Đọc truyện ký “Hai tuyến cờ - một thời để nhớ”của nhà văn Văn Phan, NXB Công an nhân dân, 2015

Quảng Trị, một thời đáng nhớ

Thứ Sáu, 15/12/2017, 08:24
Đúng như tên cuốn truyện ký: “Hai tuyến cờ - một thời để nhớ”, nhà văn Văn Phan đã có một cuộc trải nghiệm sâu sắc, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong cuộc đời sáng tác của mình. Mọi sự việc trên tuyến giáp ranh huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trôi qua hơn bốn mươi năm mà lời văn vẫn còn tươi mới, ký ức ùa về rõ nét như mới hôm qua.


Sau ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, Đoàn văn nghệ sĩ CAND gồm nhà văn: Lê Tri Kỷ, Văn Phan, Ngôn Vĩnh và hai nhà làm phim Anh Sinh, Châu Huế thâm nhập vào vùng giải phóng Bắc Quảng Trị. Đoàn văn nghệ sĩ Công an vũ trang chúng tôi vào trước một tuần, cũng đi khắp huyện Triệu Phong từ Đông Hà xuống Cửa Việt, từ Vân Hòa xuống Long Quang sát biển, nhưng riêng tôi khi đọc tập truyện ký của Văn Phan phải tự nhận rằng, mình không ghi chép cẩn thận bằng anh, mà mọi cảm nhận về tuyến giáp ranh, về hai lực lượng đối địch đang thực thi ngừng bắn, về nhân tình thế thái ở tuyến sau cũng hời hợt, nặng về tư duy phân tích chính trị hơn là rung cảm trước cảnh quan hòa bình có sự giao tiếp những người lính hôm qua còn nã đạn vào nhau, cũng như những cung bậc tình cảm của người dân vùng mới giải phóng, cả những người sinh sống trên quê hương còn chiến tranh lẫn những người đi tập kết ra Nghệ An nay mới trở về. Truyện ký của Văn Phan ngược lại, soi kỹ vào từng cảnh quan, từng tình huống, từng con người tiêu biểu, xây dựng được bức tranh trung thực về tuyến giáp ranh.

Nhà văn Văn Phan.

Mở đầu, khi vượt sông Bến Hải, nhà văn viết: “Gần hai mươi năm qua biết bao người đã đi đến đây rồi, khựng lại, xót xa nhìn về phía Nam. Bây giờ chúng ta đã có thể đi thẳng đến các tỉnh miền Trung, miền Nam”. Sự thật lịch sử đúng là như vậy. Ngay cả đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, đã có chuyến công tác vào giới tuyến Vĩnh Linh, nhưng không qua cầu phao vì điều kiện an ninh chưa đảm bảo, dù làng quê của đồng chí ở Bích La, cách cầu Hiền Lương chỉ hơn bốn chục cây số. Đồng chí Lê Duẩn đành đứng lại thăm hỏi các chiến sĩ Công an vũ trang ở đầu cầu bờ Bắc.

Vừa tới Đông Hà, nhà văn đã nhói lòng khi chứng kiến ba em bé không chịu chào chú ruột vừa từ ngoài Bắc vào, tiếp đó lại gặp một bà ở lại nuôi cha mẹ chồng, trong lúc chồng đi tập kết đã có thêm một vợ và hai con. Trước những cảnh đắng lòng như vậy, nhà văn chỉ biết giữ im lặng mà suy ngẫm.

Vào đến tuyến chốt, vùng giáp ranh, tác giả sững sờ trước cảnh tàn phá của chiến tranh: “Bây giờ hiện ra trước mắt chúng ta là một cảnh tan hoang đau lòng. Cây cối chỉ còn là những cái gốc xơ xác như cái chổi dựng ngược. Nền nhà trơ trụi, đầy tro than xen lẫn những hố bom đạn phơi đất thịt xanh nâu pha vàng”. “Hai tuyến cờ giáp mặt nhau. Bên kia, trên những cây sào tre, những lá cờ màu vàng có ba sọc đỏ có khổ nhỏ. Trực diện bên này là những lá cờ vàng trên nền xanh đỏ to hơn, cứ khoảng mười mét là có hai cột cờ đối mặt như vậy... dẫy cờ ngoằn ngoèo uốn lượn băng qua cánh đồng, xóm làng trơ trụi đến xa tít tắp mờ tầm mắt”.

Bạn đọc hẳn cảm thông khi đọc mấy dòng tâm sự của tác giả: “Đứng dưới lá cờ của Chính phủ Cách mạng, tôi trào nước mắt vì cảm động. Lòng vừa mừng vừa xót xa với bao niềm đau thương chung và riêng của dân tộc, của gia đình mình. Cha tôi đi tìm đường cứu nước làm cách mạng từ những năm Hăm chín, Ba mươi, đã chịu hàng chục năm tù đày ở Kon Tum, Lao Bảo. Trong hai cuộc kháng chiến, gia đình tôi đã có chín người cầm súng. Anh cả tôi hy sinh ở Tây-Nam Ninh Bình, thời chống Pháp. Đứa em thứ năm của tôi hy sinh ở miền Tây Quảng Trị năm 1972”.

Đọc đến đây, tôi nhớ lại hiện nay tại thành phố Đà Nẵng có một con đường mang tên Phan Văn Định, bố đẻ của nhà văn Văn Phan (tên thật là Phan Văn Thẩm). Cụ là Bí thư Chi bộ đầu tiên, sau là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, thời kỳ Đảng ta mới khai sinh. Cụ là bạn chiến đấu của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Sau này hai người bạn chí cốt thường gặp mặt và đàm đạo với nhau. Tôi coi đoạn tự sự trên đây là một dấu ấn sâu đậm của nhà văn Văn Phan trong tập bút kỳ này.

Đối với binh lính Việt Nam Cộng hòa, tác giả có một cái nhìn tỉnh táo, đầy chất khám phá: “Anh nào cũng đen trùi trũi. Không ai đội mũ. Tóc vàng hoe, hai tay chống trễ trên hông. Bề ngoài trông vậy nhưng ánh mắt của họ lúc này không có gì là càn rỡ thách thức. Trái lại tôi cảm thấy có nét thân thiện hay ít nhất họ cũng tỏ ra lịch sự, kính nể pha chút tò mò trước mấy người lạ có đeo súng ngắn bên Quân giải phóng”.

Bìa tập sách “Hai tuyến cờ - một thời để nhớ” của nhà văn Văn Phan.

Từ cách nhìn như vậy, tác giả đã nhiều lần tiếp xúc với binh sĩ đối phương. Những cuộc tiếp xúc bằng tình cảm đời thường đi vào lòng người, có tính cảm hóa. Tác giả nêu lên một nhận xét rằng đằng sau bộ quần áo lính, những người này mong muốn hòa bình, không tin lời bọn tâm lý chiến thường rêu rao: “Không có hòa bình, chỉ có ngừng bắn tạm thời”. Họ mong được hiểu rõ Hiệp định Paris, nên khi nghe các chiến sĩ ta nói chuyện hòa hợp dân tộc, họ ngấm ngầm hưởng ứng.

Tuy nhiên, với một bản lĩnh chính trị vững vàng, tác giả không khỏi lưu ý và phê phán những cách tiếp xúc không hiệu quả. Tác giả viết: “Trong tiếp xúc, cán bộ, chiến sĩ ta và cả anh chị em binh vận ở cơ sở, cứ hay sa vào nói chuyện chính trị. Bao giờ cũng biểu lộ tư thế người chiến thắng, cái gì cũng giỏi hơn, ở thế trên, giọng thuyết giáo”.

Với một thủ pháp nắm bắt điển hình, tác giả đã sàng lọc qua hàng chục cán bộ binh vận trên tuyến giáp ranh một nhân vật mẫu mực là ông Mười. Ông là một cán bộ tập kết, quê ở Bến Tre. Do đa số lính thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa là người Nam Bộ nên ông Mười dễ dàng tiếp cận. Nắm vững chủ đề hòa bình và hòa hợp dân tộc, ông dùng tình cảm của một bậc cha chú để cảm hóa đám lính trẻ.

Binh lính thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa bắt gặp một tấm lòng chân thành, vị tha nên rất quý mến ông Mười. Có một tên trung đội trưởng được về phép tại Bến Tre đã mang ra hàng bọc trái cây Nam Bộ biếu ông Mười và các chiến sĩ Quân giải phóng ở chốt Hữu Niên. Chuyện kể rằng đơn vị “Trâu điên” thường hô to sau khi tập thể dục: “Trâu điên! -  Diệt Cộng”. Ông Mười đã giảng giải, có lý có tình, nên sau đó, cả trung đội lính đối phương đã đổi câu hô thành: “Trâu điên! – Khỏe”.

Một hoạt động quan trọng trong vùng giải phóng sau tuyến giáp ranh là công tác bảo vệ an ninh trật tự. Tác giả đã chọn được điển hình là ông Hiếu, Trưởng Công an huyện Triệu Phong. Qua nhân vật này, người đọc nhận biết công tác an ninh ở vùng mới giải phóng vô cùng phức tạp. Riêng việc quản lý súng, đạn, chất nổ, các loại vũ khí vương vãi khắp nơi, nếu không quản lý cẩn thận sẽ gây biết bao thương vong đáng tiếc.

Dân tình năm bè, bảy mối, người tập kết trở về, kẻ ở lại vùng địch chiếm nay cùng bắt tay vào việc phục hóa để sản xuất, có biết bao nhiêu chuyện va chạm, từ việc tranh giành vật liệu, dỡ hầm làm nhà tạm đến việc giành phần đất cày bừa, việc thực hiện chính sách với người có công cũng như với người có nợ máu với cách mạng cũng vô cùng phức tạp. Chưa kể đến việc truy lùng bọn gián điệp nằm vùng, theo dõi người vượt tuyến, chỉ riêng việc cải tạo những phần tử tay sai cũ của địch cũng tốn không ít công sức.

Chuyện anh Lâm, một cán bộ an ninh cơ sở gặp lại tên Khâm, một tên biệt động quân đã từng giết hại cha mình, nay ở cùng thôn xóm, anh đã bước qua nỗi đau và hận thù mà thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc được dân làng ca ngợi. Tác giả đã nắm bắt được nhiều câu chuyện tình nghĩa xóa nhòa mọi khúc mắc, éo le trong quá khứ để duy trì an ninh trật tự vùng mới giải phóng.

Cuốn truyện ký “Hai tuyến cờ - một thời để nhớ” là một bức tranh phản ánh trung thực và sinh động ở tuyến giáp ranh sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nhà văn Văn Phan đã từng có những tác phẩm tái hiện những sự kiện lịch sử như chiến dịch Điện Biên Phủ, trận đánh thông báo hạm Amyot dInville, nay lại có thêm một thiên bút ký bộc lộ hết trí tuệ và tấm lòng của một người cầm bút.

Lương Sỹ Cầm
.
.