Ngôn ngữ ba vạ

Thứ Bảy, 31/12/2016, 08:01
Có một thực trạng đáng báo động là nạn sử dụng ngôn ngữ ba vạ, nhất là trong phương ngữ Nam Bộ, vốn tràn lan từ sau 1975 đến nay! 


Xin được lấy ví dụ: Nhiều năm thành phố tôi ở có tiệm tên là "Cửa hàng may đo".  Trời ạ, may mà không đo chẳng lẽ may đại làm sao ra áo quần? Hai từ chỉ cùng một động tác của một quy trình tạo y phục, nếu vậy phải nói cho thật đầy đủ là "may-đo-vắt sổ-đính nút...".

Phòng sanh trong nhà Bảo sanh chẳng hiểu sao lại dùng ba vạ thành "Xưởng đẻ" như xưởng đóng giày, con người chứ phải đồ vật sao mà bảo là xưởng sản xuất! Cái tính ưa cụ thể ở đây thật sự không có chỗ đứng trong ngôn ngữ vì nó thô thiển hóa việc sinh nở vốn thiêng liêng hạnh phúc trong khi thật sự ngôn ngữ Việt Nam rất giàu có và tinh tế.

Chưa hết, thô bạo và tàn khốc hơn nữa là cụm từ "nạo phá thai" trưng biển ở các phòng khám tư nhân đầy rẫy nhan nhản ở đường phố, nhất là các phố gần bệnh viện. Hình như dư một trong hai chữ nạo hoặc phá. Con nít cũng biết làm sao có thể nạo (như nạo kinh mương, nạo dừa!) mà giữ được cái thai trong bụng thai phụ? Còn nữa, "thăm khám thai" thì có bác sĩ nào "thăm" mà không "khám", chẳng lẽ… tham quan chút cho biết "kỳ quan thắng cảnh"?

Ảnh có tính chất minh họa (nguồn internet).

Ngày nay, trên mọi bảng hiệu cơ sở y học dân tộc và cả trên giấy tờ hành chánh đều gọi chung các thầy thuốc đông y là "Lương y", trong khi "Lương" đúng nghĩa là giỏi, một danh hiệu, đẳng cấp không phải danh xưng mặc nhiên như đã... ba vạ!

"Chăn nuôi lợn" thừa chữ "chăn", gà nuôi "chăn thả" chẳng lẽ cứ nhốt chuồng như gà công nghiệp? Trong khi lại lố chữ "nuôi" đối với trâu bò! Còn nhớ thời phân phối thực phẩm theo lịch cho các cơ quan, vào ngày quy định, cửa hàng thịt treo tấm cạc tông: "Hôm nay bán thịt các cháu" là… ngày phân phối thịt cho trường mẫu giáo bán trú! Nghe ớn xương sống trong khi hoàn toàn có thể viết khác!

Tương tự: "Cửa hàng chất đốt thanh niên" nghe muốn ù té chạy, tránh cảm giác chết cháy! Chỉ là cửa hàng quốc doanh bán dăm thứ nhu yếu phẩm bèo nhưng danh xưng rất bảnh toỏng "Cửa hàng bách hóa tổng hợp"! Mà đã bách hóa sao còn cần đến tổng hợp?

Nói một chút về trường học. Một thời chửi xa xả chuyện trường tư thu học phí là "bóc lột", giờ "gậy ông đập… gãy lưng ông"! Ngôn ngữ vô tri bằng không nó kiện lên tới thiên đình vì bị nhục mạ! Thường có danh xưng trước rồi tìm người nhận nó sau, hai chữ "đại học" có sẵn, ai đậu tú tài thì lên mà nhận lấy. Còn trong cái vô tội vạ hiện nay thì, người (đối tượng) có trước nên phải chế ngôn ngữ ra cho loại hình trường cho… phù hợp! Thế mới có bác sĩ chính quy, tại chức, chuyên tu, chung một tên nhưng trình độ thì… trời biết.  Nhà xác - giờ ghi là "Nhà đại thể", hết biết!

Chưa hết, nơi sinh hoạt vui vẻ nhưng nghiêm túc của thanh thiếu niên không hiểu sao lại là "sân chơi", trường đại học cũng không tránh khỏi hai chữ này? Tỉnh Long An có Trường Nhựt Tảo gọi theo địa danh nổi tiếng bao đời, bỗng ba vạ thành Trường Nhật Tảo. Tỉnh cũng có cây cầu "Bảy Thước" (do ông Bảy tên Thước Bắc) bị hô biến thành "Cầu 7m"!!! Thật không hiểu sao lại lười đến mức bỏ chung nhiều thứ vào một giỏ đến như thế này.

Tờ báo có "thương hiệu", nhà văn xây dựng "thương hiệu", trường có "thương hiệu"... trong khi hai chữ này là của các cơ sở sản xuất các loại hàng hóa, không phải của cơ quan văn hóa, người làm văn hóa! Hiện TV đang phát chương trình quảng cáo cho một thương hiệu sữa. Và lời ca trong bài "Em là em bé ngoan..." được ngang nhiên làm méo thành "Em được khen là... con sữa ngoan" cùng với đàn bò đang nhảy tí tởn trên màn hình tivi!

Trẻ em tất nhiên không phải là bò sữa, nhưng ngôn ngữ ba vạ ngang ngược nhảy lên TV như vậy được sao? Sự ba vạ còn đầy rẫy trong cách đọc danh từ nước ngoài. Đến bây giờ mà MC Đài HTV và Đài VTV còn phát âm khác nhau cùng một từ nước ngoài: Hê - Minh - Uê và Hemingway, Bờ- bờ- cờ và Bi Bi Xi cho tên đài BBC! Tiếng nước ngoài bây giờ không còn xa lạ và dân ta biết khá đông, có cần phải… ba vạ tùy tiện mãi không?

Ai là người trình độ còn "hạn chế" hay "chưa cao" sẽ khó lòng hiểu nổi chuyện các tham quan đi "tham quan" nước ngoài nghiên cứu về… xổ số! Sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ là rất cần thiết nhưng ai có thể quên tiếng Việt cực kỳ phong phú và tinh tế, muốn nó giữ mãi trong sáng cũng có nghĩa phải nhanh chóng xóa bỏ tính tùy tiện ba vạ.

Hư Trúc
.
.