Mỹ học tiếng cười

Thứ Ba, 19/06/2018, 07:59
Nói đến cái hài là nói đến tiếng cười nhưng không phải là một, đúng hơn, chúng thống nhất nhưng không đồng nhất.


Tiếng cười luôn có mặt trong cái hài, trong mối quan hệ chủ thể khách thể của quan hệ thẩm mỹ, cái hài là khách quan thì tiếng cười gắn liền với chủ thể. Là kết quả của cái hài, tiếng cười bao giờ cũng vang lên từ một chủ thể nào đó hướng về phía khách quan là cái đáng cười. Vì lẽ này mỹ học rất đề cao tiếng cười, coi đó là một dấu hiệu rõ nhất của tính người, cũng rất đúng khi có người coi tiếng cười “là vũ khí của người mạnh”.

Đương nhiên tiếng cười là mỹ học của cái hài, nhưng tiếng cười còn là mỹ học của cái đẹp, vì cười cái xấu để con người tránh xa nó để hướng đến cái đẹp, cái tốt, cái tích cực. Phủ nhận cái xấu để chuẩn bị cho cái đẹp sinh thành. Đó là ý nghĩa xã hội lớn lao của tiếng cười. Do vậy nhiều nhà nghiên cứu mỹ học coi tiếng cười là mỹ học lưỡng tính hay mỹ học phổ quát là như vậy.

Hề chèo – Tranh Bùi Xuân Phái.

Cái hài là cơ sở tạo nên tiếng cười nên tìm hiểu, nghiên cứu hay kiến tạo tiếng cười bao giờ cũng phải chú ý đầu tiên đến đối tượng gây cười mang tính hài. Đó là những khuyết tật xấu xí, hèn kém, dối trá, ác độc, tham lam...

Không phải cái xấu nào cũng đều tạo nên tiếng cười, mà chỉ có cái xấu về mặt xã hội mới tạo ra tiếng cười. Cười một người không may bị ngã, thì là cái cười vô duyên, phản cảm. Nếu cố tạo nên tiếng cười từ sự khuyết tật bẩm sinh thì là biểu hiện của sự kém hiểu biết về mỹ học, không có sự đồng cảm, là sự nhạo báng vô đạo đức vì là cười trên sự đau khổ của người khác. Nếu khoét vào những cái vặt vãnh, đời thường, vào cái thông tục, cái không bản chất sẽ chỉ cho tiếng cười rẻ tiền…

Nhưng cũng nhìn rộng rãi hơn thì tiếng cười có ngay trong cái mới, tiến bộ khi nó tự mang trong mình cái cũ chưa gột bỏ hết, còn những cái chưa hoàn thiện. Trường hợp này tạo ra tiếng cười hài hước, đáng yêu như em bé vụng về mà hồn nhiên bắt chước người lớn hay nhà bác học đãng trí có vẻ ngoài ngô nghê…

Bản thân những cái xấu vẫn chưa phải cái hài. Xấu nhưng không đành phận xấu, lại đội lốt cái đẹp, tự cho mình là đẹp thì mới là cái hài. Phải có tiếng cười của nhà trào phúng lột, rồi giật phăng cái mặt nạ giả dối để làm trơ ra sự thật thảm hại của cái xấu ấy. Vì thế bản chất cái hài là sự mâu thuẫn giữa các mặt đối lập, giữa nội dung và hình thức, giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa hèn kém và cao thượng, giữa dốt nát ngu đần và trí tuệ hiền minh…

Những mâu thuẫn này càng căng thẳng càng tạo ra sự bất ngờ (kịch tính) thì càng tạo nên cường độ mạnh mẽ của tiếng cười. Điều này lại dẫn đến vai trò quyết định của chủ thể cười, tức nhà trào phúng, phải trí tuệ để nhìn thấy những mâu thuẫn hài; phải có sự phẫn nộ của lý trí muốn đòi lại lẽ phải, sự công bằng; phải có trái tim đầy yêu thương con người, căm thù cái xấu bênh vực cái tốt; phải có năng khiếu trời phú, có tài năng mỹ học về cái hài biết đẩy mâu thuẫn hài đến kịch tính…

Vì vậy cảm xúc hài kịch là cảm xúc thiên về trí tuệ. Tiếng cười bật ra từ cái hài luôn là một thái độ nhận thức, phê phán, phản biện hiện thực, tức tiếng cười phủ định cái tiêu cực. Nhưng cũng có tiếng cười khẳng định, đấy là tiếng cười tự trào, cười mình để khẳng định mình, thường chỉ có ở những nhà văn lớn.

Từ những vấn đề lý thuyết cơ bản trên ứng vào thực tế chúng ta thấy ngay cái yếu của sân khấu hài kịch hôm nay là ở khâu kịch bản. Kịch bản chưa tạo ra những mâu thuẫn hài đích đáng để bật ra tiếng cười, tức thiếu những mâu thuẫn kịch mang tính nổi bật của đời sống xã hội. Nhận thức của khán/độc giả ngày một cao trong khi ý nghĩa kịch bản văn học không những không cao lên mà có dấu hiệu chùng xuống. Rất nhiều vở kịch mới chỉ mang tính chọc cười bông lơn vui vẻ, cười xong rồi thôi hơn là sự gây cười trí tuệ sâu sắc, càng ngẫm càng thấy thấm thía, sâu lắng. Xã hội đang rất cần những Tào Mạt, Lộng Chương, Lưu Quang Vũ… những nhà trào phúng lớn!

Chất muối hài mặn mòi luôn là sự kết tinh của những mâu thuẫn đời sống được khúc xạ qua cái nhìn nghệ thuật tiến bộ, nhân văn, được cấu trúc lại thành các tình huống giàu tính kịch như nghịch lý, trớ trêu hay nhầm lẫn, éo le... Kịch bản đuối tay thường dông dài, không tiêu biểu và thường phải viện nhờ đến cái tục.

Phải tìm ra những câu chuyện thật sự đáng cười để kể lại, dựng lại nhằm mục đích phê phán chế giễu, từ đó làm bật ra ý nghĩa tích cực làm lành mạnh, trong sạch hoá cuộc sống. Từ xưa người ta coi sân khấu có tác dụng “thanh lọc” là theo ý nghĩa đó. Thế nên kịch bản luôn là khâu quyết định. Tác giả kịch bản phải thực sự tài năng và một năng lực hoá thân vào cuộc đời để nắm bắt những mâu thuẫn bản chất, có “bịa” cũng phải “bịa như thật” tức phải dựa trên lôgic thực tại của cuộc sống.

Về hình thức, kịch bản hài phải cô đọng, ngắn gọn, phải có tình tiết, chi tiết hài được giấu kín để làm sao khi “mở nút” bật ra thật bất ngờ kéo theo tiếng cười ngạc nhiên, thích thú, sảng khoái của người xem. Sự dài dòng sẽ làm giảm sự chú ý của khán giả, sân khấu chỉ còn là sự “độn” cảnh, “độn” lời thoại của sự pha trò vặt...

Tiếng cười phải luôn ý nghĩa xã hội tích cực, có thể tích truyện của ngày hôm qua nhưng tiếng cười phải hướng đến hôm nay để giúp đời tốt hơn, đáng sống hơn... Vì thế diễn xuất phải làm sống động hoá kịch bản, diễn viên phải thực sự tài năng hiểu thấu ý nghĩa chủ đề, phải hiểu đời và đau đời. Bởi tiếng cười vừa là trí tuệ vừa là tâm hồn. Diễn viên giỏi phải biết “khóc nghẹn” bên trong để có tiếng cười tươi nở bên ngoài...

Không phải cứ có tiếng cười là cần đến cái tục, vì cái tục chỉ là một trong rất nhiều phương tiện, phương thức gây cười. Ngay ở truyện tiếu lâm hay ca dao trào phúng, cái tục cũng chỉ xuất hiện khi cần đến sự vạch trần, đả kích, châm biếm đích đáng đối tượng. Sự có mặt của nó còn tuỳ thuộc chủ đề, nội dung kịch bản, tuỳ đối tượng tiếp nhận. Tiếng cười Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn "Ngựa người và người ngựa" có cái tục đâu mà sâu sắc, triết lý, đau đớn như thế. Rộng hơn, trước đó tiếng cười của mỹ học Nho gia Nguyến Khuyến rất ít cái tục sao chua chát thâm trầm mà tinh tế sâu sắc như thế!... Lạm dụng cái tục một cách tràn lan là hạ thấp và coi thường độc giả.

Nguyễn Thanh Tú
.
.