Đọc tập thơ “Hoài niệm” của tác giả Bùi Quảng Bạ, NXB Hội Nhà văn, 2018

Nhận hoa sen lại nhớ chỗ đầm lầy

Thứ Năm, 17/01/2019, 13:22
Hơn hai chục năm trở lại đây, trong sinh hoạt văn chương nước ta có một biến động rất đáng lưu ý. Ấy là số người làm thơ, in thơ tăng lên đột biến. Khảo sát và cắt nghĩa hiện tượng này chắc hẳn sẽ gặp nhiều lí do thú vị. Nhưng đấy là việc của những nhà nghiên cứu. Chúng ta, bằng cái nhìn thông thường cũng thấy, có một sự kích thích sáng tạo trong cõi tinh thần của tầng lớp cán bộ cao niên...


Tôi nói cao niên vì phần lớn các vị đã hoàn thành nhiệm vụ công tác, khi vào tuổi hưu hay sắp hưu mới dành tâm trí cho thơ. Thơ thành một thú chơi tinh thần tao nhã. Hơn thế, giúp ta sống kỹ hơn những gì ta đã sống, phát hiện sâu hơn những hạnh phúc, những nghĩa tình của cuộc đời này.

Và điều này nữa, không là phổ biến nhưng lại rất đáng ghi nhận, là trong phong trào thơ không chuyên này đã có những cây bút thật sự có đóng góp vào thành tựu văn chương nước nhà. Số hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam những năm gần đây hình như tỷ lệ cao niên có tăng, tăng nhiều. Trong đó có những tên tuổi đã được bạn đọc chờ đợi.

Tác giả Bùi Quảng Bạ chúng ta đọc đây là một cán bộ vốn theo nghiệp binh đã nghỉ hưu. Tôi chắc lúc trẻ ông đã yêu thơ, ham đọc thơ và có thể cũng đã làm thơ ở dạng nhân hứng thì cất bút. Thời giờ lúc này và vốn sống cả cuộc đời tích chứa hẳn đã có thôi thúc ông ghi lại.

Tôi đoán thế vì chưa được trò chuyện cùng ông. Bản thảo này là do một bạn văn xưa là chiến sĩ của ông chuyển tới tôi, nhờ đọc. Đọc thơ ông, tôi như được nghe ông tâm sự chuyện đời. Chuyện trong nhà vợ con, chuyện thế sự ngoài đời. Có nét chung tâm lý của thế hệ gặp lý tưởng cách mạng ở tuổi thanh niên, tham gia chiến trận giành độc lập tự do cho dân nước, nay vào tuổi già có cái thanh thản của người được đi trong bóng mát, được vin cành hái quả trong vườn cây do chính mình trồng.

Đời người vui buồn sướng khổ ai mà chả có. Nhưng cái cách vui, cách buồn thì vô cùng đa dạng. Chính cái đa dạng ấy làm nên cái vị đắng ngọt của đời. Mà có thế nó mới ra cái đời người. Tôi trân trọng cái buồn lặng yên của ông, cái buồn cộng hưởng với không gian chiều, có thể là của tuổi đã vào chiều:

Những ngày không có em
Ta lạc vào yên lặng
Mênh mông lòng trống vắng
Một mình bên chiều rơi

Em đi vào xa xôi
Hoàng hôn buông mờ dại
Thời gian như dừng lại
Ngõ nhỏ giờ thênh thang.

Cái nỗi buồn trong trẻo mà thấm thía này lan tỏa trong lòng ông, tạo nên không gian sống của ông. Thơ thành chỗ cho ông chia sẻ, cho ông giãi bày. Âm hưởng bài nọ có thể lan sang bài kia, ý câu có thể trùng lặp. Những thủ pháp nghệ thuật có thể chưa thành mối quan tâm của người viết.

Bài trước “Lặng yên” thì bài sau “Tĩnh lặng”. Thơ cách nhau một năm, cơn buồn vẫn thế thì ghi thế. Điều quan trọng là đánh dấu lại nỗi lòng mình thì ông đã làm được. Hơn thế, đã có một yếu tố thẩm mỹ hồn nhiên như tự đến trong bài sau, ấy là cái nửa vầng trăng. Trong đời thì trăng có khi tròn khi khuyết. Nhưng với ông:

Mãi một nửa vầng trăng
Ôm trong lòng vắng khuyết
Lá rơi chiều bất chợt
Buông lạnh lùng sương giăng

Điều không có trong đời (mãi một nửa vầng trăng) nhưng lại được mặc nhiên chấp nhận trong thơ, ấy là do năng khiếu thi sĩ. Có thể năng khiếu ấy là trời cho, nhưng phần lớn là do tu dưỡng, có khi tu dưỡng mà người tu không tự biết. Đọc thơ thiên hạ, cái hay nhập vào ta, cứ vô thức mà nhập vào, thành một bản năng thứ hai, khi viết nó thành xúc tác cho hồn mình sáng tạo. Đấy là những khoảnh khắc hạnh phúc của nghề thơ. Hạnh phúc hơn cả khi lĩnh nhuận bút cao.

Ông Bùi Quảng Bạ trong tập này đã nhiều lần được thế. Cái cảm giác lúc thu về “Cơn gió lạnh ùa về ngơ ngác phố” khi hàng cây quen thuộc trên vỉa hè bị đốn đi, phố ngơ ngác là một cảm giác mang tính thơ. Tôi có thể dẫn ra nhiều: “Ly cà phê nóng thơm tình đất/ Ấm cả trời đông…”.

Cà phê nóng thơm thì ai cũng hưởng được. Nhưng thấy được cái tình đất đang làm ấm trời thì là sản phẩm ông tác giả tặng bạn đọc. Có lần ông còn nhận ra phẩm chất những bông sen cuối vụ mà ông được tặng: “Những tinh khôi của đầm lầy tư lự”.

Thấy hoa mà nhận ra vẻ tư lự của đầm lầy khi tiễn những bông hoa cuối. Cái đa sự này không phải ai cũng có. Ấy là thơ. Là năng khiếu thơ. Năng khiếu ở mức cảm nhận chi tiết. Tài năng đấy nhưng chi tiết chưa đủ để thành bài thơ.

Để có bài thơ còn cần tình và ý. Tình thường tan trong câu trong chữ. Ý thường tụ vào tứ thơ bao quát toàn bài. Tác giả không chuyên Bùi Quảng Bạ đã có những câu thơ rất có nghề, tạo ấn tượng. Quả thật tôi đã bất ngờ thích thú khi đọc câu thơ “thoắt cái đã bây giờ”. Dùng chữ bây giờ để nói khoảng cách với xa xưa, và nhất là nói được tâm trạng dâu bể của lòng mình từ đấy đến đây. Không có chữ nào nói thẳng vào điều ấy mà ta nghe được, cảm được. Ở phạm vi bài, ông cũng đã có thành công nhất định, có tình có tứ:

Một chén trà ngô trên đỉnh núi
Mát tận tâm can lúc đổ đèo
Hương đất quê em thơm đến lạ
Ngát cả trong từng ngọn gió theo

(Qua dốc Kun)

Bài thơ gọn, thoáng trong cốt cách cổ điển, mượn hương chè hương đất của nơi anh vừa qua để nói lòng người lưu luyến, người đi như chiếc xe đổ đèo, mỗi lúc một xa, người ở thành hương gió bay theo, chia biệt lại hóa đồng hành. Cách viết của Bùi Quảng Bạ nặng về giãi bày tình cảm.

Cũng là một lợi thế, bài thơ dễ thân dễ hiểu với bạn đọc. Ông ít quan tâm đến tứ nên sức khái quát, tính trí tuệ của thơ còn mờ. Đây là đặc điểm chung của những nhà thơ tài tử. Họ viết hồn nhiên, tìm cái hay trong sự thật thà, có khi còn vụng dại về chữ nghĩa.

Tôi không dám trích thêm thơ, sợ dài lời, chỉ xin được nhắc một số tên bài mong bạn đọc lưu ý và mừng cho tác giả: “Rượu quê”, “Gió qua đời mẹ”, “Chân dung mẹ”, “Trăng vỡ”, “Mùa yêu”, “Hoa dại”, “Màu gió”, “Hoa ban về phố”...

Hà Nội, 20-11-2018

Vũ Quần Phương
.
.