Nhà thơ Trương Trung Phát: Người Sơn Nam Thượng mê xứ Nghệ

Thứ Hai, 26/09/2016, 09:08
Trong ký ức tuổi thơ, tôi còn nhớ một bên đường 73 có một hiệu sách. Tôi đã nhiều lần đội nắng, đội mưa đến đấy để nhìn ngắm sách một cách say mê, thèm thuồng làm vui và không ít lần đi không, về không, vì trong túi không có nổi một đồng xu nhỏ. Cái ngày ấy, nó vậy. Đến nhu cầu thiết yếu còn chưa đáp ứng nổi, đến ăn mặc còn kham khổ… thì có tiền để mua sách, là một chuyện xa xỉ, hoang đường...


1.Năm 1965, khi miền Bắc có Chiến tranh phá hoại, tôi theo ông bà nội về sơ tán ở thôn Bộ Đầu, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) thì đã có Nhà máy đường Vạn Điểm rồi. Nghe nói được sự tài trợ của Chính Phủ Ba Lan, nó được khởi công vào năm 1959 - 1960, khánh thành vào năm 1963 - 1964 và là nhà máy sản xuất đường lớn nhất miền Bắc hồi bấy giờ.

Thuở ấy, đối với những đứa trẻ mới 14 - 15 tuổi như tôi, Nhà máy Đường Vạn Điểm (đi kèm với con đường 73 và "thị trấn đường") là "miền ánh sáng", "miền  văn minh". Đơn giản Vạn Điểm có đèn điện tỏa sáng, có tiếng máy vận hành, có  ôtô, máy kéo chạy và có các cô, các chú công nhân vào ca, tan ca… ngày lại ngày tiếp nối, mang dáng dấp của một khu công nghiệp quy mô nhỏ.

Còn nơi tôi ở chỉ là một vùng đồng màu bên sông Hồng, vẫn con trâu đi trước cái cày theo sau, đêm hằng đêm vẫn sống dưới ngọn đèn dầu heo hắt. Phải lâu thật là lâu, mới có cơ may được chiêm ngưỡng ánh sáng mạnh mẽ, khác lạ từ một ngọn đèn măng xông tỏa ra vào những đêm, theo cách nói của các cụ là "nhà có đám". Mà từ thôn Bộ Đầu đến thôn Vạn Điểm, nào có xa xôi gì. Về chiều dài, chỉ cách nhau đúng một con vực.

Trong ký ức tuổi thơ, tôi còn nhớ một bên đường 73 có một hiệu sách. Tôi đã nhiều lần đội nắng, đội mưa đến đấy để nhìn ngắm sách một cách say mê, thèm thuồng làm vui và không ít lần đi không, về không, vì trong túi không có nổi một đồng xu nhỏ. Cái ngày ấy, nó vậy. Đến nhu cầu thiết yếu còn chưa đáp ứng nổi, đến ăn mặc còn kham khổ… thì có tiền để mua sách, là một chuyện xa xỉ, hoang đường.

Vào những năm tháng ấy, tôi đâu biết ở Vạn Điểm có một người hơn tôi 9 - 10 tuổi, rất say mê đọc sách văn học. Người ấy kể: "Trong những năm 50, bố tôi tên là Trương Văn Bao đã bán 5 sào ruộng để lấy tiền cho người anh ruột của tôi tên là Trương Ngọc Chăm lên Hà Nội theo học Trường Kỹ nghệ Hà Nội. Mỗi lần về quê, ông anh tôi thường mang sách về cho tôi. Nào là sách văn học Pháp, văn học Anh, văn học Trung Quốc, văn học Việt Nam…

Nhà thơ Trương Trung Phát.

Văn học đã có ảnh hưởng lớn đến tôi từ đó. Tôi đã đọc thơ Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Nguyễn Khuyến, "Kim Vân Kiều truyện" của Nguyễn Du và nhiều truyện nôm khuyết danh từ hồi ấy. Rồi tôi đọc cho bà nội, bà ngoại tôi cùng nghe. Tuy bà nội và bà ngoại tôi đều mù chữ, nhưng được cái hai cụ lại thuộc rất nhiều thơ và có lúc, cũng làm thơ. Có lần, bà nội tôi còn làm một bài thơ ca ngợi du kích chống càn, được dân làng truyền tụng đến tận hôm nay. Bố tôi cũng là người có tâm hồn thơ và cũng làm thơ".

Vào những năm tháng ấy, tôi đâu biết giữa tôi và người ấy có một sợi dây kết nối xa xôi, vô hình. Tôi có một bà trẻ (em ruột ông nội) kết hôn với ông bác vợ của người ấy. Ông rất cảm phục bà trẻ tôi, bởi khi góa chồng lúc còn rất trẻ, đã kiên quyết ở vậy nuôi con, không đi bước nữa.

Người ấy là nhà thơ Trương Trung Phát.

2. Trong bài "Chơi với người nổi tiếng", Trương Trung Phát viết: "Chúng tôi (Trương Trung Phát và Phạm Tiến Duật) cùng nhau ôn lại cái buổi gặp nhau trên trận địa Pháo 37 ly ở miền Tây Quảng Bình vào cuối năm 1972. Khi ấy, nhà thơ Phạm Tiến Duật trên đường ra Bắc để cưới vợ, có tá túc một ngày một đêm ở đơn vị tôi. Không rõ trời xui đất khiến thế nào, buổi ấy ban chỉ huy đại đội có 4 người lại vắng 3.

Chính trị viên trưởng, Chính trị viên phó đi học chính trị trên binh trạm, Đại đội phó đi trinh sát, tiền trạm để chuẩn bị cho cuộc hành quân luồn sâu, còn lại tôi đang là quyền Đại đội trưởng. Trong chiến tranh, đó là một dịp may hiếm có và tôi quyết định chuyển sinh hoạt tổ tam tam thành buổi sinh hoạt văn nghệ.

Tôi đem mấy bài thơ anh Duật tặng đọc cho cả đơn vị nghe và tất nhiên là bắt chước cả giọng anh cho nó điệu đà một tí. Cái chất đặc lính tráng này trong thơ Phạm Tiến Duật, anh em chúng tôi khoái lắm. Đọc tiếp ba bài thơ: "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây"; "Gửi em thanh niên xung phong", "Tiểu đội xe không kính", mọi người khoái trá vỗ tay rầm rầm. Vừa ngớt tiếng vỗ tay, một chiến sĩ đứng lên nói: "Đề nghị Đại đội trưởng đọc bài thơ "Cánh võng" để "trả nợ" nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Tôi thật sự ngạc nhiên trước sự ứng xử có văn hóa của người chiến sĩ này. Song, tôi không khỏi sượng sùng vì bài thơ "Cánh võng" của tôi chỉ là thơ báo tường, viết để cổ động đơn vị mà thôi, bây giờ mà đem lên đọc thì có vẻ không "môn đăng hộ đối" cho lắm, vì thơ anh Duật như tiếng chuông vàng âm vang biết bao, còn bên thơ anh, thơ tôi khác gì tiếng đập mẹp.

Tôi ngần ngừ, chống chế các kiểu, nhưng vì cả đơn vị cứ hối thúc, thế là đành ngậm thuốc liều đọc mà đọc: Cánh võng ta nằm như vầng trăng khuyết/ Như đò trăng trở lính sang sông/ Gặp cánh rừng ngổn ngang cây đổ/ Thương cho mình chịu bao đêm gió sương.../ Cánh võng này đưa ta bay đi/ Cánh võng này đưa ta trở lại/ Mở lòng ôm bờ bãi hưởng say/ Khẩu súng tròn vai và đường cày em thẳng/ Không huyền ảo sao mà thơ mộng/ Tiếng trẻ reo khắp làng…".

Sau đó, nhờ sự động viên, khích lệ nhiệt tình của "nhà thơ Trường Sơn" và đồng đội, Trương Trung Phát đã mạnh dạn nhờ Phạm Tiến Duật cầm "thơ gửi đăng báo" của ông về Hà Nội. Chẳng ngờ đầu năm 1973, "Cánh võng" được đăng trên Báo Quân đội Nhân dân và đây cũng là tác phẩm đầu tay được trình làng của Trương Trung Phát.

Trương Trung Phát nhớ lại: "Đây là một trong nhiều bài thơ của tôi viết thời còn là lính. Tôi nhập ngũ vào tháng 8 năm 1964, ra quân vào tháng 1 năm 1975 ở một đơn vị thuộc Binh chủng Phòng không. Thời còn là lính, thời gian cứ hở ra là tôi làm thơ. Thơ tôi ngày ấy có vẻ chưa được ổn lắm. Sau khi "Cánh võng" được đăng báo và nhất là sau này có dịp gặp lại nhà thơ Phạm Tiến Duật, tôi thấy "vỡ" ra nhiều điều có liên quan đến thơ. Với tôi, thơ là tất cả tâm hồn của con người và khi tôi làm thơ thì cũng là lúc nhu cầu thổ lộ của tôi xuất hiện".

3. Tính đến nay, Trương Trung Phát đã xuất bản 7 tập thơ, trong đó có bốn trường ca: "Nhân thảo", "Xứ tre", "Ánh sáng" và "Bóng làng". Cả bốn trường ca này đều được Trương Trung Phát say mê viết khi đã trên 60 hoặc xấp xỉ 70 tuổi. Cách nay không lâu, trường ca "Xứ tre" đã đoạt giải ba Cuộc vận động viết về đề tài nông nghiệp - nông thôn do Bộ NN & PTNT và Hội Nhà văn kết hợp tổ chức.

Ngoài ông thầy thơ Phạm Tiến Duật, Trương Trung Phát tự nhận mình còn có hai người thầy nữa là dịch giả Trần Đình Hiến và dịch giả kiêm nhà văn Ông Văn Tùng. Ông bảo: "Tôi học ở thầy Hiến cái "cốt cách văn hóa" và học ở thầy Ông Văn Tùng cái "nghĩa của chữ". Đời tôi, có được hai người thầy như thế, cũng đã là may mắn".

Tôi biết Trương Trung Phát từ năm 1979 - 1980, khi ông còn là Chủ nhiệm HTX sơn mài Vạn Điểm ở số 9, ngõ Yên Thế - nơi ở của nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc đó. Qua nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ, tâm sự… tôi thấy ông là một người cao to như hộ pháp, tính tình cương cường và quyết liệt. Ông bảo: "Nhiều năm qua, nhất là thời gian ở lính, nếu ứng xử "nhu" hơn một chút, "mềm" hơn một chút, chắc đời tôi sẽ khác. Nhưng tôi không bao giờ khác tôi được. "Giang sơn" có thể  "thay đổi", còn "bản tính" thì "khó dời" lắm".

Con người bên ngoài ông là vậy. Nhưng còn con người bên trong ông thì sao? Tôi tin, nếu xét về mặt cốt lõi, ông cũng là người dễ yếu lòng và dễ động lòng trắc ẩn lắm. Hoặc nói theo cách nói của Hoài Thanh: Từ bao đời nay, thi sĩ vẫn như thế, là thế, chẳng có cách gì khác được. Còn nếu khác được, họ không còn là "giống thi sĩ" nữa.

Bởi vậy, khi chứng kiến cảnh chọi trâu mà Trương Trung Phát có "Lệ chọi trâu" của riêng ông: Cái thắng được phanh thây ra chất đầy nong/ Cái thua cũng được xẻ ra mặt nia tú hụ…/ Hai trẻ mục đồng tựa lưng nhau tìm hơi ấm/ Thút thít bờ ao thẫm áo cỏ may.

Bởi vậy, khi gắn bó với xứ Nghệ theo nhiều hoàn cảnh, cơn cớ khác nhau, ông vẫn có riêng cho mình một "Trăng Nghệ": Ơi Trăng Nghệ!/ Ơi em Trăng Nghệ!/ Ta nhớ em/ Như cá chậu nhớ sông/ Như chim lồng/ Nhớ trời xanh ngăn ngắt/ Dòng sông Lam bắt đầu từ đâu/ Ta nỏ biết/ Nhưng Trăng Nghệ bắt nguồn từ em/ Thì ta biết...

Khi bình bài thơ này, tôi viết:  "Chỉ nhớ em và trăng Nghệ đến mức ví mình như "cá chậu nhớ sông", "chim lồng nhớ trời" thì quả là tội nghiệp. Nhưng tội nghiệp mà vì nhớ đến mức như thế, rơi vào cảnh ngộ như thế, thì cũng nên... tha.

Thêm nữa: Vì nhớ em mà ta nghĩ trăng Nghệ bắt nguồn từ em và ta biết "trăng Nghệ như biết từng bữa ăn trong suốt cuộc đời", thì thiết tưởng ít có cái nhớ nào lại thường trực và cần thiết đến thế!

Có lẽ vì diễn tiến nó thế nên ta đã "Bỏng cả bờ môi mặn" có nguyên do từ nước mắt.

Rồi hình như không còn em nữa, chỉ còn trăng Nghệ. Trăng Nghệ đã thành tên em. Ta gọi trăng Nghệ cũng là gọi em trong "gió vô minh..." "của "trời xanh đất đỏ".

Xa xưa, Hà Đông là một phần thuộc vùng Sơn Nam Thượng. Và một người có gốc gác Sơn Nam Thượng như nhà thơ Trương Trung Phát, mà mê xứ Nghệ đến thế, thì quả là hiếm hoi!

Đặng Huy Giang
.
.