Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Cứ sống, cứ sống, sống đến cùng... và viết

Thứ Năm, 25/10/2018, 08:42
Nói về nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gọi ông là "Người hát rong của thời đại".


Ngẫm và quan sát về Nguyễn Thụy Kha càng thấy điều đó đúng. Nguyễn Thụy Kha như một kẻ lãng du, ông sống tận hiến, làm việc cũng tận hiến và rong chơi cũng ít người bằng... Chính sự hết mình trong những đoạn đời ông đã đi qua, từ chiến tranh cho đến hoà bình, hay những mối quan hệ sống tha thiết ấy đã để lại cho ông một miền phù sa vô cùng phong phú...

Thế nên sau 13 cuốn sách vừa ra mắt vào tháng 6 năm 2017, Nguyễn Thụy Kha lại gây ngạc nhiên với độc giả và bạn bè khi cuối tháng 10 này, ông tiếp tục cho ra mắt cùng lúc hai cuốn sách "Phạm Duy và tôi" dày tới 700 trang và tập trường ca "Nàng". Văn nghệ Công an có buổi trò chuyện với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhân dịp này.

- Thưa nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, rất đáng ngạc nhiên vì chừng ba năm gần đây ông liên tục cho ra mắt sách với đủ các thể loại. Thơ tặng vợ; sách cho bạn bè - chân dung về những tài năng âm nhạc lớn của thời đại; sách về âm nhạc Việt Nam một thế kỷ qua… Giờ đây lại hai tập sách mới, một cuốn là tự truyện một cuốn là sáng tác. Hình như Nguyễn Thụy Kha đang làm một cuộc đổ bộ vào sách với "cơn bão sách" mang tên Nguyễn Thụy Kha. Ông có sợ khán giả bị bội thực trước ngồn ngộn chữ của mình không?

+ Tôi không làm cuộc "đổ bộ sách" nào và cũng không sợ người đọc bội thực. Không phải  là vài ba năm gần đây mà từ lâu, đúng ra là từ thời Đổi mới, sách tôi viết vẫn ra mắt bạn đọc đều đặn, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.

Năm ngoái, sang hội thảo thơ - nhạc ở Boston (Mỹ), tôi được người thủ thư của thư viện đại học Harvard in cho một danh sách chừng 30 cuốn sách của tôi đã có mặt tại thư viện, để làm kỷ niệm. Khi đã chọn nghề viết văn, thơ làm sự nghiệp thì tôi còn biết làm gì ngoài việc viết và xuất bản sách tới bạn đọc. Song có lẽ do năm ngoái, Nhà xuất bản Văn học vừa tái bản, vừa in 13 cuốn sách của tôi cùng lúc nên mọi người mới có cảm giác "cơn bão sách" mang tên Nguyễn Thụy Kha như câu hỏi của bạn.

- "Phạm Duy và tôi" là một cuốn tự truyện dày 700 trang, phải nói là một độ dày "đáng gờm" đối với độc giả thời hiện đại. Ở đó độc giả sẽ đọc ai? Phạm Duy hay là ông? Hay ông mượn Phạm Duy để viết về chính mình.

+ Khi đặt tên cuốn sách "Phạm Duy và tôi", tôi có ý định chia sẻ cùng độc giả sự nghiệp sáng tác đồ sộ của người nhạc sĩ tài năng này mà không phải mấy ai đã biết hết, nhất là độc giả miền Bắc khi xưa. Bên cạnh việc phân tích các nhạc phẩm của Phạm Duy từ khi khởi nghiệp đến trước khi mất, tôi có kể về những năm tháng tôi có dịp gần gũi Phạm Duy ở Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2013.

Nếu ai muốn biết cuộc đời Phạm Duy thì sẽ đọc "Hồi ký Phạm Duy" hay "Phạm Duy còn đó nỗi buồn" của Tạ Tỵ… Còn ai muốn hiểu về những sáng tác của Phạm Duy thì sẽ tìm đọc "Phạm Duy và tôi". Tôi muốn độc giả hiểu đóng góp của Phạm Duy cho dân tộc chứ không dám có ý mượn Phạm Duy để viết về chính mình.

- Tôi nhớ trong bộ sách 13 cuốn vừa ra mắt năm ngoái, có 7 cuốn ông viết về "Những tài danh âm nhạc Việt Nam" gồm các chân dung nhạc sĩ nổi tiếng có những đóng gớp lớn lao cho quê hương đất nước, đặc biệt là qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ: Hoàng Việt, Nguyễn Thiện Đạo, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao. Về Phạm Duy, ông đặt riêng chắc có ý nghĩa khác?

+ Phạm Duy là một tài năng âm nhạc lớn. Khi tôi viết 7 cuốn sách kia thì tôi chưa viết xong về Phạm Duy vì tư liệu khá nhiều. Cuốn "Phạm Duy và tôi" muốn giới thiệu cùng độc giả cách hiểu Phạm Duy của riêng tôi. Có thể có người đồng cảm. Người chưa đồng cảm thì cũng thông cảm cho sự hạn hẹp của tôi. Họ sẽ có một "Phạm Duy và tôi" khác khi họ viết. Khi Roman Rodan viết về L.V. Beethoven, độc giả vừa hiểu hơn về thiên tài âm nhạc này, song cũng hiểu hơn về người viết. Nó rất tách bạch trong sự không tách bạch.

- Thoạt đầu, nhìn tên tập thơ mới "Nàng", độc giả ngỡ đó là tập thơ tình. Nhưng đọc từ đầu đến cuối nhận ra "Nàng" là một tập trường ca bằng lục bát ca ngợi quê hương đất nước Việt Nam? Vì sao, ông lại viết một tập thơ bày tỏ tình yêu đối với Tổ quốc nhưng lại lấy tên "Nàng" và chọn thể thơ lục bát, thể thơ mà các nhà thơ hiện đại hôm nay rất ít khi dùng?

+  Trường ca lục bát "Nàng" được tôi khởi viết cùng cuốn "Phạm Duy và tôi". Tôi dành mùa xuân cho "Nàng". Còn ba mùa sau cho "Phạm Duy và tôi". Mùa xuân tươi non luôn là mùa gợi cảm hứng thi ca cho tôi thật nhiều.

Từ lâu, tôi đã muốn viết một trường ca ca ngợi đất nước thân yêu nhỏ bé của mình thông qua hình tượng người phụ nữ. Tôi vốn được nhiều người coi là nhà thơ của những tìm kiếm hiện đại. Nhưng cũng có cuộc tìm kiếm làm mới truyền thống, bởi thế ở "Nàng", tôi đã chọn cách cố gắng làm mới thể thơ mà mọi người dễ đọc, dễ thuộc nhưng không dễ kể.

- Trong lễ ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Giám đốc NXB Hội nhà văn đã có một ý kiến thế này: Ca ngợi quê hương đất nước trong thời điểm nào cũng là đề tài khó vì viết cho thực tài, thực hay, lay động được trái tim độc giả không hề là đơn giản. Mà ca ngợi đất nước vào thời điểm hiện nay bằng cảm xúc thi ca lại càng khó hơn rất nhiều. Thế nhưng ông đã viết 1.500 câu thơ lục bát thấm đẫm hồn vía Việt. Ông có thể nói về tình yêu lớn lao ở trong tập thơ "Nàng".

+  Tôi yêu đất nước như yêu người yêu, cũng là kế thừa ý tưởng của bậc tài danh văn nghệ Nguyễn Đình Thi trong bài thơ "Nhớ". Nhưng ở trường ca "Nàng", ý tưởng ấy được triển khai đa thanh, đa điệu, đa miền hơn, gần gũi với đời sống hơn. Có thể xem "Nàng" như một bộ phim tài liệu nhiều tập về các miền quê Việt Nam và ở đó, thủ pháp "chồng mờ" giữa làng xóm Việt Nam với người phụ nữ Việt Nam luôn luôn được sử dụng. Lúc cái này rõ, cái kia mờ. Lúc cái này mờ, cái kia rõ.

Đấy là toàn bộ những gì tôi cảm nhận được về đất nước thân yêu của mình, về những người phụ nữ tôi yêu hay thầm yêu. Tôi chỉ biết đấy là tình yêu của tôi dành cho đất nước. Nó lớn hay nhỏ là do cảm nhận của độc giả qua hơn 1.500 câu lục bát trong "Nàng". Ai đọc xong rồi thuộc ngâm nga vài câu như đã từng thuộc bài tứ tuyệt "Không  đề" của tôi, là tôi mừng lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi.

Tập trường ca mới của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.

- Quả đúng là đọc tập thơ mới của ông,  độc giả cảm nhận được một tình yêu đối với quê hương đất nước trong ông rất đỗi nồng nàn tha thiết. Và đất nước dẫu có trải qua biết bao thăng trầm thì ở đó tình yêu của ông vẫn trong trẻo ngời sáng.

+ Tôi muốn mượn lời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người đã đọc và xét duyệt cho tập thơ của tôi được in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn để trả lời câu hỏi của chị: "Trường ca "Nàng" là một cuộc hành hương thơ trở về những vùng "đất thánh văn hóa Việt". Đó là những vùng đất mà không ít những vẻ đẹp và sự thiêng liêng của đời sống trên xứ sở này đã làm nên văn hóa Việt giờ đang biến mất hoặc chìm khuất đâu đấy.

Và cuộc hành hương văn hóa này đã góp phần đánh thức một phần những vẻ đẹp và thiêng liêng ấy. Mỗi dòng thơ tôi đọc và thấy hiện dần lên hình ảnh Người hát rong Nguyễn Thụy Kha vừa giang hồ vừa mê đắm. Người hát rong ấy đã đi bằng những bước chân của ngôn từ thi ca từ những ngọn núi cao phía Bắc về tận vùng sông nước miền Tây.

Mỗi bước chân Người hát rong bước đi là mỗi câu chuyện, là mỗi lời ca vang lên giản dị và đẹp đẽ. Những câu lục bát như thế vang lên thực sự là những câu lục bát hay, mới mẻ, đầy sáng tạo với sức khái quát và gợi mở rộng lớn. Nguyễn Thụy Kha đã và đang đi trên con đường hành hương trở về nguồn cội văn hóa của mình".

- Một câu hỏi cuối ạ, Nguyễn Thụy Kha bước sang tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông vẫn uống khoẻ, viết khoẻ và chơi khoẻ. Điều gì mang lại cho ông nguồn năng lượng như vậy? Ông có bao giờ ngoái lại phía sau, để tiếc nuối, hay có khi nào thất vọng về bản thân? Nếu để tổng kết về cuộc đời mình, ông có thể gói gọn như thế nào?

+ Tôi không hề tiếc nuối. Tôi sống như một câu thơ của B. Pastenak "cứ sống, cứ sống, cứ sống đến cùng".

Như Bình (thực hiện)
.
.