Mưa của ngày xưa

Thứ Sáu, 11/12/2020, 11:54
Mẹ giơ tay ra hứng mưa, từng ngón gầy guộc dưới lớp da đồi mồi mỏng tang nhìn rõ từng đường gân xanh vất vả, tưởng chừng đang đâm chồi, nảy lộc mỗi giêng hai. Khó nhọc ơi hãy cứ ở lại sau lưng mẹ, âu lo hãy cứ ở lại sau lưng mẹ nhé, để mưa ngày xưa mang nỗi nhớ bay về, dâng lên và tràn qua kẽ tay.


Thường thì trong câu chuyện của mẹ tôi cũng hay bắt đầu bằng ngày xưa. Và ngày xưa của mẹ tôi vẫn trở về bằng những trận mưa. Mẹ ra đứng bên cửa sổ để ngắm mưa. Mưa gõ nhịp trống trên mái rêu xanh mướt như lá sen non, sen già trong ao chùa tháng bảy. Mưa trút tiếng hát xuống dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa đang nhoài về phía biển.

Mưa ban từng hạt châu, hạt ngọc lên hàng cây sấu xòe tay như reo, như múa. Mái rêu đang nóng như chảo rang, sông Hồng đang nằm oằn mình khô khát, hàng cây sấu đang đứng trễ nải rũ rượi bỗng bừng lên non nõn, mơn mởn trong sự hồi sinh bất tận. Mặt đường như một cô gái dày dạn nuốt chửng ngay nụ hôn mưa đầu tiên vừa chạm lên da thịt. 

Nhưng mưa như một chàng trai mạnh mẽ hôn bạo liệt, tới tấp khiến cho mặt đường ướt nhoẹt ra, mềm nhũn đi trong vòng tay tình ái của mưa. Con đường bỗng chốc hóa ra dòng sông, và dòng sông biến thành con đường. Con đường chảy thi cùng dòng sông, và dòng sông chạy thi với con đường về nơi cùng trời, về nơi cuối đất. 

Con đường và dòng sông khác nhau về đam mê nhưng giống nhau về khát vọng muốn chinh phục những vùng trời khác, những miền đất mới. Dằng dặc triền sông mưa. Hun hút ngả đường mưa. 

Mỗi khi nhìn thấy mẹ ngắm mưa bên cửa sổ, hình ảnh ấy với tôi bình yên và thương mến đến lạ kì. Bao nhiêu âu lo, khó nhọc của cuộc sống áo cơm tất bật đều được gột rửa, và ý nghĩ trong đầu cũng được thanh tẩy sạch sẽ bụi trần. 

Mẹ giơ tay ra hứng mưa, từng ngón gầy guộc dưới lớp da đồi mồi mỏng tang nhìn rõ từng đường gân xanh vất vả, tưởng chừng đang đâm chồi, nảy lộc mỗi giêng hai. Khó nhọc ơi hãy cứ ở lại sau lưng mẹ, âu lo hãy cứ ở lại sau lưng mẹ nhé, để mưa ngày xưa mang nỗi nhớ bay về, dâng lên và tràn qua kẽ tay.

Tôi nhớ ngày thơ bé, bà tôi đưa võng đay ru em gái tôi ngủ bằng những lời ru da diết, thẳm sâu “À ơi… Cái cò đi đón cơn mưa. Tối tăm mù mịt ai đưa cò về?”. Lời ru uốn cong ngọn tre cuối thôn muôn nghìn dấu hỏi. Lời ru nhe nanh chó đá cổng làng tháng ba bụng đói. Lời ru gặp mẹ đi cấy đồng sâu, sợ lưng mẹ mỏi. Vẫn cầm cổ lôi về con trắm, con trê. 

Tôi bỗng thấy hai tay mình biến thành đôi cánh và toàn thân mọc đầy lông vũ trắng muốt. Tôi lặn lội bay ngược cơn mưa, bay ngược triền sông, bay ngược bờ đê để trở về với ngày thơ bé. Có lúc đôi cánh mỏi rã rời tưởng chừng như sắp gãy rời, muốn ngã lộn cổ, nhưng tôi không thể thành món xáo măng nước đục đau lòng như trong câu ca dao xưa, tôi lại gắng gượng, miệt mài bay tiếp. Tôi không thể nào gục ngã được.

Làng Hoành Nha của tôi kia rồi – đằng sau đám mây đen, ở cuối cơn mưa rào. Mưa to quá, nặng hạt quá như ông Trời đang ném từng vốc sỏi xuống trần gian, như thần Mưa bắn liên tiếp một trăm mũi tên từ cánh cung trúng hàng trăm đích, như mẹ tôi vung tro, vãi trấu sau vụ chiêm mùa. Bay qua cánh đồng Diệc Mạ, tôi không gặp mẹ tôi đi cấy, đi cày chắc trời mưa to mẹ tôi đã chạy vào trú trong quán gạch giữa đồng.

Bay qua cổng làng, tôi vẫn gặp hai con chó đá sừng sững đứng canh, chẳng biết người ta đã cho ăn chưa mà vẫn thấy hai con chó đá nhe nanh dọa nạt trông thật dữ tợn. Tôi đậu xuống một ngọn tre – một dấu hỏi giữa muôn nghìn dấu hỏi. Khói bốc lên từ mái rạ, gặp mưa khói mờ hơi sương. Nhà nghèo, khói cũng nghèo, khói nghèo nhưng mà khói thơm quá, điếc cả mũi, ù cả tai. 

Bà tôi đang ngồi trong bếp kho cá đấy, chỉ có kho cá mới thơm như thế. Chẳng biết cá trê kho nghệ hay cá trắm kho riềng. Lửa từ gộc củi nhãn đang nhảy nhót quanh chiếc niêu đất màu da lươn. Tro tàn theo gió bốc lên nghi ngút bám trắng gác bếp bồ hóng, nhuộm trắng tóc bà sương khói, và phủ trắng tuổi thơ tôi lam lũ, nhọc nhằn.

Mưa khiến cho sân gạch hồng tươi như làn môi cô thiếu nữ thô kệch làng Hoành Nha nghèo khó lần đầu thử đánh son theo lối tỉnh của mợ kí, mợ phán đài các trên thành Nam phồn hoa đô hội, vừa muốn khoe, lại vừa sợ mẹ đánh đòn. Mưa làm cho ao bèo dâng lên tới nửa sân, và từng đàn cá rô rủ nhau rạch vây cứng như thép nung, sắc như dao phay lên mặt sân loang loáng ánh bạc. Tiếng ếch nhái ra rả học thuộc lòng bài tập đọc “Ếch kêu uôm uôm. Ao chuôm đầy nước…”. 

Đám trẻ con cởi truồng chạy ào ra sân lội bì bõm. Mưa gieo nốt nhạc trên mái tóc khét nắng, trên làn da đồng hun hòa theo giọng đồng dao át tiếng mưa rào “Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy đầy bát cơm…”. Bà tôi bảo, tắm mưa cho hết rôm sảy, phòng ốm đau, chẳng bù cho trẻ con bây giờ, mới hơi dính tí nước mưa, dù đã lau khô, tắm rửa mà vẫn lăn ra cảm sốt, phải thuốc thang, tiêm truyền chán chê mới khỏi.

Đám trẻ con reo lên như vỡ đê, như đánh trận giả khi bố chúng vừa tóm gọn đàn cá rô mải chơi bằng một mẻ lưới điêu luyện, gọn gàng. Mưa lẩn vào trong vườn trước, ngước nhìn lên thấy chị bưởi đã cởi yếm đào để ngực trần thật lẳng lơ, anh gió phong tình khẽ động vào làm đung đưa những căng tròn, mọng mẩy. Xấu hổ quá, mưa cúi đầu xuống thấy một em gà nhép lạc mẹ đang run sợ nép mình dưới luống khoai ngứa xòe ra như một cái ô tí hon. 

Mưa trốn ra ngoài đường thôn, gặp mấy thím, mấy dì đang về chợ, đầu đội thúng, hai tay chẳng cần giữ thúng cứ tha hồ vung vẩy, đội thúng mà như đội cả trời mưa, miệng bỏm bẻm nhai trầu, quết trầu đỏ lòm, chân tõe ra như chân gà mái bám vào đường thôn nhầy nhụa bùn đất. Bùn đất cũng nâu sồng như áo sồi, áo đũi. Ven đường cỏ may cặm cụi khâu áo bằng cơn mưa dài như sợi chỉ. Và ngoài kia là mênh mông đồng ruộng, lúa đang cúi đầu tạ ơn những giọt mồ hôi của người nông dân hai sương, một nắng gieo trồng.

Thế mà mưa vẫn không lẩn trốn được khỏi bàn tay vi diệu của ông tôi. Ông tôi giỏi lắm nhé, ông tôi có tài bắt mưa rào nhốt vào trong vại sành, bằng cái vòi mo nang quấn quanh thân cau. Mưa rào ấy ông tôi dùng để đun nước pha trà bằng ấm tử sa. 

Mỗi sớm mai bên thềm nhà, khi đàn sẻ tha nắng lên mái ngói, nghe thoang thoảng đâu đây trong vị trà hương nhài trắng ngần, hương sen hồng ửng, bà tôi ngâm mấy câu thơ theo điệu bồng mạc “Thân em như hạt mưa rào. Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa…”. Giọng bà văn vắt như hạt mưa rào giếng khơi, ngan ngát như hạt mưa rào vườn hoa.

Bà tôi bảo, mưa to mấy rồi sẽ tạnh, đau khổ mấy rồi cũng sẽ bình yên. Chẳng phải chúng ta đều tìm kiếm sự bình yên trong cõi người chật hẹp này hay sao? Hình như mưa tạnh rồi, bà ạ. Cháu thấy lòng đã bình yên trở lại khi lặn lội thân cò trong mưa rào để bay về với ngày xưa yêu dấu. Giờ cháu lại bay đi, nơi có mẹ đang đứng bên cửa sổ, cái cửa sổ sơn xanh ấy như lòng mẹ không bao giờ khép, dù bão, dù mưa, để đợi cháu về, phải không bà…

Hoàng Anh Tuấn
.
.