Những âm thanh thức giấc

Thứ Ba, 15/11/2016, 08:12
Đọc tản văn của nhà thơ Phan Quốc Bình.


Sau gần cả cuộc đời làm thơ, với năm tập sách đã xuất bản, lần này nhà thơ Phan Quốc Bình đem tới bạn đọc tập tản văn "Âm thanh thức giấc", phát hành cuối năm 2015 - NXB Nghệ An. Với mười bảy bài viết ngắn gọn lại có sức chứa đựng những thao thức gần trọn cả một đời cầm bút và sống sau những từng trải vui buồn, được mất, anh đã nhìn ra, tìm ra cái lý đẹp đẽ nhất của mỗi con người được sinh ra nơi mặt đất này: "… tuổi đầu đời non dại của ta, những hình ảnh, âm thanh ta nhìn thấy, nghe được sẽ mờ dần chìm khuất theo thời gian… vẫn còn đợi đấy trong tâm tưởng ta như hạt giống được gieo…

Thời gian dắt ta đi đến cuối cuộc đời… hình ảnh và âm thanh thu nhận đầu đời vẫn có sức tỏa chiếu, lay động, để ngộ ra cơ duyên ta có mặt trên đời!" Khi ngoái lại thì "Tuổi thơ thần tiên như giấc mộng đã lùi xa!".

Mười bảy bài tản văn như lần giở cái "Kho báu tuổi thơ" để ghi lại những dấu thiêng sông núi đất đai quê mình đã in đậm vào trí não. Này là "Hòn đá bạc" với dấu chân ông Đùng để lại trong chuyện cổ tích: "Ông khổng lồ luôn bước trên đỉnh núi cao, những bước đi không biên giới" để "Ai sinh ra dưới bước đi thần thoại ấy được thừa hưởng di sản tinh thần, dũng khí không lùi bước trong mọi hiểm nguy".

Này là đàn chào mào rất thực thường về làm tổ nơi vườn cau của mẹ, không biết hữu ý hay vô tình, một lần vào sáng đầu xuân đôi chim đã hái được quả cau tươi mởn thả xuống góc sân cho cha món quà tự trời cao ban tặng… Câu chuyện đẹp như mơ được đặt tên "Chào mào hiến cau"…

Rồi cây thông nghìn tuổi lực lưỡng che rợp trước ngôi chùa cổ, nơi rễ thẳm sâu đã kết tủa thứ "linh dược" quý hiếm có thể giúp con người sống lại phút đã nan y… không thể kể hết những nuối tiếc mà tuổi thơ anh đã gửi lại cho quê hương Đức Thọ của mình trong tập sách… Cây thông nghìn tuổi đã không còn - Vườn cau của mẹ đã thành vườn hoang khi cả làng đã làm cuộc di dân lên núi trong cuộc cách mạng ý chí đổi đất, thay trời ở thế kỷ trước. Đến hòn đá thiêng mang dấu chân cổ tích của ông Đùng giờ cũng còn đâu!...

Có những hình ảnh chỉ còn tồn tại trong ta bâng khuâng khi đọc trong văn của nhà thơ Phan Quốc Bình "Như được đánh thức". Ừ, đã lâu lắm rồi làng quê Việt Nam không còn cảnh thanh bình, êm ả, cho những cánh chim diều hâu lượn lờ như trôi trên khoảng không cao vút, cái đầu ngó nghiêng phát hiện những chú gà con ăn lẻ xa đàn…

Tục đi xông đất chúc phúc lành mỗi dịp tết đến, xuân về, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm của những làng quê Việt, giờ đã nhạt phai. Con người dần tách biệt, xa nhau sau những bức tường cao cổng kín. Gần bảy chục tuổi đầu như trẻ lại trong tiếng "Chim khô rốc kêu trong sáng mùa xuân thời tiết non tơ"… rồi con chim "Seo cờ" (loài chim là bạn của nhà nông), mỗi khi xuất hiện, cất tiếng kêu là trời sắp mưa, bây giờ đến cả cái tên cũng không ai nhắc đến nữa…

Cuộc sống biến thiên, đổi thay gần như hết thảy, chỉ còn lại cái hồn của đất đai lưu giữ trong những câu thơ ở bài thơ "Tràng giang" của nhà thơ nổi tiếng thế kỷ XX - Huy Cận - sinh hạ ở đây. Giờ mỗi khi đọc lại "Tràng giang" lại nghe náo nức sóng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố vây quanh cái lăng Ân Phú dưới chân núi Mồng Gà quê ông… Buồn vui từ đây hòa vào biển thẳm làm nên vẻ đẹp đất nước, mà tồn tại vững bền…

Tháng 10/2016

Chữ Văn Long
.
.