Đọc tiểu thuyết "Và khép rồi lại mở" của Vũ Từ Trang, NXB Phụ nữ, 2019

Số phận một làng quê trong cơn biến động của lịch sử

Thứ Năm, 02/07/2020, 13:16
Thông thường, phần mở đầu và kết thúc một tác phẩm sẽ cho độc giả một cảm nhận về không khí truyện. "Và khép rồi lại mở" mở đầu và kết thúc đều rất dữ dội, gây cho người đọc những "cú sốc thẩm mỹ"...


1. "Và khép rồi lại mở" là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà thơ Vũ Từ Trang, in và nộp lưu chiểu quý 1 năm 2020, khổ 14.5 x 20.5 cm, dày 371 trang, gồm 21 chương.

Tên gọi của cuốn sách có nhiều cách lý giải:

Ở chương 2, nhân vật Thịnh khi sắp rời bỏ làng ra đi để vào Nam, có nói với ông chú của mình: "Cháu rất khổ tâm khi phải khăn gói rời làng. Cái cổng làng khép rồi lại mở. Bao đoạn trường đời cháu. Bao kiếp người làng ta, vinh và nhục đều đi qua cái cổng làng". Ở phần "Vĩ thanh", câu cuối của tác phẩm nhân vật "tôi" nói: "Tôi  nhớ lời bố tôi từng căn dặn: Hãy cố gắng và tin con ạ, cuộc sống khép rồi lại mở!".

Từ cánh cổng làng đến cuộc sống "khép rồi lại mở", những trang viết của Vũ Từ Trang đưa độc giả đến với số phận "vinh và nhục" của bao kiếp người.

Không gian của "Và khép rồi lại mở" chủ yếu là một làng quê xứ Kinh Bắc. Dù tác giả có "đưa" nhân vật đến nhiều địa danh khác nhau, suốt từ Bắc vào Nam thì cái làng Trung vẫn là bối cảnh chính để các nhân vật hoạt động, là chốn đi về của họ.

Thời gian của truyện kéo dài ngót một thế kỷ. Từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Cải cách ruộng đất (1953 - 1956), đến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975 và những biến thiên sau đó.

Về nhân vật, tiểu thuyết "Và khép rồi lại mở" không có nhân vật chính. Ngoài nhân vật "tôi" là người kể chuyện và dẫn chuyện thì nhân vật chính là cái làng Trung với hàng trăm khuôn mặt, hàng trăm số phận khác nhau. Cuốn tiểu thuyết này là "Sử thi của đời tư". Nó trần thuật số phận của rất nhiều cá nhân, trong quá trình hình thành và phát triển. Qua đó, tác giả đã phản ánh cả một giai đoạn dài của lịch sử đất nước.

Nếu như, trong thế giới giữa người với người "sinh tồn" và "mưu cầu hạnh phúc" là quy luật khắc nghiệt nhất của tạo hóa mà con người phải đương đầu, thì cuốn tiểu thuyết đã kể về một hành trình dài của nhiều thế hệ ở làng Trung tìm kiếm mưu sinh và giữ gìn hạnh phúc cho bản thân và gia đình.

2. Thông thường, phần mở đầu và kết thúc một tác phẩm sẽ cho độc giả một cảm nhận về không khí truyện. "Và khép rồi lại mở" mở đầu và kết thúc đều rất dữ dội, gây cho người đọc những "cú sốc thẩm mỹ".

Đây là những câu đầu tiên ở chương 1: "Cái tin ông Thỏa bị đập chết loang nhanh khắp làng. Người đập ông Thỏa chết, không phải ai xa lạ, lại chính là thằng con trai của ông ấy. Hắn dùng cái cuốc hắn vẫn thường đi cuốc ruộng, xới khoai, xới đỗ…".

Bìa cuốn tiểu thuyết mới của nhà thơ Vũ Từ Trang.

Và đây là đoạn văn ở phần "Vĩ thanh": "Tôi về đến đầu ngõ, Độ hộc tốc chạy tới kéo tay tôi - Đừng về nhà nữa, về nhà tớ đi. Con cái nhà Thỏa sát nhà cậu vừa giết nhau. Giết nhau tranh món hàng, chết vì tiền. Thằng anh bị đâm thủng ngực, chết ngay đầu đình, thằng em đang đưa đi cấp cứu. Thằng út trốn biệt rồi…."

Nhà văn Séc Franz Kapka đã nói: "Bản chất của sự sinh tồn là nỗi bất an". Những thảm kịch trên báo hiệu một không khí bất an với những xung đột gay gắt ở cái làng quê vốn tưởng là yên bình này.

3. Làng Trung, bối cảnh chính của truyện, một làng cổ xưa, điển hình của xứ Kinh Bắc. Làng giàu có, với phong cảnh hữu tình, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Làng có hai nghề cổ truyền là buôn bán, sửa chữa đồ đồng và làm ruộng.

Phong cảnh làng thật đẹp với những vườn khế ngọt xanh mướt,  những đầm sen thơm mát, những ao chuôm, những khu rừng tự nhiên, những cây cổ thụ đến hàng nghìn năm tuổi. Đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt trong lành, nơi đây đúng là mảnh "đất lành".

Người làng Trung tự hào vì làng có đình chùa, đền, miếu, cổng làng… vào loại đẹp nhất vùng. Đặc biệt, những trang viết về cổng làng của tác giả là những trang đẹp, giàu chất thơ. Sau cánh cổng ấy là không gian im lìm với những con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng bình dị, những căn nhà gạch không trát vữa đã rêu phong phủ kín bóng thời gian. Thôn dã yên bình với những nét đẹp xưa cũ.

 Rồi hội hè đình đám. Rồi những ngày sau năm 1954, miền Bắc có những ngày bình yên ngắn ngủi trước khi cả nước bước vào thời kỳ đánh Mỹ. Đó là những năm tháng thần tiên của thế hệ "tôi: với ánh trăng huyền diệu, những buổi sinh hoạt đội thiếu niên, những điệu nhảy, múa tập thể. Sau này, những cô, cậu bé của một thời xa xưa ấy vẫn nhớ về ngày xưa như một thiên đường đã mất, như một ký ức đẹp của đời người. 

4. Nhưng đằng sau cái vẻ đẹp thanh bình, êm ả ấy, làng Trung có những bất ngờ, những "ghê gớm", những quyết liệt như tất cả những làng quê khác.

Đất lề quê thói, người làng Trung "đẻ" ra bao luật tục và không ít trong số đó đã làm khổ, hành hạ, đầy đọa con người. Những quan niệm cổ hủ, lạc hậu về chuyện sinh con một bề, trọng nam khinh nữ đã gây ra bao tấn bi kịch. Ở làng này "những ông anh nào không con trai ở nhà không sao, chứ ra bàn dân hay đến việc họ tự động phải bé mồm lại". Cho nên phải đẻ bằng được con trai!

Ông Tố vợ sinh nở lần thứ 11 vẫn con gái. Phẫn uất, ông mang dao chém đứt đôi chiếc cầy làm bằng gỗ nghiến gắn bó với ông mấy chục năm trời. Rồi ông hạ chiếc ỷ thờ, đồ gia bảo của bố mẹ để lại mà ông quý trọng vô cùng, chém tan nát, "ông ôm mặt khóc hu hu", "đời coi như đã hết" "ngôi nhà ba gian hai trái ngôi nhà của sự chắt bóp cần lao, cả một đời người bỗng trở nên vô nghĩa". Ông Đậu  có cậu con trai duy nhất, quý như cục vàng. Thằng con chết đuối, ông suy sụp tuyệt vọng, rồi tự thiêu chết cháy cùng ngôi nhà bếp ba gian.  Nhà sinh con một bề ở cái làng Trung này đẻ ra bao chuyện gở.

Cũng vì những hủ tục tàn nhẫn của làng mà những đứa con trai không giá thú của lão Ao không được mang họ bố. Phẫn uất, lão bỏ làng ra đi. Viễn cảnh đời lão thật buồn. Lão "sẽ chết đầu đường xó chợ", "như một chiếc lá rụng", "như một quả chín héo tự đứt cuống nát bét trên mặt đất", "như một con trâu, con chó, già nua và cô đơn".

5. Dân làng đã vậy, những người bước chân ra khỏi cái cổng làng, ra đi mong tìm kiếm một cuộc sống khá hơn, có ý nghĩa hơn nhưng không mấy ai thoát khỏi trầm luân. Số phận của họ ngụp lặn trong bao biến động của thời cuộc

Trong dòng xoáy khốc liệt của ba cuộc chiến tranh, nghĩa trang làng có đến 83 ngôi mộ liệt sỹ. Đứng trước những hàng mộ, Thụ - một cựu chiến binh đã vái lạy, khóc hu hu và "như thấy súng đạn nổ ùng oàng quanh thân thể Thụ". Đấy là "nỗi buồn chiến tranh" trong lòng người sống.

Có một số người cũng rời cổng làng xa quê vào Nam năm 1954 như ông Thịnh, ông Trường với mong mỏi làm ăn thuận lợi hơn. Hơn hai chục năm lo buôn bán làm giàu. Sau này người mang vợ con di tản ra nước ngoài, đánh cược cuộc đời với biển khơi mênh mông trập trùng như ông Trường; người trở về thăm quê thì mang mặc cảm có lỗi với vợ con như ông Thịnh.

Và còn biết bao người khác với cuộc đời thăng trầm. Một thế hệ trẻ lớn lên trong ánh trăng vàng của tuổi thơ mỗi người một số phận. Xem ra cả thế hệ ấy đều lận đận, bi kịch. Thì ra trong cái vòm trời này, con người muốn vươn lên sống hướng thiện, sống có ý nghĩa có dễ dàng đâu. Con người thời buổi nào, dù bình yên hay tao loạn, dù may mắn hay không, dù thành hay bại, dù sang hay hèn, đều nổi chìm trong ngàn vạn con sóng ngầm của số phận. 

Những nhân vật, những số phận cứ tiếp nối trong sách…Nhưng ở những chương cuối đa số các nhân vật chính đã trở lại và khóa dần từng số phận. Truyện như kể nhưng xen kẽ những triết lý nhân sinh của người viết, theo hướng chiêm nghiệm, phân tích, cắt nghĩa thực tại. Giọng điệu suy tư triết lý này của tác giả được cất lên từ một năng lực phân tích đời sống một cách sắc sảo, khả năng đối thoại, phản biện đời sống.

6. Cuộc đời này thật buồn. Nhưng cuộc đời không đến nỗi đáng buồn như ta tưởng. Ở phần "Vĩ thanh", "tôi" ở trong ngôi nhà tuổi thơ chìm trong ánh trăng. Rồi "Một hương vị của làng, rất xưa, rất quen thuộc, vẫn còn đây, bỗng trỗi dậy (…) Tôi chợt thấy ánh trăng dường sáng hơn (…) tôi tin, vòng quay nhân gian cứ tuần tự theo chu kỳ biến hóa diệt sinh của nó. Tôi nhớ lời bố tôi từng căn dặn: Hãy cố gắng và tin con ạ. Cuộc sống khép rồi lại mở" (tr 369). Câu nói của người cha thật minh triết, minh triết như câu ca dao: "Đừng than phận khó ai ơi / Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây". Điều cần thiết là con người phải biết tin yêu cuộc sống, biết vươn lên.    

Niềm tin ấy người đọc còn cảm nhận được qua giọng kể của tác giả - một giọng kể trầm tĩnh và bình thản. Với sự điềm tĩnh, từng trải và vững chãi, người viết đã gieo cấy trong tâm tư người đọc niềm tin yêu vào cuộc sống. Bởi quy luật của cuộc sống "khép rồi lại mở". Đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua cuốn tiểu thuyết tâm huyết của đời mình.

Hải Dương, tháng Tư năm 2020

Nguyễn Thị Lan
.
.