Nhà thơ Trần Gia Thái: Biển giờ không còn mặn

Thứ Sáu, 14/12/2018, 08:26
Trong tác phẩm mới nhất vừa ra mắt bạn đọc vào những ngày cuối cùng của năm 2018 có tên "Biển giờ không còn mặn", nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết về hồn thơ của Trần Gia Thái một đoạn ngắn tinh tế thế này: "Đằm thắm, thương cảm là vế đối với cay đắng và trải nghiệm. Thơ trực diện đi vào những vấn đề của hôm nay. Cái tình vẫn đậm sâu nhưng cái trí cái dũng trở nên mạnh mẽ, sắc sảo hơn. Cuộc đời nó táp vào mình như thế, phải thét lên, vùng lên, đứng dậy nhận diện cái ác, cái xấu là rất cần thiết vào lúc này".


Với nhà văn, tác phẩm chính là thái độ của họ trước thời cuộc. Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Gia Thái.

- Thưa nhà thơ Trần Gia Thái, anh có vẻ "phát" về đường thơ, dù ban đầu chuyên ngành khi kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của anh là văn xuôi? Bằng chứng trong số tác phẩm sáng tác, anh chỉ vừa vặn 1 tập truyện ngắn, 1 tập truyện vừa, trong khi thơ "áp đảo" gấp 3 lần với 6 tác phẩm? Có phải với người sáng tác, thơ dễ viết, dễ bộc lộ, dễ nói, và không cần phải nhọc công như văn xuôi mà vẫn tải được tư tưởng của người viết?

+ Vâng, mỗi nhà văn chỉ sở trường một thứ. Họ đến với văn chương từ một hoàn cảnh riêng, theo một cách thức riêng. Tôi cũng vậy. Năm học lớp 9 phổ thông tôi đã có thơ đăng báo. Năm 1982 đã một mình đứng riêng một tập truyện. 15 năm sau mới ra tập truyện thứ hai. Rồi công việc báo chí phát thanh truyền hình cuốn đi, cùng với những lăn lộn mưu sinh, bẵng một thời gian dài, năm 2011 - tôi mới quay lại với thơ (chứ không phải văn xuôi).

Với tôi, công việc làm phóng viên, biên tập viên, rồi điều hành quản lý cơ quan báo chí đã choán hết thời gian sáng tác. Trong khi văn xuôi cần lượng thời gian dài, liên tục, trút sức, toàn tâm toàn ý, vật lộn cực nhọc. Thế là tôi dành những giờ phút hiếm hoi thay vì xả street thì làm thơ. Tôi không nghĩ rằng thơ dễ hơn văn xuôi hay ngược lại.

Đã gọi là nhà văn nhà thơ, đã mang nghiệp viết lách là khổ rồi. Tôi cho rằng văn hay thơ đều truyền tải những thông điệp của tư tưởng, tình cảm. Tùy từng tình huống, trạng thái, điều kiện, bối cảnh sáng tác mà người viết lựa chọn thể loại, phương tiện để thực hiện.

Có lẽ những trải nghiệm, va đập, thương tổn, cộng với tính cách cả nghĩ, ưa hoài niệm, thích tự cật vấn mà tôi nghiêng về thơ. Các nhà thơ: Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Sĩ Đại đều tiên đoán "căn cước nghệ thuật" của Trần Gia Thái là ở thơ.

- Tại sao lại là "Biển giờ không còn mặn"? Dù trong bài thơ này anh đã có câu thơ "Đừng hỏi tại sao biển giờ không còn mặn", chả lẽ cuộc đời u ám, mất hết niềm tin thế rồi chăng?

+ Chị thấy cái tên này có gợi không, chủ ý của tác giả là sự gợi cảm. Mỗi nhà văn đều có cách nhìn cách cảm theo lăng kính chủ quan của mình. Nói "biển giờ không còn mặn" là một cách tôi chọn để nói về biển đời, biển người. Tôi cảm nhận bây giờ ngược lại với sự phong phú bồng bột của vật chất thì đạo đức, lối sống, tình người lại không còn mặn mà đầm ấm, lại vơi nhạt, thậm chí sa sút băng hoại. Cái xấu cái tồi, sự đểu, sự ác xem ra có đất để ươm, có cơ để bùng phát như những ổ dịch. Chúng ta đều biết là như vậy mà. Sứ mạng của nhà văn là phải trực diện đấu tranh với những cái phản nhân văn đó. "Biển giờ không còn mặn" đi theo hướng ấy.

-  Tôi luôn có ý nghĩ, con người ta càng sống, càng trải nghiệm, nhiều chiêm nghiệm, con người càng cảm nhận rõ hơn sự vô thường của đời sống, và khi anh đạt đến một độ tĩnh lặng, an yên nào đó anh sẽ thấy chỉ cần một làn hương toả ra từ đâu đó của một bông hoa trong khu vườn cũng đủ mang đến cho anh một niềm xúc động, một hạnh phúc thiện lành...?

+ Tôi hiểu chị muốn nói tới sự trên, sự vượt. Đức Phật cũng giáo hóa như vậy, nhưng mấy chân tu được thành chính quả. Trong cuộc sống phức hợp, đa chiều, phân hóa, phân cực, khi mà cái tham sân si, cái hỉ, nộ, ái, ố, còn ngự trị thì với sứ mệnh của mình, nhà văn khó mà đạt tới độ tĩnh lặng an yên.

Trong thơ mình, tôi luôn nói tới sự bất an, cái buồn, cái đau, cái day dứt, cái hiểm, như là một cách để cảnh báo, để ngăn chặn sự mất mát ra đi của những gì tốt đẹp. Tôi cho rằng đấy cũng là một thái độ sống - trách nhiệm nhà văn và trách nhiệm công dân. Tôi cũng rất mong đến một ngày nào đấy, trải nghiệm và chiêm nghiệm giúp thơ tôi có được sự an yên.

- Ở "Biển giờ không còn mặn" thấp thoáng đâu đó là nỗi buồn buông bỏ, nối chán mọi chân giả, phù vinh ở đời...

+ Trong "Biển giờ không còn mặn" có bài thơ bốn khổ, tôi đã tách làm đề từ cho bốn phần của tập thơ, đó cũng chính là thông điệp của người viết xin gửi gắm đến cuộc đời: "Tôi dòng sông/ Mải miết đắp bồi bến bãi/ Quyết không theo lũ dại/ Sói lở bờ phù sa/ Tôi ngọn gió đến từ bao la/ Ở trọ bầu trời nhận mây làm tổ/ Quyết không gây bão tố/ Chỉ mát lành du ca/ Nếu có kiếp sau chờ ta/ Tôi vẫn xin làm sông hát/ Vẫn xin làm mưa ngọt/ Căng ngực buồm giong đón gió tươi..".

- Là một nhà văn "quan chức", liệu có phải sau khi cởi bỏ mũ áo quan trường, họ thường có một nỗi chán, chán chính bản thân mình, chán bởi mình dù muốn dù không vẫn phải từng thoả hiệp mình, chật chội trong cái khung cuộc đời mà không dám phá bỏ?

+ Đó cũng là tâm trạng của một số. Ai đó rơi vào cảnh vậy thì thật buồn. Tôi thì không. Khi còn công tác với bao áp lực dồn đuổi, chống chọi với quá nhiều vật cản, tôi vẫn tỉnh táo hiểu mình, biết cái gì của mình và cái gì là ngoại thân. Tôi luôn coi mình như người chạy tiếp sức. Ở cái chặng này anh được trao gậy, hãy cố hết sức cho cuộc đua trên cung đường của mình, rồi trao gậy cho người kế tiếp. Thế là xong bổn phận. Văn chương thơ ca cũng vậy. Quan trọng là sản phẩm của ta làm ra có ích đến đâu. Nếu nó hỏng, nó vô bổ, lại còn có hại cho xã hội thì nguy.

Tập thơ mới của nhà thơ Trần Gia Thái.

- Tôi rất thích những câu thơ chứa đầy nỗi hoài niệm của anh về một miền quê, về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của anh... nơi đó có làng, có nỗi quê, có cánh đồng, có hạt lúa củ khoai, và quan trọng nhất là có người mẹ hiền có sức ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời anh, từ tình yêu thương sâu bể của mẹ... Đọc thấy rằng ở một miền nào đó, ký ức là những kho báu châu ngọc đẹp đẽ nhất của nhà văn, giúp nuôi sống nhà văn kinh qua mọi bão táp cuộc đời?

+ Tôi sinh ra ở một miền quê lam lũ, trong một gia đình lam lũ. Đói khát cơ cực, nghèo khổ, thường trực suốt tuổi thơ tôi cho đến lúc trưởng thành. Sống mãi trong tôi, ám ảnh suốt đời tôi là nỗi thống khổ của ông bà cha mẹ làng xóm, bản thân. Nó cứ thế đi vào thơ tôi như điều không thể khác. Viết về mảng này tôi thấy thuận hơn, tự tin hơn, sung sức hơn, và hạnh phúc hơn như là làm được việc tốt, việc tử tế với mảnh đất và con người sinh thành dung dưỡng mình.

- Thế nhưng cũng có lúc anh như người đi lạc khi "Ai tìm quê lẫn phố/ Hoang vu lên mái đầu"?

+ Không phải lạc đi mà đó là tâm trạng. Đã sống trong lở bồi, đã đi qua mọi cung bậc, đã chứng kiến bao lẽ được mất, rồi đối diện với đầy rẫy ganh ghét, thị phi. Tôi lớn lên từ một trẻ trâu thành anh lực điền, rồi một lão nông. Tôi yêu làng quê mình đến bỏng cháy. Tôi khắc khoải khi phải đối diện với mặt trái của sự đổi thay tước dần đi những kí ức, những kỉ niệm, kỉ vật thiêng liêng đã từng gắn bó với mình như máu thịt, trong khi tuổi tác, thời gian lại đồng hành với sự ra đi khiến ta có cảm gíác cô đơn bất lực, không đủ sức níu giữ.

- Tài sản quý giá nhất của người viết, của nhà văn chính là tác phẩm. Tác phẩm sẽ giúp nhà văn nối dài sự sống của mình một cách đẹp đẽ và ý nghĩa nhất. Suy cho cùng, nhà văn, anh có thành đạt quan trường đến đâu, nếu rời công việc sáng tác nghĩa là anh đang tự ngưng lặng cái sự sống của mình? Cuối cùng cảm ơn đời vì mình là nhà văn, thế nên anh sẽ tiếp tục nối dài sự sống của mình bằng những tác phẩm tiếp theo chứ ạ?

+ Tôi hoàn toàn nhất trí với nhà văn Như Bình về đúc kết này. Với trách nhiệm của người cầm bút, tôi đang viết và viết khỏe, viết như để bù cho thời gian sao lãng trước đây. Hiện nay tôi đã hoàn thành xong bản thảo hai tập thơ thứ bảy và tám có tên là "Hát rong" và "Sao cứ xanh vào nỗi nhớ". 

Và như chị nói ban đầu là tôi có vẻ "phát" về đường thơ, tôi đang cân đối, vâng, tôi bắt đầu trở lại văn xuôi bằng việc thử sức trong tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết mà tôi ấp ủ đã lâu, hay hay không chưa thể nói trước. Nhưng có điều chắc chắn nó là tôi, là tâm huyết tôi, là gan ruột tôi tích tụ vốn sống hơn 40 năm lăn lộn xả thân với nghiệp báo. Một cuốn tiểu thuyết nhận diện và cảnh báo về cái ác.

- Xin trân trọng cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục thành công với những sáng tác mới!

Như Bình (thực hiện)
.
.