Cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ I:

Không dễ tìm tiếng cười từ múa hài

Thứ Sáu, 18/05/2018, 06:16
Lần đầu tiên, Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ I với chủ đề "Thông điệp cuộc sống" vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua.


Cuộc thi ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam trong việc khuyến khích đội ngũ biên đạo múa trẻ, đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đặt ra từ cuộc thi này khiến người làm nghề phải suy ngẫm.

Những vấn đề "nóng" của xã hội dưới lăng kính của nghệ sỹ múa

Mặc dù là lần đầu tiên được tổ chức nhưng cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam đã thu hút 40 tác giả với 39 tác phẩm đến từ khắp mọi miền đất nước tham gia dự thi. Người làm nghề háo hức chờ đợi xem những vấn đề của cuộc sống được thể hiện như thế nào trên sân khấu múa hài. Dẫu biết rằng, sáng tác múa hài không dễ nhưng những biên đạo tham gia cuộc thi mong muốn được thử sức ở một sân chơi mới mẻ và đầy thử thách.

Cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ I có chủ đề là "Thông điệp cuộc sống". Các tác phẩm dự thi phải phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống, tập trung phê phán cái xấu, cái thấp hèn để hướng tới cái đẹp, cao cả. Nội dung các tác phẩm xoay quanh đời sống văn hóa, tinh thần, cuộc sống lao động, quan hệ ứng xử, những câu chuyện vui trong kho tàng văn hóa dân gian cũng như trong hiện thực đời sống đương đại.

Bám sát chủ để cuộc thi, các tác phẩm tham gia đã đề cập đến nhiều vấn đề "nóng" của cuộc sống dưới góc nhìn của những nghệ sỹ múa. Điều này cho thấy, nghệ thuật múa không đứng ngoài xã hội mà bắt nguồn từ chính hiện thực cuộc sống. Theo đánh giá chung của Ban Tổ chức, 39 tác phẩm là 39 gam màu khác nhau phản ánh hiện thực cuộc sống một cách sinh động, đã dệt nên bức tranh đa sắc màu của cuộc thi.

Nếu "Thầy bói xem voi" (Biên đạo Kim Huệ) lấy ý tưởng từ câu chuyện ngụ ngôn trong dân gian có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về cách nhìn, cách đánh giá sự việc, con người thì "Nữ hoàng linh trưởng" (Biên đạo Lê Hoàng Châu) với thông điệp bảo vệ voọc chà vá chân nâu và bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng.

"Tiến sỹ giấy" (Biên đạo Huỳnh Nhật Danh) muốn phê phán những người quá coi trọng bằng cấp mà không có kiến thức thực sự thông qua hình ảnh 4 ông tiến sỹ làm bằng giấy, khi cháy, tất cả chỉ còn là tro bụi. "Khởi nghiệp" (Biên đạo Huỳnh Nhật Danh)  là câu chuyện về cô kỹ sư trẻ mới ra trường về quê khởi nghiệp cùng mảnh vườn, đàn heo của gia đình. "Sống ảo" (Biên đạo Võ Thu Hương) phản ánh trào lưu "sống ảo" của nhiều bạn trẻ trong thời kỳ công nghệ số…

Về ngôn ngữ múa, các tác giả đã sử dụng khá nhuần nhuyễn ngôn ngữ múa như dân gian, cổ điển Châu Âu, hiện đại, hip hop, dance sport để thể hiện nội dung, tính cách nhân vật của tác phẩm… Nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi được đánh giá cao, đã mang đến những tiếng cười hài hước, châm biếm với thông điệp gần gũi.

Tác phẩm múa "Tễu đời" của biên đạo Nguyễn Văn Dũng và Nông Thị Minh Hằng đoạt giải A cuộc thi.

Sáng tác múa hài không dễ

Các biên đạo trẻ cho rằng, sáng tác múa hài rất khó vì ngôn ngữ múa là ngôn ngữ hình thể. Làm thế nào để gây cười mà có thể truyền tải thông điệp, ý nghĩa sâu xa đằng sau tiếng cười là bài toán khó tìm lời giải đáp. Tiếng cười trong múa hài phải là tiếng cười thâm thúy có ý nghĩa với cuộc sống. Việc tìm kiếm những tình tiết gây cười, tìm được diễn viên phù hợp nhân vật, lột tả được hết ý đồ của biên đạo là chuyện không hề đơn giản.

Thực sự là tạo tiếng cười trong múa hài không dễ. Đây là thể loại múa xây dựng tính cách nhân vật đòi hỏi kịch bản hay, tư duy sáng tạo cao của người biên đạo. Múa không có thoại nên việc chuyển tải để khán giả hiểu được tính cách nhân vật rất khó. Nếu làm không khéo, tác phẩm múa dễ rơi vào chuyện chọc cười thô thiển, thiếu ý tứ.

40 tác phẩm tham gia cuộc thi nhưng không phải tác phẩm nào cũng gây cười thành công. Nhiều khán giả còn đùa vui nói rằng, đi xem múa hài về mà… "đau nách" vì phải cố cù vào nách mình để cười. Muốn cười được, khán giả phải hiểu nội dung tác phẩm múa nhưng nghịch lý ở chỗ, múa là nghệ thuật tạo hình, thông qua hình thể, động tác múa để truyền đạt thông điệp mà biên đạo gửi gắm nên không phải khán giả nào cũng có thể hiểu. Nếu chỉ đơn thuần gây cười bằng động tác múa mà không chứa đựng trong đó ý nghĩa thì tác phẩm sẽ trở nên vô duyên, nhạt nhẽo.

Tôi cho rằng, với múa hài, vấn đề quan trọng nhất là ý tưởng, chủ đề tác phẩm. Tiếng cười trong múa hài phải là tiếng cười đọng lại trong lòng khán giả, khiến khán giả phải suy ngẫm. Bên cạnh đó, để sáng tác múa hài, người biên đạo cần có cái duyên và người biểu diễn cũng cần có cái duyên hài trên sân khấu. Nhiều người có thể sáng tác múa nhưng không phải ai cũng có thể sáng tác thành công múa hài là vậy.

Múa hài đã có từ lâu trong nghệ thuật múa Việt Nam, một số tác phẩm múa hài được coi là tác phẩm kinh điển của múa Việt Nam như "Một ông hai bà" (Biên đạo NSND Đoàn Long), "Ong bò vẽ" (Biên đạo NSND Trần Minh), NSND Lê Huân có "Anh nuôi say súng", "Mưu Thị Hến", "Học trò xứ Quảng"…

PGS. TS. NSND Ứng Duy Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam cho biết, cái hài trong múa hài khác với các loại hài khác đang có hiện nay. Múa hài không tạo ra tiếng cười lập tức, phản ứng tức thì gây cười mà sẽ thông qua ngôn ngữ cơ thể mang đến niềm vui, nụ cười, tiếng cười sâu xa. Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam mong muốn hướng tới một thể loại hài có giá trị đích thực, giữa một không gian đang tồn tại rất nhiều loại hài không mang ý nghĩa mà chỉ gây cười đơn thuần.

Thời gian gần đây, Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam rất nỗ lực trong việc khuyến khích đội ngũ biên đạo, diễn viên múa trẻ, đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng bằng cách tổ chức các cuộc thi như "Tài năng biểu diễn múa", "Tác phẩm múa ít người", "Tác phẩm múa dân gian các dân tộc Việt Nam"…

Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam cho biết, sẽ cố gắng tạo dựng và đưa ra những tác phẩm múa mà cuộc sống cần, tăng tính ứng dụng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của khán giả. Cuộc thi sáng tác múa hài chính là cách để thu hút khán giả và tạo sức sống mới cho múa.

Mong muốn đưa múa đến gần hơn với công chúng là vậy, nhưng cái yếu của cuộc thi lại chính là công tác quảng bá, tuyên truyền. Rất ít thông tin về cuộc thi, cũng như tác giả, tác phẩm tham gia cuộc thi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Múa chỉ có thể đến gần hơn với công chúng khi được công chúng biết đến, hiểu nhiều hơn về múa. Ngay cả với múa hài cũng vậy, nếu không hiểu nội dung tác phẩm thì khó mà có thể thấy hay và bật cười khi thưởng thức. Xem ra, con đường chinh phục khán giả, để khán giả hiểu và yêu múa vẫn là chặng đường dài ở phía trước.

Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 3 giải A, mỗi giải 12 triệu đồng cho các tác giả và tác phẩm: "Tễu đời" (NSƯT Nguyễn Văn Dũng, Nông Thị Minh Hằng), "Báu vật của cha" (Biên đạo Tống Mai Len), "Chuyện công viên" (Trần Tấn Thông). 6 tác phẩm đạt giải B, mỗi giải trị giá 9 triệu đồng gồm: "Cháo hành" (Đỗ Thị Kim Tiển), "Khởi nghiệp" (Huỳnh Nhật Danh), "Xuân Thì" (Phạm Quỳnh Dương và Nguyễn Phương Linh), "Sống ảo" (Võ Thu Hương), "Hãy cho tôi rác" (Phạm Ngọc Hiền), "Đi bắt cá" (Ktiêng). 5 tác phẩm đạt giải C mỗi giải trị giá 7 triệu đồng gồm: "Nữ hoàng kinh trưởng" (Lê Hoàng Châu), "Mục đồng" (Trần Quốc Bảo", "Ô của quan" (Nguyễn Hải Trường), "Cú Nhỉa Cạu" (Phạm Thị Thu), "Xuôi và ngược" (Phạm Hồng Hà).
Tường Phạm
.
.