, 2018

Sức hút của một “Cung đường mê”

Thứ Sáu, 29/06/2018, 08:49
"Cung đường mê" tạo một tình huống truyện thú vị khi một cô gái được cứu sống sau một tai nạn, đã đem lòng yêu người đàn ông rất lãng tử, hào hiệp, hào hoa. Chính người đàn ông đó đã khơi dậy nữ tính trong nhân vật Tôi (người kể chuyện), bấy lâu bị ví như cánh đồng khô hạn, nứt nẻ, nay trở nên nhuần nhị nhờ mưa móc. 


1.Tôi có cái cơ duyên đọc Đặng Lưu San từ "Hoa xuyến chi vẫn nở" và "Nửa đời của Hạ". Hai cuốn tiểu thuyết này tôi đều có bài bình luận về nội dung của tác phẩm. Lại đôi khi đọc thơ, truyện ngắn của Đặng Lưu San đăng đây đó trên các báo chí Trung ương. Nhưng thực thâm tâm tôi vẫn nghĩ, văn xuôi mới là sở trường của cây bút nữ có bút lực sung mãn này. Kinh nghiệm trường văn trận bút cho hay, không nên đánh đổi sở đoản thành sở trường và ngược lại.

Không biết là tự phát hay tự giác, nhưng rõ ràng Đặng Lưu San đã ý thức được điều hệ trọng này khi viết văn. Vì thế tôi lấy làm mừng trong im lặng và theo dõi sát sao đường đi nước bước của cây bút nữ đang độ sung sức. Viết tiểu thuyết, làm thơ, viết truyện ngắn.

Như vậy là có nội lực và bút lực. Một nhà văn tài danh thế giới đã có một câu rất hay, đại ý: “Tôi không có nhiều thời giờ để viết ngắn” . Vậy nên suy ra là Đặng Lưu San đã đầu tư cho truyện ngắn rất nhiều thời gian và công sức. Biết đâu đến một lúc nào đó, một nhà phê bình nào đó sẽ viết bài “Đặng Lưu San góp vào nền văn chương mang gương mặt nữ”.

Tập hợp những truyện đã in báo và cả những cái mới viết vào một tập có tựa "Cung đường mê", tôi nghĩ, Đặng Lưu San đang muốn trình làng một năng lực khác trong sự viết của mình – nhìn cuộc đời qua những “mô-măng” (khoảnh khắc), muốn qua trình chiếu một giọt sương mà ánh xạ cả mặt trời rực rỡ, muốn qua soi chiếu một giọt nước biển mà cho độc giả nhìn thấy cả đại dương mênh mông.

Nhưng đây là một “cửa ải” không dễ gì vượt qua. Phải đắc đạo chữ. Tôi không nghĩ Đặng Lưu San là người “liều mình như chẳng có”, không biết sợ, dám “vác đá vá trời” như ai đó nói. Nhưng mà lòng dũng cảm, khát vọng viết để phóng chiếu, để thăng hoa thì có thể nói chị có thừa, không thể phủ nhận. Cần khuyến khích triệt để. Cần chia sẻ kịp thời. Biết đâu qua văn mà cả độc giả, cả tác giả tìm ra tri âm tri kỷ. Tại sao không (?!).

2. Là vì tôi cũng là người đã nhận sổ hưu được hơn sáu năm nay nên đọc ngay cái truyện mở đầu tập - "Ánh trăng lu" - cứ muốn cười một mình vì tôi không có những giấc mơ hão huyền như “gã”.

 Mạch truyện cứ lúc thì cuồn cuộn, lúc thì thao thiết, lúc thì ngang trái chẻ hoe, lúc thì bạc như vôi, lúc thì đành hanh xoe xóe,... Rất hợp với cơ chế đọc hiện nay - giúp người đọc nhìn thấy một đời sống cuồn cuộn chảy và chuyện gì cũng được nói/viết sát sàn sạt...

Nhân vật “gã” sau khi nghỉ hưu bị sốc vì không còn ô tô đưa đón, không còn kẻ hầu người hạ, không còn kẻ tung người hứng, không còn kẻ khúm na khúm núm. Nghĩa là trước đây anh ta sống bằng cái không phải của mình. Nên khi về hưu là trắng tay. Rất may tôi không rơi vào tình thế “kẹt” hay “trắng tay” như “gã”.

Tóm lại tác giả có cái khả năng đưa người đọc vào mê hồn trận đời sống, khiến họ đọc xong cứ như một tội đồ phải cúi xuống sát mặt đất mà gom nhặt những “mảnh vỡ” của số phận, của kiếp người, của bể trầm luân khổ ải, của kiếp chúng sinh trong bể dâu cuộc đời. Nhìn dưới ánh trăng rằm thì mọi sự có thể đều chói lói, rực rỡ. Nhưng hãy thử nhìn dưới ánh trăng lu mà xem. Mờ mờ nhân ảnh. Mù mịt. Khối chuyện cười ra nước mắt. Khối bi hài kịch. Đọc Đặng Lưu San lại thấy thấp thoáng cái  mục “xã hội ba đào ký” rất thịnh hành và được săn tìm đọc trên báo chí trước 1945.

3. Không biết Đặng Lưu San có hay chùa chiền, kinh kệ không nhưng tôi thấy chị viết về Luân hồi (nhan đề một truyện trong tập). Kể ra cũng hơi liều đấy. Nhưng mà như người ta nói “thử một lần xem sao!”.

Nhân vật Bảo Thi – một cô gái có nhan sắc nhưng phải đeo vào cổ cái gông “hồng nhan bạc mệnh”, “bỉ sắc tư phong” nên đã qua hai lần đò dù chỉ mới ngoài ba mươi. Mà khốn khổ khốn nạn cả phần xác lẫn phần hồn. Rồi thì mê muội tìm cách giải thoát bằng tâm linh, tin theo lời của “thầy”. Nhưng mà Bảo Thi và những người như cô quên mất cái câu răn dạy của cổ nhân “tiên trách kỷ hậu trách nhân” rồi sao?

Luân hồi, nếu tin, là sẽ có kiếp trước (tiền kiếp), có kiếp này (ở dương gian) và kiếp sau (trên tiên giới/ hay dưới âm phủ). Đây là một nét tâm lý, tâm thế của không riêng gì Bảo Thi mà của số đông người Việt ngày nay - càng ngày càng lún sâu vào thế giới ảo, con người càng thiếu thực tiễn, càng bị mê dụ vào những mê lộ mênh mông bát ngát, đã vào là không có đường ra và dễ sa vào “ngáo”. BảoThi là một nhưng là nhiều trong xã hội hiện đại.

Tôi không nghĩ là tác giả cũng như đại đa số người Việt bây giờ còn ít hiểu biết Phật pháp, kinh kệ, nhưng cứ tin tưởng một cách ngây thơ và cuồng nhiệt vào một thế giới khác khi mà thế giới hiện hữu nhiều nguy cơ phá vỡ niềm tin của con người vào Chân - Thiện - Mỹ.

4. "Vị gà rán" là một truyện mang khẩu khí, phong vị đời thường. Đọc truyện này tôi bỗng nhớ đến truyện "Hai thằng khốn nạn" của nhà văn Nguyễn Công Hoan viết cách đây những tám mươi năm. Một ông bố nghèo kiết xác, cùng quẫn, cơ hàn,  bước đường cùng phải mang thằng con bé tý đi bán (giống cảnh chị Dậu bán cả con gái, cả chó mới đủ tiền sưu thuế trong tiểu thuyết "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố).

Người cha là một thằng khốn nạn, chẳng đúng đó sao? Một kẻ giàu có đem tiền đi mua người mà còn cò kè thêm bớt từng xu thì há chẳng phải là một kẻ khốn nạn đó sao? Trong truyện "Vị gà rán", kẻ khốn nạn thứ nhất (theo nghĩa là khốn khổ) là một chàng trai nghèo, có một cái chiếu sách vỉa hè. Một ngày nọ anh ta phát lộc nhờ có nhiều Thượng đế đến mua sách cũ. Lại có một bà quý phái đến tặng bao nhiêu là sách cũ. Bà ta cho đi như một niềm vui.

Sau một ngày phơi mặt cho trời, bán lưng cho đất, anh chàng bán sách trở về nhà trong niềm vui vỡ òa của một người nghèo bỗng chốc trong túi rủng riểng tiền nong (thậm chí anh ta còn lãng mạn nghĩ rằng đêm nay về sẽ ...hôn vợ một cái). Anh ta vui như Tết, liền rẽ vào quán KFC, mua bốn suất gà rán về cho vợ con, chắc hôm nay “bu” nó và các con vui lắm đây.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra. Một chiếc xe ô tô đã đốn ngã thân thể chàng trai “Những cuốn sách còn thơm mùi mực cùng mùi dìu dịu của hương tóc bị mùi khét lẹt của xăng dầu phủ đầy đang bay tơi tả dưới lòng đường. Gói gà rán văng ra xa, những chiếc đùi gà béo ngậy dính đầy bụi đất nhìn như những que kem phủ sôcôla cũng nằm im lìm và bất động như hắn. Chủ nhân của con xe màu đỏ ớt chỉ hạ cái cửa kính xe xuống nhìn hắn bằng hai con mắt như ác quỷ của một kẻ ngáo đá. Gã nở một nụ cười bí hiểm (...). Gã lùi số lùi lại rồi rú ga phóng như bay vào đêm. Trong đầu gã, sau cú va đập cũng đã đủ lờ mờ để hiểu ra rằng: Gã vừa gây ra án mạng”.

Gã là một thằng khốn nạn chính hiệu. Đọc xong truyện này không thể không đau đớn trước cái chết thê thảm và vô lý của chàng trai nghèo bán sách vỉa hè mưu sinh. Càng không thể không căm phẫn cái ác lộng hành. Một thế giới tràn ngập sự vô cảm, tràn ngập cái mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi là “căn bệnh máu cá” – lạnh lùng, tàn nhẫn, vô can, táng tận lương tâm. Có cảm giác ngòi bút tác giả cũng run lên khi nhặt những con chữ trong tim gieo xuống trang giấy.

 Đọc "Vị gà rán", thấy tác giả cứ canh cánh, thổn thức, xao xuyến, trăn trở với những cảnh đời, cứ như muốn cúi xuống nhặt từng “mảnh vỡ” của kiếp người để cố công ghép lại thành một bức toàn bích về đời sống đương đại khi mà chữ CON NGƯỜI bị nghiền nát ra, xé nhỏ ra thành chữ NƠI GỪ (như nhan đề một bài thơ của nhà thơ Việt Phương đã viết cách đây hơn bốn mươi năm, in trong tập thơ "Cửa mở").

5. Viết về cái gì không quan trọng bằng viết như thế nào. Công thức này thoạt nghĩ thì có vẻ cũ nhưng ngẫm kỹ thì chí lý, thâm hậu. Truyện ngắn có một yêu cầu rất cao, nói theo cách của nhà văn Nguyễn Thành Long (tác giả thiên truyện nổi tiếng mà ai qua thời phổ thông đều nhớ - "Lặng lẽ Sa Pa") là “đưa nhân vật vào tình huống”.

Phải nói là Đặng Lưu San khéo léo dựng tình huống truyện. Nhà văn Nguyên Ngọc thì nhấn mạnh, nếu tìm được tình huống hay thì coi như nhà văn đã thành công một nửa ngay từ dòng đầu viết. Ông còn bổ sung “Tình huống là huyệt chủ của đời sống”. Đa số truyện trong tập "Cung đường mê" đều ngắn gọn, tập trung và có sức nổ do có tình huống tiêu biểu. "Lẳng lơ" là một truyện khá điển hình cho việc tạo tình huống, vì “Nàng có ba người đàn ông cùng một lúc đều yêu nàng, theo mỗi cách yêu riêng của họ. Nàng cũng nói lời yêu với họ, mỗi người nàng đã nói một lời yêu khác nhau. Cả ba người đàn ông luôn có mặt và hiện diện trong cuộc sống của nàng. Nhưng không một ai có vị trí trong trái tim của nàng. Bởi trái tim của nàng chẳng thể yêu ai”. Ai dám nói là họ không có lúc chạm trán nhau? Ai dám nói là không có lúc nào nàng sẽ “bị lộ”. Sẽ là một tình huống rất mở và có nhiều “bước hụt” tạo bất ngờ trong cuộc tình vô tiền khoáng hậu này của nhân vật Nàng.

"Cung đường mê" tạo một tình huống truyện thú vị khi một cô gái được cứu sống sau một tai nạn, đã đem lòng yêu người đàn ông rất lãng tử, hào hiệp, hào hoa. Chính người đàn ông đó đã khơi dậy nữ tính trong nhân vật Tôi (người kể chuyện), bấy lâu bị ví như cánh đồng khô hạn, nứt nẻ, nay trở nên nhuần nhị nhờ mưa móc. Nhưng một hôm xem ti-vi thì mới tá hỏa, con người ấy (hắn) có tên trong Lệnh truy nã. Đúng là như bọn trẻ nói “botay.com!”. Một cái kết bất ngờ thú vị như chính đời sống luôn đem lại cho con người những điều không thể lường trước. Và cái câu “đời là thế” dẫu cho được điệp khúc cả triệu lần, thì mỗi lần vang lên đều mới mẻ như là lần đầu xảy ra mà ta nghe thấy, nhìn thấy.

6. Vĩ Thanh của "Năm đoản khúc về Cung đường mê" có lẽ cũng cần thẳng thắn chỉ ra chỗ còn chưa tới của Đặng Lưu San khi viết truyện ngắn. Đọc nhiều truyện ngắn của đồng nghiệp văn chương, tôi nhận thấy có tình trạng sau: Với một tác giả nào đó, khi in từng truyện riêng rẽ trên báo thì “đứng” được. Vì độc giả chỉ tiếp nhận duy nhất một “cái”. Nhưng khi đưa nó vào một tập truyện, tức là đứng vào một đội hình thì không phải cái nào cũng ăn nhập, hài hòa chung trong một chỉnh thể nghệ thuật như là ý đồ của tác giả. Chúng phải được nối kết với nhau bằng một “sợi chỉ đỏ”. Nói cách khác nó là cái “mạch nước ngầm”, cái “sợi tơ hồng”, níu giữ nhau mật thiết.

"Cung đường mê" của Đặng Lưu San ban đầu cũng rơi vào trường hợp tương tự. Sau khi tác giả, như tôi biết, dũng cảm bỏ ra ngoài tập vài ba “cái” còn lỏng lẻo và non nớt, thì đã trở nên gọn gàng hơn. Nhưng tôi tin Đặng Lưu San là người cầu thị và thông minh và  thực tế là tác giả đã điều chỉnh sau khi bản thảo được nhiều đồng nghiệp có uy tín góp ý.

Lại nói như cổ nhân, thôi thì “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”. Ai không biết, riêng tôi nghĩ, trong "Cung đường mê" có cả hoa, có cả nụ đấy chứ. Cuối cùng, quan trọng hơn mọi lời bình, dẫu hay đến đâu cũng không thể thay thế sự đọc trực tiếp. Tôi tin vào độc giả ngày nay rất thông minh, tuy hơi khó tính và thậm chí đôi khi hơi...đỏng đảnh. Nhưng mà độc giả mới là Thượng đế! Và điều tôi tiên lượng đã đúng khi quý vị có trong tay một cuốn sách truyện ngắn hay sau khi tác giả đã kỳ khu trau chuốt bố cục và chữ nghĩa. 
Bùi Việt Thắng
.
.