Những cái cây tháng chạp

Thứ Bảy, 17/02/2018, 08:10
"Đột ngột hiện lên/ Những cái cây tháng Chạp" là hai câu thơ của một bài thơ tôi viết về mùa đông trong mười hai bài thơ mang tên "Hồi tưởng từ tháng Giêng cho tới tháng Chạp". 


Trong một năm, những ngày cuối đông thực sự là những ngày dâng lên trong tôi nhiều cảm xúc. Lúc đó, bầu trời thường màu xám và mang cảm giác xa xôi. Và trên nền trời mùa đông đặc trưng ấy hiện lên những cái cây tháng Chạp. Đó chính là những cây xoan hay còn gọi là cây sầu đông. Cây tháng Chạp chỉ là cách gọi của riêng tôi, bởi trong suốt tuổi thơ đến mãi sau này, cái cây ám ảnh cho tôi nhiều nhất là những cây xoan.

Trước kia, một trong những loại cây được trồng nhiều nhất ở mọi làng quê bắc bộ sau cây tre là xoan. Người ta trồng xoan ven vườn, ven đường làng, ven chân đê....để lấy gỗ làm nhà. Ngày trước, vật liệu làm nhà chủ yếu là xoan và tre. Có được ngôi nhà ba gian, năm gian gỗ xoan là coi như làm được một trong những việc lớn nhất của một đời người.

Ngôi nhà của gia đình tôi ở quê do ông nội tôi dựng lên cách đây hơn 100 năm vẫn còn và hầu hết nguyên liệu dựng lên ngôi nhà ấy bằng gỗ xoan. Khi xoan đã đến tuổi để làm nhà, người ta chặt xoan và ngâm xoan dưới ao rồi phủ bùn lên trên. Xoan được ngâm kỹ trong bùn và nước sẽ bền vững vô cùng và không mối mọt nào có thể ăn được. Chính lẽ đó mà mọi gia đình ở thôn quê đều trồng xoan để dựng nhà. Những đứa trẻ thôn quê như tôi lớn lên trong hình ảnh của những cây xoan.

Cây xoan hay còn gọi là cây sầu đông vào mùa trổ hoa. Ảnh internet

Vào giữa tháng Chạp, xoan bắt đầu rụng lá. Những cành xoan khẳng khiu nhưng rành mạch như khắc lên nền trời màu tro. Và sang tháng Giêng, khi mưa xuân phủ ấm cây cối và đất đai thì xoan bắt đầu nảy lộc. Những búp lộc xoan mỡ màng hiện trên mỗi đầu cành mà người thôn quê gọi là lộc chân chó vì nhìn giống như những chiếc chân chó. Chỉ sau mười ngày lộc xoan đã xòe lá và những chùm hoa xoan bắt đầu xuất hiện.

Sang khoảng giữa tháng Hai âm lịch là lúc hoa xoan nở rộ. Những chùm hoa xoan màu tím đẹp đến nao lòng. Đấy cũng là lúc các làng quê vào hội. Rất nhiều người còn nhớ những câu thơ của thi sỹ Nguyễn Bính viết về hội làng và hoa xoan: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo em rằng hát tối nay".

Hình ảnh trong thơ Nguyễn Bính là hình ảnh thân thuộc của các làng quê Bắc bộ. Mỗi khi đọc những câu thơ ấy, lòng tôi lại xốn xang và ký ức tôi lại trở về những năm tháng xưa ở một làng quê ngèo nhưng nhiều mơ mộng. Vào những ngày đó, mưa xuân ấm áp bay mờ khắp chốn và hoa xoan tím như những đám mây trôi dọc làng.

Ngày ấy, hầu như làng nào cũng có một gánh hát chèo. Các diễn viên của gánh hát là những nông dân trong làng. Vào những ngày nông nhàn, họ thường tụ tập ở nhà một ai đó và tập các trích đoạn của một số vở chèo như "Lưu Bình Dương Lễ", "Xúy Vân giả dại", "Thị Màu lên chùa"... để diễn vào dịp lễ cơm mới tháng Mười và đặc biệt vào những ngày hội làng.

Gánh chèo làng tôi năm nào cũng bắt đầu diễn từ mồng 10 đến tận rằm tháng Giêng. Sân khấu được dựng bằng tre ở sân đình. Những đêm có diễn chèo, các gia đình đều nấu cơm ăn sớm để đi nghe diễn chèo. Trong ánh sáng của hai ngọn đèn măng xông để hai bên sân khấu, một thế giới huyền ảo và kỳ lạ hiện ra. Những người nông dân sạm nắng như có phép thần tiên khi xuất hiện trên sân khấu trong những bộ sắc phục nhiều màu sắc và giọng hát chèo mê hoặc lòng người. Khi tôi lên mười tuổi,  mẹ tôi cho phép tôi được đi xem diễn chèo một mình.

Những đêm như thế, tôi như một kẻ đã lạc sang một thế giới khác. Và trong lòng của cậu bé lên mười đã nẩy sinh một thứ tình cảm mơ hồ với những thôn nữ làng tôi khi họ bước lên sân khấu. Thật kỳ lạ là ai cũng đẹp như công chúa trong truyện cổ tích. Những đêm như thế, khi vở diễn đã tan, tôi vẫn đứng một mình ngơ ngác nhìn về phía sân khấu rất lâu. Phông màn đã được gấp lại, đèn đã tắt...làm tôi cảm thấy như cái thế giới thần tiên vừa biến mất.

Hoa xoan.  Ảnh internet

Một thôn nữ đi qua tôi, bảo tôi về đi ngủ chứ còn đứng đây làm gì nữa. Lúc đó tôi nhận ra đó là người thôn nữ đã xuất hiện trên sân khấu. Bàn tay mềm mại và ấm lạ thường cầm tay tôi kéo đi. Tôi vẫn còn nhớ mùi son phấn hóa trang trên mặt người thôn nữ. Đó là mùi hương đầy mê dụ. Sau này lớn lên ở tuổi mười tám, đôi mươi, tôi vẫn thường mộng được yêu người thôn nữ ấy và được cưới người thôn nữ ấy làm vợ. Một nửa thế kỷ đã trôi đi, người thôn nữ ấy vẫn còn. Bây giờ chị là một bà lão.

Thi thoảng tôi vẫn gặp chị khi về quê. Lúc nào tôi cũng nán lại hỏi thăm chị vài ba câu để nhìn thật lâu vào gương mặt chị. Lúc đó, ký ức của những đêm xuân xưa lại trở về. Lại trở về với ánh đèn măng xông trên sân khấu, về với ánh mắt lá dăm, với nụ cười của đôi môi cắn chỉ, với giọng hát như của các tiên nữ từ chốn thiên thai, về với những đêm mưa xuân bay ngào ngạt và mùi hoa xoan hăng hăng trong gió ấm và về với giấc mộng được yêu người thôn nữ ấy.

Một nửa thế kỷ đã trôi đi. Những đêm xuân xưa ở một chốn thôn quê không còn nữa. Giờ chẳng mấy làng còn lại gánh hát chèo. Giờ cũng chẳng còn mấy những cây tháng Chạp nữa. Ngày nay người ta xây nhà bằng bê tông cốt thép chứ còn mấy ai dựng nhà bằng những khúc xoan ngâm. Bây giờ trở về quê chỉ là những ngôi nhà bê tông nhiều tầng lầm lụi và vô cảm trong những ngày cuối năm. Giờ những lối vườn, những lối ngõ, những chân đê không còn mờ tím hoa xoan.

Một thiên nhiên như vậy mất đi và cũng mang theo những tiếng gọi mơ hồ và thao thức lạ lùng của những ngày đầu tiên của mùa xuân. Một vẻ đẹp thuần thiết và da diết đến làm lòng ta muốn khóc đã rời xa đời sống con người. Lúc này, trong tôi vẫn vang lên một câu hỏi: "Chúng ta được gì và mất gì trong đời sống bây giờ?".

Một đời sống mà ngay cả một giấc mộng đẹp cũng trở nên hiếm hoi vô cùng. Chẳng lẽ chúng ta sinh ra chỉ để ăn thật nhiều, mặc thật nhiều, tích lũy tài sản thật nhiều cho đến lúc từ bỏ tất cả để tan vào cát bụi hư vô sao? Thiên đường không phải là phần không gian sau cái chết mà thiên đường ở chính trong đời sống chúng ta đang sống.

Mùa xuân đang đến. Nhưng chúng ta hầu như không được nhìn thấy những búp non đang hiện ra, không được thấy những bông hoa đầu tiên của mùa xuân vừa chợt sáng trong vườn, không được ngửa mặt để cảm nhận thật sâu trong thân xác và tâm hồn chúng ta những hạt mưa bụi của mùa xuân phủ ấm mơ hồ và tinh khiết.

Và lúc này đây, lòng tôi lại nhớ những cái cây tháng Chạp lạ lùng, nhớ màu hoa tím đang trôi, nhớ một đêm hát chèo ở sân đình và nhớ những thôn nữ hiện ra như mộng. Hạnh phúc thật giản dị như chính sự xuất hiện của nó. Chỉ có điều, chúng ta càng ngày càng đi xa nó như một kẻ lạc đường tự mãn.

Nguyễn Quang Thiều
.
.